Giỗ tổ võ trên miền đất võ
11:47', 27/2/ 2005 (GMT+7)

Mồng 9 tháng Giêng Ất Dậu (17-2), chúng tôi có mặt tại võ đường võ sư Phan Thọ (thôn Thủ Thiện, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) để tham dự lễ giổ tổ võ, cảm nhận truyền thống thẳm sâu của một vùng đất võ…

Võ sư Phan Thọ (người mặc áo thụng đỏ) làm chánh tế trước bàn thờ tổ.

Ngôi nhà nhỏ ba gian của võ sư Phan Thọ nằm sâu trong xóm. Trước hiên nhà có sân rộng lát gạch để tập võ, nay dựng sạp để đón môn đệ, tiếp bằng hữu từ khắp nơi tụ về. Lão võ sư năm nay 78 tuổi, lo chỗ nọ, chu tất chỗ kia, và ánh mắt ánh lên niềm vui khi nhìn những lớp đệ tử từ các nơi tụ về trong ngày giỗ tổ…

Thật ra, mỗi võ đường, lò võ giỗ tổ vào một ngày khác nhau tùy theo quy ước. Như võ đường võ sư Phan Thọ giỗ vào ngày 9 tháng Giêng, còn ngay tại từ đường của ông Cai Bảy, khi võ sư Nguyễn Thiếp còn sống, thường tổ chức giỗ tổ vào ngày 4 tháng 9 âm lịch, còn làng võ Thuận Truyền (xã Bình Thuận) thì giỗ tổ vào ngày 12 tháng 2 âm lịch. Võ sư Phan Thọ cho biết: "Võ thuật đã ra đời từ rất lâu, nhưng tổ võ thì chúng tôi thờ ba anh em nhà Tây Sơn, phần vì công trạng lớn lao của ba ngài, phần vì chính ở thời kỳ Tây Sơn võ đã được hội tụ, hoàn chỉnh, biến đổi lên một tầm vóc mới, phục vụ cho mục đích nghĩa hiệp".

Lễ giỗ tổ của một võ đường, nhưng thoáng qua, tôi bắt gặp khá nhiều vị "cao thủ võ lâm" từ các võ đường khác cùng đến dự. Võ sư Phi Long Vịnh từ huyện Tuy Phước có mặt từ sớm. Lại thoáng thấy ông Nguyễn Tấn Lân, cháu nội cụ Cai Bảy (tức Bảy Lụt, chính danh Nguyễn An, người mà năm xưa, võ sư Phan Thọ bái làm người thầy đầu tiên) cùng một số người đến từ làng võ An Vinh (xã Tây Vinh) cùng sang giỗ tổ. Nhiều nhất vẫn là môn đệ của võ sư Phan Thọ. Người quanh thôn, trong xã hay trong huyện, kẻ dưới Quy Nhơn và không thiếu những môn đệ từ ngoài Bắc hay tận miệt Kiên Giang cũng tìm về. Anh Dương Phan Minh, người Lạng Sơn, nay sống ở Phan Thiết, từ ba năm nay đã học võ với cụ Phan Thọ cũng vậy. Anh cho biết: "Hồi từ Lạng Sơn vào, nghe tiếng cụ, tôi tìm đến bái làm sư phụ rồi theo học từ đó. Sau này vào Phan Thiết, mỗi năm tôi đều về để thầy chỉ dạy thêm một số bài bản. Biển học vô bờ, mới được ba năm nên tôi chưa học được gì nhiều. Muốn gọi là tạm tinh thông cái căn bản của thầy, theo tôi nghĩ, chí ít cũng mất hàng chục năm ấy chứ".

Nghe chuyện anh Minh, tôi lại nhớ đến cuộc đời tầm sư học đạo ròng rã 20 năm với chừng... 12 vị thầy của võ sư Phan Thọ. 17 tuổi, võ sư Phan Thọ đã phải rời nhà, sang An Vinh học võ với ông Cai Bảy. 21 tuổi, lấy vợ mà cái nghiệp võ vẫn không dứt. Năm 24 tuổi, sau khi đã tinh thông những bài bản cao thâm của võ sư Cai Bảy, dù đã lập gia đình và sinh đứa con trai đầu lòng, được sự ủng hộ của vợ, ông tiếp tục tầm sư học võ. Ở An Vinh thì ông học thầy Cai Bảy, thầy Sáu Hà… qua An Thái lại học cụ Tàu Sáu (Diệp Trường Phát), lên Thuận Truyền nhờ cụ Hồ Ngạnh chỉ điểm côn thuật... Nhờ kiên tâm khổ luyện, võ sư Phan Thọ là một trong những người hiếm hoi tinh thông thập bát ban binh khí, cũng như các tuyệt chiêu của môn phái Tây Sơn: quyền pháp Ngọc Trản, Tiên Ông, Thần Đồng, Bát Quái, Ngũ Hành, Lão Mai; đao pháp Siêu xung thiên và Siêu công; côn pháp Bát quái, Thấp bộ Xà đản… Ngoài ra, ông còn áp dụng thông thạo các loại vũ khí hiếm gặp, chỉ lưu truyền ở dân bản địa Tây Sơn mà dân gian gọi nôm na là "võ thế", "võ vườn" như võ đòn sóc (đòn gánh hai đầu nhọn), võ bồ cào (chĩa ba mũi nhọn)… Và những câu chuyện về võ sư Phan Thọ như chuyện quần thảo với heo rừng, đánh bại võ sư ngũ đẳng huyền đai taekwondo… vẫn được truyền tụng trong võ lâm như những huyền thoại.

Võ sư Phan Văn Sơn biểu diễn Hùng Kê Quyền trong ngày giỗ tổ võ.

Mải chuyện, đã sắp đến giờ hành lễ. Võ sư Phan Đức, con trai võ sư Phan Thọ, tiết lộ, ngay từ đêm hôm qua, đã tiến hành cúng cô hồn. Nghi lễ được tổ chức từ 20 giờ tối, ngay giữa sân nhà, với con heo sống, mục đích là để cầu an. Và sáng mùng 9 tháng Giêng, chỉ biện lễ cúng chay, với nghi thức gồm đèn nhang, hương đăng trà quả, dâng lên tổ với lòng thành kính. Đến giờ cúng tổ, đã thấy võ sư Phan Thọ trang trọng với áo thụng đỏ, chít thêm chiếc khăn điều, hai bên là những bậc trưởng lão và một số môn đệ. Khi dàn nhạc trỗi lên khúc Lưu thủy, là nghi lễ dâng hương. Võ sư Phan Thọ làm chánh bái, cùng các bậc cao niên, các môn đệ dâng hương, đọc văn tế cúng tổ…

Sau những nghi thức cúng tế thiêng liêng, kính cẩn, là phần thao diễn của các võ sư môn đệ của lão võ sư Phan Thọ. Những bài Ngọc Trản, Hùng Kê Quyền, rồi Lão hổ Thượng sơn… được biểu diễn trong không khí vừa đầm ấm của ngày hội ngộ, vừa trang trọng của giờ phút thiêng liêng, cảm khái đặc biệt. Nó không đơn thuần chỉ là sự phô diễn hay để ăn thua, nó là sự thao diễn, để báo cáo với thầy, cũng là để bạn đồng môn cùng chứng cho sự trưởng thành trong võ học. Thú vị nhất là được xem lại Hùng Kê Quyền, bài quyền tương truyền do Nguyễn Lữ xem thế gà chọi sáng tạo ra, lại do đích thân võ sư Phan Văn Sơn, con trai cả của võ sư Phan Thọ biểu diễn…

Ánh mắt của lão võ sư Phan Thọ khi nhìn những thế hệ học trò biểu diễn, vừa có cái vui mừng, nhưng dường như vẫn ẩn chút gì đó vương vấn. Cái tâm sự ấy, sau đó, chính ông thổ lộ: "Thập bát ban binh khí có 9 song đấu thì hồi giờ tui mới truyền được một. Mà chính song đấu này mới khó, cái gì đấu với cái gì cho ăn khớp, rồi phải luyện rất nhiều... Cả những bài thảo của từng môn binh khí nữa. Vậy mà tui năm nay thì tuổi đã 80, không chừng chỉ nay mai xuống lỗ rồi…. chỉ mong có điều kiện, cơ hội để truyền dạy lại hết. Không thì uổng lắm".

. Lê Viết Thọ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
"Hùm xám miền Trung"  (01/02/2005)
Võ Tây Sơn - Bình Định  (01/02/2005)
Roi Kinh, quyền Bình Định  (01/02/2005)
Lễ hội Đổ Giàn ở An Thái  (01/02/2005)
Nơi định danh là Miền đất võ  (01/02/2005)
Lò võ An Thái  (01/02/2005)
Sách võ từ một ngôi chùa  (01/02/2005)
"Thần nhãn" Mai Thanh Tuấn  (01/02/2005)
Năm Gà kể chuyện Hùng Kê Quyền  (01/02/2005)
Làng võ Bình Định xưa và nay  (01/02/2005)