Phi Long bí truyền
16:40', 7/3/ 2005 (GMT+7)

Nhà chật, tôi vẫn nài võ sư Trương Văn Vịnh (thường gọi Phi Long Vịnh) đi một bài quyền. Cất vội điếu thuốc đang hút dở, ông thi triển ngay bài Ngọc Trản, điêu luyện, mạnh mẽ.

Qua ông, tôi hình dung cái thẳm sâu truyền thống của miền đất võ và của một dòng họ võ Bình Định. Hiện tại dòng họ ấy vẫn còn nguyên bốn đời theo nghiệp võ và được giới võ lâm miền Trung gọi là "Tứ đại đồng đường".

* Dòng họ cao thủ

Võ sư Trương Cần, 91 tuổi còn đủ sức múa đại đao

Họ Trương ở xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) chẳng ai là không biết võ. Ngay như đàn bà con gái cũng được truyền cho vài thế võ gọi là để phòng thân. Còn lớp anh em của võ sư Trương Cần, cha võ sư Vịnh, năm nay đã 91 tuổi, thì đều thuộc hàng cao thủ. Một là Trương Xuân Ba, biệt danh là Sáu Hòa, từng ẵm cúp đồng đen Đông Dương sau một trận so tài ở An Thái. Sáu Hòa nổi danh lì đòn, đa mưu.

Chẳng thế mà thời Việt Minh, có lần ông cải dạng... ăn cướp để lọt vào nội bộ băng đảng cướp Sáu Sinh diệt gọn tên tướng cướp nổi tiếng này. Khi đó ông phụ trách an ninh của xã. Người nữa là Trương Hoàng, biệt hiệu Ba Chăm, là một trong những người thầy của võ sư Hà Trọng Sơn. Các cao thủ ấy đều đã qua đời mà chưa có người nối nghiệp võ. Những bí kíp truyền thừa võ nghệ của dòng họ Trương nay chỉ còn ở võ sư Trương Cần mà Trương Văn Vịnh là người con trưởng, cũng là người nối nghiệp võ nghệ của ông.

Võ sư Trương Cần kể: "Năm tôi lên 10 tuổi, gia đình gửi tôi cho bác ruột là võ sư Trương Ninh để học võ. Ngày ấy, do cuộc sống nhiễu nhương nên mọi người học võ để hộ thân và bảo vệ tài sản khỏi bị trộm cướp... Năm 20 tuổi, tôi lấy vợ rồi sinh ra thằng Vịnh, khi cháu lên 8 tuổi tôi bắt đầu dạy cho cháu những đường quyền cơ bản, nhưng chỉ được vài năm tôi phải gửi cháu cho hai người anh dạy bảo tiếp, còn tôi tập kết ra Bắc...".

Theo học võ sư Trương Xuân Ba được mấy năm, Vịnh tiếp tục thọ giáo võ sư Ba Chăm. 10 tuổi, ông đã đi gọn bài Lão hổ thượng sơn và cả bài Tứ linh đao cực khó. Đường đao phủ kín bốn mặt, vùn vụt, bóng loáng, oai hùng. 18 tuổi ông đã bắt đầu thượng đài và cả thời trai trẻ của ông gắn liền với những trận so găng khắp Trung, Nam.

Năm 20 tuổi, tại Nha Trang, Vịnh đã "đụng độ" Thạch Khen, người Campuchia. Lão võ sư nhớ lại: "Thạch Khen là tay cừ khôi, cực kỳ lì đòn. Tôi đã dùng đủ mọi thế mà không làm sao hạ được, ngược lại tôi bị đánh tơi tả. Cả hàm răng như muốn rụng hết, mặt sưng vù. Lòng tự trọng dân tộc giúp tôi chịu đựng những đòn đánh của Thạch Khen. Cuối cùng tôi phải sử dụng đến ngón sở trường của mình là bay lên cao (phi long) đánh phủ xuống vào các huyệt đạo mới hạ được tay cao thủ này...".

Một trận khác cũng khiến ông nhớ đời là trận so tài với một võ sư tứ đẳng huyền đai taekwondo Hàn Quốc ở Gia Lai năm 1968. "Hồi đó, nghe nói đến tứ đẳng là ghê lắm. Thượng đài, tôi nghĩ chủ yếu là để học hỏi, với lại cũng để so lại xem kỹ thuật VN mình ra sao. Biết cái giỏi của anh võ Hàn là cước ống. Mình mà chỉ lớ xớ bên ngoài, đối thủ đá vắt ống cho hai cái là tiêu liền nên tôi phải nhập nội, bám đòn. Vậy là đối thủ dùng cước không được, mà kiềng thì võ Hàn lại dở. Tôi cứ găm vô các huyệt, tóa nhãn pháp rồi dùng Diệp hổ trảo đánh vào vị trí bàng quang. Chưa đầy năm phút võ sĩ Hàn Quốc đã gục".

* "Phi long" tuyệt chiêu

Cái làm nên tên tuổi của võ đường Phi Long Vịnh danh trấn miền Trung chính là tuyệt chiêu "phi long". Đòn này phải vừa đánh tới, lại vừa trả bài phóng hậu, rồi chân sau bay lên, dập luôn trên không, đánh phủ đầu vào bộ não. Võ sư nào cũng phải bái phục cái đòn bay thượng thặng ấy.

Tứ đại đồng đường của dòng họ võ Phi Long: ông cố, cha, con và cháu...

Năm 1970, trong chương trình biểu diễn võ thuật và thi đấu với các võ sư khét tiếng trong và ngoài nước lúc bấy giờ, võ sư Vịnh đã thi triển đòn đánh trên không biến ảo này nên ban tổ chức đã dùng tên đòn mà đặt cho môn phái của ông là "Phi Long".

Rồi hàng trăm võ sĩ qua sự đào tạo của võ sư Phi Long Vịnh đã thành danh, lại mở thêm nhiều võ đường mang tên Phi Long. Thậm chí, một số võ đường dù không liên quan gì cũng ăn theo "võ hiệu" Phi Long. Cái tên võ đường Phi Long Vịnh ra đời như một cách phân biệt.

Nghe tôi hỏi ấm ớ rằng cái đòn "phi long" ấy hẳn là một tuyệt kỹ có từ thời Tây Sơn, và liệu có liên hệ nào với người thầy của ba anh em Tây Sơn có tên Trương Văn Hiến, sách vở vẫn gọi là thầy giáo Hiến; võ sư Vịnh nói: "Hồi nhỏ tôi nghe nói là cũng có liên hệ, nhưng cũng chỉ nghe nói lại như vậy. Ngay ông nội tôi cũng đã gọi thầy giáo Hiến là ông cao rồi nên lớp sau như tôi cũng chẳng biết gì hơn. Còn nếu nói là bí kíp bí truyền chi chi đó thì thật ra cũng chẳng có đâu. Nhiều võ đường khác cũng biết đòn này cả đấy chứ, chỉ có điều họ không chuyên. Còn người họ Trương thì đã luyện đòn này từ hồi còn để chỏm. Tuyệt kỹ hay không cũng là nhờ tập luyện bã cả người ra mà nên đấy".

Mọi tinh túy của võ thuật cổ truyền mà võ sư Vịnh thọ giáo từ các bậc cha chú một lần nữa được ông trao truyền cho các con trai của mình. Trương Trọng Hải, người con trai thứ ba của ông, 50 lần thượng đài thì chỉ thắng hoặc hòa chứ chưa hề biết đến thất bại. Hải là "trợ thủ" đắc lực của cha trong việc đào tạo võ sinh cho võ đường. Trương Trọng Hùng, người con trai thứ tám mới 32 tuổi cũng đã có hơn 40 lần thượng đài...

Khi tôi đến thăm gia đình, võ sư Vịnh vẫy tay gọi đứa cháu ngoại Nguyễn Hoàng Vũ (12 tuổi) đang chơi ngoài sân vào để biểu diễn vài bài quyền cho khách xem rồi ông nói: "Thằng cháu nội của tôi là Trương Trọng Hòa mới là thằng khá nhất. Nó mà đi quyền thì cả hình-ý-thần đều được thể hiện rõ nét...".

. Theo Tuổi Trẻ chủ nhật

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giỗ tổ võ trên miền đất võ  (27/02/2005)
"Hùm xám miền Trung"  (01/02/2005)
Võ Tây Sơn - Bình Định  (01/02/2005)
Roi Kinh, quyền Bình Định  (01/02/2005)
Lễ hội Đổ Giàn ở An Thái  (01/02/2005)
Nơi định danh là Miền đất võ  (01/02/2005)
Lò võ An Thái  (01/02/2005)
Sách võ từ một ngôi chùa  (01/02/2005)
"Thần nhãn" Mai Thanh Tuấn  (01/02/2005)
Năm Gà kể chuyện Hùng Kê Quyền  (01/02/2005)
Làng võ Bình Định xưa và nay  (01/02/2005)