Huyền thoại đất võ Tây Sơn
16:30', 6/4/ 2005 (GMT+7)

Đạo cao long hổ phục - Đức trọng quỷ thần kinh, là câu mà giới võ học đề tặng võ sư Phan Thọ, nhân vật truyền kỳ đất võ Tây Sơn. Cuộc đời ông gắn liền với tinh võ cổ truyền từng xuất lộ từ buổi đầu khởi nghiệp của các đấng minh quân. Vị võ sư thuộc hàng cao thủ này sau bao năm thăng trầm cùng nghiệp võ vẫn trụ vững hiên ngang như một huyền thoại không thể nhạt nhòa...

* Ba làng võ nổi danh từ thuở khai sơn mở cõi

Võ sư Phan Văn Sơn (con trai lão võ sư Phan Thọ) đang biểu diễn Hùng kê quyền (ảnh: Viết Thọ)

Dẫu lão võ sư đã tròn tuổi 80, nhưng tâm huyết về nghiệp võ vẫn chưa hề nguôi ngoai. Võ sư Thọ kể rằng, An Vinh, Thuận Truyền, An Thái vốn là ba làng võ nổi danh từ những buổi đầu khai sơn mở cõi, từng xuất hiện nhiều anh tài lẫy lừng nghiệp võ biểu trưng cho cả một vùng đất qua những câu ca xưa "Roi Thuận Truyền, quyền An Thái" hay là "Trai An Thái, gái An Vinh"...

Làng An Vinh nằm ven bờ Bắc sông Côn thuộc xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn. Những cư dân đầu tiên đến đây trong cuộc hành trình tìm nơi an cư lập nghiệp nhưng lại rất đam mê nghiệp kiếm cung. Khoảng những năm 1940, có nhiều võ sư tinh thông võ nghệ như Hương mục Ngạc, Cai Bảy (Cai Kềnh), Kiểm Mỹ, Hộ Hải, Hai Điển, Tàu Sáu... vang danh khắp xứ. Cũng trong khoảng thời gian này, làng võ Thuận Truyền (nay thuộc xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn) khẳng định tên tuổi của mình bằng những bài roi thiên biến vạn hóa mà sư tổ là Hồ Ngạnh. Tương truyền, An Thái bấy giờ (nay thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn) là trung tâm huấn luyện võ thuật thuộc phái võ Tàu. Ba anh em nhà Tây Sơn - Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ từng đến đây thọ giáo võ công... Hiện nay, những làng võ này vẫn còn tồn tại các võ đường nhưng võ sinh thì ngày một thưa dần. Người đam mê nghiệp võ chân truyền ngày càng hiếm.

* Bán bò... học võ

Đâu đó trong căn nhà nhỏ phủ bóng rêu phong nép mình hiền hòa bên cánh đồng xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn vẫn còn hiển hiện quá khứ oai hùng những năm tháng miệt mài khổ luyện võ công của huyền thoại đất võ Phan Thọ. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, quanh năm tảo tần với ruộng đồng. Thuở nhỏ, ông từng đi chăn thả trâu, bò và làm lụng đủ việc. Ngoài chuyện đêm ngày lo cơm áo gạo tiền, gia đình ông chẳng ai màng đến chuyện theo đuổi nghiệp võ. Như có một mối cơ duyên, cậu bé họ Phan đã nung nấu niềm đam mê lĩnh hội tinh hoa võ học cổ truyền, để rồi tên mình sau đó gắn liền với nhiều giai thoại.

18 tuổi, võ sư Phan Thọ quyết chí tầm sư học đạo. Ông đã tự mình tìm đến những danh thủ uyên thâm võ học, tâm quán thiên thu thỉnh giáo kinh công với lòng ngưỡng phục của kẻ hậu bối. Chặng đường tầm sư của ông cũng lắm truân chuyên. Ông bảo, thời ấy việc truyền dạy võ công chỉ theo tục cha truyền con nối hoặc là anh truyền dạy cho em. Với người ngoại tộc, việc truyền thụ dường như rất khó, họ lo sợ những kỳ công gia truyền không còn giữ được vị thế độc tôn. Hơn nữa, người ta kháo nhau là "giàu học võ, khó học văn" mà. Tâm sáng ắt sẽ cảm được tình sâu. Ông vẫn trì chí ấp ủ ước nguyện, thế là các bậc cao thủ thâu nhận ông làm môn sinh cật ruột, đêm ngày truyền thụ võ công.

Bước vào con đường khổ luyện võ học suốt 18 năm đằng đẵng, ông kinh qua sở học của 7 bậc cao thủ đương thời thông tuệ thập bát ban binh khí. Ở An Vinh, ông học thầy Cai Bảy, thầy Sáu Hà; qua An Thái học cụ Tàu Sáu; lên Thuận Truyền thỉnh giáo côn thuận của cụ Hồ Ngạnh... Kiên tâm khổ luyện, võ sư Phan Thọ lĩnh hội được những chiêu thức tuyệt kỹ của môn phái Tây Sơn như: quyền pháp Ngọc Trản, Tiên Ông, Thần Đồng, Bát Quái, Ngũ Hành, Lão Mai; đao pháp Siêu xung thiên và Siêu công; côn pháp Bát quái, Thấp bộ Xà đản... Võ sư Thọ nhớ lại, hồi đó nhà có 3 con bò chuyên phục vụ cày, kéo. Vì không có lễ vật bái tổ và trả ơn cho thầy, ông phải năn nỉ hai cụ thân sinh bán bớt 2 con. Cũng may là các cụ mủi lòng đồng ý, nghiệp võ nhờ đó được thuần thục.

* Chế ngự cao thủ nước ngoài

Tỉnh Bình Định hiện có 10/11 huyện, thành phố thành lập chi hội võ cổ truyền với gần 100 phòng tập và CLB võ thuật cơ sở hoạt động. Bên cạnh đó, còn có Hội võ cổ truyền trực thuộc Liên đoàn võ thuật quản lý trên 80 võ sư, chuẩn võ sư, huấn luyện viên và thường xuyên có trên 1000 võ sinh. Thế nhưng ngày càng hiếm dần những võ sĩ lĩnh hội thuần thục tinh võ cổ truyền.

Sau gần 20 năm vun bồi công phu thượng thừa cùng với mẫn cảm võ học thiên phú giúp ông trở thành một trong những "đấu sĩ" hàng đầu trên các võ đài thuở ấy. Giờ ở tuổi 80, ông không nhớ hết những lần đăng đài sinh tử khắp miền đất nước. Trận đấu khẳng định vị thế võ cổ truyền Tây Sơn diễn ra vào năm 1972. Lúc này, ông đã bước qua tuổi ngũ tuần nhưng đã hạ gục một tên sĩ quan mang đai đen ngũ đẳng taekwondo thuộc Sư đoàn Mãnh Hổ của Nam Triều Tiên trước sự khâm phục của hàng vạn người. Ông khoái chí: "Lần đầu tiên chạm trán với một thứ võ lạ của ngoại quốc, tui cũng ngại lắm. Xung trận kịch liệt, đôi bên đều tung chiêu thức hòng "kết liễu" đối thủ. Gần cuối trận đấu, đối phương tung một đòn đá vòng cầu ngang mang tai của tui. Thấy vậy, tui áp dụng bí quyết "Tấn đả tam chiến" của quyền pháp Ngọc Trản, nhập nội một chân gài, một chân "quét ngựa", một tay đỡ đòn đá, một tay xòe hổ trảo tấn công vào đan điền của hắn theo tuyệt kỹ chính xác và linh hoạt "hạ địa tầm châu" của thảo bộ "thiền sư". Thế là viên sĩ quan bị "nốc ao"...! Rồi mới đây, vào năm 1998 - khi ông đã bước qua tuổi thất thập, một đoàn võ sĩ Hàn Quốc lại tìm đến tận nhà. Họ thách đấu nhằm hạ bệ uy thế của võ cổ truyền. Tui đã già rồi, chẳng màng gì chuyện hơn thua. Họ tự cao rằng, võ cổ truyền gì mà chưa đánh đã thua! Nghe vậy, máu yên hùng sôi lên trong người. Tui nhận lời so tài. Tụi nó trẻ, khỏe, ra đòn vun vút như tên bắn. Tui vận dụng những đòn thế "võ vườn" để chống trả. Đối phương vận hết sức mạnh bình sanh, tung hàng chục cú đá sở trường karatedo như trời giáng nhắm vào người tui. Cú đá cuối cùng "lạc hướng" trúng phập cột trụ hiên trước nhà, làm nứt một đường lớn, bụi vôi vữa rơi lả tả xuống sân. Tôi chớp thời cơ, quét chân hạ gục đối phương. Lập tức, họ chắp chắp tay bái phục: "Đúng là võ Tây Sơn danh bất hư truyền!", và ở lại Bình Định hai tuần nhờ tui chỉ giáo".

* "Song đấu" với heo rừng

Lão võ sư này "để đời" không chỉ chuyện bán bò học võ, làm rạng danh môn phái trước các cao thủ nước ngoài mà giai thoại "song đấu" với đàn heo rừng, có con nặng hơn trăm ký được người đời truyền tụng cũng là chuyện hy hữu, có một không hai ở xứ này. Chuyện trò cùng chúng tôi, ông khoe bộ nanh chiến lợi phẩm dài gần nửa gang tay mà ông lưu giữ hơn 50 năm qua. Những năm giặc Pháp chiếm đóng quê ông, tiếng súng đạn đì đùng suốt ngày khiến lũ heo rừng hoảng sợ dạt ra càn phá ruộng lúa, ruộng mía của bà con. Một hôm, bà con phát hiện một con heo rừng nấp trong một lùm cây ven đồng. Hàng chục thanh niên trai tráng giỏi võ trong làng bủa vây vòng trong vòng ngoài, tay dao tay cuốc xông vào hạ con mãnh thú. Nhưng rồi đều bị nó húc tơi tả. Được tin, võ sư Phan Thọ tức tốc đến giải cứu. Ông kể, phải quần thảo liên tục suốt ba bốn giờ đồng hồ với con heo dữ trong trận thế sáp lá cà, gãy gần chục cây trường côn và vận dụng tuyệt kỹ hồi đầu yểm nguyệt mới hạ gục được nó.

* Những người trẻ yêu võ Việt Nam

Cũng như hơn 60 năm về trước, cơ duyên đã đưa ông đến với những cao thủ võ lâm. Thì nay, trong căn nhà nhỏ ấy cũng đang hiện tiền hai kẻ hậu bối vốn là anh em ruột tự tìm tới học đạo từ một mảnh đất xa lơ xa lắc cách hơn ngàn cây số mà ông cũng chưa từng biết đến trước đó. 28 tuổi, Lưu Hồng Loan quê ở huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ ngưỡng phục tài năng võ học của võ sư Phan Thọ, đã rời xa gia đình cất công lặn lội vào đất võ Bình Định "tầm sư". Anh bảo, tìm đến sư phụ Phan Thọ cũng chỉ vì say mê tinh hoa võ cổ truyền; hơn nữa là người Việt Nam thì phải tiếp thụ võ Việt Nam chứ. Ai cũng cứ đua nhau đi học võ của nước ngoài thì vốn quý của ông cha để lại làm sao truyền giữ nguyên vẹn được! Đã 3 năm, kẻ hậu bối họ Lưu "ăn dầm nằm dề" hí húi cùng võ sư Phan Thọ khổ luyện võ học. Hồng Loan là người duy nhất được thầy truyền thụ lại các chiêu thức của thập bát ban binh khí và anh đã biểu diễn khá thuần thục 18 món binh khí ấy. Dẫu vậy, anh Loan khiêm tốn bảo là chỉ mới "ngửi thấy võ", chứ biển học còn rộng dài lắm. Sau khi xuất ngũ, Lưu Hồng Thuận, người em út trong nhà cũng nối gót theo anh. Được võ sư Phan Thọ chỉ giáo, hai người anh em lại tiếp tục cùng nhau luyện tập chiêu thức võ công thuộc về phần song đấu. Mỗi ngày, ngoài việc sáng tối thỉnh giáo võ công, hai anh em Loan - Thuận xắn tay áo ra đồng chăm bón, rồi cả thu hoạch ruộng lúa cho sư phụ, rảo quanh khắp cánh đồng trước nhà lượm lặt ốc bưu vàng về làm cơm... Anh tâm sự đã là con cái trong nhà của võ sư Thọ rồi, đến dịp Tết mới xin thầy về lại thăm quê một lần. Quả là hành trình đến với cội nguồn võ học cũng lắm gian truân.

. Theo Thanh Niên

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phi Long bí truyền  (07/03/2005)
Giỗ tổ võ trên miền đất võ  (27/02/2005)
"Hùm xám miền Trung"  (01/02/2005)
Võ Tây Sơn - Bình Định  (01/02/2005)
Roi Kinh, quyền Bình Định  (01/02/2005)
Lễ hội Đổ Giàn ở An Thái  (01/02/2005)
Nơi định danh là Miền đất võ  (01/02/2005)
Lò võ An Thái  (01/02/2005)
Sách võ từ một ngôi chùa  (01/02/2005)
"Thần nhãn" Mai Thanh Tuấn  (01/02/2005)
Năm Gà kể chuyện Hùng Kê Quyền  (01/02/2005)
Làng võ Bình Định xưa và nay  (01/02/2005)