Văn hóa các làng võ Bình Định:
Thuận Truyền: vang danh những đường roi
11:32', 8/4/ 2005 (GMT+7)

Làng võ Bình Định là một nét độc đáo riêng trong truyền thống văn hóa Bình Định. Trong đó, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn vốn là một vùng quê khoai sắn, ấy vậy mà nơi đây lại vang danh bởi cái tên Thuận Truyền với lời truyền tụng: "Roi Thuận Truyền - quyền An Vinh..."

Phải lò dò vào những ngách nhỏ ngoằn ngoèo, vun đầy cát ở làng Hòa Mỹ, mới tìm được ngôi nhà xưa của võ sư Hồ Nhu (thường gọi là Hồ Ngạnh). Trước nhà, một mái hiên lợp tôn thông thống bốn phía. Võ sư Hồ Sừng, cháu nội võ sư Hồ Nhu, năm nay đã 65 tuổi, cho biết: "Tui mới cất năm ngoái để tập võ vào mùa mưa, còn như mùa hè thì tận dụng luôn cả hai khoảnh ruộng làm sân tập".

* Từ huyền thoại làng võ

80 tuổi, đường roi của võ sư Hồ Nhu vẫn cứng cáp.

Roi Thuận Truyền xa nữa không rõ ông tổ là ai, nhưng võ sư Hồ Nhu được xem như một sư tổ. Ông sinh năm 1891, cha từng là một võ quan triều Nguyễn, mẹ người Huế, cũng là con nhà võ. Chuyện xưa kể, một lần do bị bức hiếp, Hồ Nhu đã đánh trả con trai một ông Hương Kiểm trong làng. Ông Hương Kiểm xách gậy đi tìm, đòi đánh ông. Mẹ ông đã giở ngay cán cuốc đánh ngược lên một thế. Vậy là cái gậy trong tay Hương Kiểm bay vù tận ngõ. Từ đó, Hồ Nhu bắt đầu theo mẹ luyện võ. Nhưng theo võ sư Hồ Sừng, hồi bé, võ sư Hồ Nhu chưa được mẹ dạy võ. Ông phải tìm học ở nhiều ông thầy khác, như học roi của Ba Đề, học nội công của Đội Sẻ, tiếp đến học roi của Hồ Khiêm và theo Quách Tấn - Quách Tạo thì ông còn được một tạo sĩ (đậu tiến sĩ võ) truyền dạy thêm. Khi đường roi đã cứng cáp vì kết hợp tinh hoa của nhiều thầy, thấy được, mẹ ông mới tinh truyền thêm. Đường roi càng trở nên thiên biến vạn hóa, sâu hiểm khôn lường.

Khoảng năm 1932, tiếng tăm ông vang dội khắp bốn tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú, học trò đến thọ giáo rất đông. Quá 80 tuổi, Hồ Nhu vẫn còn thao diễn roi, đường roi vẫn cứng và đẹp. Con trai mất sớm, ông truyền nghề cho cháu nội, là võ sư Hồ Sừng hiện nay. Võ sư Hồ Sừng kể: "Bao giờ thâu nhận học trò, ông cũng thử trước rồi dạy sau. Học trò ông có Mười Mỹ, Đinh Văn Tuấn, Năm Tạo, Sáu Được... đều đã có danh có tiếng, trong xã thì có Lê Thành Viên, thường gọi Ba Hào, và Lê Bá Cừu, tức Sáu Dật. Mà yêu cầu của ông với học trò, kể cả con cháu trong nhà cũng vậy, cao lắm".

Năm nay đã 90 tuổi, võ sư Lê Thành Phiên (làng Đại Chí, xã Tây An) vẫn minh mẫn. Ký ức ông vẫn vẹn nguyên hình ảnh người thầy vóc người cao to, dạy học trò rất nghiêm: "Thầy dạy ngày ba buổi. Thầy dạy kỹ, nhưng trò phải tập cho tinh. Nhờ vậy nên tui học kể ra thì cũng hổng nhiều, đâu có 18 tháng, nhưng cũng được truyền dạy cơ bản". Lão võ sư có vẻ hơi buồn, chẳng là vài năm gần đây, tuổi cao, nên giỗ tổ chẳng thể lên nhà thầy.

* Đến đường roi bí truyền

Roi là một loại binh khí tiêu biểu của võ Bình Định. Roi làm bằng gỗ dẻo, mây già hoặc tre đặc, to nhỏ tùy theo bàn tay người sử dụng lớn, nhỏ. Nhiều võ đường ở Bình Định rất giỏi về roi như: Lâm Ngọc Phú, Bửu Thắng (An Nhơn); Hà Trọng Sơn, Phi Long Vịnh và phái võ ở chùa Long Phước (Tuy Phước); Phan Thọ (Tây Sơn)…

Người thầy dạy của võ sư Hồ Nhu là Hồ Khiêm với đường roi "lạc côn", cũng là một đường roi tuyệt kỹ. Rồi các đường roi như: "đâm so đũa", "roi đánh nghịch", "đá văng roi", "phá vây", "roi chiến"… đều là những bảo vật bí truyền của võ Bình Định.

Võ sư Hồ Sừng, cháu nội cụ Hồ Nhu, tiếp nối truyền thống võ học gia đình.

Một bài roi gồm hai phần: lời thiệu và động tác. Lời thiệu thường là thể thơ, ca dao dân gian… Động tác là các đòn thế tấn công và phòng thủ theo các phách cơ bản như: bát, bắt, triệt, chận (nặng về thủ để triệt phá các đòn tấn công của đối phương); hoành, khắc, lắc, tém (vừa thủ vừa công). Thủ ở đây không có nghĩa thụ động, mà phải dùng các phách hợp lý để triệt tiêu đòn tấn công đối phương rồi ra đòn tiêu diệt đối phương. Hay có thể giả vờ trá bại, dụ đối phương vào thế. Có lúc phải dùng trừ công để thủ tức là khi đã trừ được các đòn tấn công của đối phương, phải thủ cho kín chặt, không cho đối phương ra đòn tấn công tiếp, rồi phán đoán nhanh xem đối phương phản ứng để có đối sách...

Mỗi môn phái ở Bình Định có các đòn roi bí truyền nhưng đường roi Thuận Truyền vang danh nhất. Cái bí truyền của những đường roi đã đi vào những câu chuyện truyền tụng, thật - hư lẫn lộn...

* Bảo tồn một nét văn hóa

Cả làng Thuận Truyền hiện tại không còn lò võ nào. Riêng ở làng Hòa Mỹ, vốn cùng trong tổng Thuận Truyền xưa, còn duy nhất lò võ của võ sư Hồ Sừng. "Thật ra, tui cũng chẳng còn dạy được mấy. Hiện giao cho con trai là Hồ Cương đứng lớp. Riêng những ngày hè học sinh học rất đông, tui phải huy động cả 6 thằng con trai về đứng lớp"- võ sư Hồ Sừng nói. Truyền thống xưa của một làng võ vậy là chỉ nương lại ở một lò võ nằm ở nơi ngách sâu nhất của những đường làng.            

Mời võ sư Hồ Sừng ra thao diễn bài roi Thái Sơn. Cắp cây roi bên hông, võ sư nói: "Chú xem thì thấy khác đấy. Bài roi này so với bài quy định của Sở TDTT, thiệu thì như nhau nhưng nét đánh vẫn khác. Có người nhận xét là dễ coi hơn, nhưng biết làm sao, người ta đã quy định rồi...".

. Lê Viết Thọ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Huyền thoại đất võ Tây Sơn  (06/04/2005)
Phi Long bí truyền  (07/03/2005)
Giỗ tổ võ trên miền đất võ  (27/02/2005)
"Hùm xám miền Trung"  (01/02/2005)
Võ Tây Sơn - Bình Định  (01/02/2005)
Roi Kinh, quyền Bình Định  (01/02/2005)
Lễ hội Đổ Giàn ở An Thái  (01/02/2005)
Nơi định danh là Miền đất võ  (01/02/2005)
Lò võ An Thái  (01/02/2005)
Sách võ từ một ngôi chùa  (01/02/2005)
"Thần nhãn" Mai Thanh Tuấn  (01/02/2005)
Năm Gà kể chuyện Hùng Kê Quyền  (01/02/2005)
Làng võ Bình Định xưa và nay  (01/02/2005)