Văn hóa các làng võ Bình Định:
"Truyền thuyết": gái An Vinh
11:59', 12/4/ 2005 (GMT+7)

Một cô gái liễu yếu đào tơ, vậy mà có thể hạ hàng chục địch thủ mà không mấy nhọc sức. Hẳn đó cũng là một lý do để có câu ca: "Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền". Roi thì nổi tiếng với roi Thuận Truyền, còn quyền thì phải nói đến làng võ An Vinh (xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn)... 

* Gái An Vinh

Biểu diễn võ vào ngày giỗ tổ võ tại Võ đường Phan Thọ.

Người con gái hạ hàng chục đối thủ đó, không ai khác hơn chính là Tám Cảng, con gái cưng của cụ Hương Mục Ngạc, một trong những võ sư nổi danh của đất An Vinh. Tám Cảng nổi tiếng đẹp, giỏi võ nhưng đã hăm hai tuổi vẫn chưa lấy chồng. Cụ Hương Mục Ngạc hẹn: ai trị nổi Tám Cảng mới được lấy làm chồng. Khốn thay, Tám Cảng đã thử sức nhiều võ sĩ, thuộc các môn phái khác nhau nhưng chưa hề thất bại. Có ba người bị cô đá văng tuốt từ giữa sân ra hàng rào cây duối. Một hôm, anh Dư Hựu, người làng Tiên Thuận, đến xin đấu. Dư Hựu bị Tám Cảng đạp vô bể cá cảnh. Vậy là Dư Hựu về học võ một năm, rồi quay lại xin thử sức lần nữa. Lần này thì Tám Cảng bị vứt trả vô bể cá năm trước...

Lại có lần, Tám Cảng sang đất An Thái để xem hội Đổ giàn, bị một số con trai trêu ghẹo. Nổi cơn lôi đình, Tám Cảng tát cho tên có ý định sàm sỡ một bạt tai rồi đạp hắn ngã lăn kềnh. Đám thanh niên xông vào đánh, Tám Cảng đành dùng quyền cước. Mỗi lần Tám Cảng đưa chân là một đứa con trai lăn luôn mấy vòng...

Cô Tám đã đi vào huyền thoại trong làng võ của đất Tây Sơn như là một võ sư tên tuổi. Sau này, phái yếu hình như vẫn chưa có ai nối nghiệp được.

* Quyền An Vinh

Tám Cảng chỉ là một trong nhiều câu chuyện truyền tụng về truyền thống võ học của làng võ An Vinh. Theo dấu truyền thống ấy, tôi ghé nhà võ sư Trần Dần. 68 tuổi, võ sư vẫn còn đi chận bò ở gần nhà. "Tui đã dạy võ cho không ít học trò, nhiều trò mở lò riêng các nơi, nhưng chẳng bao giờ tui sống được bằng nghề võ. Chủ yếu là làm nông. Ngay làm thuốc võ cũng vậy, ai trật đả, bị đánh, bị té đều ghé tui, nhưng tui làm cũng chỉ để cứu người"- ông hồn nhiên giải thích.

Võ sư Trần Dần được học võ từ năm 17 tuổi đến năm 20 tuổi với Hương Kiểm Mỹ. Hương Kiểm Mỹ lại chính là một học trò cưng của Hương Mục Ngạc. Người ta kể, tổ cô của Hương Mục Ngạc lại là sư phụ của nữ tướng Bùi Thị Xuân. Hương Mục Ngạc đã thông quyền Bình Định, lại học thêm quyền Tàu của ông Khách Bút ở vùng Cảnh Hàng (Nhơn Phong). Do tổng hợp được nhiều nguồn khác nhau, Hương Mục Ngạc trở thành một tay quyền xuất sắc nhất trong làng võ đương thời, và làm sống lại truyền thống của quyền An Vinh. Ngoài Tám Cảng, Hương Mục Ngạc còn có hai người con khác là Bảy Lụt và Chín Giác đều tinh thông võ nghệ. Ông còn dạy nhiều học trò, ngoài Hương Kiểm Mỹ, nổi tiếng nhất là Hai Tửu.

Hương Kiểm Mỹ cũng cùng lứa với Hai Tửu, Bảy Lụt. Tên thật của ông là Đinh Hề, thuộc dòng dõi của Đinh Văn Nhưng, tức ông Chảng, một võ sư nhà Tây Sơn xưa. Hương Kiểm Mỹ giỏi cả quyền và kiếm, tài năng không thua kém sư phụ là mấy, đã góp phần phát triển quyền thuật An Vinh lên một bước mới: Đi như lá, cứng như đá, công thủ đi liền, sao sao cũng vậy.   

Ngoài lò võ của cụ Hương Mục Ngạc, An Vinh còn có các trường võ khác. Nay, những trường võ ấy đã vắng bóng. Trong làng, chỉ còn võ sư Văn Xuân Ngọc, người kế thừa trường võ của Xã Nho. Gặp võ sư Ngọc tầm trời trưa, khi ông đã hơi... ngà ngà, nhưng nghe chuyện võ, mắt ông sáng hẳn lên.  

Quyền An Vinh vang danh trên trời đất võ bởi có những võ sư vừa tinh thông võ nghệ, vừa có sức mạnh hơn người, như vậy.

* Đại thụ hiện còn của làng võ

Võ sư Trần Dần kể về lý do đưa ông đến với nghiệp võ: "Gia cảnh nhà tôi hồi đó mẹ góa con côi, đi học võ là để người ta khỏi chèn ép, chứ có mong chi đánh đấm. Mà nếu có học võ chỉ với mục đích đánh đấm thì chẳng thầy nào nhận dạy. Tui còn nhớ, hồi xưa, xin vào học thì cha mẹ phải đến thưa, lại hẹn ngày cúng tổ bái sư, rồi thầy mới cho vào tập. Thầy dạy lải lải trong chục ngày đầu, chấm người nào tốt tính ưng ý, mới giữ để trao truyền, còn thì đuổi dần hết. An Vinh là đất làm nông nên thường tập buổi tối. Cữ những mùa trăng, tầm 7 giờ tối là bắt đầu học, đến 10, 12 giờ là mãn. Đầu tiên tập các thế ngũ hành trước, mỗi thế tập trong 10 ngày, xong mới qua thế khác. Nhờ xây cái móng kỹ vậy nên đến giờ, già rồi nét tui đánh vẫn được".

Truyền thống làng võ là vậy. Học võ nhưng chẳng mấy ai mặn mà chuyện hơn - thua. Có lẽ do vậy, trong thời cuộc hôm nay, truyền thống ấy ẩn mình thật sâu trong những nếp nhà bình dị, ở những người như ông Trần Dần, như ông Văn Xuân Ngọc, như những lứa học trò hay con, cháu họ, âm thầm tập luyện, chỉ mong kế thừa một truyền thống của ông cha. 

Nhưng nói đến võ An Vinh mà không nói đến lão võ sư Phan Thọ (hiện ngụ ở thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) thì quả là một sai lầm. Đây là một huyền thoại đất võ. Võ sư sinh năm 1926, học võ từ năm 18 tuổi, đầu tiên bái cụ Bảy Lụt làm thầy. Năm 24 tuổi, sau khi đã tinh thông những bài bản cao thâm của thầy, dù đã lập gia đình và sinh đứa con trai đầu lòng, ông vẫn theo học thêm thầy Sáu Hà, Tàu Sáu, Hồ Ngạnh, toàn những võ sư danh tiếng thời ấy. Học võ 20 năm ròng, có bận, trong nhà không kiếm đâu ra một đồng để theo học, ông về nhà bàn vợ... dắt bò đi bán (!). Võ sư Phan Thọ trở thành một trong những người hiếm hoi tinh thông thập bát ban binh khí. Ngoài ra, ông còn áp dụng thông thạo các loại vũ khí hiếm gặp, vốn chỉ lưu truyền ở dân bản địa Tây Sơn mà dân gian gọi nôm na là "võ thế", "võ vườn" như võ đòn sóc (đòn gánh hai đầu nhọn), võ bồ cào (chĩa ba mũi nhọn)… Và những câu chuyện võ sư Phan Thọ quần thảo với heo rừng, đánh bại võ sư ngũ đẳng huyền đai Taekwondo người Hàn Quốc… vẫn được truyền tụng trong niềm tự hào của người đất võ.

Tháng Giêng rồi, lễ giỗ tổ võ được tổ chức ở nhà võ sư Phan Thọ. Có dịp ghé qua, may mắn tôi được gặp những thế hệ học trò của võ sư tìm về. Nghe chuyện của lão võ sư, nhìn những thế hệ học trò của ông thao diễn, tôi hiểu, truyền thống võ An Vinh chẳng mất, mà đã hóa thân vào những thế hệ võ sinh hôm nay, không chỉ trên đất An Vinh, cả trong niềm tự hào thẳm sâu của mỗi người dân Bình Định.   

. Lê Viết Thọ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thuận Truyền: vang danh những đường roi  (08/04/2005)
Huyền thoại đất võ Tây Sơn  (06/04/2005)
Phi Long bí truyền  (07/03/2005)
Giỗ tổ võ trên miền đất võ  (27/02/2005)
"Hùm xám miền Trung"  (01/02/2005)
Võ Tây Sơn - Bình Định  (01/02/2005)
Roi Kinh, quyền Bình Định  (01/02/2005)
Lễ hội Đổ Giàn ở An Thái  (01/02/2005)
Nơi định danh là Miền đất võ  (01/02/2005)
Lò võ An Thái  (01/02/2005)
Sách võ từ một ngôi chùa  (01/02/2005)
"Thần nhãn" Mai Thanh Tuấn  (01/02/2005)
Năm Gà kể chuyện Hùng Kê Quyền  (01/02/2005)
Làng võ Bình Định xưa và nay  (01/02/2005)