Bên kia sông, đối diện làng An Vinh là làng võ An Thái (xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn). Băng qua chiếc cầu tre nối liền giữa hai làng võ, tôi muốn được một lần nhìn bến sông An Thái, để có thể mường tượng những ngày sầm uất trên bến dưới thuyền. Chợt nhớ có chiếc thuyền đã chở thầy giáo Hiến một chiều ghé bến...
* Hội tụ anh tài
|
Võ sư Lâm Ngọc Phú. |
Bây giờ, chẳng thể lần ra chút di tích nào nơi thầy giáo Hiến quyết định ở lại lập nghiệp trên đất An Thái. Chỉ biết, khi ấy, ông quyết định chọn một gò cao nhìn xuống dòng sông Côn uốn khúc, ươm trồng những hàng cây cổ thụ, rồi lập trường luyện võ, dạy văn. Ba anh em Tây Sơn đến xin nhập học được ông thâu nhận.
Truyền thống võ nghệ của An Thái được hun đúc qua những bước thăng trầm của thời gian và binh biến. Sang thế kỷ XIX, vùng đất này đã đón tiếp nhiều người Hoa, trong đó, có các võ sư và dần hình thành hai phái: phái người Việt của cụ Đoàn Dũ và phái người Hoa của ông Khánh Ngôn bảo trợ. Nhưng đến giữa thế kỷ XIX thì cả hai đều tàn lụi.
Có cơ duyên là nơi hội tụ, An Thái đã hun đúc tinh hoa võ nghệ nhiều phái võ. Rồi hàng năm, vào các dịp vui xuân, các lò võ lại cùng dựng trường đài thách đấu. Hội đổ giàn được tổ chức 4 năm một lần vào các năm tỵ, dậu, sửu; luân phiên tại các chùa: bà Chúa Thai sanh, bà Hỏa, Hội quán và sau này được dời ra bãi cát sông Côn. Đây là dịp cho các môn sinh đất võ học hỏi và rút tỉa những tinh hoa võ thuật của nhiều môn phái khác mà rèn đúc, nâng cao võ nghệ.
* Tổng hợp tinh anh
Đầu thế kỷ XX, có một biến cố với làng võ An Thái là sự xuất hiện của phái quyền Tàu mà ông Diệp Trường Phát (thường gọi là Tàu Sáu) là người khai mở. Tàu Sáu sinh năm 1896, là người Hoa nhưng bà nội và mẹ ông là người Việt. Ở quê mẹ, Tàu Sáu đã hấp thụ tinh thần thượng võ. Năm 13 tuổi (1909), ông được gửi về Tàu, rồi sang Hồng Kông học. Sau 15 năm, ông Tàu Sáu lúc này đã 28 tuổi, quay lại An Thái và mở trường dạy võ hơn 40 năm, cải tiến tinh hoa võ thuật lâu đời, nhiều phái, trên quy mô tổng hợp, hiện đại, xây dựng một hệ thống quan niệm về võ thuật và võ đạo khá sâu sắc. Về mặt tinh thần, cụ Tàu Sáu lấy "Ngưu giác chỉ" làm biểu tượng của môn phái.
Cụ Tàu Sáu đã đào tạo được nhiều đệ tử nổi danh như Ba Phùng, Chín Kỷ, Phó Tuần Chuẩn, Năm Tường. Năm Tường vốn là hảo thủ Nam Kỳ từng bất phân thắng bại với A-bu-đu (một võ sĩ hạng nặng của Pháp có lối luyện võ rất dã man, tương truyền là mỗi sáng dùng tay không đấm chết hai con bò mộng). Nhưng khi Năm Tường ra Bình Định thụ giáo cụ Tàu Sáu một thời gian trở về thì A-bu-đu sợ, không dám nhận lời tái đấu và tự rút lui khỏi các đấu trường Đông Dương. Một võ sĩ tài năng khác là Kim Anh cũng đã từng được cụ Tàu Sáu chỉ giáo mà thành danh trên các võ đài quốc tế, góp phần làm rạng rỡ cho xứ An Thái nói riêng và đất Bình Định nói chung.
Khi cụ Tàu Sáu mất, con trai cụ là Diệp Bảo Sanh nối nghiệp. Năm 1971, đổi tên là phái Bình Định - An Thái, gọi tắt là phái Bình Thái. Hiện nay, võ phái này được các đệ tử lớp sau của Diệp Bảo Sanh tiếp tục truyền dạy tại nhiều nơi.
Nhưng ngoài phái cụ Tàu Sáu, An Thái còn có nhiều người học võ nổi tiếng khác như ông Lài, ông Chín Chung, ông Lâm Bình Sơn, hoặc ông Ấm Hổ... Về nữ giới, có bà Đào Thị Sanh là người đầu tiên mở lò luyện võ cho phái nữ ở xứ này.
* Của tin còn lại
Tôi tìm được ngôi nhà cũ của võ sư Diệp Trường Phát, ở chếch bên kia chùa bà Hỏa đã đổ nát. Ngôi nhà không có người ở, chỉ còn bộ khung mang theo dấu ấn một thời. Anh Tạ Văn Trúc, cháu rể của cụ Tàu Sáu, nói: "Vào ngày 18 tháng giêng, giỗ tổ, con cháu, học trò mới hội về đông". Truyền thống võ học của dòng họ Diệp nay ở An Thái chẳng còn mấy ai kế nghiệp. Tại đây, hiện chỉ còn hai người học trò của ông là Bảy Quang và Năm Thân. Họ học võ chỉ thuần một niềm đam mê, không xem như một nghề.
|
Cầu nối giữa hai làng võ An Vinh - An Thái. |
Theo võ sư Lâm Ngọc Phú, võ đường Bình Sơn, thì những năm sau giải phóng, An Thái vẫn còn bốn lò võ lớn là Bình Sơn, Hải Sơn, Quách Cang (tức phái Tàu Sáu) và Hồ Hoành. Nhưng nay, trên đất An Thái còn duy nhất võ đường Bình Sơn. Võ sư Phú là con của lão võ sư Lâm Đình Thọ (tức Hương kiểm Lài). "Ông nội tôi là người đã học võ, rồi ông thân tôi vừa học võ của gia đình, vừa học thêm cụ Tàu Sáu. Ông cụ kết hợp hai nguồn võ Tàu, võ ta như vậy nên khi mở võ đường ở Quy Nhơn lấy tên là Bình Sơn với ý võ Bình Định - Tây Sơn"- võ sư Phú tâm sự. Võ sư Phú học võ từ nhỏ, 35 tuổi lên đài để lấy bằng võ sư, gặp một võ sư taekwondo từ miền Nam ra. Suốt cả hiệp đầu, ông chỉ tìm cách né đối thủ để quan sát. Biết đối thủ chỉ giỏi đòn chân, trong giờ giải lao, ông nghĩ cách để đối phó. Sang hiệp hai, ông dùng thế Mạnh Lương đoạt ngựa, hốt đối thủ quăng vào một góc sàn đài, rồi bay đến giáng một đòn vào khủy tay. Đối thủ chịu bại…
Tiếp nối võ sư Phú, Lâm Ngọc Oanh, Lâm Ngọc Ánh, những người con của ông, cũng đã gặt hái những thành tích bước đầu trên con đường võ học bằng những huy chương, giải này giải nọ. Cả mấy đứa cháu nội, ngoại mới hơn chục tuổi, cũng được ông cho học thêm về võ. "Tui chỉ dạy để truyền thống võ nghệ gia đình không mất, cũng là để rèn sức khỏe, hộ thân, còn chẳng đứa nào theo nghề võ cả"- ông nói.
. Lê Viết Thọ |