Miền đất võ Bình Định được thành hình qua một quá trình dài, gắn chặt với sự nghiệp của nhà Tây Sơn. Những làng võ hiện còn bên bờ sông Côn, chính là sự tiếp nối sống động của quá trình đó.
* Nét độc đáo của văn hóa làng võ Bình Định
|
Ai là người sẽ tiếp nối truyền thống các làng võ Bình Định? (Trong ảnh: Các môn sinh của võ sư Diệp Trường Phát trong ngày giỗ tổ) |
Thời chúa Nguyễn, ở Đàng Trong, Bình Định là chốn phiên trấn, viễn châu, nơi lưu đày những tội nhân, cũng là chốn ẩn náu của bọn lục lâm. Người dân nơi đây phải biết những thế võ hiểm hóc để tự vệ. Đến nửa sau thế kỷ XVIII, đất Bình Định đã hình thành một dòng võ Tây Sơn rất đặc sắc. Võ Tây Sơn tập trung tinh hoa võ thuật sẵn có ở Bình Định, sáng tạo thêm để hoàn chỉnh một binh pháp võ với nhiều môn võ nghệ độc đáo, những thế đánh hiểm hóc, biến hóa và dứt điểm nhanh, góp phần vào thắng lợi của phong trào nông dân Tây Sơn. Thời Nguyễn, do chính sách bình định của nhà Nguyễn, võ Tây Sơn giải hóa vào dân gian và đã thành hình rõ các làng võ.
Ở các làng võ, võ Tây Sơn tiếp tục hấp thu thêm nhiều tinh hoa võ thuật khác. Nhưng cái nền cho mọi sự tiếp biến vẫn là võ Tây Sơn. Có lẽ vì thế nên các làng võ dù giỗ tổ vào những ngày khác nhau nhưng đều thờ Quang Trung làm tổ võ. Ở đây có một điểm thú vị trong truyền thống võ Việt Nam là không phân hóa sâu thành các môn phái như võ Tàu, mà lại đi vào chiều sâu của văn hóa làng xã, hình thành nên các làng vật (phía Bắc) và làng võ như ở Bình Định (một số môn phái sau này hình thành muộn và phân hóa chưa thật sâu sắc, ít nhiều ảnh hưởng của võ Tàu). Lý giải điều này phải về với một hằng số của văn hóa Việt là làng Việt. Người Việt, vốn có truyền thống gắn bó với xóm làng, làng là một đơn vị cơ sở về văn hóa của tâm thức Việt. Võ đi vào "chiều sâu của văn hóa làng xã là tác nhân hình thành các anh hùng lịch sử, và do đó là nhân tố quan trọng của quá trình dựng nước và giữ nước" (Mai Văn Muôn chủ biên- Lịch sử võ cổ truyền Việt Nam). Cũng bởi không đặt nặng vấn đề hệ phái, nên có những võ sư là học trò của nhiều bậc thầy ở những làng võ khác nhau. Nhờ rút tỉa được tinh hoa nên "hậu sinh khả úy" ở làng võ Bình Định không phải là chuyện hiếm.
* Văn - võ nương nhau
Võ Bình Định, chưa nói đến thời Tây Sơn, chỉ xin tạm gói trong hai thế kỷ trở lại đây, sản sinh ra lắm võ nhân tài ba là vậy. Những Hồ Ngạnh, Hương Mục Ngạc, Tàu Sáu lớp trước rồi những Cai Bảy, Hương Kiểm Mỹ… tiếp đến Hà Trọng Sơn, Phan Thọ… lớp sau, cùng vang danh trên trời đất võ. Nhưng hiện tại, tuy thi thoảng cũng có những võ sư gặt hái được huy chương, giải thưởng này nọ, nhưng xét ra vẫn chưa có những gương mặt có thể sánh được với những cao thủ ấy. Ông Nguyễn An Pha, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Bình Định, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu văn hóa phi vật thể về các làng võ cổ truyền Bình Định, nhận xét: "Ngày trước, người ta học võ cũng là học một nghề. Muốn xin vào học võ, cha mẹ phải đến thưa với thầy, rồi hẹn ngày cúng tổ, rồi ông thầy mới thâu nhận. Cũng bởi là một nghề nên người ta chuyên tâm học, có vậy mới nên được. Còn hiện nay, người ta học võ chủ yếu để rèn thể lực, mang tính thể dục- thể thao nhiều hơn, nên việc trau chuốt công phu không tránh khỏi sa sút".
Một điểm đặc biệt khác là trước đây, người ta học võ, không chỉ với mục đích ăn thua. Học võ trước tiên là học võ đạo. Người thầy trước khi thâu nhận đệ tử, phải quan sát rất kỹ, từ tâm đến tướng, nhìn xoáy, xem chỉ tay, xem đầu gối, nhìn mắt… thấy ưng ý mới truyền dạy. Người học võ cũng học thêm về văn. Nhiều võ sư nổi danh trước đây cũng rất chuộng văn chương. Võ sư Diệp Trường Phát là một ví dụ. Không chỉ giỏi võ, chuộng văn, võ sư còn là người làm thơ rất giỏi và rất am hiểu nghệ thuật hát bội. Văn võ phải nương nhau thì đạo làm người mới giữ được vững- quan niệm xưa là vậy và có lẽ bây giờ cũng vậy.
* Gìn giữ cho muôn đời sau
Nhìn làng võ từ cái nhìn văn hóa, chúng ta không khỏi âu lo trước sự mất dần những làng võ với những lò võ gia truyền, một nét độc đáo riêng của văn hóa làng Bình Định. Đáng lo nhất là hiện tại, người ta chỉ biết chuyên tâm vào 10 bài bắt buộc của quốc gia để thi đấu, trong khi những bài roi, thế quyền cùng 18 môn binh khí của võ Bình Định lại chưa được kế thừa một cách đầy đủ. Mà đây mới là "của kho vô tận" của võ cổ truyền Bình Định.
Chẳng hạn, roi thì làng võ nào cũng có, nhưng riêng võ sư Hồ Ngạnh thì có những thế do ông sáng tạo ra, tức là những thế ngược, nên ông nổi danh về roi là vậy. Những thế ấy, ông cũng có truyền lại cho con cháu, nhưng cũng chưa người nào được như ông. Ngay trong quyền thuật, thảo bộ Tiên ông trong gia phái Hồ Ngạnh đã có 32 động tác rất phức tạp, ít đá, hầu hết dùng tay tấn công, với những chiêu thức đánh nghịch từ bộ hạ lên rất nguy hiểm. Còn về 18 môn binh khí thì võ sư Phan Thọ từng tâm sự: "18 môn binh khí có 9 cái song đấu thì hồi giờ tui mới truyền được một. Mà 9 song đấu này mới khó, cái gì đấu với cái gì cho ăn khớp, rồi phải luyện rất nhiều... Cả những bài thảo của từng môn binh khí nữa. Vậy mà tui năm nay thì tuổi đã 80 rồi, không chừng chỉ nay mai xuống lỗ rồi... chỉ mong có điều kiện, cơ hội để truyền dạy lại hết. Không thì uổng lắm".
Bảo tồn những làng võ, cũng như bảo tồn những làng tuồng, làng bài chòi, cũng chính là bảo tồn những nét độc đáo của truyền thống văn hóa làng Bình Định.
. Lê Viết Thọ |