Quyền An Vinh
14:33', 18/1/ 2006 (GMT+7)

Quyền An Vinh gắn liền với dòng họ Đinh. Họ Đinh gốc ở Bắc vào lập nghiệp ở Bằng Châu (huyện An Nhơn). Võ sư Đinh Văn Nhưng (hay còn gọi là Đinh Chảng) là một võ sư với võ nghiệp cao cường, đã từng dạy cho ba anh em Tây Sơn, mà chủ yếu là Nguyễn Huệ và một lòng một dạ với nhà Tây Sơn. Khi Gia Long lên ngôi trả thù nhà Tây Sơn thì ông đã qua đời. Họ Đinh ở Bằng Châu phải đổi sang họ Đào để tránh sự truy lùng trả thù của nhà Nguyễn. Đến khi tình hình trở lại bình yên thì trở lại họ Đinh. Vậy nên mới có câu: "Sinh Đào tử Đinh". Nhưng có một số người vẫn giữ họ Đinh, di tản về ở An Vinh (Tây Sơn). Họ Đinh ở đây vẫn nhận võ sư Đinh Văn Nhưng làm sư tổ.

An Vinh nằm bên bờ tả ngạn sông Côn, thuộc huyện Tây Sơn, đối diện với thị tứ An Thái ở bờ bên kia sông, quanh năm xanh mát, đất đai màu mỡ do phù sa do sông Côn bồi đắp. Đời sống kinh tế có phần sung túc nên nạn cướp luôn đe dọa, nhiều người cần phải học võ, nhất là các nhà khá giả, địa chủ, phú hộ. Từ đó các môn phái võ được ra đời, đứng đầu trong giới võ có võ sư: Nguyễn Ngạc (tức Hương Mục Ngạc), Khiển Phạm, Năm Nghĩa, Hương Kiểm Cáo (con trai Hương Mục Ngạc) đến Bảy Lụt, bà Tám Cảng, Đội Sẻ, Đinh Hề (Hương Kiểm Mỹ), Ba Thông, Tuần Sửu, Sáu Hà, Bốn Mỹ… đã cùng nhau tạo dựng được những thế mạnh của mình với những đường quyền hiểm hóc và được lưu truyền đến mãi ngày nay.

Một trong những trụ cột của vùng đất An Vinh phải nói đến dòng họ Nguyễn (Nguyễn Ngạc). Ông sinh năm 1850 trong một gia đình có võ nghệ cao cường; chính ông là người đứng ra thành lập môn phái và chọn cho mình một hướng đi riêng. Từ nhỏ, ông đã chuyên tâm nghiên cứu về môn quyền thuật, vì ông quan niệm: Quyền chính là cái gốc của võ, hơn nữa lúc bấy giờ ở vùng đất Thuận Truyền có đường roi tuyệt kỹ của Hồ Nhu thì An Vinh phải "bá chủ" về quyền. Trong dân gian có câu "Roi tiên, quyền tiếp" nhằm khẳng định sự lợi hại, mối quan hệ liên hoàn và hỗ tương của nó.

Môn phái này đã truyền thụ cho hàng trăm môn đệ ở khắp nơi. Sau khi ông Ngạc qua đời, các con cháu của ông đã lần lượt giữ vai trò chưởng môn và thu nhận nhiều môn sinh, gây được tiếng vang và có ảnh hưởng rộng lớn trong vùng, tiêu biểu có võ sư: Bảy Lụt, bà Tám Cảng, Chín Giác đến các con của Bảy Lụt như: Nguyễn Tiếp, Nguyễn Thiếp… đều là những võ sư nổi tiếng đã cùng dòng tộc vun đắp môn phái của mình ngày càng đơm hoa kết quả.

Ở An Vinh còn có hai gia phái nữa, đã một thời tiếng tăm lừng lẫy (cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX). Đó là đôi bạn võ Năm Nghĩa (tên thật là Hữu Nghĩa) và Hương Mục Ngạc, khởi xướng vào năm 1892. Năm Nghĩa truyền dạy cho Hồ Hảo, còn Hương Mục Ngạc truyền cho ba người con là Bảy Lụt, Tám Cảnh (nữ) và Chín Giác. Một vài giai thoại kể lại, khoảng năm 1920-1921 võ sư Bảy Lụt danh tiếng đã tham gia đánh bắt bọn cướp Dư Đành và chị Tám Cảng trừng trị bọn thanh niên côn đồ chọc ghẹo chị.

Võ An Vinh là sự kết hợp giữa võ nghệ người dân tộc (người Chămpa, Bana, Hơrê) với những người Kinh đầu tiên đến vùng đất này sinh cơ lập nghiệp và người Kinh bản địa, trong sự chung lưng đấu cực giữa các dân tộc để bảo vệ sự sống, để chống lại thiên nhiên khắc nghiệt và các thế lực bên ngoài. Dòng võ An Vinh kết hợp vốn võ của mình cùng với những đòn thế độc đáo của võ họ Đinh và võ của các dân tộc bản xứ thành một dòng võ đặc sắc chỉ có vùng này mới có, đặc điểm của võ An Vinh là "đi như lá, đứng như đá, công thủ đi liền" và "vừa hư vừa thật".

Võ sư Bảy Tòng (tức Từ Tâm), quê gốc An Thái, song đã tìm đến An Vinh và xây dựng gia đình ở đây. Ông học võ thầy Sáu Hà, tiếp nhận một số vốn võ của An Vinh và Bình Định. Ông cho biết: Quyền An Vinh là lối đánh chậm, chắc nhưng kín đáo và chắc đòn, biết nhu, cương đúng lúc, đúng chỗ, lại có những thế né tránh phản đòn rất lợi hại (mà tiêu biểu là "thế đòn").

Ngoài truyền dạy vốn võ cổ truyền dân tộc, các bài thảo quyền, võ sư Bảy Tòng còn dạy những bài Côn, Kiếm, Song đao với tất cả tâm huyết cho những võ sinh đã được chọn "chọn mặt, gởi vàng".

Quyền An Vinh còn phải kể đến gia phái võ sư Mười Đậu ở Trường Úc (Tuy Phước). Võ sư Mười Đậu là bạn với Hương Mục Ngạc và Năm Nghĩa từ cuối thế kỷ XIX, đã truyền dạy cho Xã Hào (tên thật là Trần Trọng). Xã Hào là một võ sư nổi tiếng ở vùng Tuy Phước ở những thập kỷ đầu vào giữa thế kỷ XX. Lập võ đường vào thập kỷ 30 để dạy võ, ông đặc biệt quan tâm đến truyền dạy đạo đức (tâm đạo) cho con nhà võ, kiên quyết từ chối thu nhận những môn sinh có biểu hiện hung khí. Ngày nay người con trai thứ ba là võ sư Minh Tịnh, đang phụ trách võ đường Xã Hào xưa. Võ đường chuyên dạy các môn như: Quyền, Roi, Kiếm (độc kiếm), đặc biệt coi trọng bộ tay (ngũ hành pháp) và bộ ngựa (Bát quái pháp). Với những đòn sắc khí, xuất ra có hiệu quả cao. Ngoài ra, tại An Vinh còn có võ sư Trần Dần, võ sư Lý Thành Phiên, ở Bình Nghi có võ sư Phan Thọ, ở Tây Sơn còn có võ sư Trần Vĩnh Nghê cũng vận dụng võ An Vinh.

. Theo Võ cổ truyền Bình Định (Lê Thì)

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Roi Thuận Truyền và tên tuổi võ sư Hồ Ngạnh  (16/01/2006)
Báu vật thiêng liêng ở một dòng họ võ  (18/11/2005)
Nét độc đáo của võ cổ truyền Việt Nam - Bình Định - Sa Long Cương  (21/06/2005)
Gìn giữ cho muôn đời sau  (19/04/2005)
An Thái: Bến sông hội tụ anh tài  (15/04/2005)
"Truyền thuyết": gái An Vinh  (12/04/2005)
Thuận Truyền: vang danh những đường roi  (08/04/2005)
Huyền thoại đất võ Tây Sơn  (06/04/2005)
Phi Long bí truyền  (07/03/2005)
Giỗ tổ võ trên miền đất võ  (27/02/2005)
"Hùm xám miền Trung"  (01/02/2005)
Võ Tây Sơn - Bình Định  (01/02/2005)
Roi Kinh, quyền Bình Định  (01/02/2005)
Lễ hội Đổ Giàn ở An Thái  (01/02/2005)
Nơi định danh là Miền đất võ  (01/02/2005)