Võ phái Tuy Phước
10:55', 22/1/ 2006 (GMT+7)

Người có biệt danh "Hùm xám miền Trung" là võ sư Hà Trọng Sơn ở huyện Tuy Phước. Ông sinh năm 1924 (theo giấy tờ tùy thân thì ông sinh ngày 6-11-1926) tại An Hòa, Phước An, Tuy Phước. Theo lời ông kể, năm mới lên 8 tuổi, ông đã được bác và chú dạy võ gia truyền cùng với các võ sư: Hà Cảnh, Hà Tùng và Hà Để. Sau đó ông còn học thêm võ sư Lâm Đắc Đạo, người xứ Bắc vào lập nghiệp.

Tại Đại hội võ thuật Đông Dương tổ chức ngày 12-10-1944 tại Tourane (Đà Nẵng), ông đấu với võ sư người Pháp (tên là Esperpaire) cao to và nặng hơn ông rất nhiều. Mọi người sợ hãi, lo cho ông đánh không lại. Hai bên giáp trận, thăm dò nhau khoảng 3-5 phút. Đánh qua, đánh lại 15-20 phút. Võ sư người Pháp ra đòn rất mạnh, hòng đè bẹp Hà Trọng Sơn. Né tránh hết các đòn đánh, thình lình Hà Trọng Sơn ra đòn bí truyền nguy hiểm. Esperpaire dính đòn sụp đổ xuống sàn đài. Tiếng hoan hô vang dậy. Hà Trọng Sơn đoạt giải vô địch.

Sau đó, ông đoạt giải vô địch miền Trung, được tổ chức tại Hội chợ Bình Định. Rồi lại tiếp tục đoạt giải vô địch tại Đà Nẵng. Theo báo chí đương thời, ông được mệnh danh là "Hùm xám miền Trung".

Có lần thách đấu với "Cáo già miền Nam" Huỳnh Tiền, Hà Trọng Sơn kể rằng: Huỳnh Tiền rất mê tín dị đoan, ngậm thẻ ông Phật trong miệng để Phật phù hộ đánh thắng. Đánh qua đánh lại, kẻ đánh người đỡ, hai võ sư xoay tròn trên sàn đài. Rất nhiều đòn đánh hay được mọi người vỗ tay hô vang tán thưởng. Với những đòn võ bí truyền, khoảng hơn 10 phút, Hà Trọng Sơn đã hạ đo ván võ sư Huỳnh Tiền trước hàng ngàn tiếng vỗ tay reo hò. Trận đấu được tổ chức năm 1950 tại Đà Nẵng.

Có lần chúng tôi tìm đến nhà Hà Trọng Sơn, khoảng giữa trưa, thấy hai cha con ông (con gái) đang tập võ trước sân. Ánh nắng ban trưa chen qua lá cây trong vườn rọi ánh sáng đến cha con ông, mồ hôi nhẫy nhụa. Hà Trọng Sơn người cao to tráng kiện hồng hào, tay chân dài, có đôi mắt sáng long lanh. Thấy chúng tôi, ông ngừng tay và chào, cô gái thẹn thùng chào theo. Đáp lễ, chúng tôi chào lại và hỏi thầy đang dạy bài kiếm gì vậy. Ông trả lời ngay:

- Đây là bài "Mai hoa kiếm pháp", là gia bảo của họ Hà đấy, do các con ông bác truyền dạy. Trong nhà tôi từ già đến trẻ ai cũng biết bài kiếm này.

- Bài kiếm này có liên quan gì đến các trận đấu võ đài mà thầy đã hạ gục đối phương?

- Nói có cũng được mà nói không cũng chẳng sao. Bài này mang tính chất võ biểu diễn, nhưng cũng có các đòn thế tuyệt kỹ nếu biết ứng dụng nó qua quyền tay, nhưng cũng không lợi hại lắm. Tôi hạ đối phương là khi dùng đến những đòn bí quyết như "thử trước đánh sau", "đánh lật sườn".

Hà Trọng Sơn là người có công bảo vệ bản sắc dân tộc võ cổ truyền Bình Định, đấu tranh chống lại một số người lợi dụng danh nghĩa võ Bình Định để truyền bá những môn phái võ khác. Ông đã cùng một số võ sư Bình Định soạn ra bài kiếm "Mười hai", có nghĩa là mười hai võ sư, mười hai động tác và mười hai phút cho bộ đội và cán bộ tỉnh Bình Định sử dụng trong những năm kháng chiến chống Pháp.

Ngoài võ sư Hà Trọng Sơn, ở Tuy Phước còn có các võ sư: Hữu Nghĩa, Phi Long Vịnh và Thanh Hoàng là những người có công xây dựng võ Bình Định.

. Theo Võ cổ truyền Bình Định (Lê Thì)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quyền An Vinh   (18/01/2006)
Roi Thuận Truyền và tên tuổi võ sư Hồ Ngạnh  (16/01/2006)
Báu vật thiêng liêng ở một dòng họ võ  (18/11/2005)
Nét độc đáo của võ cổ truyền Việt Nam - Bình Định - Sa Long Cương  (21/06/2005)
Gìn giữ cho muôn đời sau  (19/04/2005)
An Thái: Bến sông hội tụ anh tài  (15/04/2005)
"Truyền thuyết": gái An Vinh  (12/04/2005)
Thuận Truyền: vang danh những đường roi  (08/04/2005)
Huyền thoại đất võ Tây Sơn  (06/04/2005)
Phi Long bí truyền  (07/03/2005)
Giỗ tổ võ trên miền đất võ  (27/02/2005)
"Hùm xám miền Trung"  (01/02/2005)
Võ Tây Sơn - Bình Định  (01/02/2005)
Roi Kinh, quyền Bình Định  (01/02/2005)
Lễ hội Đổ Giàn ở An Thái  (01/02/2005)