Nói đến Tây Sơn là người ta nhớ ngay đến võ sư Phan Thọ, ở Bình Nghi - Tây Sơn.
Trong gia đình ông mọi người biết võ mà đặc biệt là biết nhiều môn. Sân tập võ có đầy đủ các loại binh khí, sắp theo thứ tự, binh khí dài dựng trên một cái giá làm bằng tre đơn giản gồm: Roi, đại đao, chĩa ba, cào cỏ…; xếp hàng sát tường nào kiếm, song đao, búa và nhiều loại khác nữa.
Một lần chúng tôi đến nhà Phan Thọ để sưu tầm tư liệu phục vụ cho đề tài nghiên cứu võ Bình Định, ông tiếp chúng tôi từ tốn, mời chúng tôi vào nhà, rồi cầm bình rượu mang ra và nói: "Tiểu bôi khai khẩu", dùng chung rượu đã, nói chuyện sau.
Khách muốn nhập môn phái Tây Sơn thì phải uống rượu Bàu Đá Tây Sơn. Đây là thứ rượu ngâm thuốc làm mạnh gân cốt, rượu đặc biệt của con nhà võ đấy. Thảo luận qua lại hồi lâu, ly rượu bầu đá uống cạn, hơi nóng thơm dịu hòa tan trong không khí ấm áp tấm lòng con nhà võ.
Võ sư Phan Thọ bảo anh con trai lớn đem tất cả các loại binh khí bày la liệt trên chiếc phản gỗ. Vừa giới thiệu vừa vuốt ve những thứ binh khí, cán dao, cán kiếm và những thân cây roi, cây đại đao bóng loáng vì năm tháng, những thứ gỗ đã ngả màu sẫm như màu sắt.
Võ sư Phan Thọ ra sân đứng xuống ngựa, múa vài đường trong những bài quyền trông rất chân phương quê mùa nhưng toát ra những đường nét võ nghệ cao cường. Người có bộ tay ung dung thư thái nhưng rất hay, đúng kỹ thuật. Hai tay co lên che ngực rồi bắt đầu thao diễn bộ tay theo ngũ hành pháp (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) trên ngựa trung bình tấn, khi bài quyền được chuyển động mới thể hiện hết cốt lõi kỹ thuật và nghệ thuật cao siêu mà ít người có được.
Dân gian truyền thuyết, cách đây nhiều năm, có một con heo rừng (loại heo độc) xuống phá cánh đồng mía của An Vinh, dân làng sợ hãi chạy tán loạn, chạy về gọi bác Phan Thọ. Một mình xách một cây chĩa ba, chạy ra cánh đồng tìm con heo. Con heo trong cơn điên loạn, đang đào ủi đất lên thành từng đống đã phá nát một khoảng ruộng mía. Thấy có người đến, con heo hung hăng lao vào. Người với heo quần nhau hơn một tiếng đồng hồ dưới ánh nắng chiều oi ả.
Dân làng được chứng kiến một cuộc đọ sức giữa người và vật rất sợ hãi mà thú vị. Khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống, mồ hôi đầm đìa, bác Thọ cẩn thận quất một gậy thật mạnh vào đầu con heo, con vật lăn đùng nằm bất động. Ông cất tiếng cười hả hê chất phác, thu chĩa ba rảo bước ra về, như vừa làm xong việc đồng áng. Dân làng vui mừng khiêng con heo về làng, làm thịt trước cúng tổ tiên, sau ngả ra nhậu một bữa no nê.
Chúng tôi đàm đạo với võ sư Phan Thọ và rất đỗi ngạc nhiên trước sự hiểu biết sâu rộng về võ nghệ với một trí nhớ phi thường về võ của ông, mà vùng đất này không mấy người sánh kịp. Vùng đất Tây Sơn còn in đậm dấu ấn, nơi sinh ra và trưởng thành của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung.
Khai thác mãi, võ sư Phan Thọ mới chịu cung cấp một tập sách, dày 136 trang, viết bằng chữ Nôm và chữ Hán. Trong đó có 66 trang ghi các bài thiệu, các đòn thế và biểu thế các bài võ. Đặc biết có bài võ được phân thế rõ ràng. Tư liệu này do ông Đào Thống ký. Song do để lâu ngày có một số trang bị mục nát, rách nát nhiều chỗ. Chỉ còn lại 18 bài thiệu nguyên vẹn.
Ở Tây Sơn còn có võ sư Trần Vĩnh Nghè (chết), Trần Dần, Lê Thành Khâu, Hồ Xuân Kỳ và Phan Hùng (con trai Phan Thọ) sau này kế tục sự nghiệp của cha.
. Theo Võ cổ truyền Bình Định (Lê Thì) |