Người mở võ đường bên dòng sông Võ
9:16', 11/10/ 2006 (GMT+7)

Lão võ sư Huỳnh Lào. Ảnh: N.C

Không biết từ bao giờ, một đoạn sông chảy qua thôn Cửu Lợi Bắc, xã Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn), được người dân trong vùng gọi là sông Võ. Có lẽ, tên gọi của nó gắn với truyền thống thượng võ của người dân nơi này. Và đến bây giờ, lão võ sư Huỳnh Lào (năm nay 77 tuổi) là một trong những người nối tiếp truyền thống đó.

Tìm đến nhà võ sư Huỳnh Lào lúc xế chiều, giữa khi ông đang cùng những người bạn già chú tâm vào bàn cờ tướng. Nhân nói chuyện cờ tướng, lão võ sư nói với vẻ đầy chiêm nghiệm: “Thực ra, những bộ phận trên con người mình cũng có các chức năng như những quân cờ. Hai nắm đấm như 2 quân pháo, có thể đánh vòng, hai cẳng tay như 2 quân sĩ, luôn sẵn sàng chống đỡ khi tướng lâm nguy…”. Rồi ông liên tưởng: “Hai tay như 2 cánh quân, nếu mất một cánh thì coi như thua. Vì vậy, khi xung trận cần phải phòng thủ chặt chẽ và luôn hỗ trợ nhau để duy trì được các thế đánh một cách mạnh mẽ nhất…”.

Bắt đầu học võ từ năm 18 tuổi, sự may mắn và niềm đam mê võ thuật đã đưa ông đến tầm sư học đạo với nhiều võ sư nổi tiếng trong vùng như võ sư Mười Nhỏ, Sáu Lai… Rồi ông còn tìm học thêm những võ sư tên tuổi ở các địa phương khác như võ sư Hồng Sách Kim (ở Vũng Tàu), võ sư Huỳnh Thạch Công (ở Phú Yên). Với mong muốn truyền thụ những tinh hoa của võ cổ truyền Việt Nam đến các thế hệ tiếp sau, từ năm 1970, ông bắt đầu mở lớp dạy võ ở Phan Thiết. Sau ngày đất nước thống nhất, ông về huấn luyện cho đội du kích xã Tam Quan Nam, rồi bắt đầu đào tạo những vận động viên cho huyện đi thi đấu các giải trong tỉnh. Các học trò của võ sư Huỳnh Lào như Tám Luyến, Nguyễn Văn Gia, Huỳnh Thanh Tồn… từng đem vinh quang về cho huyện Hoài Nhơn sau thành công ở nhiều giải đấu.

Nay thì với khoảng sân rộng trước nhà, ngày ngày võ sư Huỳnh Lào vẫn tiếp tục dạy võ cho lớp thanh thiếu niên trong vùng và lấy tên võ đường là Huỳnh Thạch Đại (theo họ một người thầy của ông). Trong truyền thụ cho học trò, ông đặt việc truyền dạy cái đạo của con nhà võ lên hàng đầu, bởi theo ông, “có tài mà không có đức thì chỉ làm hại cho đất nước”. Do vậy, bên cạnh việc truyền thụ những bài quyền, thế đánh và cách sử dụng các loại binh khí, võ sư Huỳnh Lào thường xuyên nhắc nhở các học trò về lối sống khiêm nhường, biết áp dụng những gì đã học đúng nơi, đúng chỗ; tuyệt đối không được khoe khoang, ỷ mạnh hiếp yếu… Lão võ sư cho biết: “Cứ mùng 10 hàng tháng, tôi lại kiểm tra học trò về cái đạo của con nhà võ, để sau này khi đã trưởng thành, các môn sinh luôn nhớ đến những gì thầy đã dạy và trở thành một người tốt. Học võ không thể trong ngày một ngày hai mà giỏi ngay được, bây giờ những kiến thức văn hóa rất cần thiết cho lớp trẻ, nên tôi vẫn nhắc nhở các cháu phải chú tâm vào học hành chứ đừng vì mê võ mà bỏ học”.

Với gần 50 năm gắn bó với võ thuật, võ sư Huỳnh Lào đã có những đóng góp đáng kể trong việc giữ gìn và phát huy vốn quý của võ cổ truyền Việt Nam. Hy vọng trong những năm tới, các thế hệ học trò của ông sẽ tiếp tục đem về những thành công và giành được những thứ hạng cao tại các giải đấu trong phạm vi toàn quốc, làm rạng danh cho tinh thần thượng võ của con người Bình Định.

  • Vũ Lê
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cơ hội để quảng bá võ học VN   (05/10/2006)
Chuyện Tây học võ... ta  (05/09/2006)
Dưỡng nuôi hy vọng về một nền "quốc võ"  (05/09/2006)
Một võ sư Việt kiều ước mơ đem nhạc võ Tây Sơn "xuất ngoại"  (05/09/2006)
Ngũ Linh Dương  (18/08/2006)
"Tôi viết bằng niềm say mê"  (17/08/2006)
Người truyền bá võ cổ truyền Việt Nam ra nước ngoài  (08/08/2006)
Đề xuất lộ trình nâng tầm võ Việt  (08/08/2006)
Bế mạc Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ I- 2006   (07/08/2006)
Náo nức những ngày hội võ  (07/08/2006)
Khai mạc Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ I- 2006  (06/08/2006)
Lễ dâng hương trọng thể trên đất Tây Sơn  (05/08/2006)
Gặp những người học võ ta đến từ... trời Tây  (04/08/2006)
Hội ngộ trên miền đất võ  (03/08/2006)
Võ Bình Định góp mặt trong ngày hội võ  (02/08/2006)