|
HLV Trần Duy Linh (áo trắng) và VĐV Mai Thanh Tuấn, hai gương mặt tiêu biểu cho thế hệ trẻ đang theo nghiệp võ Bình Định. Ảnh: C.T |
Năm 2006, võ Bình Định có hai cơ hội để quảng bá. Đầu tiên là Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ I, được tổ chức tại Bình Định vào tháng 8. Tiếp đến, võ Bình Định vinh dự được chọn là đại diện cho võ cổ truyền Việt Nam tham gia Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Thế giới lần thứ V tổ chức tại Hàn Quốc vào đầu tháng 10. Nếu ở Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ I, Bình Định “mời bạn bè đến nhà” để giới thiệu mình, thì Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền thế giới lần thứ V, Bình Định lại ra nước ngoài để giới thiệu với bạn bè quốc tế về võ cổ truyền Việt Nam nói chung và võ Bình Định nói riêng. Tuy khác nhau về quy mô cũng như “tư cách” tham gia, nhưng cả hai hoạt động này đều là những cơ hội quý để quảng bá cho võ Bình Định. Đồng thời, từ đó, cũng đặt ra vấn đề: cần xây dựng lộ trình để tiếp tục quảng bá và nâng tầm cho võ Bình Định.
Ông Đinh Khắc Diện - Phó giám đốc Sở TDTT Bình Định, cho biết: “Hiện nay, Sở TDTT tỉnh đã có kế hoạch củng cố đội tuyển võ cổ truyền của tỉnh. Đồng thời, tuyển chọn thêm võ sinh trong toàn tỉnh để bổ sung. Ngành cũng sẽ mở thêm các phòng tập, các võ đường và sẽ thường xuyên tổ chức các giải đấu để khuyến khích phong trào tập luyện và qua đó nâng cao chất lượng chuyên môn”. Đó là những hướng đi đúng. Tuy nhiên, theo chúng tôi, trong lộ trình nâng tầm cho võ Bình Định, trước hết, các võ sư, huấn luyện viên, cũng như các võ đường trong tỉnh cần ngồi lại với nhau, để từ đó, tập hợp những bài quyền, những đòn thế... được xem là tinh hoa của dòng võ Tây Sơn - Bình Định trong một tài liệu thống nhất, làm cơ sở cho việc dạy, học và truyền bá dòng võ Tây Sơn - Bình Định.
Một vấn đề khác là hiện nay, số phụ huynh quan tâm, cho con mình theo học võ cổ truyền không nhiều, và cũng chủ yếu học như một môn thể dục - thể thao (TDTT) để rèn luyện sức khỏe. Do vậy, việc trau chuốt công phu không tránh khỏi sa sút. Nó thật khác với trước đây, như lão võ sư Phan Thọ (Tây Sơn) từng kể, rằng ông theo học võ từ ngày tóc còn để chỏm và để có tiền theo học, ông đã phải bán hẳn... một con bò. Học võ như vậy cũng là học một nghề, nên người xưa chuyên tâm học, và cũng chỉ có vậy, mới tiếp thu hết những tinh hoa của nghề. Võ sinh theo học không nhiều, nên các võ sư, huấn luyện viên hiện nay thật khó sống được bằng nghề dạy võ. Võ sư Huỳnh Phi Thanh là một ví dụ. Sau bao nhiêu năm bôn ba khắp các tỉnh thành để tìm thầy học võ, ông về Hoài Nhơn, quê hương mình, để mở võ đường. Nhưng chẳng được bao lâu, võ sinh rơi rụng dần, ông đành sang tỉnh khác mở võ đường sinh sống.
Nên chăng, ngành TDTT tỉnh cần có chính sách hỗ trợ cho các võ đường, các phòng tập có quy mô và xây dựng các võ đường này thành những “chân rết” cho ngành TDTT. Với đội tuyển võ cổ truyền của tỉnh, có thể kêu gọi các nhà tài trợ để có sự đầu tư mạnh hơn cho đội tuyển nhằm tiếp tục khẳng định vị thế của “miền đất võ” qua các giải đấu và từ đó, làm “đầu tàu” thúc đẩy phong trào tập luyện. Đồng thời, cũng cần có kế hoạch xây dựng lại các làng võ cổ truyền Bình Định, để vừa phát triển phong trào tập luyện võ cổ truyền, vừa góp phần phát triển du lịch. Trong công tác quảng bá, bên cạnh việc tiếp tục tổ chức các sự kiện lớn như Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam như vừa qua, cũng cần xây dựng website về võ cổ truyền Bình Định và tăng cường giới thiệu về võ Bình Định với bạn bè trong nước, quốc tế thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
|