Bình Định - một vùng đất võ (Bài 7):
Quyền An Vinh
17:13', 4/11/ 2006 (GMT+7)

1- Người sáng lập làng quyền An Vinh

Người sáng lập làng võ An Vinh là Nguyễn Ngạc, tức Hương mục Ngạc. Ông giỏi cả văn lẫn võ, là bạn thân của tiến sĩ Hoà Cư Hồ Sĩ Tạo.

Theo lời truyền trong dân gian và dòng họ, bà tổ cô của Nguyễn Ngạc là thầy dạy nữ tướng Bùi Thị Xuân. Điều này cho thấy Nguyễn Ngạc xuất thân trong một gia đình có truyền thống võ học lâu đời. Tiếp thu sở học của tổ phụ và nhiều võ sư tiền bối, ông đã chuyên tâm nghiên cứu về quyền, sáng tạo ra nhiều thế đánh ưu việt. Trong đó, phải kể đến ngón song xỉ cực kỳ lợi hại.

 

Võ sinh võ đường Trần Dần (An Vinh, Tây Sơn) luyện tập quyền ngũ hành. Ảnh: Huyền Trân

 

Những bài tiêu biểu là Ngọc Trản, Thần đồng, Thiền sư, Tứ hải, Lão mai… Mỗi bài quyền An Vinh gồm lời thiệu và động tác. Các phách quyền cơ bản là Lưỡng diện, Tứ môn, Rút, Găm, Tự, Song cước, Định cước, Nghịch lân. Quyền An Vinh thiên về đánh hiểm, đánh móc. Đặc điểm của quyền An Vinh là đánh không hết tay, phản đòn nhanh, liên tục. “Roi tiên, quyền tiếp”, đi trước là chỗ mạnh của roi, liên tục là chỗ mạnh của quyền. Khi đánh, phải áp sát đối phương thì mới có lợi thế.

Trong đời võ sư của Hương mục Ngạc, sự kiện đáng nhớ nhất là việc ông đứng ra hiệu triệu trai tráng An Vinh, An Thái làm lực lượng nòng cốt cho phong trào kháng thuế của đồng bào Bình Định năm 1908. Nguyên phong trào này dấy lên từ Quảng Nam, Quảng Ngãi và có ảnh hưởng rất rộng. Các nhà yêu nước Phan Cao Bằng, Nguyễn Khiêm mời tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo tham gia lãnh đạo. Phong trào ở Bình Định nổ ra bắt đầu từ Bồng Sơn với đoàn biểu tình khoảng vài trăm người, chỉ vài hôm sau, ngày 16 tháng 4 năm 1908 thì lực lượng lên đến nghìn người kéo vào tỉnh lỵ. Nhà cầm quyền mời Phan Cao Bằng, Nguyễn Khiêm vào thành thương lượng nhưng hai ông vừa vào đưa yêu sách của dân thì bị bắt trói và xử tử tại cửa thành. Đoàn biểu tình rất căm phẫn. Nhà cầm quyền cho người ra phủ dụ và gọi Hồ Sĩ Tạo vào thành. Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo đoán trước mình sẽ bị câu lưu, bèn bàn trước chương trình hành động với một số nhân sĩ cốt cán như Trần Vĩ, Đặng Tiên, Nguyễn An Hữu, Huỳnh Vân. Quả nhiên Hồ Sĩ Tạo vừa vào thành thì bị bắt giam. Ông Huỳnh Vân theo lời dặn mang thư của Hồ Sĩ Tạo lên An Vinh tìm Hương mục Ngạc. Theo yêu cầu của Hồ Sĩ Tạo, Hương mục Ngạc lấy uy tín của mình tập hợp tất cả bằng hữu và môn sinh ở An Vinh, An Thái, kêu gọi họ thi hành võ đạo, ủng hộ chính nghĩa. Theo lệnh ông, các võ sĩ An Thái thì gia nhập đoàn biểu tình, thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn bạo lực khủng bố để bảo vệ đồng bào; các võ sĩ An Vinh giả dạng người đi làm, đi buôn tỏa ra các làng, trừng trị bọn cường hào, ác bá, mật vụ. Tin đồn một số tên Việt gian bán rẻ đồng bào nửa đêm bị các võ sĩ đột nhập vào nhà bắt ra chỗ vắng hỏi tội rồi nhận nước sông Kôn khiến bọn còn lại hoảng sợ không dám ra mặt hại dân. Phong trào kháng thuế trào lên như những đợt sóng ào ạt, nhiều vị lý trưởng nộp triện bỏ việc tham gia biểu tình. Một hôm, đoàn biểu tình đang kéo đến trước cổng thành thì một đội kỵ binh Pháp trang bị súng trường xuất hiện, chúng cưỡi ngựa xông bừa vào đám đông, vừa dùng roi ngựa quất túi bụi vào dân chúng. Nhóm võ sĩ An Thái bèn ra tay. Họ áp sát vào đội quân Pháp, dùng trường côn hất chúng rớt xuống ngựa, đá văng súng trường và đánh tơi bời khiến chúng chỉ còn biết ôm đầu cắm cổ chạy vào thành. Trong trận này nhiều người trong đoàn biểu tình bị trọng thương nhưng tâm trạng rất hả hê. Lý trưởng Bùi Ban trúng đòn nặng không cứu được. Đoàn biểu tình đem chôn ông tại gò Cẩm Văn (nay thuộc xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn). Tiếp đó lý trưởng Phan Vinh bị nhà cầm quyền bắt giam vì tội bỏ chức theo dân làm loạn. Ngày ông bị chém tại Gò Chàm, người xem rất đông, ai nấy chít khăn tang thành đoàn dài diễu qua thành cả cây số. Tòa sứ Quy Nhơn tăng cường lực lượng đàn áp và lùng bắt tất cả lãnh tụ của phong trào lớp giết, lớp đi đày. Phong trào kháng thuế của nhân dân Bình Định kéo dài được 30 ngày, dài nhất và sôi động nhất trong phong trào kháng thuế tại Trung bộ hồi bấy giờ, gây tiếng vang lớn toàn quốc.

Có thể nói sự hỗ trợ của lực lượng võ sĩ địa phương dưới sự điều động của Hương mục Ngạc đã cùng với quần chúng kháng thuế hợp thành sức mạnh tổng hợp về nội lực lẫn tinh thần, dậy lên khí thế hào hùng rừng rực.

 

2- Một số nhân vật nổi danh của dòng quyền An Vinh:

Hương mục Ngạc có rất nhiều học trò và những học trò do ông đào tạo đều trở thành những võ nhân ưu tú của một thời. Học trò chính là gia tài lớn nhất của ông và làng võ An Vinh. Trước hết phải kể các con ông như Bảy Lụt, Tám Cảng, Chín Giác; các học trò khác có Sáu Hà, Hương Kiểm Mỹ, Tám Tự, Hai Tửu...

Bảy Lụt tên thật là Nguyễn An, sáng dạ, hiếu học, sức khoẻ hơn người, được cha truyền dạy cho mọi bí quyết về quyền. Trong các cuộc thách đấu so tài, Bảy Lụt thường thủ thắng nhờ biết vận dụng chiêu cầm nã vào các thế vật.

Hồi bấy giờ ở phủ Quy Nhơn có đảng cướp Dư Đành khét tiếng. Trong dân gian có Vè Dư Đành, miêu tả:

Dư Ðành sức mạnh quá trâu

Vùng lên đánh ngã cả xâu triều đình

(Ca dao)

Người ta ghê sợ Dư Đành không chỉ về thủ đoạn cướp của tàn độc mà còn ở sức mạnh vô địch. Nỗi ám ảnh về Dư Đành lớn đến nỗi người lớn đem hắn làm ông kẹ để doạ trẻ con. Đứa bé nào biếng ăn, không ngoan, người lớn đe: “Ăn đi, không thì ông Dư Đành bắt mất”, “Không được hư, Dư Đành kìa!”v.v

Nhà cầm quyền treo giải thưởng cho ai bắt được Dư Đành. Bảy Lụt không ham tiền, nhưng nghe nói không ai dám đương đầu Dư Đành thì máu con nhà võ nổi lên. Bảy Lụt tuyên bố sẽ bắt Dư Đành. Nghe đồn Dư Đành thường tập trung của cải cướp được ở  Thuận Ninh, nơi giáp giới Bình Khê và An Khê, Bảy Lụt  rủ hai người bà con cũng là võ sĩ lên vùng này tìm kiếm.

Nơi Bảy Lụt chạm trán Dư Đành gần Suối Bèo. Đồng bọn của Dư Đành đông quá, hai người cùng đi với Bảy Lụt bị chúng đánh phải bỏ chạy tháo thân. Bảy Lụt giở chiêu cầm nã vật ngửa được Dư Đành xuống đất, nhưng bị Dư Đành dùng thế khoá tay chân nên ngồi trên mình đối phương mà không sao đánh được. Đồng bọn Dư Đành xô tới dùng rựa quéo đánh vào đầu và lưng, Bảy Lụt bị ra máu nhiều, ngất đi. Khi Dư Đành hất xuống đất, Bảy Lụt hồi tỉnh nhưng kiệt sức nằm im. Bọn đàn em Dư Đành định giết Bảy Lụt nhưng Dư Đành không cho.

Được hai người bạn của Bảy Lụt báo tin, người làng đốt đuốc chạy tới nơi thì bọn Dư Đành đã bỏ đi. Bảy Lụt được đưa về cứu chữa hơn ba tháng mới lành, người đầy sẹo. Tuy thất bại trong việc bắt Dư Đành, nhưng sự can đảm của Bảy Lụt truyền khắp trong phủ. Sau khi bình phục, Bảy Lụt ngày đêm miệt mài luyện tập và trở thành tay quyền xuất chúng.

Năm 1935, Bảy Lụt cùng em là Chín Giác và bạn học là Đinh Hề (Hương Kiểm Mỹ) tham dự cuộc đấu võ đài toàn quốc tại Huế. Ông và đồng đội thắng lớn, giành Huy chương vàng cho đoàn Bình Định. Từ trận đấu đài này danh tiếng quyền An Vinh càng bay xa.

Bảy Lụt có nhiều học trò. Trong số đó có võ sư Phan Thọ ở Bình Nghi, được giới võ thuật Bình Định ngày nay thừa nhận là người truyền thừa chính thức của môn phái quyền An Vinh, chúng tôi sẽ đề cập kỹ ở sau.

Tám Cảng là con gái yêu của Hương mục Ngạc, em kề Bảy Lụt, được cha anh rèn cặp kỹ càng nên rất giỏi quyền thuật. Đã từng theo các anh em sang An Thái tham dự các trận cướp heo trong lễ đổ giàn. Tám Cảng xinh đẹp, nhưng võ quá giỏi nên tính khí bướng bỉnh. Hương mục Ngạc thông báo kén chồng cho con với lời thách: chàng trai nào đấu thắng Tám Cảng thì ông gả con. Vài chục chàng trai đến thử sức đều bị Tám Cảng đánh bại. Dư Hữu ở Tiên Thuận hay tin tìm tới. Đấu được vài chiêu Dư Hữu bị Tám Cảng đá văng xuống ao cá. Dư Hữu ra về tìm thầy học tiếp, năm sau lại sang. Qua mấy hiệp, Dư Hữu giả vờ sơ hở. Tám Cảng định giở thế đá cũ. Chỉ đợi có vậy, Dư Hữu lạng người nắm cổ chân quẳng Tám Cảng nằm dài trên bờ giậu. Hai người nên vợ nên chồng, nhưng tính khí xung khắc nên thường lời qua tiếng lại. Một lần cãi nhau, Dư Hữu không chịu nổi lia cái chén sành vào mặt vợ, Tám Cảng vừa đưa tay bắt, vừa nói mỉa. Dư Hữu cả giận sẵn cái dao chuốt mây trong tay phóng sang, Tám Cảng né người tránh được. Dư Hữu giật mình sực tỉnh, chạy một mạch đến quỳ trước ông Hương mục Ngạc chịu tội và xin dứt nghĩa vợ chồng với Tám Cảng, với lý do hai người không hợp nhau, e rằng sự nóng nảy của đôi bên sớm muộn sẽ dẫn tới cơ sự không hay. Hương mục Ngạc gọi con gái sang hỏi chuyện, cuối cùng đành chấp nhận cho họ bỏ nhau. Tám Cảng từ đó sống độc thân, sớm khuya hầu hạ cha già và giúp cha dạy võ.

Dân An Vinh hãy còn truyền chuyện Tám Cảng bắt ngựa một phú hộ ở Mỹ Yên. Nhận lời thách đố, Tám Cảng lẻn vào chuồng ngựa. Mọi người rình xem thì thấy lúc mờ sáng, một bóng ngựa vọt khỏi chuồng chạy thẳng mà không có người cưỡi trên lưng. Đến điểm hẹn ở Thuận Ninh, Tám Cảng từ dưới bụng ngựa chuyền lên lưng ngồi lẫm liệt như một nữ tướng. Hoá ra cô Tám nằm đeo sát bụng ngựa, hai chân kẹp cổ ngựa và dùng tay nắm dái ngựa để điều khiển. Con ngựa này Tám Cảng cưỡi về trả cho chủ cũ. Biết con gái rượu của Hương mục Ngạc giở trò nghịch ngợm, ông phú hộ Mỹ Yên chỉ biết chắp tay vái dài. 

Hai Tửu là cháu gọi Hương mục Ngạc bằng cậu. Hương mục Ngạc xem tướng mạo Hai Tửu, không chịu nhận làm học trò, nhưng vẫn dạy cho một số bài quyền hộ thân. Hai Tửu học lóm rất nhanh, và trở thành một tay quyền nổi tiếng. Hai Tửu hay sang An Thái thách đấu và đấu thường thắng nên rất nghênh ngang. An Thái có Tàu Sáu nổi danh về võ, nhưng Hai Tửu có ý không phục.  Nhân dịp nhà Tàu Sáu đám giỗ, ông tìm sang tận nơi thắp hương rồi đợi lúc ăn uống thù tạc xong xuôi, ngỏ lời xin giao đấu. Tàu Sáu vui vẻ nhận lời ra sân. Chỉ qua vài đường, Hai Tửu bị Tàu Sáu tung một cước ngã nhào. Cú đá không để thương tích, nhưng từ đó Hai Tửu thật sự kính phục Tàu Sáu. Thất bại là mẹ thành công, trận thua đau không làm Hai Tửu nhụt chí, mà còn đánh thức trong ông niềm khao khát vượt lên. Ông tìm những bậc cao nhân để học hỏi và chuyên tâm tập luyện, được giới võ học xếp vào chiếu những tay quyền danh tiếng của An Vinh. 

Hai Tửu có một học trò xuất sắc là Mười Đậu, sức lực ngang ngửa với Bảy Lụt. Mười Đậu mê hát bội, thường nhận gánh đồ thuê cho các gánh hát, thực ra là thủ vai bảo vệ. Trong đời sống rày đây mai đó, đụng chạm thử thách nhiều, nhưng nhờ võ nghệ cao cường mà Mười Đậu nhiều phen thoát hiểm. Ông cũng là một tay quyền nổi danh đương thời.

Tám Tự là học trò Hương mục Ngạc. Học trò Tám Tự là Nguyễn Thái Bảng, một con sư tử trên các sàn đấu võ.

Hương kiểm Mỹ tên thật là Đinh Hề, học trò của Hương mục Ngạc, được thầy thương như con đẻ, đem hết sở học truyền dạy. Trong số các học trò giỏi của Hương mục Ngạc, chỉ có Hương kiểm Mỹ nối được chí thầy. Ông không những lập được nhiều thành tích võ học vẻ vang trên các võ đài quốc gia, làm rạng rỡ sư môn và danh hiệu quyền An Vinh, mà còn thông hiểu võ kinh, sâu sát thực tế, chuyên tâm nghiên cứu và sáng tạo nhiều chiêu thức uyên diệu, trở thành một danh sư về quyền thuật.

Tương truyền, ông có một thế móc mắt rất hiểm, và trong đời chỉ áp dụng một lần. Thế võ này ông tuyệt đối không truyền cho bất cứ một đệ tử nào.

Hương kiểm Mỹ còn là một danh y lẫy lừng về thuật bó xương.

Các học trò xuất sắc của Hương kiểm Mỹ có thể kể Văn Xuân Ngọc, Trần Dần, Đinh Văn Tuấn… đều là những võ sư nổi tiếng ở Bình Định. Võ sư Trần Dần nổi danh với trận đánh hạ võ sư Nam Hàn. Vào năm 1969, Liên đoàn 6 ngụy quân đóng tại khu 6 Quy Nhơn mời một võ sư đệ ngũ đẳng huyền đai Nam Hàn dạy võ cho lính ngụy. Tên này hay ra ngoài, tỏ thái độ tự cao tự đại, ngông nghênh hống hách, mọi người rất bất bình. Một bữa hắn ra mặt thị uy với nhóm thanh niên mới bị bắt quân dịch. Người bạn của Trần Dần tên là Sủng nói nhỏ: “Cho nó một bài học.” Trần Dần vừa nheo mắt ngó tên huấn luyện viên khuỳnh khuỳnh đi qua đi lại, vừa cười cười hỏi bạn: “Đánh hé?”. Người bạn gật đầu. Trần Dần bước ra trước mặt tên kia, ra hiệu thách đấu. Hắn trừng mắt nhìn ông từ đầu tới chân rồi tung cước vô mặt. Ông bỏ ngựa hụp nhẹ xuống tránh đòn rồi xoay người giở trảo đánh móc lên. Tên huấn luyện viên trúng đòn ngã cái uỵch. Mọi người vỗ tay rầm rầm. Trần Dần ngơ ngác: “Uở? Ngã rồi na?”. Tên huấn luyện viên lồm cồm bò dậy, mặt tím tái vì giận dữ.

Võ sư Đinh Văn Tuấn là một trong những nhân vật đi nhiều, học rộng. Ông học nhiều thầy, nhưng chủ yếu là Hương kiểm Mỹ. Ông thạo cả quyền lẫn roi, sử dụng tốt các môn binh khí, lại là một tay đánh trống trận tài hoa từng làm xôn xao dư luận quốc tế. Ông có công giữ gìn và truyền bá tinh hoa võ cổ truyền Bình Định trên cả hai phương diện lý luận và thực hành.

 

3- Lò võ Phan Thọ, nơi giữ lửa của dòng quyền An Vinh

Võ sư Phan Thọ sinh năm 1925, quê ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn. Bắt đầu học võ từ năm 17 tuổi và học ròng rã 18 năm, lòng say mê võ thuật đưa bước chân ông lặn lội khắp các nẻo đường tầm sư học đạo, mê đến mức nhiều phen “xin” vợ bán ruộng bán bò để học. Ông thọ giáo rất nhiều thầy. Các môn quyền, roi, kiếm, đao, thương ông học thầy Nguyễn An (Bảy Lụt) và Diệp Trường Phát (Tàu Sáu). Các môn kích, giản, phủ, chùy, bồ cào, lăn khiên, ông học thầy Lê Hải (Sáu Hà) và Đinh Hề (Hương Kiểm Mỹ). Các môn côn, thước, dây xích, xà mâu, chấn thiên cung, độc bút, chỉa ba, ông học thầy Hồ Nhu (Hồ Ngạnh). Vốn liếng võ thuật của ông là sự kết hợp của nhiều môn phái thuộc ba làng võ nổi tiếng An Thái, An Vinh, Thuận Truyền xưa. Sở trường của ông là quyền, nhưng ông sử dụng nhuần nhuyễn 18 binh khí và giỏi cả những món võ vườn, như rựa quéo, đòn xóc.

Dù đã hơn 40 năm, chuyện Phan Thọ dùng chỉa ba đánh chết heo rừng để bảo vệ đồng bào gặt lúa vẫn còn râm ran trong dân gian vùng Tây Sơn.

Vào giữa thế kỷ XX ở miền Nam rộ lên phong trào đấu võ đài tự do. Trên các võ đài miền Trung và miền Nam, các võ sư Bình Định như Phan Thọ, Hà Trọng Sơn chưa từng nếm mùi thất bại. Được thử thách qua những trận đấu võ đài nảy lửa, vốn võ cổ truyền của Phan Thọ như ngọc càng mài càng sáng. Ông liên tiếp hạ gục nhiều đối thủ lớn, trong đó có cả một võ sĩ Nam Hàn. Vào năm 1972, nghe tiếng ông, một võ sĩ taekwondo đệ ngũ đẳng huyền đai mặc áo sĩ quan Nam Hàn tìm đến tận nhà thách đấu. Ông nhận lời, mời khách ra đòn trước. Không khách khí, viên sĩ quan nọ tung tiền một cước, ông lách mình, cú đá trúng vào cây cột cái làm rung chuyển cả ngôi nhà. Giữ thế thủ đến chiêu thứ ba, cũng là lúc cú đá của viên sĩ quan nọ quét ngang mặt, ông liền giở ngón tấn mã tam chiến, một chân quét ngựa, một tay đỡ đòn, tay kia xòe hổ trảo hạ địa tầm châu, hạ địch thủ nốc ao trong nháy mắt. Trong trận đấu võ đài lịch sử năm 1958 tổ chức tại Đà Nẵng, đoàn võ sĩ Bình Định do ông và võ sư Hà Trọng Sơn làm nòng cốt đã thắng tuyệt đối các đoàn võ sĩ khác trong trận quyết đấu giành ngôi vô địch miền Nam.

Các thế hệ học trò của võ sư Phan Thọ có đủ các thành phần Bắc, Trung, Nam như : Đỗ  Hượt, Phan Thanh Sơn, Phan Đức, Lê Công Hoàng, Lê Văn Nhì, Nguyễn Thi, Nguyễn Nà, Phan Văn Bảy, Đặng Văn May, Nguyễn Khánh, Lê Văn Ký, Đinh Văn Khả, Nguyễn Tích, Trần Văn Tất, Đặng Văn Dũng, Phan Đức Thái, Đinh Ngọc Sang, Lê Văn Pháp…

Đỗ Hượt là nhân vật đã trở thành huyền thoại những năm sáu mươi không chỉ với đòn chẻ hổ khẩu đánh nốc-ao võ sĩ đệ ngũ đẳng huyền đai người Nam Hàn tên Lee trên sàn đấu Tây Sơn, mà còn nổi tiếng vì trận giáp chiến có một không hai tại cầu Đập Bộng – một mình ông đương đầu với một trung đội lính Nam Hàn trang bị lưỡi lê sáng quắc, giữa hai cuộn thép gai dã chiến. Bị chúng bao vây và tới tấp đâm lê vào người, Đỗ Hượt phải dùng hết sở trường về quyền để vừa đánh vừa tránh đòn. Ông bị lưỡi lê xóc vào môi, vào sườn, phải chọn cách lăn mình trên cuộn kẽm gai rồi chui xuống cống Đập Bộng để thoát thân.  

Trong số các học trò của Phan Thọ, rất nhiều người đã thành danh và được phong võ sư như Phan Thanh Sơn, Lê Công Hoàng... Nhiều người đăng quang trên các sàn đấu võ cổ truyền quốc gia như Kim Dũng, Phan Trường Hận... Nguyễn Xuân Nam - một võ sĩ trẻ trong đội võ thuật của Bảo tàng Quang Trung, vừa tham gia công tác biểu diễn, vừa được giao trách nhiệm truyền nghề cho một số diễn viên mới - cũng là học trò chân truyền của võ sư Phan Thọ.

Những năm còn khoẻ, vào ngày mồng 9 tháng giêng ông mang lễ vật về thắp hương tại ngôi nhà tổ (từ đường họ Nguyễn) ở An Vinh. Mươi năm trở lại đây, do tuổi cao sức yếu, ông tổ chức giỗ tổ tại nhà và gửi thiệp mời tất cả đồng môn sư đệ về dự.

Kỳ tới: Roi Thuận Truyền

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làng võ và địa danh văn hóa  (02/11/2006)
Bối cảnh xác lập ưu thế các bộ môn côn, quyền ở Bình Định   (26/10/2006)
Các bộ môn võ cổ truyền   (24/10/2006)
Tìm hướng nâng tầm cho võ Bình Định  (23/10/2006)
Những đặc trưng của võ cổ truyền   (22/10/2006)
Hành trình nguồn cội   (22/10/2006)
Võ cổ truyền Bình Định nhìn từ góc độ văn hóa   (18/10/2006)
LỜI THƯA:   (23/10/2006)
"Tiếp thị" võ Bình Định trên xứ sở kim chi  (16/10/2006)
Người mở võ đường bên dòng sông Võ  (11/10/2006)
Cơ hội để quảng bá võ học VN   (05/10/2006)
Chuyện Tây học võ... ta  (05/09/2006)
Dưỡng nuôi hy vọng về một nền "quốc võ"  (05/09/2006)
Một võ sư Việt kiều ước mơ đem nhạc võ Tây Sơn "xuất ngoại"  (05/09/2006)
Ngũ Linh Dương  (18/08/2006)