Bình Định - một vùng đất võ (Bài 9):
MỘT SỐ LỄ TỤC TẬP QUÁN TẠI CÁC LÒ VÕ CỔ TRUYỀN
15:45', 10/11/ 2006 (GMT+7)

1- Giỗ Tổ

Nghề nào tổ nấy. Theo võ sư Phan Thọ, ngày xưa các lò võ đều thờ ba vị thánh tổ là Dương Thiền lão tổ, Đạt Ma tổ sư và Tiêu Diện lão tổ. Có nơi còn thờ Bà Cửu Thiên Huyền Nữ và đức Quan Thánh đế (Quan Công).

Về sau, đối tượng được suy tôn là tổ sư ở mỗi võ đường một khác. Nhiều lò võ ở Tây Sơn vừa thờ chư vị thánh tổ nói trên vừa thờ Tây Sơn tam kiệt: Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ - Nguyễn Lữ. Điều này thể hiện sự dung hoà giữa ý thức dân tộc với tinh thần tiếp biến văn hoá. Ngày giỗ tổ nghề võ không thống nhất. Lò võ Phan Thọ thờ vua Quang Trung, giỗ tổ ngày mồng 9 tháng giêng âm lịch. Còn lò võ Hồ Sừng thờ võ sư Hồ Ngạnh, giỗ tổ ngày mồng 6 tháng 2 (ngày mất của tổ sư Hồ Ngạnh).

Giỗ tổ là một nghi lễ mang tính truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, cầu mong điều tốt đẹp cho môn phái, thắt chặt mối liên kết giữa những người đồng môn, đồng thời giáo dục cho thế hệ sau tinh thần tôn sư trọng đạo.

1.1- Ghi chép về lễ giỗ tổ tại lò võ Phan Thọ:

Thời gian: Từ 9 - 10 giờ tối (giờ Tuất) của đêm ngày 8 đến ngày 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Nguồn gốc của ngày cúng tổ này là do ông Phan Thọ đặt ra, kết hợp với ngày cúng giỗ của gia đình ông hàng năm, nhưng khấn Tổ sư là Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Các vị thần được khấn vọng: Cửu Thiên Huyền Nữ Thánh Tổ chơn quân, Quan Công Thánh Đế Chơn quân, Hữu vu Thánh Tổ chơn quân, Tiên sư, Tổ sư, Tôn sư, Vô dũng địch tướng mãnh lại phán Quan Vũ Lâm Đại tướng Tôn sư, Hỏa đức, Thổ đức, thập nhị tiên nương hộ chúng, Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai khẩn liệt vị tôn sư, Hữu ban liệt vị, Tả ban liệt vị, Ngũ phương thổ công ngung đại thần, Thập chúng cô hồn thiện nam tín nữ thiên thiên lực sĩ, vạn vạn tinh binh, sơn lâm mãnh hổ.

Trong tổ đường thiết các bàn thờ như sau:

- Bàn thờ thứ nhất: Xung thiên

- Bàn thờ thứ 2: Phác đầu

- Bàn thờ thứ 3: Hổ đầu

- Bàn thờ bên trái (Tả ban): Ngũ bộ đăng đầu

- Bàn thờ bên phải (Hữu ban): Ngũ bộ đăng đầu

- Bàn thờ bên trái: Tiểu đầu

- Bàn thờ bên phải: Hổ đầu

- Bốn bàn vệ tiền: Liệt vị dương binh bộ hạ minh y các hạng cụ túc (đầy đủ các món đồ cúng cho các vị bộ hạ dương binh)

- Bàn cúng đất: Khuê liệp y cụ túc (đầy đủ áo, nón, dày, dép), đại hạn khuê liệp đơn bộ.

Minh y các hạng là y phục các loại, gồm có:

- Xung thiên quan (mão xung thiên), đi với mãng bào màu vàng, giày vàng.

- Cửu phụng quan (mão cửu phụng), đi với mãng bào màu đỏ, giày đỏ vẽ hình phụng.

- Xuân thu quan (mão xuân thu), đi với mãng bào màu lam và giày đỏ vẽ hình rồng; cũng có thể đi với mãng bào màu xanh và giày đen, khăn hồng.

- Phác đầu quan (mão phác đầu), đi với mãng bào màu đỏ và giày đen.

- Hổ đầu quan (mão đầu cọp), đi với áo bào ngũ hổ màu tía, giày đen hạng trung; áo bào màu vàng, màu đỏ mỗi thứ một bộ và giày 2 đôi, nón 2 bộ hạng trung; áo ngũ sắc 12 bộ, giày 12 đôi, nón 12 bộ, áo giao lãnh 2 bộ và 2 đôi giày.

- Tiểu hạng phác đầu quan (mão phác đầu loại nhỏ) đi với áo gấm, mỗi thứ 6 bộ và giày 2 đôi, áo ngũ sắc 2 bộ, áo gấm, minh y 200 bộ.

Lễ vật dâng cúng : 1 cặp vịt, 1 con gà (để xem giò), 2 trứng vịt, 2 con cua, 2 miếng thịt heo, 2 miếng sườn heo, rượu trắng, chè, xôi, bông, chuối, đồ vàng mã…

Ban nghi lễ gồm: Chánh bái (võ sư Phan Thọ), bồi bái, tả hữu chủ ban, thầy lễ và học trò gia lễ.

Nghi thức tế Tổ sư: Khởi chiêng trống, nhạc nhã. Ban tế lễ vào vị trí lạy, dâng rượu, đọc văn tế, đốt văn tế, dâng rượu, dâng trà, lạy Tổ.

Ban nhạc nhã phục vụ trong lễ giỗ tổ tại hai võ đường Phan Thọ, Hồ Sừng chính là đoàn võ nhạc của Bảo tàng Quang Trung.

Thành phần khách mời : Khi cúng Tổ ông Phan Thọ thường mời đại diện các môn phái và các bạn hữu đồng môn, học trò về tham dự.

Ngoài lễ vật dâng cúng, tùy theo quy mô định trước và lượng khách mời mà gia chủ (võ sư Phan Thọ) làm bò hay heo và sắm sửa các mâm tiệc khoản đãi.

Phần hội : Sau các nghi thức tế lễ, các võ sư, võ sĩ trong môn phái thường ra sân diễu võ, trước là để trình Tổ, sau là để quan khách thẩm định về thành quả luyện tập của mình.

Các bài võ trình tổ ở lò võ Phan Thọ là các bài quyền mẫu mực: Ngọc trản, Thiền sư, Tứ hải, Hùng kê, Lão hổ, Lão mai; rồi mới đến các bài sử dụng binh khí.

1.2- Ghi chép về lễ giỗ tổ tại lò võ Hồ Sừng:

Về trình tự lễ giỗ tổ tại lò võ Hồ Sừng cũng tương tự như ở lò võ Phan Thọ. Chỉ khác về thời gian, lời khấn. Các nghi thức có phần đơn giản hơn.

Thời gian: Ngày mồng 6 tháng hai âm lịch hàng năm, là ngày giỗ Tổ sư Hồ Ngạnh, do ông Hồ Sừng và các đại đệ tử của cố võ sư Hồ Ngạnh thống nhất. Võ sư Hồ Sừng chủ trì lễ giỗ, võ sư Lê Thành Phiên được mời giữ vai Chánh bái trong ban nghi lễ.

Các bài võ trình tổ ở lò võ Hồ Sừng lấy roi làm chính, các bài tiêu biểu: Thất bộ, Bát quái, Thái Sơn, Tiên ông, Tề mi, ...

Lễ bái sư:

Người Bình Định xưa không mấy ai là không học lấy một vài miếng võ. Nhà nghèo cho con học võ để phòng thân, để tìm cơ hội kiếm sống, lập thân. Nhà giàu cho con học võ để tăng cường thế lực, thị uy; thậm chí cho người ăn kẻ ở đi học võ để bắt trộm, giữ của. Cha mẹ có ý định cho con học võ ai thì sắm sửa trà rượu dẫn con đến nhà thầy (võ sư) thưa gửi. Người thầy qua câu chuyện dò xem tính ý của cha mẹ thực bụng muốn cho trẻ học võ hay vì thấy trẻ ham võ quá mà phải chìu. Sau khi đã nghe phân qua lai lịch, nguyện vọng của gia đình, người thầy sẽ xem tướng mạo và đưa ra một số câu hỏi để thử tính ý, trí lực, năng khiếu của trò.

Sau khi xem qua tướng mạo và tiên đoán về tính hạnh trò, nếu muốn nhận, người thầy bắt đầu nói với trò và cha mẹ trò về những quy định của môn phái.

Tiêu chí quan trọng hàng đầu trong chọn học trò là đạo đức tư cách. Võ sư Hồ Sừng nói: “Phải học đạo đức, đạo lý trước sau đó mới tới học võ. Đạo đức và võ phải đi song song với nhau. Phải khiêm tốn học hỏi, không được xưng hùng, xưng bá mà phải rèn luyện đạo đức và võ thuật cho thật tốt. Phải biết cương và nhu cho hợp lý ”.

Những quy định mà một người thầy đưa ra cho học trò thường xoay quanh các yêu cầu về tinh thần nhân ái hướng thượng và những phẩm chất chuyên cần, kiên trì, cầu tiến, tinh thần kỷ luật và sự trung thành tuyệt đối với sư môn. Ngoài ra còn có điều kiện về “học phí”. Bởi vì ở Bình Định, dạy võ cũng là một nghề để sống. Con nhà có của đi học thì nộp bạc, vàng. Con nhà nghèo vừa đi học vừa làm công, ở đợ để trừ dần. Những học trò ham học, có năng khiếu mà gia cảnh đặc biệt khó khăn, nếu gặp được người thầy đại lượng sẽ được dạy miễn phí, có khi còn được nhận làm con nuôi (nghĩa tử).

Sau khi nghe qua các quy định và các điều kiện, nếu cha mẹ và trò bảo đảm sẽ làm theo thì thầy mới định ra ngày lành tháng tốt làm lễ cúng tổ cho trò bái sư, gia nhập môn phái.

Thức dâng cúng trong lễ cúng tổ gia nhập môn phái gồm một cặp vịt, một con gà trống, vài tợ thịt lợn (sườn), 2 quả trứng vịt, 2 con cua, 2 con ốc bươu, chè xôi, hương, hoa, trà, quả. Các thức này thường là do phía gia đình học trò chuẩn bị, người nào nghèo có thể giảm cặp vịt, trường hợp nghèo “rớt mùng tơi”, thì đến thịt lợn, chè xôi cũng giảm được, nhưng con gà trống thì không thể thiếu, mà phải là gà trống choai chưa biết gáy. Coi giò gà là một nghi thức bắt buộc trong lễ cúng tổ gia nhập môn phái. Tương truyền, qua việc coi giò gà, có thể biết được tính cách, cử chỉ và tiên đoán được hậu vận, duyên nghiệp của học trò: dở hay giỏi, hư hay nên, nửa đường đứt gánh hay công thành danh toại.

Kết hợp xem tướng với xem giò gà, nếu nhận thấy người nào hiểm độc, hoặc có điềm báo về sự “đứt gánh giữa đường” hoặc phản sư thì thầy kiên quyết không nhận. Cũng có học trò tướng ẩn, tiếp xúc lần đầu không thể biết ngay được, trong quá trình dạy mới phát hiện, người thầy với những trường hợp như thế thường có cách uốn nắn, khắc chế hoặc đối phó riêng. Với những học trò như vậy, người thầy không bao giờ dạy các ngón đòn độc hoặc các chiêu thức bí truyền. “Thà bỏ mất không truyền cho những kẻ bất nhân”- đó là phương châm của võ sư Hồ Ngạnh, đã trở thành nguyên tắc của các võ đường họ Hồ tại Thuận Truyền.

 

3- Kinh nghiệm xem tướng học trò

a- Xem mặt, mắt, mày: Theo kinh nghiệm của các võ sư Phan Thọ, Hồ Sừng, Trần Dần, Văn Xuân Ngọc, thì xem mặt là bước đầu tiên của tướng pháp. Về mặt con nhà võ, cần chú ý những điểm sau:

Mặt chữ điền, trán vuông, cằm vuông, hàm nở là tốt. Mặt tròn hay trái xoan cũng tốt. Trán rộng, gò má không cao là người có hậu. Nhân trung sâu là người trung thực. Mặt ốm choắt như mặt chuột là người có tâm địa độc ác. Mặt lưỡi cày, nhìn thấy bẻm và có mái tóc vàng là người thiếu trung thực. Mắt to, tròng đen tròng trắng phân minh là người trung thực. Mắt sáng là thông minh và có sức mạnh. Mắt nhìn như có làn điện phát ra là người có uy lực. Mắt lồi là người có sức mạnh mà gan dạ, miệng nói sợ chứ lòng không sợ. Mắt lé là người bẻm và độc ác. Mắt sụp là không trung thực. Mắt nhỏ, mắt hí là người hiểm tâm, ác độc không lường hết được. Lông mày ngắn mà đậm là có sức mạnh nhưng tính cộc. Lông mày đậm hơi xếch biểu hiện sức mạnh, nhưng lông mày xếch ngược lại là biểu hiện của sự hung hãn, bạo ngược.

c - Xem tay: Theo kinh nghiệm của võ sư Hồ Sừng.

Bàn tay dài, các ngón tay cũng dài hơn người bình thường là bàn tay có nhiều biệt tài. Bàn tay cù (bàn tay và các ngón tay ngắn và thô) là bàn tay sát sanh, nghĩa là đánh đâu không chết thì cũng bệnh.

d - Xem hình thể, xương, khớp xương:

Trong làng võ có câu: “Nhứt có tài, nhì dài sào”. Có tài là năng khiếu. Dài sào chỉ sự cao ráo về hình thể. Vóc dáng cao mà lưng, chân cân phân (cân đối) là tốt. Vai rộng và thẳng, lưng thẳng, chân tay thẳng, lưng có hình tam giác là có năng khiếu và đánh tốt. Lưng dài, chân ngắn là lười biếng. Lưng hơi gù là người chậm chạp, nhưng thể lực mạnh.

Lồng ngực to và nở là người có thể lực tốt và mạnh. Lồng ngực nhỏ và lép là người có thể lực kém và yếu.

Ót thẳng là tốt. Người nào dưới ót có xương phản cốt gồ lên, thì sớm muộn cũng làm phản.

4- Kinh nghiệm xem giò gà:

Chân chúm lại, màu sắc tươi đẹp là người có năng khiếu và đạo đức tốt.

Chân kẹp cổ: phản sư.

Móng chân ngón giữa bấm vào ngón cái (chân bấm cái): phản bạn, có tính cộc và bẻm, không tốt.

Ngón chân thứ hai quặt xuống lòng bàn chân: cha hoặc mẹ không muốn cho con học võ.

Chân tõe ngoắc và các ngón chân chỉ thiên, chỉ địa là người không có năng khiếu, học đâu quên đó.

Nếu gân nổi bầm đen là dấu hiệu người học trò ấy sẽ không tránh được thương tật, nửa đường đứt gánh.

Bây giờ, tục coi giò gà vẫn còn được các ông thầy võ ở Thuận Truyền và An Vinh áp dụng.

 

Kỳ tới: Đấu võ đài

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
ROI THUẬN TRUYỀN   (07/11/2006)
Quyền An Vinh  (04/11/2006)
Làng võ và địa danh văn hóa  (02/11/2006)
Bối cảnh xác lập ưu thế các bộ môn côn, quyền ở Bình Định   (26/10/2006)
Các bộ môn võ cổ truyền   (24/10/2006)
Tìm hướng nâng tầm cho võ Bình Định  (23/10/2006)
Những đặc trưng của võ cổ truyền   (22/10/2006)
Hành trình nguồn cội   (22/10/2006)
Võ cổ truyền Bình Định nhìn từ góc độ văn hóa   (18/10/2006)
LỜI THƯA:   (23/10/2006)
"Tiếp thị" võ Bình Định trên xứ sở kim chi  (16/10/2006)
Người mở võ đường bên dòng sông Võ  (11/10/2006)
Cơ hội để quảng bá võ học VN   (05/10/2006)
Chuyện Tây học võ... ta  (05/09/2006)
Dưỡng nuôi hy vọng về một nền "quốc võ"  (05/09/2006)