Bình Định Gia trên đất Bắc
17:42', 28/11/ 2006 (GMT+7)

Mấy năm ở Hà Nội, tôi đã được nghe khá nhiều về sự nổi tiếng của môn phái Bình Định gia - ở ngoài đời lẫn trên các diễn đàn về võ thuật và các diễn đàn của người Bình Định. Nghe và cũng thầm tự hào lắm (chẳng gì thì nghe đâu sư trưởng môn phái này cũng là người Phù Cát với tôi mà). Nhưng vừa rồi, khi có dịp đến thăm môn phái, tôi thật sự ngạc nhiên trước quy mô phát triển và tầm ảnh hưởng của võ Bình Định - môn phái Bình Định Gia - trên đất Thăng Long và 18 tỉnh thành thuộc khu vực miền Bắc. Và may mắn hơn tôi đã được trò chuyện với võ sư trưởng môn Trần Hưng Quang.

Tôi thấy cần phải nói ngay một điều - có lẽ phải gọi ông là lão võ sư mới phải, bởi chỉ còn ít ngày nữa thôi, đệ tử của ông sẽ tổ chức lễ mừng bát tuần khánh thọ (80 tuổi) cho thầy. Ở tuổi 80 nhưng ông vẫn rắn rỏi, nhanh nhẹn, hoạt bát và dí dỏm lắm.

 

Một buổi tập của các võ sinh Bình Định Gia ở võ đường Cầu Giấy.

 

1.

Bình Định Gia là môn phái có tiếng, nên mỗi lần có võ đường nào đó của môn phái này  tổ chức thi lên đai, là nơi đó lại như đang diễn ra một hội võ nho nhỏ do có sự góp mặt của nhiều võ sư ở nơi khác về chấm thi. Nhiều người đến để chứng kiến, thưởng lãm những đòn thế đẹp. Tối 25 - 11 vừa rồi, tôi đã có dịp chứng kiến một hội võ như thế ở võ đường Việt - An.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1979), hiện đang điều khiển một võ đường Bình Định Gia ở Hà Đông (Hà Tây) với 300 môn sinh theo học cho biết: "Tôi đã theo Bình Định Gia 14 năm. Trước đó tôi cũng đã tập một số môn võ khác, sau cùng tôi ở lại với Bình Định Gia vì môn phái có cái hồn dân tộc mà tôi hâm mộ". Một phụ huynh gởi con ở võ đường của võ sư Tuấn kể: "Võ sư này trẻ tuổi nhưng rất nghiêm. Võ sinh chưa thành niên muốn nhập học phải được sự chấp thuận của phụ huynh và do cha mẹ dẫn đến; nghỉ 2 buổi tập mà không xin phép là sẽ gạch tên khỏi môn phái. Mặc dù kỷ luật nghiêm khắc như thế nhưng số lượng học trò vẫn không giảm đi".

Cùng dự thi hôm ấy còn có cả hai phụ giáo (môn sinh đạt đến trình độ cao, dạy võ cho những bạn học sau với sự hướng dẫn của huấn luyện viên chính), cả hai đều là sinh viên. Phụ giáo Trần Đức Dũng - trình diễn một bài túy quyền. Không như các bộ phim võ thuật mà tôi xem. Quyền pháp của Dũng đầy vẻ kỳ ảo, những bước đi thoạt nhìn có vẻ xiêu vẹo nhưng kỳ thực lại là một kiểu bộ pháp tấn công kết hợp hoàn hảo với quyền pháp. Tự tôi, có lẽ sẽ chẳng nhìn ra được những yếu tố này nếu trước đó chưa được lão võ sư điểm chỉ trước. Phụ giáo Trịnh Minh Cảnh trình diễn “ngon lành” bài thương quyền. Cảnh quê ở Thanh Hóa, hiện là sinh viên năm 4 trường ĐH Khoa học tự nhiên. Thích võ Bình Định từ khi nghe dân gian ngâm nga “Ai về Bình Định mà coi…” và đến nay chàng sinh viên này đã hấp thụ một phần tinh hoa của môn võ dân tộc và càng học càng thấy thích.

Xem hai bài thi tôi chợt thấm thía sức hấp dẫn của Bình Định Gia.

2.

Tháng 11, nhiều hôm Hà Nội trở lạnh, người người đã ngại ra đường nhưng vòng quanh các võ đường của Bình Định Gia tôi vẫn thấy sáng đèn luyện võ. Tại võ đường Cầu Giấy (Nhà văn hóa Cầu Giấy-Hà Nội) có rất nhiều môn sinh nhí theo tập, thỉnh thoảng có em ngây ra... ngó, thầy chỉ cần e hèm... mọi việc lại vào quy củ.

Anh Nguyễn Đại Lợi, một trong những huấn luyện viên xuất sắc được khen thưởng ở Đại hội võ phái Bình Định Gia năm 2005 tỏ ra ngạc nhiên và lấy làm tiếc khi thấy đồng hương của sư phụ mình lại không biết võ! Tranh thủ lúc giải lao, anh Lợi kể: "Cao tuổi lắm, ít nữa là 80 rồi, nhưng khi cần giảng thầy vẫn còn đủ sức thị phạm hầu hết các động tác cho chúng tôi đấy. Học trò múa quyền ông ngồi trên đọc thơ bài quyền đó, giọng rất hứng khởi. Đôi khi bị đám học trò nghịch ngợm “dụ dỗ”, ông lại cười lên một kiểu cười trong bộ 36 kiểu cười của hát tuồng. Đứa nào nghe rồi cũng khoái cười theo...".

Tại võ đường Việt - An (Trường Tiểu học Việt Nam-Angieri, quận Thanh Xuân Bắc), tối tối người ta vẫn thấy võ sư Trần Hưng Quang trực tiếp chỉ huy võ đường. Ông ngồi trên một chiếc ghế rời và bàn con của học trò cấp một, chăm chăm cây bút vào cuốn sổ dày cộm đã quăn queo bốn góc, điểm danh cho từng buổi học. Vì điều kiện sân bãi trường Việt - An chỉ có hạn nên số lượng chỉ có 70, chia thành hai “cua” chẵn lẻ và vì thế ông nhớ tên gần hết học trò của mình. Nói với học trò, bất kể tuổi tác ông đều xưng “ba” rất thân mật và đám học trò cũng gọi lại “Ba ơi!” rất ngọt! Võ đường của ông vì thế trông như sân tập võ của một gia đình đông con. Ông cười rất hóm: "Ngày xưa, võ Bình Định phần lớn được dạy theo lối gia truyền, thâu nhận học trò không nhiều...". Gọi là ba-con như thế, nhưng việc giáo thụ nghiêm khắc thì vẫn cứ nghiêm khắc.

 

Phụ giáo Trần Minh Cảnh biểu diễn bài thương quyền.

 

3.

Học trò võ sư Trần Hưng Quang khá nhiều người đã sống được bằng nghề võ. Nhưng theo võ sư Trần Hưng Quang, ông quan niệm: nghề dạy võ không giàu tiền bạc, chỉ giàu tình, giàu nghĩa. Ông vui vì đi đến đâu cũng có học trò. Vì thế là trưởng môn phái nhưng ông vẫn sống một cuộc sống giản dị, đạm bạc trong căn hộ chung cư của một khu tập thể Khu Thanh Xuân Bắc (Quận Thanh Xuân- Hà Nội).

Cả cuộc đời ông bôn ba nhiều nơi, sống nhiều ở Hà Nội nhưng giọng Bình Định của ông vẫn đặc sệt. Đám học trò nói theo ông, vẫn gọi “quýnh võ” thay cho ngôn ngữ phổ thông “đánh võ” riết cũng thành quen. Đến ngày Họp đồng hương Bình Định tại Hà Nội (mùng 5 tháng Giêng hàng năm) ông đều mang quân đến biểu diễn để ôn lại truyền thống quê nhà.

Tôi hỏi lại võ sư Trần Hưng Quang một câu hỏi đã cũ: “Tại sao ông quyết định mang môn võ gia truyền của mình ra phổ biến rộng rãi?” Ông trả lời rất ngắn gọn: “Nếu không truyền thì lỡ mình chết là mất hết!”. Sau ông nói thêm: “Đây là tinh hoa văn hóa dân tộc, chỉ có mở rộng ra thì mới bảo tồn được!”. Chính vì tinh thần cởi mở như thế nên tinh hoa môn phái đã có thêm cơ hội truyền lưu, phát triển thêm. Không phải vô tình mà năm 2001, khi tổng thống Nga Putin sang thăm Việt Nam, Bình Định Gia đã được vinh dự biểu diễn cho ngài xem...

Ông có ba người con trai. Người con trưởng theo nghiệp cha. Đang lúc tinh hoa phát tiết thì bị qua đời năm vừa tròn 30 tuổi (1996). Võ sư Trần Hưng Quang xem đây là một tổn thất không chỉ cho riêng gia đình mà còn cho cả môn phái Bình Định Gia. Hai người con còn lại thì, một người chỉ “luyện võ bằng trí”, người còn lại thì lại không theo nghiệp của cha. Tuy nhiên với việc truyền bá rộng rãi môn võ gia truyền, võ sư Trần Hưng Quang đã tạm yên tâm không còn lo sợ tinh hoa môn phái bị thất truyền.

Hơn 21 năm mở cửa thu nhận học trò, môn phái Bình Định gia đã có 5 thế hệ học trò, với hàng vạn lượt môn sinh. Ban đầu Bình Định Gia chỉ có ở Hà Nội, nhưng nay đã mở rộng tầm ảnh hưởng ra đến 18 tỉnh thành, 40 võ đường với khoảng 130 huấn luyện viên giảng dạy trên toàn miền Bắc. Bình Định Gia thực sự là một môn phái mạnh, đặc biệt là ở của Hội võ thuật Hà Nội. Tháng 12 tới có lễ thượng thọ của ông, đám học trò đang dự tính một buổi lễ hoành tráng cho xứng đáng với vị thế của một vị trưởng môn phái có số lượng môn sinh lên đến hàng vạn như Bình Định Gia.

  • Võ Thị Ngọc Ánh

Vài nét về võ sư Trần Hưng Quang

Lão võ sư Trần Hưng Quang và tác giả.

Võ sư trưởng môn Bình Định Gia Trần Hưng Quang cũng chính là NSƯT môn hát tuồng Trần Hưng Quang.

Ông sinh năm 1927, quê ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát tỉnh Bình Định trong một gia đình có truyền thống võ và tuồng.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc học trường Công an nhân dân ở Hà Đông rồi làm Trưởng Công an thị xã Ninh Bình, sau về làm ở Ty Công an Hà Nội. Nhưng vì đam mê tuồng, ông đã chuyển hẳn sang làm nghệ thuật.

Năm 1969, với vai trò là Trưởng Đoàn Tuồng khu V ông trở về phục vụ ở chiến trường khu V.

Sau giải phóng ông công tác tại Nhà hát tuồng Đào Tấn (Quy Nhơn - Nghĩa Bình).

Năm 1982 nghỉ hưu, ông ra lại Hà Nội đoàn tụ cùng gia đình.

Năm 1985, với sự giúp đỡ của Sở Thể dục thể thao và Liên đoàn võ thuật Hà Nội ông quyết định đưa môn võ gia truyền phổ biến rộng rãi.

Ông là người đầu tiên và duy nhất cho đến nay phổ biến võ Bình Định ra khắp các tỉnh miền Bắc.

Và nét về môn phái võ Bình Định Gia

Võ sư Trần Hưng Quang cùng các môn sinh vừa thi lên đai tại Võ đường Việt - An (ảnh chụp đêm 25-11-2006).

Theo lịch sử môn phái thì Bình Định Gia hình thành từ thời Tây Sơn tại vùng đất võ Bình Định.

Cụ tổ của môn phái này là Trần Đại Chí, một võ tướng dưới triều Thanh (Trung Quốc), do bất đồng chính kiến với triều đình nên cụ phiêu dạt sang Việt Nam, định cư ở Bình Định.

Tại đây, cụ đã nghiên cứu, học hỏi các môn võ Tây Sơn, phối hợp với sở học võ thuật Trung Hoa, tích hợp sở trường, sở đoản của hai dòng võ, sáng tạo và hoàn thiện các bí quyết luyện tập và chiến đấu, đúc kết tinh hoa thành tâm pháp võ công rồi truyền lại trong gia đình. Bình Định Gia trước kia chỉ truyền dạy cho con trai trong nhà, không thu nhận đệ tử. Võ sư Trần Hưng Quang là trưởng môn đời thứ tư của môn phái này.

Võ phục chính thức của Bình Định Gia là màu đen. Hệ thống các đai tiến dần theo trình độ từ dưới lên trên phân biết theo các màu: đen - trắng - xanh - vàng - đỏ.

Tôn chỉ của Bình Định Gia là Võ đạo vị nhân sinh- Võ công khai trí tuệ. (Rèn luyện võ công để nâng cao sức lực, khai tâm, mở trí, tự tin vào bản thân và tự tôn dân tộc). Bình Định Gia truyền dạy tư tưởng “Dụng thủ vi công, thương tâm giả ác”- lấy tự vệ làm đòn công, lấy thiện tâm giải ác.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đấu võ đài   (14/11/2006)
MỘT SỐ LỄ TỤC TẬP QUÁN TẠI CÁC LÒ VÕ CỔ TRUYỀN   (10/11/2006)
ROI THUẬN TRUYỀN   (07/11/2006)
Quyền An Vinh  (04/11/2006)
Làng võ và địa danh văn hóa  (02/11/2006)
Bối cảnh xác lập ưu thế các bộ môn côn, quyền ở Bình Định   (26/10/2006)
Các bộ môn võ cổ truyền   (24/10/2006)
Tìm hướng nâng tầm cho võ Bình Định  (23/10/2006)
Những đặc trưng của võ cổ truyền   (22/10/2006)
Hành trình nguồn cội   (22/10/2006)
Võ cổ truyền Bình Định nhìn từ góc độ văn hóa   (18/10/2006)
LỜI THƯA:   (23/10/2006)
"Tiếp thị" võ Bình Định trên xứ sở kim chi  (16/10/2006)
Người mở võ đường bên dòng sông Võ  (11/10/2006)
Cơ hội để quảng bá võ học VN   (05/10/2006)