Nội dung võ cổ truyền Bình Định
14:31', 6/2/ 2006 (GMT+7)

Ý muốn của mọi người và các võ sư Bình Định là khi nói đến võ cổ truyền Bình Định phải làm sao thể hiện cho được nội dung và những đặc thù của nó, không được một môn phái nào lấy bản sắc của võ Bình Định làm bản sắc của môn phái mình.

Võ cổ truyền Bình Định kế thừa võ cổ truyền Việt Nam, lấy võ thời Tây Sơn làm nền tảng, tiếp thu chọn lọc các dòng võ miền Bắc (Đằng Ngoài), kết hợp hài hòa võ miền Nam (Đằng Trong), rút tỉa những tinh hoa võ Trung Hoa (Thiếu Lâm) đồng thời vận dụng nền võ bản địa và võ của dân tộc anh em.

Trong quá trình phát triển của dân tộc, qua thời gian dài chiến đấu chống giặc ngoại xâm để giành lại tự do độc lập cho Tổ quốc, võ nghệ là bạn đồng hành không thể thiếu và đã góp phần đánh thắng quân ngoại xâm. Người dân Bình Định rất tự hào và thấy rõ tác dụng của võ đã đem lại thể lực, sức khỏe cho nhân dân để sản xuất, chiến đấu và góp phần xây dựng cuộc sống ấm no.

Nội dung võ thời Tây Sơn

Trước khi nói đến võ cổ truyền Bình Định, chúng ta nên xem lại nội dung võ Tây Sơn.

Võ Tây Sơn kết hợp hài hòa giữa cương công và nhu công; giữa ngoại công và nội công. Nội dung võ Tây Sơn bao gồm nhiều môn, phân chia thành bốn nội dung như:

- Phần một là luyện công

Luyện công là một nội dung rèn luyện thể lực bao gồm hai phần là khinh công và khí công.

Khinh công là phương tiện luyện tập ngoại hình, luyện sức bền, sức chịu đựng dẻo dai và linh hoạt (sức chịu đựng bên ngoài).

Khí công là phương pháp luyện tập nội lực (sức chịu đựng bên trong cơ thể). Tập thở mà chủ yếu là nói thở. Tập lên gồng là tập nín thở, đưa tất cả sức lực, vận khí làm các cơ bắp căng ra (trương cơ) to phình lên, cho đối phương mặc sức đấm đá.

- Phần hai là quyền thuật

Quyền thuật bao gồm các môn luyện tập tay không, không có binh khí chỉ dùng tay chân. Cấu tạo bằng cương quyền và nhu quyền, với kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp, bao gồm đòn công và đòn thủ lợi hại, đánh trả đòn rất quyết liệt, mang tính chất sát thương cao. Những bài quyền dùng sức mạnh với mục đích tiêu diệt đối phương nhanh. Còn nhu quyền mang tính thủ, né tránh linh hoạt, lợi dụng tình thế từ thủ sang tấn công nhanh, linh hoạt.

- Phần ba là Võ với binh khí

Binh khí bao gồm: dài và ngắn. Dài bao gồm các môn như: roi, thương, đại đao và lao… Binh khí ngắn bao gồm: cung tên, dao mác, kiếm ngắn và kiếm dài…

- Phần bốn là Luyện tinh thần

Luyện tinh thần bao gồm: "Tâm đạo" và "Tà đạo". Tâm đạo là nói đến luân thường đạo lý (luân lý). Trên dưới phân minh, tôn sư trọng đạo và những điều cấm đối với võ sinh.

Với phương pháp tập luyện bao gồm các bước như sau:

Tập luyện để rèn luyện dáng hình

Tập luyện để đi vào áp dụng

Tập luyện thực hành trên các dụng cụ (bao cát, người giả).

Nội dung võ cổ truyền Bình Định

Nội dung võ cổ truyền Bình Định bao gồm các môn như:

Về quyền (Võ múa):

Quyền còn gọi là thảo bộ, hay còn gọi là Quyền tay không, khi thực hiện một bài quyền, tất cả các bộ phận trong cơ thể đều tham gia hoạt động mà nhất là bộ tay, bộ chân và nhãn pháp tham gia hoạt động nhiều hơn.

Quyền thường là có bài (Bình Định hiện có khoảng bốn mươi bài) bao gồm: Nhu quyền và Cương quyền. Với nội dung tập thể và cá nhân.

Nhu quyền là bài quyền thể hiện mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt chủ yếu là biểu diễn cá nhân và né tránh đòn thế tấn công của đối phương, như: Quyền thể dục, quyền dưỡng sinh, quyền biểu diễn và quyền tự vệ.

-      Quyền thể dục là nội dung tập võ (có thể thay bài thể dục buổi sáng) ở khối nhà trường và cho tất cả đối tượng khác.

-      Quyền dưỡng sinh là môn tập cho những người lớn tuổi (thường là nhu quyền).

-      Quyền biểu diễn (võ múa): Thường các ngày lễ hội, quyền là môn biểu diễn chủ yếu và là một nội dung thi đấu của võ cổ truyền Bình Định (sau ngày giải phóng mới xuất hiện).

- Quyền tự vệ (Võ tự vệ): Quyền tự vệ chủ yếu là sử dụng các đòn thế, không có bài bản gì cả. Thời Tây Sơn mọi người dân đua nhau học võ để tự vệ bản thân, chống chọi với khí hậu rừng thiêng nước độc, đánh thú dữ và chống bọn xấu cướp đường, cướp phá buôn làng. Chống bọn tham quan ô lại, hà hiếp dân lành, bọn lý hương xã thôn quấy nhiễu người dân, đòi siêu cao thuế nặng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của nhân dân ta, võ tự vệ là một nội dung của binh chủng đặc công. Bộ đội hoạt động ở nội thành vận dụng nó để tiếp cận quân thù, tiêu diệt chúng mà không để lại dấu vết.

Võ với binh khí

Võ binh khí bao gồm hai loại: Võ binh khí ngắn, Võ binh khí dài.

Binh khí dài gồm các môn như: roi, thương, đại đao, chĩa ba ... Các môn này lưu hành rất rộng rãi, nhưng đặc biệt có môn roi (côn) là thịnh hành rộng rãi nhất. Các võ đường ở Bình Định đều tập môn roi, chiếm tỉ lệ 30-40%. Môn côn (roi) còn có trường côn và đoản côn. Môn đoản côn phát triển cũng khá rộng. Đã sưu tầm được 80 bài roi.

Binh khí ngắn gồm các môn như: đao, rựa, kiếm, búa, lưỡi lê, song đao, bắn cung và nhị khúc (tam khúc)...

|Kiếm là một môn phát triển rộng ở trong và ngoài tỉnh Bình Định. Chiếm khoảng 20-30% nội dung dạy võ ở các võ đường. Kiếm gồm song kiếm và độc kiếm. Kiếm cũng có hai loại: kiếm cong và kiếm thẳng.

Kiếm cong còn có vỏ bọc bên ngoài, thường gọi là kiếm lệnh dùng cho những ai đảm trách được nhiệm vụ ra lệnh cho người khác thi hành (còn gọi là kiếm chỉ huy). Nói là kiếm cong nhưng chỉ cong một đoạn ở mũi kiếm.

Kiếm thẳng (có bao hoặc không bao) là kiếm phổ thông dùng trong tập luyện, thi đấu và giáp trận. Bình Định đã sưu tầm được 20 bài kiếm đang lưu truyền trong dân gian. Nhiều nhất là kiếm thời Tây Sơn. Nhiều bài có lời thiệu, có bài không. Bài "Mai hoa kiếm pháp" được lưu truyền rộng rãi từ đời này sang đời khác.

Võ chiến đấu

Võ chiến đấu gồm: võ thi đấu và võ đấu, hai loại đều mang tính đối kháng.

1.Võ thi đấu:

Là một trong nội dung quy định thi đấu, như các môn võ đã nói ở trên thi đấu theo điều lệ, có trọng tài giám định.

Võ chiến đấu là võ đánh nhau thật sự, đánh với mọi đối tượng, đánh không có sự ràng buộc gì cả. Đánh nhau trên mọi trận địa với tất cả các loại võ khí hiện có. Chủ yếu đánh nhau ở cự ly gần (cận chiến hay còn gọi là đánh sáp lá cà). Mà loại võ chiến đấu này thể hiện và được áp dụng rộng rãi ở giai đoạn trước và trong thời Tây Sơn. Trong thời chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, bộ đội đặc công của ta đã vận dụng võ chiến đấu đến tận sào huyệt của địch mà tiêu diệt chúng. Võ chiến đấu thường là ít có bài bản nhất định mà chủ yếu là sử dụng các đòn thế mà đặc biệt là đòn thế bí truyền nguy hiểm. Đánh mà kẻ địch không biết đau mà chết tại chỗ, hay là chết dần chết mòn sau đó mà không cách nào thuốc gì cứu chữa được. Chỉ có phương cách duy nhất là dùng thuốc võ đặc trị mà hay nhất là tìm được thuốc võ người đã đánh mình (phương pháp giải độc).

Võ chiến đấu bao gồm một số môn như:

-    Võ tay không đánh với tay không (dùng đòn tay đòn chân).

-    Võ tay không đánh với binh khí (kể cả các loại binh khí).

-      Võ binh khí đánh với binh khí.

- Một người đánh với nhiều người.

Một mình khi bị nhiều người bao vây, thì sử dụng đòn đánh phá vây.

- Đánh võ trên mọi địa hình, mọi trận địa.

Thách đấu võ với nhau mà không cần tuổi tác, nam nữ (võ đài)...

Nội dung võ Bình Định cũng còn một số môn khác như: Lăng khiêu, dùng dây, ném dao, ném chì, roi hai đầu, chùy... nhưng không phổ biến, lâu lâu mới thấy xuất hiện, lúc ở nơi này lúc thì nơi khác, mà nhất là ít người biết đến chỉ có một hai võ đường dạy, theo cách gia phả lưu truyền.

Võ đài

Đây là một loại hình thi đấu khá đặc biệt, chỉ có Bình Định tổ chức mà thôi, có một võ sư thủ đài, đài ở đây không cố định, có lúc trên đồng ruộng khô, trên đồi núi, miễn sao có một khoảng đất trống để hai người có thể đấm đá là được. Có lúc cũng có sàn đài cao hơn 1 mét, có chiều rộng hẹp không cố định, không có dây Rin bảo vệ xung quanh. Võ sư thủ đài thượng đài thách đấu tất cả các võ sư không phân biệt nam nữ, tuổi tác, cũng không cần đến trọng tài, hai người dùng đủ mánh khóe, ra đòn công thủ tùy ý, đánh nhau cũng không tính thời gian, hễ ai bỏ chạy và rơi xuống đài là thua cuộc.

Thời Tây Sơn, Bùi Thị Xuân thượng đài thách đấu, qua ba ngày chưa gặp đối thủ. Cha Bùi Thị Xuân công bố, nếu võ sư nào đánh hạ đài được con gái ông thì ông gả luôn thành chồng vợ. Một võ sư xuất hiện không xưng danh tánh, khăn che mặt lên đài thi đấu. Đầu tiên hai người đấu kiếm, xoay vòng bên nhau, đường kiếm kẻ đâm người đỡ, kẻ chém người kê, giao đấu mấy trận khá lâu, bỗng thình lình võ sư nam đá bay kiếm của Bùi Thị Xuân. Hai người lại đấu với nhau võ tay không. Đấu với nhau cũng khá lâu mà chưa phân thắng bại, linh tính của Bùi Thị Xuân cho đây là võ sư quen biết, bà xin dừng trận đấu. Đúng là võ sư Trần Quang Diệu mà trước đây bà đã đánh cọp cứu chàng. Từ đó hai người thành vợ chồng và cũng là hai vị tướng nổi tiếng của thời Tây Sơn.

. Theo Võ cổ truyền Bình Định (Lê Thì)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Võ cổ truyền Bình Định ở ngoài tỉnh  (02/02/2006)
Võ phái Tây Sơn  (25/01/2006)
Võ phái Tuy Phước  (22/01/2006)
Quyền An Vinh   (18/01/2006)
Roi Thuận Truyền và tên tuổi võ sư Hồ Ngạnh  (16/01/2006)
Báu vật thiêng liêng ở một dòng họ võ  (18/11/2005)
Nét độc đáo của võ cổ truyền Việt Nam - Bình Định - Sa Long Cương  (21/06/2005)
Gìn giữ cho muôn đời sau  (19/04/2005)
An Thái: Bến sông hội tụ anh tài  (15/04/2005)
"Truyền thuyết": gái An Vinh  (12/04/2005)
Thuận Truyền: vang danh những đường roi  (08/04/2005)
Huyền thoại đất võ Tây Sơn  (06/04/2005)
Phi Long bí truyền  (07/03/2005)
Giỗ tổ võ trên miền đất võ  (27/02/2005)
"Hùm xám miền Trung"  (01/02/2005)