Cơ sở lý luận và kỹ thuật cơ bản của võ cổ truyền Bình Định
14:54', 8/2/ 2006 (GMT+7)

Bình Định là một địa danh của võ nghệ. Võ cổ truyền Bình Định với nội dung nhiều, đa dạng và phong phú. Trên cơ sở võ Tây Sơn đã tập hợp, hệ thống, tinh gọn, và rút tỉa những tinh hoa võ "đằng ngoài", chọn lọc đúc kết võ "đằng trong", vận dụng uyển chuyển võ Trung Hoa "Thiếu lâm tự", kết hợp với các dòng võ tại bản địa mà xây dựng lên thành dòng võ độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc - Võ cổ truyền Bình Định.

Võ cổ truyền Bình Định có một nền võ học hoàn chỉnh, bao gồm võ lý, võ đạo, võ thuật và thể hiện một số đặc điểm độc đáo của riêng mình "Nhất nhanh, nhì lẹ, ba giỏi", đòn đánh hiểm hóc, biến hóa linh hoạt, đánh dứt điểm nhanh chóng, có thể lực tốt, phản ứng nhạy bén và trình độ kỹ thuật cao. Ngoài ra, võ cổ truyền còn thể hiện một số đặc trưng mang tính chất quần chúng, tính khoa học và tính chiến đấu.

"Ai về Bình Định mà coi,

Con gái Bình Định cầm roi đi quyền"

"Ai về Bình Định mà coi" không phải là lời thách đố mà là lời mời chào thân tình. Người dân Bình Định hiền hòa, khoan dung, mến khách, rất muốn người mọi miền của đất nước về thăm quê mình, xem Bình Định có phải là "Miền đất võ" hay không?

Võ nghệ thời Tây Sơn là thời hưng thịnh nhất. Thời đó mọi người dân đua nhau đi học võ để tự vệ bản thân chống lại mọi loài thú dữ ở chốn núi từng hoang dã, rừng thiêng nước độc. Võ là giấy thông hành để giao lưu với các vùng phụ cận, để chống lại bọn cướp đường và bọn lâm tặc. Một điều quan trọng nữa là biết học võ để mong muốn được vào đầu quân phong trào nghĩa quân Tây Sơn.

Nguyễn Huệ không những là một anh hùng kiệt xuất mà còn là một nhà võ lỗi lạc, người đã vận dụng sáng tạo đưa võ nghệ vào huấn luyện quân đội, xây dựng quân đội bách chiến, bách thắng, tinh thông võ nghệ, có kỷ luật nghiêm minh và có tinh thần chiến đấu cao.

"Con gái Bình Định cầm roi đi quyền", con gái mà đã biết đánh võ thì những lớp người khác lại càng giỏi võ hơn, đa số người dân Bình Định từ già đến trẻ, gái trai, ai ai cũng biết võ.

"Cầm roi đi quyền" điều này nói lên người dân Bình Định biết nhiều môn võ khác nhau như roi, quyền, côn, kiếm... qua đây cũng nói lên nội dung võ thuật Bình Định bao gồm nhiều môn đa dạng và phong phú. "Cầm" mang nghĩa thách đấu, cầm thử xem đánh môn này, rồi đánh môn khác tiếp theo.

"Roi tiền quyền tiếp". Đánh roi trước rồi đánh quyền tiếp theo. Điều này cũng nói lên người dân Bình Định không những biết võ mà biết nhiều môn võ khác nhau.

Hai câu ca dao trên thể hiện tính quần chúng rộng rãi của võ cổ truyền Bình Định và là đặc trưng nổi bật của nó. Người dân Bình Định rất tự hào được mang tên "Miền đất võ".

Họ học võ để nâng cao thể lực sức khỏe để phục vụ cho sản xuất, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, để chiến đấu chống ngoại xâm, giữ gìn giang sơn gấm vóc, bờ cõi của Tổ quốc, đảm bảo cuộc sống yên lành của người dân, mặc khác giữ gìn một di sản văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.

Như chúng ta đã biết qua bao giai đoạn lịch sử, có nhiều biến cố thay đổi thì võ nghệ cũng có nhiều thay đổi nhất định. Đặc biệt là thời sau của nhà Tây Sơn, với âm mưu tiêu diệt tất cả mọi di sản do nhà Tây Sơn lập nên của nhà Nguyễn Gia Miêu, trong đó có võ nghệ. Nhưng với truyền thống thượng võ, nhân dân Bình Định vẫn ngấm ngầm giữ gìn, bảo vệ và lưu truyền võ Tây Sơn Bình Định cho đến ngày nay.

Võ cổ truyền Bình Định không có trường lớp đào tạo quy mô, không ồn ào phô trương, mà âm thầm ẩn dật, truyền dạy theo môn phái gia truyền. Trong gia đình cha dạy cho con, chồng dạy cho vợ, anh dạy cho em. Trong xóm làng truyền dạy cho nhau người trong gia tộc và môn phái. Họ truyền dạy cho nhau những bài võ cổ truyền từ thời xa xưa của môn phái, gia tộc lưu giữ từ đời này sang đời khác. Điều này nói lên tính kế thừa rất đậm nét.

Võ Bình Định ngày càng phát triển rộng rãi, ngày càng bổ sung và hoàn chỉnh. Cho nên các môn phái cũng đua nhau cải tiến phương pháp và bổ sung nội dung để đáp ứng yêu cầu thực tế của xã hội, nhưng vẫn giữ được những đòn thế bí truyền của môn phái như "Roi Thuận Truyền" - tiêu biểu ngọn roi bí truyền của Hồ Ngạnh. Trong một lần thi đấu roi với cựu vô địch "Sơn đông mãi võ" thuộc nhóm võ sĩ người Trung Hoa, trong lúc thi đấu roi của Hồ Ngạnh bị chặt gãy làm đôi. Tức là nhờ đối phương vót hộ ngọn roi thành mũi lao nhọn sắt, rồi bằng một thế võ độc đáo "ưng trảo quyền" đã đoạt được trường đao của đối phương, khẳng định danh hiệu "Danh bất hư truyền" của Hồ Ngạnh.

Bài roi Ngũ Môn phá trận và bài Mai Hoa kiếm pháp là hai môn gia truyền của võ sư nổi tiếng Hà Trọng Sơn.

trường phái quyền An Vinh ngoài môn phái Hương Mục Ngạc, còn có võ sư Mười Đậu truyền dạy cho võ sư Mười Mỹ ở Trường Úc, huyện Tuy Phước. Ngoài những bài võ, đòn thế võ, còn chú tâm truyền dạy các bộ pháp cơ bản như: Nhãn pháp, khí pháp, tâm pháp, chỉ pháp, thủ pháp và tấn pháp theo học thuyết "Âm dương". Mỗi võ phái đều lấy các bộ pháp cơ bản làm một nội dung gia truyền của môn phái mình.

(còn tiếp)

. Theo Võ cổ truyền Bình Định (Lê Thì)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nội dung võ cổ truyền Bình Định  (06/02/2006)
Võ cổ truyền Bình Định ở ngoài tỉnh  (02/02/2006)
Võ phái Tây Sơn  (25/01/2006)
Võ phái Tuy Phước  (22/01/2006)
Quyền An Vinh   (18/01/2006)
Roi Thuận Truyền và tên tuổi võ sư Hồ Ngạnh  (16/01/2006)
Báu vật thiêng liêng ở một dòng họ võ  (18/11/2005)
Nét độc đáo của võ cổ truyền Việt Nam - Bình Định - Sa Long Cương  (21/06/2005)
Gìn giữ cho muôn đời sau  (19/04/2005)
An Thái: Bến sông hội tụ anh tài  (15/04/2005)
"Truyền thuyết": gái An Vinh  (12/04/2005)
Thuận Truyền: vang danh những đường roi  (08/04/2005)
Huyền thoại đất võ Tây Sơn  (06/04/2005)
Phi Long bí truyền  (07/03/2005)
Giỗ tổ võ trên miền đất võ  (27/02/2005)