Cơ sở lý luận của võ cổ truyền Bình Định (tiếp theo)
16:54', 21/2/ 2006 (GMT+7)

Trong võ cổ truyền Bình Định cương, nhu kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn thì bài võ và thế võ mới phát huy hết tác dụng và đem lại hiệu quả cao. Thời Tây Sơn, Nguyễn Huệ là người có công lớn trong việc tích hợp tinh hoa nhiều dòng võ để xây dựng một dòng võ đặc sắc độc đáo là võ Tây Sơn- Bình Định.

I. Vận dụng học thuyết âm dương

Khi ta muốn đấm mạnh, thì thường dùng nắm đấm sấp "mãnh hổ thôi sơn" (xem hình vẽ 1), ít khi dùng nắm ngửa bàn tay để đấm vì không mạnh. Khi ta muốn chặt mạnh thì dùng ngửa bàn tay (là âm) để thực hiện, không ai dùng sấp bàn tay để chặt (xem hình 2) "Cương đao phạt mộc".

Tính chất này vận dụng vào võ thuật rất quan trọng, lúc nào tấn công thì ra đòn mạnh, lúc nào lui về thế thủ nhẹ nhàng, uyển chuyển, linh hoạt để né tránh đòn của đối phương. Rồi từ thế thủ chuyển sang thế tấn công ra đòn liên tiếp để hạ thủ đối phương.

Còn Thái cực lại sinh ra hai thế tương phản là "lưỡng nghi" (âm - dương), từ đó tạo thành bốn hiện tượng (trí tượng): "Thái âm", "Thái dương", "Thiểu dương", "Thiểu âm". Bốn hiện tượng ấy lại giao nhau sinh ra ra tám quẻ gọi là "Bát quái". Bát quái là tám con vật và chỉ rõ tám hướng, được võ cổ truyền Bình Định vận dụng làm cơ sở lý luận cho bộ ngựa của mình. "Lưỡng túc bát quái vi căn" hay còn gọi là "tấn pháp". Tám quẻ là cụ thể hoá vạn vật biến thiên trong vũ trụ. Bát quái gồm: càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài. Mỗi quẻ tượng tượng cho một con vật, mà mỗi con vật là một bộ ngựa võ Bình Định như: Long Tấn, Xà Tấn, Phụng Tấn, Kế Tấn, Nhạn Tấn, Hổ Tấn, Tấn Hạc và Hầu Tấn, còn gọi là "bát quái pháp".

Thái cực chỉ có một động và một tĩnh mà phân ra âm - dương nhị khí. Âm-dương có tính "Tương sinh" và "Tương khắc". Khi dương động thì âm tĩnh, mà âm tĩnh thì tích tụ. Trên cơ sở nguyên lý này, âm - dương sinh ra ngũ hành là kim, mộc, thuỷ, hỏa, thổ. "Song thủ ngũ hành vi bản" là cơ sở võ lý cho bộ tay của võ cổ truyền Bình Định mà người ta thường gọi là "ngũ hành pháp".

Thuyết âm-dương áp dụng vào võ thuật rất lợi hại, nếu biết vận dụng và kết hợp hài hoà thì phát huy cao độ tác dụng của đòn thế võ. Chúng ta hãy quan sát bước đi của con người thì thấy rõ: Động tác chân tay luôn luôn có sự tương phản. Ví dụ: Khi đi chân trái bước tới thì chân phải bước ra sau và ngược lại. Không bao giờ có sự trùng lặp chân trái và tay trái cùng đưa ra trước một lần. Tại sao vậy? Đó là hiện tượng âm-dương tương phản để hoá sinh tạo thế cân bằng cho cơ thể.

Trong võ thuật thì võ sĩ cần nắm vững và áp dụng thuyết âm-dương vào cách di chuyển bộ ngựa trong luyện tập và giao đấu. Ví dụ: Khi đứng ngựa trung bình tấn thì trọng tâm có thể rơi vào giữa hai chân. Phía trước mặt là dương, phía sau lưng là âm. Như vậy bộ tay ra đòn tấn công và phòng thủ ở phía trước mặt là tốt nhất, rất hạn chế ra đòn về phía bên trái (hướng âm). Phía bên phải (hướng dương), vì phải xoay người về hai hướng đó không tiện. Khi ta di chuyển chân trái về phía trước mặt, chân phải lui về phía sau để tạo thành ngựa chữ Đinh (J). Lúc này đã thay đổi hướng, phía bên phải là hướng "dương", phía bên trái là hướng "âm", tức là mở rộng đường vòng của hướng "dương". Như vậy, các đòn thế đều tung về phía bên phải (hướng dương) rất lợi. Đặc biệt có thể sử dụng đòn đánh "lật lưng" để thuận tiện. Ngược lại, nếu di chuyển chân trái về phía bên phải, chân phải rút về bên phải tạo thành ngựa chữ Đinh (J), bên trái (hướng âm). Lúc này bộ tay ra đòn đều đánh theo hướng trước mặt và bên phải (hướng dương), hầu như không được ra đòn về hướng "âm", vì tư thế con người và kỹ thuật chuyên môn của võ thuật không cho phép.

Người xưa đã dạy rằng: Học võ không phải để biết một hai bài võ, hay biết một số đòn thế là đủ. Mục đích của học võ là phải nắm vững võ lý, võ đao, võ thuật và cả võ y. Phải luyện tập thường xuyên, khắc khổ, chịu khó, kiên trì tập luyện theo đúng phương pháp, dưới sự chỉ dẫn của võ sư. Quá trình tập luyện là quá trình tiêu hao năng lượng, đồng thời cũng là quá trình tích tụ tăng cường thể lực, nâng cao sức đề kháng và sức khoẻ. Cơ thể có khoẻ mạnh thì tinh thần mới minh mẫn. Tinh thần có minh mẫn, thì mới xử lý nhanh chóng, kịp thời mọi tình huống xảy đến. Thân thể tráng kiện mới đủ sức lực tung ra những đòn thế sắc bén và quyết định.

Đối với con nhà võ, đôi chân, bộ tay là vũ khí chủ lực để tập luyện và đánh trả đối phương, biết vận dụng, biết dựa vào sự hoá sinh của thuyết "âm-dương". Đó là: Tấn pháp trong bát quái, thủ pháp trong Ngũ hành. Luyện được thuần thục hai phương pháp này là tạo được cơ sở tốt để phát triển bộ chân và bộ tay (lưỡng chi), vì trong tấn pháp (bát quái) và thủ pháp (ngũ hành) có sự cấu tạo của hai phương tiện Ngoại công và Nội công.

Tập ngoại công là tập thao tác của từng thế võ, tập sức chịu đựng bên ngoài, tập thể hình cường tráng. Tập nội công là tập cách phối hợp, điều hơi vận khí, nhuyễn khớp, tăng cơ tạo sức mạnh từ bên trong cơ thể.

II. Võ cổ truyền Bình Định hình thành dựa vào thao tác lao động của con người và tính năng vận động của các loài động vật.

- Võ cổ truyền Bình Định hình thành vào thao tác lao động của con người.

Lao động gian khổ của người nguyên thuỷ, có thể xem là một hoạt động thể lực và những thao tác đánh bắt, săn bắn, chặt, cuốc, với sự khéo léo của từng động tác, sự nhanh nhẹn và sức mạnh của thể lực, có thể xem là yếu tố sơ khai của võ. Công cụ lao động thời đó rất đơn giản, nặng nề, kích thước lớn và thô kệch, đòi hỏi cơ bắp phải rất khoẻ, hao phí sức lực nhiều mà hiệu quả lao động thấp. Trong điều kiện thiên nhiên, khí hậu khắc nghiệt, muốn gặt hái được thành quả lao động thật khó khăn, nguy hiểm, vì bất ngờ có thể đụng độ với thú dữ, đòi hỏi có sự tự vệ cao. Còn việc săn bắt chủ yếu là vây đuổi, dùng tập thể sức người uy hiếp dồn con thú rừng vào đường cùng, rồi xông vào đánh đập mới bắt được. Vũ khí chỉ là gậy gộc và đá chọi, vậy mà có khi người ta đuổi bắt được hổ, lợn rừng, bò rừng, hươu và tê giác...

Về sau có sử dụng cung tên, với mũi tên tre, trong việc săn bắt chim muông, có khi còn sử dụng nó trong việc tranh chấp quyền lợi, giải quyết mâu thuẫn giữa các bộ lạc với nhau. Tuy nhiên, trong việc săn bắt thú dữ thì việc săn đuổi, vây hãm đánh bẫy có hiệu quả hơn so với săn bắn bằng cung tên, nhưng phải cần đến số đông người có sức khoẻ tốt và vận động di chuyển với cường độ cao.

Càng về sau, xuất hiện công cụ cầm tay là búa rìu bằng đá, sau đó tra cán để bổ chém thuận lợi hơn. Muốn phát huy tác dụng của công cụ này người sử dụng phải tập đi, tập lại các động tác đâm chém cho thuần thục, phải đạt đến sự linh hoạt của các khớp tay như: khớp cổ tay, khuỷu tay và khớp bả vai, cần có sức mạnh của lực vặn cột sống và cơ hông để tạo được thế đứng vững chắc, tung ra đòn tay bổ, chém và ném chính xác. Di chuyển nhanh để phòng thủ và tấn công có hiệu quả. Dù sao, những họat động trong lao động và chiến đấu của người nguyên thuỷ chỉ là bản năng tự nhiên mang tính sơ khai của một loại hình vận động. Nó chưa thể hiện rõ nét về đòn thế võ. Nó gắn liền với sự sống còn của từng cá thể và cả một cộng đồng.

Vì thế, người nguyên thuỷ dù chưa có ý thức về bộ môn võ, nhưng võ tự nó phát triển thành thói quen chuyển dần từ hoạt động đại trà sang hoạt động của một số ít người hơn. Do đó, mầm móng vĩ thuật hình thành và ngày càng mang tính chuyên sâu trong hoạt động của con người.

Bình Định xưa kia là một vùng núi rừng trùng điệp, đời sống của người dân muôn vàn khó khăn. Nguồn sống chính dựa vào lao động săn bắn thú rừng, chọt lỗ trên sườn đồi để trồng trỉa lúa, ngô, cày cuốc khai phá núi rừng để làm nương, làm ruộng. Người miền biển đôi tay chèo chống buông lưới, kéo neo. Do yêu cầu thao tác lao động, từ đó tự nhiên hình thành một số động tác võ tay không đơn giản. Theo sự phát triển của cuộc sống, thao tác lao động dần dần được cải tiến, sức lao động của con người cũng được hợp lý hoá, dẫn đến năng suất lao động của con người được nâng cao từng bước, các động tác võ tay không được vận dụng ngày càng thuần thục hơn.

Người miền núi thường leo trèo vướt núi qua đèo, khai phá núi rừng để làm nương, làm rẫy, có đôi tay rắn chắc, khoẻ, chạy nhanh. Người miền xuôi đi bộ, chạy nhảy. Từ thao tác lao động đơn giản của đôi chân cũng đã hình thành động tác võ đơn giản như: di chuyển, đá, trụ, rồi chuyển dần thành bộ ngựa ngày càng linh hoạt hơn.

- Từ những tính năng vận động của những loài động vật mà hình thành các động tác võ cổ truyền Bình Định.

Nhiều nhà nghiên cứu đã nhiều lần quan sát các động tác, sự di chuyển linh hoạt của các loài động vật. Mỗi loài có những đặc điểm riêng của chúng.

Ví dụ: - Các loài chim thường bay nhảy trên những cành cây, bay từ nơi này sang nơi khác. Cũng có những loại chân cao như: cò, hạt, thường đi lẩm đẩm trên đồng ruộng hoặc sông ngòi để săn tôm, cá. Có những loài bò sát trên mặt đất như: trăn, rắn... Cũng có loài dùng sức mạnh thường núp bóng để săn bắt mồi như: hổ, báo, chó sói... Từ những độc tác đó người ta đã hệ thống hoá, chọn lọc, đúc kết, biên soạn tra một số bài quyền như: Long, xà, hầu, phụng, kê, quyền... theo phương pháp mô phỏng. Võ cổ truyền Bình Định cũng dựa theo cách đó đã biên soạn ra một số thế võ, bài võ để tự vệ và chiến đấu, từ đó được lưu truyền rộng rãi ở Bình Định từ đời này sang đời khác. Cụ thể như bài "Hùng kê quyền" của Nguyễn Lữ.

Lưỡng kê giao nạp thuỷ tranh hùng

Song túc tề phi trảo thượng xung

Trấn ải kim thượng như bạch hổ

Thủ quan ngân kiếm tự Thanh Long

Xuyên hầu độc tiễn tàng ư trác

Hồi thủ đơn câu thủ tự hung

Khiêu, tẩu, dược, trầm, thiên sở tứ

Như, cương, cường, nhược, tận kỳ trung.

Qua bài võ tiêu biểu nói trên cho thấy võ cổ truyền Bình Định đã chú trọng nghiên cứu, quan sát những động tác của các loài vật mà đưa vào vào kết cấu các bài võ của mình.

Ví dụ một trường hợp khác: bài roi Thái Sơn có lời thiệu:

Thái Sơn trích thuỷ đại Xà liên

Thương thượng lộng ky, lân thoái bạch Viên

Huy ky độc giác trung bình hạ

Thượng thích đại tăng tấn thừa Thiên

Hồi đầu trực chỉ liên tam thích

Đồng tân thuận thế giáng vân biên

Tẩu độc thố, Trưng sơn hoành gián kiếm.

Linh miêu mai phục tấn thích ngưu

Thừa châu bố địa khai côn thích

Hồi tiểu kim kê đả trung lan

Phi phong tẩu vũ khai ngưu giác

Tiêủ tử tam phiền giá mã an

Bái Tổ sư, lập như tiền.

 

. Theo Võ cổ truyền Bình Định (Lê Thì)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cơ sở lý luận và kỹ thuật cơ bản của võ cổ truyền Bình Định (tiếp theo)  (10/02/2006)
Cơ sở lý luận và kỹ thuật cơ bản của võ cổ truyền Bình Định  (08/02/2006)
Nội dung võ cổ truyền Bình Định  (06/02/2006)
Võ cổ truyền Bình Định ở ngoài tỉnh  (02/02/2006)
Võ phái Tây Sơn  (25/01/2006)
Võ phái Tuy Phước  (22/01/2006)
Quyền An Vinh   (18/01/2006)
Roi Thuận Truyền và tên tuổi võ sư Hồ Ngạnh  (16/01/2006)
Báu vật thiêng liêng ở một dòng họ võ  (18/11/2005)
Nét độc đáo của võ cổ truyền Việt Nam - Bình Định - Sa Long Cương  (21/06/2005)
Gìn giữ cho muôn đời sau  (19/04/2005)
An Thái: Bến sông hội tụ anh tài  (15/04/2005)
"Truyền thuyết": gái An Vinh  (12/04/2005)
Thuận Truyền: vang danh những đường roi  (08/04/2005)
Huyền thoại đất võ Tây Sơn  (06/04/2005)