III- Võ cổ truyền Bình Định dựa vào cơ sở lý luận võ nghệ thời Tây Sơn để hoàn thành nền võ học của mình
Võ Tây Sơn là một dòng võ đa dạng. Tổng hợp bao gồm: Võ đằng ngoài "miền Bắc" võ đằng trong "miền Nam"; võ bản địa và võ Trung Hoa.
Nguyễn Huệ đã rút tỉa, tinh lọc và hệ thống những tinh hoa, những cái hay, cái độc đáo để xây dựng lên dòng võ riêng mình - Tây Sơn võ đạo; theo nguyên lý võ học bao gồm: Võ lý võ đạo và võ thuật. Ông đã xây dựng một nền võ lý tưởng để áp dụng vào thực tế học và dạy võ. Nguyên lý biên soạn một bài võ nhất thiết phải bao gồm hai phần. Một là lời thiệu (bằng chữ Hán nôm và chữ Việt) thường theo thể thơ lục bát, hay tứ tuyệt... Mỗi một câu thiệu chứa đựng một số động tác và đòn thế.
Phần động tác có mở đầu (thường là động tác bái tổ bao gồm 4-5 động tác; có kết thúc hoàn chỉnh. Ông đưa nguyên tắc: Nhỏ có thể đánh lớn; yếu có thể đánh mạnh... của Nguyễn Lữ, vào khi biên soạn một bài võ phần kết cấu bài võ gồm: động tác cương nhu kết hợp, các đòn công thủ rõ ràng và nhịp độ nhanh chậm khác nhau. Một đặc điểm nổi bật là các bài võ Tây Sơn đều mang tính chất chiến đấu cao (cận chiến) gồm: quyền tay không, quyền với binh khí. Trong đó có loại binh khí thô sơ như: dao, kiếm, cung tên, roi, thương, đao... và có những binh khí gây tác hại như: Rồng phun lửa (Hỏa Long), cây lao (chữ Hán gọi là phiên). Lao là một loạt giáo dài, cán làm bằng tre hay bằng gỗ, một đầu nhọn có buộc thêm vào các đoạn dây xích hoặc thép uốn cong như các lưỡi câu làm tăng thêm tác hại.
Nguyễn Huệ cũng đề ra nguyên lý là: khi sử dụng võ chiến đấu trên tất cả mọi địa hình đại thế như: Đồng bằng, rừng núi và đô thị, đánh đến cùng, đánh nhanh thắng nhanh, đánh không được bỏ chạy, cho dù tình thế hiểm nghèo, kẻ thù đông và mạnh. Đánh cận chiến để nhanh chóng tiêu diệt kẻ thù.
Nguyễn Huệ thường nói: Học văn mà không biết võ là nhu nhược. Trái lại giỏi võ mà không biết văn là võ rừng trở thành cường bạo. Biết võ không chỉ biết thực hành mà phải nắm vững võ lý. Văn võ song toàn.
Nguyễn Huệ giỏi về thương và kiếm. Nguyễn Lữ giỏi về quyền nhất là "Nhu quyền". Vùng đất Tây Sơn lúc bấy giờ rất nhiều người giỏi võ với nhiều môn phái khác nhau, không ai chịu ai. Nguyễn Huệ đã sử dụng tài ba võ nghệ của mình, đã thu phục được nhiều tướng tài giỏi võ nghệ như: Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Ngô Văn Sở, Võ Văn Dũng...
Đầu tiên là tự tập để đạt được những tư thế, động tác riêng biệt chính xác, rồi sáng tạo áp dụng những phương pháp luyện tập cơ bản kể trên. Rồi đến thực hiện trên những hiện trường gần như trận địa chiến đấu thật. Đây là phần rất quan trọng nhất của võ Tây Sơn. Những võ sinh đặt mình trong những điều kiện phức tạp như trận chiến thật cho quen.
IV- Võ cổ truyền Bình Định dựa vào các tư liệu, gia phả của các môn phái và gia tộc để làm cơ sở lý luận cho dòng võ mình.
Ở Bình Định mỗi một môn phái đều có đặc điểm riêng của môn phái mình. Có bàn thờ sư tổ, có quy định tuyển chọn môn sinh và có các điều cấm với môn sinh. Truyền dạy nội dung võ theo gia truyền theo quy định của môn phái. Những bí truyền quy định rõ, môn gì được dạy rộng rãi, môn gì lưu truyền trong môn phái và môn gì không được dạy. Có những võ sư trước lúc qua đời, mới kêu con mình lại để truyền dạy các đòn bí truyền của môn phái. Người võ sư khi thâu nhận môn sinh với điều kiện môn sinh đó phải tuyên thệ tuyệt đối trung thành và thực hiện đầy đủ các điều kiện quy định của môn phái.
Trước tiên môn sinh phải học thuộc bài thiệu. Võ sư đọc từng câu thiệu trong bài, môn sinh theo đó mà tập động tác. Sau đó, môn sinh tự đọc lời thiệu, tự tập từng câu. Cứ thế mà tập cho đến khi thuộc cả bài.
Sau khi tập xong cả bài. Võ sư đọc lời thiệu từng câu lúc nhanh lúc chậm, môn sinh theo tốc độ đó mà tập, cho đến khi tự mình vừa đọc lời thiệu vừa tập hết bài.
Có những bài võ gia truyền từ đời này sang đời khác, tuy điều kiện lịch xã hội có đổi thay hay võ sư qua đời đột ngột không kịp truyền dạy lại cho con cháu. Chính nhờ các gia phả bí truyền còn giữ lại mà môn phái vẫn phát triển với nội dung gia truyền nói trên. Tuy có lúc động tác thiếu thừa, lời thiệu có khi thất lạc một vài chữ, nhưng nói chung vẫn giữ được nguyên bản của bài.
Càng về sau, nhất là từ năm 1930 trở lại đây, ở Bình Định lại xuất hiện nhiều môn phái võ cổ truyền. Ngoài những bài võ gia truyền các võ đường cạnh tranh với nhau, đua nhau dạy những đòn thế, cải tiến phương pháp giảng dạy với mục đích là bảo vệ môn phái và hạ đài được đối phương. Lúc này võ mang tính chất đối kháng, đánh nhau có kẻ thắng người thua (võ đài), mất dần đi tính chất biểu diễn.
Võ cổ truyền Bình Định đã dựa vào di sản võ nghệ thời Tây Sơn. Dựa vào thao tác lao động đơn giản của con người và động tác hoạt động của loài vật. Dựa vào võ lý sơ bộ của các nhân vật thời Tây Sơn và các tư liệu gia phả của các môn phái. Dựa vào học thuyết Âm vương, ngũ hành pháp và tấn pháp. Trên cơ sở lý luận đó mà võ cổ truyền Bình Định đã hệ thống, rút tỉa, chọn lọc và nâng cao lên thành một nền võ học tương đối hoàn chỉnh bao gồm: Võ lý, võ đạo và võ thuật. Qua đó để chứng minh võ cổ truyền Bình Định là của người Bình Định.
- Về nhập môn:
Mỗi một môn phái phải có điều kiện nhập môn khác nhau, nhưng đều có một số nét chung như: Môn sinh phải có người nhà (thường là cha) dẫn đến ra mắt thầy. Qua nhiều lần thử thách mà nhất là để xem xét thái độ xin theo học của môn sinh. Thỉnh thoảng thầy hỏi một vài câu. Có muốn tập luyện ở đây không? Có ông thầy khó tính, bỏ mặc môn sinh không nói năng gì cả. Tuy rằng gia đình môn sinh đã thưa gởi đàng hoàng. Qua nhiều lần tìm hiểu và thử thách, nếu môn sinh nào mà kiên trì và quyết tâm thọ giáo thì thầy mới thu nhận.
Theo lễ nhập môn cổ xưa xem ra có vẻ đơn giản. Cúng lễ là một con gà trống trắng. Sau khi cúng tế, cặp chân gà được phơi khô qua một tuần, thầy xem lại giò quẻ, nếu chưa đạt thì gia đình môn sinh sắm lễ vật cúng lại. Cũng cần nói rõ thêm, tuy chỉ cúng một con gà (như quy định) nhưng người nhà phải mang theo ba con để chọn lựa. Có môn sinh phải qua cúng lễ vài ba lần mới đạt và được thu nhận làm môn sinh của môn phái. Việc học hành theo tuần tự từ thấp đến cao, từ nhẹ đến nặng, từ dễ đến khó và từ chậm đến nhanh.
Thầy dạy theo từng bài theo từng lời thiệu, môn sinh phải học thuộc lời thiệu. Thầy đọc lời thiệu, môn sinh theo đó mà tập động tác. Sau đó môn sinh đã thuộc lời thiệu thì tự mình tập động tác. Tập theo từng lời thiệu cho đến hết bài. Thầy kiểm tra bằng cách đọc câu thiệu nào đó trong bài, môn sinh theo đó mà tập. Cứ như thế môn sinh tập đi tập lại cho đến khi thuần thuộc.
Thông thường tập quyền thuật trước sau đó tập quyền binh khí. (Binh khí cũng theo trình tự theo từng binh khí). Trước tập đơn sau tập đánh đôi. Hầu hết các võ đường ở Bình Định song song tồn tại môn môn võ cổ truyền và võ tự do. Khi thượng đài đánh đánh nhau yếu là đánh võ tự do hay là võ đài. Còn các bài quyền võ cổ truyền mang tính chất biểu diễn.
Về võ phục, mỗi võ đường, mỗi môn phái đều có quy định võ phục theo kiểu quy định của từng môn phái, nhưng màu nâu là tiêu biểu. Võ phục chủ yếu là sử dụng cho Lễ hội, còn tập luyện thường ngày và đấu võ chỉ mặc độc nhất chiếc quần đùi, trên đầu quấn băng vải đỏ hay vàng, chứ cũng không có ai quy định.
- Về võ đạo:
Bên ngoài xã hội người ta bàn tán rất nhiều về mặt xấu của việc học võ. Họ nói: học võ để đánh lộn, học võ để trộm cướp, học võ có ảnh hưởng xấu cho học sinh. Tất cả đề là ngộ nhận, không đúng. Tất cả các thầy võ sau khi thu nhận môn dinh vào môn phái của mình với những điều kiện khó khăn nhất.
Các võ sư Bình Định, từ người có võ công cao cường, đến người am hiểu võ nghệ, đều một lòng tôn kính, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng võ cổ truyền Bình Định, rất quan tâm truyền bá về võ đạo, nói nôm na là đạo làm người. Nói đến "tâm đạo" và "tà đạo", đào thải "tà đạo" ra khỏi môn phái của mình. Vì tà đạo là kẻ xấu, lợi dụng võ nghệ để xưng hùng xưng bá, làm trái với đạo lý làm người.
Những võ sư và giới võ nghệ Bình Định giữ gìn và lưu truyền những tinh hoa độc đáo của tổ tiên mà nhất là võ đạo để tiếp tục truyền lại cho các thế hệ mai sau. Thời xưa nhiều người thi đậu "tiến sĩ võ", nhưng lại không ra làm quan mà trở về quê mở trường dạy võ, tập hợp tư liệu, hệ thống lại các bài thiệu, bài quyền, bí mật truyền bá võ nghệ cho các thế hệ. Nhờ vậy mà võ cổ truyền Bình Định không bị thất lạc mất mát, mà ngày càng ăn sâu bén rễ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống và văn hóa của nhân dân Bình Định.
- Truyền thống thượng võ:
Đây là truyền thống cực kỳ quý báu của người dân Bình Định. Trong lành võ, người học võ trước tiên phải là người có bản lĩnh, lấy "tâm đạo" để chế ngự "tà đạo". Tâm đạo là nói đến đạo đức, rèn luyện tu dưỡng đạo làm người, sống phải cao thượng, trung thành với môn phái, truyền bá những điều hay lẽ phải, trọng nghĩa trọng tình, tôn sư trọng đạo. Một võ sĩ giỏi là một công dân tốt không phạm những điều cấm "tà đạo" như: cấm đam mê tửu sắc, dâm ô trụy lạc, rượu chè say sưa, gây lộn đánh người, phá rối trật tự xã hội, bất chấp kỷ cương phép nước. Đây là những điều cấm của võ cổ truyền Bình Định. Ngoài ra giới võ nghệ Bình Định còn phải thuần thuộc và thực hiện các việc cần làm như:
- Phải tu dưỡng bản thân trong sáng, thuần khiết.
- Phải tập luyện chuyên cần, trung thành với môn phái.
- Truyền dạy võ công theo môn phái "chính đạo".
- Không phản thầy, hại bạn và hà hiếp người khác.
- Không khoe mình, chê người.
- Thắng không kêu, bại không nản.
Cấu tạo của một bài võ, gồm hai phần là: lời thiệu (võ lý) và động tác. Thông thường phần mở đầu gồm 3-5 động tác mà thường gọi là "lễ tổ" và cuối bài có bái tổ lễ tổ và bái tổ chính là sự tôn kính tổ tiên, môn phái, kính thầy và yêu đồng môn. Nhưng võ sư nổi danh có cuộc sống bình dị, tài võ nghệ tìm ẩn bên trong, khiêm tốn, giàu lòng vị tha, ít khi lộ diện ra bên ngoài. Ngoài ra, họ còn các đức tính như: Nhân, Nghĩa, Đức, Trí, Tín. Đấy là nói lên tinh thần thượng võ mà những người võ sư chân chính phải có.
Hay nói cách khác ở Bình Định, học võ là để tự vệ giữ thân giữ nhà, để cứu đời khi cần thiết. Người võ nghệ càng cao thì đức hạnh càng khiêm nhường, sống ẩn dật, không khoe khoang kiêu ngạo, không đánh người "dưới ngựa".
Nói tóm lại, võ đạo chính là đạo đức trong sáng, cao cả, tấm lòng hỷ xả của con người có võ "tâm đạo". Người có võ mà thiếu đạo đức thì trở thành một tai họa và nguy hiểm cho bản thân "tà đạo", cho gia đình và cả xã hội.
Chính vì vậy, võ cổ truyền Bình Định rất tôn trọng những tư liệu, những gia phả của các môn phái, các gia tộc để làm cơ sở võ lý để truyền thụ và giáo dục cho các thế hệ về dòng võ chân truyền, ít bị lai tạp của quá khứ, hiện tại và tương lai. Một di sản văn hoá độc đáo, còn mang đậm truyền thống dân tộc của người dân Bình Định.
. Theo Võ cổ truyền Bình Định (Lê Thì) |