|
Võ sư Nguyễn Phi Khanh đang chữa bằng bài thuốc gia truyền. |
Ở Tây Sơn, dường như không mấy ai lại không biết võ sư Nguyễn Phi Khanh với cách trị thương độc đáo. Để được "tận mục sở thị", chúng tôi tìm đến nhà ông thuộc thôn Phú Hiệp, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn.
Trung bình mỗi ngày võ sư Nguyễn Phi Khanh "làm" thuốc có đến vài chục bệnh nhân. Người bong gân trặc tay vì cây đè, kẻ bị bò húc tức ngực khó thở… Tất cả những vật dụng cần thiết cho việc làm thuốc của ông lại thật đơn giản: hai tô thuốc võ. Một gồm các vị đỗ trọng, nhị trà, lưu hội, mã tiền… ngâm chung với rượu. Tô còn lại chứa thứ thuốc đen sánh, đặc quánh dùng để bôi trực tiếp lên vết thương. Ngoài ra còn có một lò than hồng. Và đặt giữa bếp than ấy lại là miếng sắt đỏ rực - vật quan trọng nhất để dẫn thuốc.
Sau khi kiểm tra, sửa, nắn vết thương của người bệnh khá kĩ lưỡng, đặt cho bệnh nhân một tư thế nằm thích hợp, ông lặng lẽ nhúng bàn chân vào tô thuốc thứ nhất có chứa rượu thuốc rồi vận công dẫm nguyên bàn chân vào miếng thép đỏ trên lò lửa. Xèo. Miếng sắt nóng đến nỗi nước thuốc trên bàn chân ông sau tiếng "xèo" ngắn ngủi ấy đã khô kiệt, chỉ còn làn khói mỏng, để lại hơi thuốc thơm nồng. Rồi ông đưa nguyên bàn chân ấy áp chặt vào vết thương trên ngực người bệnh.
Theo như võ sư Nguyễn Phi Khanh thì bí quyết của bài thuốc này là phải am hiểu khá kĩ về cơ thể con người, đặc biệt là hệ cơ, xương và các huyệt đạo. Ngoài ra, để bàn chân chịu được nóng, cần phải có một quá trình khổ luyện. Thuở nhỏ, cha của ông là cố võ sư Nguyễn Cúc không bao giờ cho ông đi giày, dép mà chỉ được phép đi chân không trên cát nóng, đường nhựa vào mỗi buổi trưa. Một võ sư giỏi trong cách chữa bệnh này phải biết tính toán được sức nóng vừa phải, sao cho chân không bị nguội quá dễ làm giảm hiệu quả của thuốc; nhưng cũng không quá nóng, dễ làm cho người bệnh bị bỏng.
Được hỏi về phát tích của cách làm thuốc khá "dị" này, võ sư Khanh cho biết: nguyên lí dùng sức nóng dẫn nhập thuốc vào cơ thể đã có thấy ghi chép trong nhiều tài liệu võ thuật. Tuy nhiên, chỉ có võ sư Tây Sơn mới sử dụng cách này vừa để trị thương cho nhau khi dính phải những đòn thế vô tình trong tập luyện, sau là tự chữa trị vết thương trong chiến đấu.
Cũng theo ông, cách đây dăm chục năm ở Tây Sơn có trên dưới chục người có khả năng trị thương theo cách này. Nhưng hiện giờ, chỉ còn ông và một võ sư khác còn biết làm. Ông nói: "Chữa bệnh kiểu này nếu sơ suất rất dễ mắc bệnh cước khí, nhẹ thì liệt toàn thân, nặng thì thuốc có thể theo máu xộc thẳng lên tim gây tử vong. Hơn nữa, việc tập luyện công phu dẫm chân lên sắt nung đỏ quá khó khăn, tui chỉ cho vài học trò nhưng không ai làm được!".
Chữa bệnh bằng sắt nóng có lẽ là một bài thuốc độc đáo trong võ y, rất cần được để tâm nghiên cứu.
|