Bảo tồn tinh hoa võ cổ truyền Bình Định: Một nỗ lực âm thầm
15:48', 30/5/ 2006 (GMT+7)

Đến Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn), ai cũng thích thú với phần biểu diễn của đội nhạc võ. Nhưng mấy ai biết, ngoài việc biểu diễn phục vụ du khách, đội nhạc võ này còn âm thầm “ghé” thêm một nhiệm vụ khác, là góp phần bảo tồn những nét độc đáo của võ cổ truyền Bình Định.

 

                  Biểu diễn võ tại Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: H.T

 

* Một vốn quý bị lãng quên

Nhiều năm trở lại đây, các liên hoan võ thuật cổ truyền có quy định thi biểu diễn võ cổ truyền, nội dung thi vẫn gói trong 10 bài võ cổ truyền chuẩn quốc gia do Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam quy định. Tuy nhiên, với võ Bình Định thì những tinh hoa lại không thể gói trong 10 bài quy định đó. Ông Nguyễn An Pha - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Bình Định, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu văn hóa phi vật thể về làng võ cổ truyền Bình Định, cho biết: “Võ Bình Định có thập bát ban, mỗi ban có mấy bộ, nhân lên thì không biết tới bao nhiêu bài mà kể”. Và đây chính là “kho báu vô tận” của võ cổ truyền Bình Định. Cũng bởi không nằm trong nội dung thi, nên hẳn nhiên, trừ mấy con nhà võ có dịp được trao truyền, còn thì mấy vận động viên để tâm học và luyện những bài này.

Chẳng hạn, roi thì làng võ nào cũng có, nhưng riêng võ sư Hồ Ngạnh thì có những thế do ông sáng tạo ra, tức là những thế ngược, nên ông nổi danh về roi là vậy. Những thế ấy, ông cũng có truyền lại cho con cháu, nhưng cũng chưa người nào được như ông. Ngay trong quyền thuật, thảo bộ Tiên ông trong gia phái Hồ Ngạnh đã có 32 động tác rất phức tạp, chủ yếu dùng tay tấn công, với những chiêu thức đánh nghịch từ bộ hạ lên rất nguy hiểm.

Mà ngay trong 10 bài võ đó, có khi trùng tên, nhưng võ Bình Định cách đánh lại khác. Chẳng hạn, quyền Ngọc trản đánh theo võ Bình Định khác với bài chuẩn của quốc gia. Nhưng nếu mang chân truyền võ cổ truyền Bình Định ra thi thì sẽ bị... trừ điểm vì đánh khác với động tác quy định.

Còn nhớ, một lần gặp các “cao thủ võ lâm” trong và ngoài tỉnh cùng hội tụ về võ đường Phan Thọ nhân dịp võ đường này tổ chức giỗ tổ võ, võ sư Phan Thọ tâm sự rất thực lòng: “Trong thập bát ban binh khí có 9 cái song đấu thì hồi giờ tui mới truyền được một. Mà 9 song đấu này mới khó, phải biết cái gì đấu với cái gì, rồi phải khổ luyện... Cả những bài thảo của từng môn binh khí nữa cũng vậy. Vậy mà tui năm nay thì tuổi đã 80, không chừng chỉ nay mai xuống lỗ rồi… Chỉ mong có điều kiện, cơ hội để truyền dạy lại hết. Không thì uổng lắm”.

* Một nỗ lực âm thầm

Nay thì vốn quý của võ cổ truyền Bình Định đang được bảo tồn một cách âm thầm ngay tại Bảo tàng Quang Trung, trên nền đất ngôi nhà xưa của ba anh em Tây Sơn. Chẳng là, ở đây, từ nhiều năm nay, đã hình thành một đội nhạc võ chuyên biểu diễn võ Bình Định phục vụ cho du khách. Hiện nay, đội gồm 14 người, do anh Nguyễn Xuân Hổ, làm đội trưởng. Ngoài phẩn biểu diễn 10 bài võ cổ truyền chuẩn quốc gia, đội nhạc võ này còn được truyền thụ và biểu diễn những tiết mục tiêu biểu trong Thập bát ban võ nghệ và những bài võ cổ truyền của Tây Sơn như Hùng kê quyền (Nguyễn Lữ), Roi Thái Sơn, Ngũ Môn phá trận…

 

Hướng dẫn các thế võ cổ truyền Bình Định nhân ngày giỗ tổ võ tại nhà võ sư Phan Thọ. Ảnh: V.T

 

Có cơ may này bởi hầu hết diễn viên của đội đều là con cháu nhà võ. Chẳng hạn, dòng võ Hồ Ngạnh, làng võ Thuận Truyền (Tây Sơn) có Hồ Văn Sĩ (cháu gọi Hồ Ngạnh bằng cố nội) chuyên biểu diễn quyền roi binh khí, lại thêm Hồ Thị Thảo, Hồ Đức Thứ. Còn Lê Xuân Nam lại là cháu của võ sư Phan Thọ - một truyền nhân của các võ sư Cai Bảy (làng võ An Vinh), Tàu Sáu (làng võ An Thái), Hồ Ngạnh... Nam biểu diễn được rất nhiều loại binh khí. Riêng võ sư Nguyễn Phong (Ba Trá) đến từ Tây Vinh (Tây Sơn)… Bởi vậy, họ được trao truyền khá nhiều bài “độc” mà không phải võ sư nào ở Bình Định cũng am tường.

Nỗ lực là vậy, nhưng để nắm giữ được những nét tinh hoa trong thập bát ban võ nghệ của võ cổ truyền Bình Định thì với họ, hẳn còn một chặng đường dài. Hơn thế, việc tiếp thụ các bài võ này với họ cũng nhằm mục đích biểu diễn là chính, nên chưa thể đạt đến mức tinh anh. Điều cần nhất hiện nay là một sự đầu tư thích đáng hơn, nhằm vừa bảo tồn, vừa giới thiệu tinh hoa của võ cổ truyền Bình Định.

“Vài năm sau, khi những võ nhân cao tuổi qua đời, không biết những nét tinh hoa của võ cổ truyền Bình Định có còn không?”- ông Nguyễn An Pha - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh,  từng tâm sự với chúng tôi vậy.

  • Viết Thọ - Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thể hiện tinh thần thượng võ của đất và người Bình Định   (19/05/2006)
“Chàng trai vàng” đất võ  (19/05/2006)
Võ sư Nguyễn Phi Khanh và bài thuốc võ độc đáo  (27/04/2006)
Võ sư Nguyễn Kiều: Bất bại trên sàn đài  (27/04/2006)
Đặng Hiếu Hiền: Một thời oanh liệt  (27/04/2006)
Cơ sở lý luận của võ cổ truyền Bình Định (tiếp theo)  (28/02/2006)
Cơ sở lý luận của võ cổ truyền Bình Định (tiếp theo)  (21/02/2006)
Cơ sở lý luận và kỹ thuật cơ bản của võ cổ truyền Bình Định (tiếp theo)  (10/02/2006)
Cơ sở lý luận và kỹ thuật cơ bản của võ cổ truyền Bình Định  (08/02/2006)
Nội dung võ cổ truyền Bình Định  (06/02/2006)
Võ cổ truyền Bình Định ở ngoài tỉnh  (02/02/2006)
Võ phái Tây Sơn  (25/01/2006)
Võ phái Tuy Phước  (22/01/2006)
Quyền An Vinh   (18/01/2006)
Roi Thuận Truyền và tên tuổi võ sư Hồ Ngạnh  (16/01/2006)