Nơi trao truyền niềm say mê và tinh thần thượng võ
17:13', 26/7/ 2006 (GMT+7)

Võ sư Hồ Sừng, cháu nội võ sư Hồ Nhu, đang biểu diễn bài roi gia truyền. Ảnh: V.T

Bình Định là một trong những cái nôi của nền võ học chân truyền Việt Nam. Ngoài các làng võ, những dòng họ võ cũng là biểu hiện sống động của truyền thống thẳm sâu của miền đất võ.

* Một dòng họ võ “Tứ đại đồng đường”

Đó là họ Trương ở xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước). Dòng họ này, hầu như chẳng ai là không biết võ, ngay như đàn bà con gái cũng được truyền cho vài thế võ gọi là để phòng thân. Còn lớp anh em võ sư Trương Cần (cha võ sư Trương Văn Vịnh, thường gọi là Phi Long Vịnh), đều thuộc hàng cao thủ. Một là Trương Xuân Ba, biệt danh là Sáu Hòa, từng ẵm cúp đồng đen Đông Dương, người nữa là Trương Hoàng, biệt hiệu Ba Chăm, một trong những người thầy của hùm xám miền Trung Hà Trọng Sơn. Hiện nay, những bí kíp của dòng họ Trương được truyền lại cho võ sư Trương Văn Vịnh, con trưởng của võ sư Trương Cần.

Lên 8 tuổi, Trương Văn Vịnh đã được cha trao truyền những đường quyền cơ bản. Được vài năm, ông lại được cha gửi đến thọ giáo hai người bác ruột. Theo học võ sư Trương Xuân Ba được mấy năm, Vịnh tiếp tục thọ giáo võ sư Ba Chăm. 10 tuổi, ông đã đi gọn bài Lão hổ thượng sơn và cả bài Tứ linh đao cực khó. Đường đao phủ kín bốn mặt, vùn vụt, bóng loáng, oai hùng. 18 tuổi ông đã bắt đầu thượng đài và cả thời trai trẻ của ông gắn liền với những trận so găng khắp Trung, Nam. Cái làm nên tên tuổi của võ đường Phi Long Vịnh danh trấn miền Trung chính là tuyệt chiêu “phi long”. Đòn này phải vừa đánh tới, lại vừa trả bài phóng hậu, rồi chân sau bay lên, dập luôn trên không, đánh phủ đầu vào bộ não. Võ sư nào cũng phải bái phục cái đòn bay thượng thặng ấy. Năm 1970, trong chương trình biểu diễn võ thuật và thi đấu với các võ sư khét tiếng trong và ngoài nước lúc bấy giờ, võ sư Vịnh đã thi triển đòn đánh trên không biến ảo này, nên người ta dùng tên đòn mà đặt cho môn phái của dòng họ ông là “Phi Long”.

Điều thú vị là mọi tinh túy của võ thuật cổ truyền mà võ sư Vịnh thọ giáo từ các bậc cha chú nay lại được ông trao truyền cho các con trai, rồi cháu nội mình. Trương Trọng Hải, người con trai thứ ba của ông, 50 lần thượng đài thì chỉ thắng hoặc hòa chứ chưa hề biết đến thất bại. Trương Trọng Hùng, người con trai thứ tám mới 32 tuổi cũng đã có hơn 40 lần thượng đài... Còn khi tôi đến thăm gia đình, đứa cháu ngoại của võ sư là Nguyễn Hoàng Vũ mới ở tuổi chơi, nhưng đã biểu diễn được những bài quyền khá đẹp mắt.

Tại làng võ An Thái, chúng tôi tìm đến lò võ của võ sư Lâm Ngọc Phú. Ông nội của võ sư đã là người học võ, đến ông thân là cụ Lâm Đình Thọ (tức Hương Kiểm Lài), đã kết hợp hai nguồn võ Tàu, võ ta và lấy tên là Bình Sơn (võ Bình Định- Tây Sơn). Tiếp nối võ sư Phú, những người con của ông là Lâm Ngọc Oanh, Lâm Ngọc Ánh cũng đã gặt hái những thành tích bước đầu trên con đường võ học. Ngay cả cháu nội, cháu ngoại mới hơn chục tuổi, cũng được ông học thêm về võ. “Tui chỉ dạy để truyền thống võ nghệ gia đình không mất, cũng là để rèn sức khỏe, hộ thân, còn chẳng đứa nào theo nghề võ cả”- ông nói.

* Đến một truyền thống truyền thừa độc đáo

Gia đình võ sư Phi Long Vịnh. Ảnh: C.T

Dòng họ Trương với “tứ đại đồng đường”, dòng họ Lâm ở An Thái chính là những biểu hiện khá tiêu biểu của một truyền thống truyền thừa của võ cổ truyền Việt Nam: truyền thừa theo dòng họ. Truyền thống võ Việt Nam là không phân hóa sâu thành các môn phái như võ Tàu, mà đi vào chiều sâu văn hóa làng xã, hình thành nên các làng võ hoặc truyền thừa theo dòng họ. Bởi vậy, cùng với các làng võ, các dòng họ võ ở Bình Định cũng là một biểu hiện thú vị về truyền thống miền đất Võ.

Ngoài sự truyền dạy trực tiếp, trong các dòng họ võ, vẫn lưu giữ nhiều tài liệu võ quý giá. Đây là những bí kíp mà tiền nhân ghi lại để trao truyền cho lớp cháu con. Một trong những tài liệu đó là sách võ hiện đang được dòng tộc họ Trương (thôn Phú Thiện, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ) giữ gìn. Theo ông Trương Đức Hồng, người hiện đang lưu giữ cuốn sách võ này, thì ông tổ dòng họ Trương là Trương Đức Thường người xứ Thanh Hà, tỉnh Hải Dương vào khai sơn phá thạch ở vùng núi Ngạch (nay thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ) vào đầu thế kỷ thứ XVII. Sau đó, đến định cư ở thôn Phú Thiện (xã Mỹ Hòa, Phù Mỹ). “Khi ấy, cả vùng đất quanh nơi này hãy còn là chốn rừng núi. Tổ tiên chúng tôi phải luyện tập võ nghệ để đương đầu với thú dữ và những hiểm nguy nơi vùng đất mới. Tôi nghĩ, đó là lý do mà tổ tiên chúng tôi biên chép và truyền tụng những thế võ trong cuốn sách này”- ông Hồng nói. Cũng theo ông Hồng, dòng họ Trương có nhiều người học giỏi, thi đỗ cử nhân võ. Như ông Trương Đức Giai, Trương Đức Lân, Trương Trạch... đều đỗ cử nhân võ. Trong đó, ông Trương Trạch chính là thầy dạy võ cho ông Trương Thanh Đăng, sau này làm chưởng môn phái Sa Long Cương (một trong những môn phái có ảnh hưởng lớn ở Nam Bộ), còn ông Giai chính là người biên soạn tập sách võ hiện vẫn còn lưu truyền trong dòng họ Trương.

Điều đáng quý nhất là trong tập sách võ này có lời thiệu bài quyền Ngọc trản, một bài quyền hội đủ các yếu tố có tính cơ bản và là một trong những bài mang tính chính thống, tiêu biểu của võ Bình Định. Bài quyền hiện vẫn được lưu truyền và phổ biến rộng rãi trong dân gian với luyện tập công phu, tấn công toàn diện, kết hợp cương nhu, lại có những thế né tránh, phản đòn lợi hại; khi di chuyển thì linh hoạt, nhẹ nhàng, nhưng khi ra đòn thì mạnh. Với việc phát hiện ra bài thiệu, các nhà nghiên cứu mới nhận thức được tính liên hoàn âm - dương xuyên suốt cả bài quyền và chỉnh lý được những sai lầm do việc lưu truyền tam sao thất bổn trước đây. Bài thiệu quyền Ngọc trản đích thực là một viên ngọc quý trong tập sách quý của họ Trương.

* Nối tiếp những truyền thống

Cầu nối hai làng võ An Vinh và An Thái - cũng là nơi có những dòng họ võ nổi tiếng của Bình Định. Ảnh: V.T

Cùng với các làng võ, những dòng họ võ là nơi lưu giữ những nét tinh chất của võ Bình Định. Điều đáng nói, từ trong những dòng họ ấy, tinh thần thượng võ cùng những giá trị nhân văn của võ học được người đi trước dạy người đi sau, tạo nên cái mà ngày nay chúng ta gọi là truyền thống. Ngay như bí kíp ở các dòng họ võ, theo võ sư Phi Long Vịnh, cũng chẳng có gì gọi là bí kíp. “Chiêu “phi long” chẳng hạn, nhiều võ đường khác cũng biết cả đấy, chỉ có điều họ không chuyên. Còn với người họ Trương thì đã luyện đòn này từ hồi còn để chỏm. Tuyệt kỹ hay không cũng là nhờ tập luyện bã cả người ra mà nên cả”- ông nói.

Các dòng họ võ đã góp phần bảo lưu truyền thống võ qua những thăng trầm lịch sử. Và từ hai, ba chục năm trở lại đây, khi các võ sư truyền dạy ra ngoài, võ Bình Định bắt đầu phát triển vượt ra khỏi phạm vi địa phương. Trên cả nước, có không ít địa phương có võ đường lấy tên Phi Long. Còn như môn phái Bình Định Gia đã tồn tại suốt 200 năm, trước vốn chỉ truyền trong dòng họ Trần Đại, Trần Hưng; sang đến chưởng môn đời thứ 5, cụ Trần Hưng Quang (hiện ở Hà Nội) mới bắt đầu truyền dạy ra ngoài. Đến nay, môn phái này đã có cả trăm HLV, hàng trăm võ đường trong nước cũng như ngoài nước với hơn mấy vạn lượt người luyện tập.

Tôi thường tự hào giới thiệu với bè bạn phương xa về các làng võ Bình Định như một trong những “thành trì” bảo lưu những gì tinh túy của truyền thống võ Bình Định. Nhưng rồi tiếp xúc với các dòng họ võ, tôi lại tự hào về các dòng họ võ, cái nôi trao truyền niềm say mê võ học và tinh thần thượng võ cho thế hệ cháu con.

  • Lê Viết Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gặp chưởng môn nhân của phái võ An Thái  (24/07/2006)
Bảo tồn tinh hoa võ cổ truyền Bình Định: Một nỗ lực âm thầm  (30/05/2006)
Thể hiện tinh thần thượng võ của đất và người Bình Định   (19/05/2006)
“Chàng trai vàng” đất võ  (19/05/2006)
Võ sư Nguyễn Phi Khanh và bài thuốc võ độc đáo  (27/04/2006)
Võ sư Nguyễn Kiều: Bất bại trên sàn đài  (27/04/2006)
Đặng Hiếu Hiền: Một thời oanh liệt  (27/04/2006)
Cơ sở lý luận của võ cổ truyền Bình Định (tiếp theo)  (28/02/2006)
Cơ sở lý luận của võ cổ truyền Bình Định (tiếp theo)  (21/02/2006)
Cơ sở lý luận và kỹ thuật cơ bản của võ cổ truyền Bình Định (tiếp theo)  (10/02/2006)
Cơ sở lý luận và kỹ thuật cơ bản của võ cổ truyền Bình Định  (08/02/2006)
Nội dung võ cổ truyền Bình Định  (06/02/2006)
Võ cổ truyền Bình Định ở ngoài tỉnh  (02/02/2006)
Võ phái Tây Sơn  (25/01/2006)
Võ phái Tuy Phước  (22/01/2006)