Ðã là người Việt, không ai không tự hào về lịch sử thời Tây Sơn, cái thời đã sinh ra vị anh hùng bất tử: Quang Trung - Nguyễn Huệ, cái thời đã đưa dân tộc chúng ta lên đỉnh cao, làm cho các nước láng giềng nể phục. Nhưng đặc biệt nhất của thời này là nền văn học chữ Nôm ra đời, tạo nên một dòng thơ ca mang sắc thái riêng biệt đầu tiên của người Việt Nam.
Trong nguồn thơ ca ấy có một "mảng" rất đặc biệt, đó là nguồn thơ ca trong võ thuật, còn gọi là Thơ Võ. Nhưng đáng tiếc thay nhà Tây Sơn quá ngắn, nhà Nguyễn lên cầm quyền, họ trả thù bằng cách hủy bỏ tất cả những gì mang dấu tích cũ. Dòng họ, con cháu nhà Tây Sơn phải lẩn trốn khắp nơi, do đó nguồn thơ này bị tản mạn và được lưu truyền một cách âm thầm, bí mật lan tỏa trong dân gian.
Cổ nhân ta sau những năm tháng chinh chiến, đã học hỏi và đúc kết biết bao nhiêu là kinh nghiệm, thì trong những ngày tháng thanh bình, quây quần với nhau mới đem những kinh nghiệm ấy ra mà phân tích, rút tỉa cái cốt lõi truyền lại cho con cháu về sau. Sau khi "chiết" chiêu, phân thế võ, chỉ rõ các đòn, thế đánh sanh tử, họ xếp lại thành một bài võ, rồi dùng thơ ca, diễn tả các thế võ ấy một cách hào hùng, hợp với vóc dáng, nhân cách, triết lý của con người nghệ sĩ Việt Nam:
Những khi ngày rỗi việc nhàn
Kiếm làm một "thảo" luận bàn ngâm nga
Hoặc:
Nay trăm đường thế biến ra
Kiếm làm một "thảo" ngâm nga để truyền.
Truyền là truyền cái tâm đắc, sở học, truyền cái cốt lõi một đời người. Từ đó các bài thơ võ Hán Nôm ra đời, phép nêm vận rất chặt chẽ, theo luật Ðường thi. Ðủ các khổ: Tứ tuyệt, ngũ ngôn, song thất lục bát... Nhưng đặc biệt là các bài phú võ, hoàn toàn làm theo thể lục bát, là nguồn thơ của người Việt Nam.
Bài phú võ là một bài vè gồm các câu 6 câu 8, phép nêm vận, luật bằng trắc mang đầy tính nhạc và thơ, khi ngâm lên thể hiện được sự hào hùng, lãng đãng cái tính chất của ngàn xưa... của Tay Quyền, Ngọn Roi trong chiến trận, mang lại sự hưng phấn diệu kỳ.
Xin đơn cử hai bài thơ võ sau đây để nêu rõ tính chất nghệ thuật của nguồn thơ này. Đó là bài thơ thảo bộ "Ðồng Nhi" và bài thảo roi "Thái Sơn".
Thảo bộ là bài tập về tay không và thảo roi là bài tập với cây gậy, cây côn.
Từ "Thảo" trong cổ thư là một thế viết chữ Hán (lệ, chân, triện, thảo) viết rất nhanh, rất nghệ thuật. Trong nét "thảo" là nét vẽ, nét hoa. Do đó khi luyện tập một bài thảo, tức là tập một bài võ ta, chúng ta có thể hình dung đó là một bài võ hài hòa, uyển chuyển, nhanh nhẹn, linh hoạt, đẹp đẽ; khác với võ Tàu và các môn võ khác trên thế giới.
Thảo Bộ Ðồng Nhi
(Ðứa trẻ thần đồng)
- Thiệu võ:
Bái tổ
Chấp thử lập Ðồng Nhi
Khuynh thân bạt thủ chi Tiền tấn du luân thích Ðình bộ lập song phi Ðại bàng lai thối bộ Tiên cô tấn đả chi Thần nhân hoành quá hải Tiên gia thối đả chi Nhị thủ giai trụ thích Lưỡng túc nghịch song phi Bạch xà lai ngọa địa Hồi đầu tấn thích chi Ðầu thân giai đả thối Tróc túc ác hổ tùy Chuyển luân khinh thoái bộ Nhứt hộ thủ môn kỳ Hồi đầu bái Tổ Sư. - Phú (ca dao): Vào đường Bái Tổ trước tiên Chấp tay đứng trụ lập liền Ðồng Nhi Nghiêng mình bạt thủ một khi Bước tới tay phải tức thì đâm lên Dừng chân bay lập hai bên Ðại bàng lui bước từ trên bay về Tiên cô bước đến đánh liền Thần nhân qua biển cũng lìa cung mây Tiên gia lui đấm xuống ngay Hai tay cứng chắc đâm ngay tức thì Hai chân đá nghịch như phi Bạch xà trở lại nằm lì đất thiêng Quay đầu tiến tới đâm liền Ném mình quay lại mặt tiền đấm theo Ðuổi theo cọp dữ khóa chân Nhẹ nhàng lùi bước bánh xe xoay vần Một mình cọp dữ ải quan Trở về bái tổ là đường xưa nay.
Qua bài thơ trên chúng ta thấy Thiệu thơ là thể thơ ngũ ngôn. Phép nêm vận, luật bằng trắc rất đúng, và bài phú là bài vè, với những câu sáu câu tám theo thể lục bát ca dao Việt Nam. Bài phú võ giảng giải ý nghĩa của bài Thiệu thơ. Qua bài phú, các động tác đều là những thế võ được gói ghém diễn tả ý nghĩa trong câu.
Ðể cảm nhận cái thú vị này, chúng ta tiếp tục xem bài thảo roi sau đây: Roi Thái Sơn. Bài này gồm hai bài Thiệu thơ (một bài chữ Hán, một bài chữ Nôm) và một bài phú:
- Thiệu Thơ: Roi Thái Sơn
Bái Tổ
Thái sơn trích thủy địa xà liên
Thượng bổng kỳ lân quá bạch viên
Quy kỳ độc giác trung bình hạ
Thượng thích đài đăng tấn thừa thiên
Hồi đầu trực chỉ liên tam thích
Ðồng tân thuận thế phá vân biên
Tẩu thố Trưng sơn hoành phá kiếm
Linh miêu mai phục tấn thích ngưu
Thừa châu hối địa loan côn thích
Hồi tiền kim kê đả trung lan
Suy phong sậu vũ ngưu khai giác
Tiểu tử tam phiền giá mã an
Hồi đầu bái Tổ Sư.
- Phú: Roi Thái Sơn
Tay cầm roi đản khai trương
Vọng tiền bái tổ là đường xưa nay
Diện tiền thế ấy rất hay
Thái sơn trích thủy, côn này đổ nghiêng
Ðại xa phục thổ chẳng hiền
Kỳ long phản ứng ngựa liền cao bay
Hoành roi một bước lướt vào
Quy kỳ Ðộc giác trực giao diện tiền
Côn trùng tấn thích trung thiên
Hồi đầu trực chỉ diện tiền tam giao
Ðồng tân xuất thế anh hào
Giang biên phá trận xông vào tiền môn
Hoành sơn thỏ chạy dập dồn
Phục châu hạ địa vươn côn đảo trừ
Linh miêu núp dưới bóng người
Chờ trân vùng dậy ngựa chuồi tới đâm
Thừa châu côn nọ tay cầm
Biến thiên bố địa mà đâm diện tiền
Lui về giữ thế trung kiên
Ðề côn đả kích phá yên trận đồ
Gió rung lá rung ồ ồ ...
Sừng trâu mở rộng côn đồ chiến chinh
Thuyền rồng giữa biển linh đinh
Mã yên tiểu tử ba lần thành công.
Qua bài Roi Thái Sơn về Thiệu thơ chỉ có 12 câu, riêng bài phú có 24 câu. Cứ hai câu phú thì giảng ý một câu Thiệu. Khi đọc hoặc ngâm nga lên, ta thấy bàng bạc cái cảnh hào hùng trong chiến trận. Tính chất văn học và điển tích rất là phong phú.
Như vậy qua hai bài thơ võ trên, chúng ta có thể mường tượng được về mục đích, ý nghĩa của nguồn thơ này. Nguồn thơ võ học thời Tây Sơn với quan niệm văn võ tương hòa:
Văn thiếu võ, văn thành nhu nhược
Võ thiếu văn, võ trở bạo tàn
Võ văn hai chữ tương quan
Lục thao, tam lược đứng hàng hùng anh.
Và với quan niệm "khử vu tồn thanh" nhà Tây Sơn đã sáng lập nên một nền binh bị hùng mạnh, từ nghệ thuật chiến đấu cá nhân cho đến chiến thuật quân sự đoàn ngũ. Trong quyển "Tây Sơn Bí Kíp" của tướng Nguyễn Trung Như (một võ quan dưới thời Tây Sơn) có bài "Nghiêm Thương" của vua Quang Trung, bài Song Phụng Kiếm của bà Bùi Thị Xuân và riêng Nguyễn Lữ có bài "Thảo Hùng Kê" rất là đặc sắc.
Nguyễn Lữ là một trong ba anh em nhà Tây Sơn. Ông đã sáng tạo ra bài "Hùng Kê", tiêu biểu cho con người Việt Nam với các đức tính sau:
- Con kê (gà) có dáng đi đẹp, chân có hai cựa, đó là tướng Võ.
- Nhưng trên đầu lại mang một cái mào (mũ) đó là tướng Văn.
- Thấy kẻ địch (dù to lớn) không bao giờ khiếp sợ, đó là đức Dũng.
- Trong chiến đấu quyền biến và khôn ngoan, đó là đức Trí.
- Khi gặp mồi (thức ăn) không ăn ngay mà túc túc gọi đàn, đó là đức Nhân.
Và đây là bài Thiệu "Hùng Kê". Bài này không có phú mà là một bài thơ có tính văn học nghệ thuật cao, lồng chứa cả triết lý và cốt lõi của võ học Việt Nam.
Thảo Hùng Kê:
Bái Tổ
Lưỡng kê giao nạp thể tranh hùng
Song túc tề phi trảo thượng xung
Trấn ải kim thương như bạch hổ
Thủ quan ngân kiếm tựa thanh long
Xuyên cung độc tiễn tăng ư trác
Hồi thủ đơn câu thủ tứ hung
Trá tẩu, phóng trâm thiên sở tá
Nhu, cương, cường, nhược tận kỳ trung
- Hồi đầu bái tổ.
Nôm:
Đôi gà đối diện quyết tranh hùng
Ðôi chân cùng nhảy, móng vuốt bung
Thương vàng trấn ải như hổ trắng
Kiếm bạc thủ quan tựa rồng xanh
Như cung không tên, thêm sức mổ
Quay đầu một cựa, giữ bốn bên
Giả chạy phóng châm, trời đã dạy
Mềm, cứng, mạnh, yếu, đem ra xài
- Hồi đầu bái tổ.
Qua bài thơ trên, cũng viết theo thể Ðường thi, đặc biệt trong bài này có phép đối chữ, đối câu với đối ý thật là tuyệt. Hầu hết các bài thơ võ trong nguồn thơ này đều có phép đối ý. Ở hai câu (3 và 4) đọc lên, nghiền ngẫm mới cảm nhận được, hay câu kết (7 và 8)cũng vậy. Hiểu được ý của người xưa, đó mới là điều thú vị. Mềm, cứng, mạnh, yếu đều đem hết ra dùng. Cái "chủ ý" trong bài là lồng chứa tất cả cốt lõi của nền Võ trận Việt Nam, một nguyên lý khoa học võ thuật, một nghệ thuật chiến đấu mà nhà Tây Sơn đã có công sáng tạo dựa trên nguyên tắc: Thấp có thể tranh Cao; Nhỏ có thể đánh Lớn; Yếu có thể đánh Mạnh; Gần có thể đánh Xa mà vẫn có thể chiến thắng địch thủ một các dễ dàng.
Thơ Võ Tây Sơn hiện vẫn còn lưu truyền tản mạn khắp đất nước, nhất là ở Bình Định, thật sự là một tư liệu quý cho những nhà nghiên cứu võ thuật cổ truyền và những người luyện võ Tây Sơn.
|