Gặp những người học võ ta đến từ... trời Tây
9:50', 4/8/ 2006 (GMT+7)

Hôm qua (3-8), các võ sinh đang theo học võ cổ truyền Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới đã tề tựu về Bình Định, chuẩn bị tham gia Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ I-2006. Vừa đặt chân đến đất Võ, các võ sinh đã dành cho PV Báo Bình Định những cuộc trao đổi ngắn...

VÕ SƯ ĐINH TRỌNG HOÀNG (CHƯỞNG MÔN TINH HOA VIỆT VÕ ĐẠO QUỐC TẾ - MỸ):

Nền tảng võ thuật môn phái của tôi là võ Bình Định

Tôi vốn là người gốc Sài Gòn, nhưng lên sống tại Kon Tum. Năm 12 tuổi, tôi có “cơ duyên” được các võ sư người Bình Định dạy võ. Đây chính là nền tảng quan trọng để tôi phát triển võ thuật của môn phái mình sau này. Năm 1985, sau khi định cư ở Mỹ, tôi nhận thấy cần phải truyền bá tinh hoa võ Việt Nam cho người nước ngoài, nên đã thành lập nên môn phái Tinh hoa Việt võ đạo quốc tế. Môn phái của tôi đã quy tụ được khoảng 1000 môn sinh, trong đó, 2/3 là người nước ngoài, rải rác ở nhiều nước nhưng tập trung nhiều ở Mỹ và Canada. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được mời về tham dự LH tại miền đất Võ. Đoàn của chúng tôi có 14 người, sẽ biểu diễn các bài võ đặc sắc của môn phái như Báo quyền, Hồ hoa Đại đao. Hy vọng sự có mặt của môn phái chúng tôi sẽ góp một phần nhỏ vào thành công của LH.

 

ANH HOÀNG KIM ẤN (VÕ SINH VIỆT VÕ ĐẠO QUỐC TẾ - THỤY SĨ):

Học võ cổ truyền Việt Nam là vừa học võ thuật, vừa học đạo lý làm người

Tôi qua Thụy Sĩ sinh sống đã hơn 20 năm, thuộc thế hệ người Việt Nam lớn lên và trưởng thành dưới sự giáo dục của nền văn hóa Tây phương. Nhưng ngay từ nhỏ, thông qua những câu chuyện kể của ba tôi, tôi đã bị cuốn hút bởi nền văn hóa Việt Nam và đặc biệt là tinh thần thượng võ của dân tộc. Chính vì vậy, năm 16 tuổi, tôi tìm đến với Việt võ đạo Quốc tế, trước là để tìm về với cội nguồn võ học dân tộc, sau là để rèn luyện sức khỏe. Môn phái Việt võ đạo Quốc tế mà tôi theo học đã được thành lập ở Gieneve cách đây gần 15 năm. Tại Thụy Sĩ, môn phái này đã thu hút được hơn 200 môn sinh theo học, trong đó, đa số là người nước ngoài. Đây là điều tôi thấy rất tự hào, bởi theo tôi, người nước ngoài đến với võ cổ truyền Việt Nam bởi đây là môn võ vừa dạy võ thuật vừa dạy võ đạo; vừa nâng cao sức khỏe, vừa được dạy về đạo lý làm người. Về tham dự LH lần này, được gặp mặt và thưởng thức tinh hoa võ cổ truyền Việt Nam đến từ khắp nơi trên thế giới, quả là một trong những niềm vui lớn nhất của đời tôi.

 

VÕ SƯ MAITIE LASJUNIES (CHƯỞNG MÔN TINH VÕ ĐẠO - PHÁP):

Tôi đã bị hút hồn bởi võ cổ truyền Việt Nam

Tôi bắt đầu tập boxing, karate khi mới lên 15 tuổi. Năm 17 tuổi, tôi mới được biết đến môn Vovinam và đã bị “hút hồn” bởi những nét uyển chuyển và hiệu quả trong từng đòn thế của môn võ này. Sau 5 năm tập luyện Vovinam, tôi lại biết đến Tinh võ đạo và theo học từ đấy đến giờ. Tôi rất yêu thích võ cổ truyền Việt Nam nên đã nhờ sư phụ đặt cho một cái tên Việt Nam là Hồ Thiên Long. Hiện tại tôi là chưởng môn France - Tinh Võ Đạo. Tôi có 10 võ đường với số lượng 940 võ sinh đang theo học. Đây là lần đầu tiên tôi đến Bình Định. Nhưng tôi đã biết và yêu mảnh đất này qua lời kể của sư phụ tôi là Hồ Hoa Huệ. Giờ có mặt ở đây, tôi thấy bồi hồi như một đứa con xa quê, nay mới có dịp về thăm nguồn cội.

 

LYNELLE MILIATE (VÕ SINH KIẾN AN KUNGFU - MỸ):

Tôi rất thích phong cảnh và con người Việt Nam

Tôi tiếp xúc với Kiến An Kungfu sau khi môn võ này được đưa vào giảng dạy trong Trường Đại học California Northridge, nơi tôi theo học và lấy bằng cử nhân văn chương. Tôi thấy thích môn võ này vì ở đó có sự kết hợp giữa sự mạnh mẽ và ý chí chiến đấu cao. Nó giúp tôi có thêm sức khỏe và sự tự tin. Hiện tôi đang học Cao học, nhưng tôi vẫn sẽ cố gắng học thêm về võ thuật để có thể trở thành một võ sư cao cấp và sẽ mở một võ đường tại Mỹ để phát triển môn võ này. Tại LH lần này, tôi sẽ biểu diễn 3 bài: Độc long côn, Âm dương nhật nguyệt và Tứ môn thái cực chưởng. Tôi rất ấn tượng về những cử chỉ thân thiện của người Việt Nam, và các món ăn của Việt Nam, đặc biệt là món bánh tráng cuốn chả. Những ngày ở Bình Định, tôi sẽ tắm biển và tham quan một số thắng cảnh trong tỉnh.

 

VÕ SƯ LÊ THANH MINH (HLV TRƯỞNG TINH VÕ ĐẠO - ANH):

Mong rằng Tinh võ đạo sẽ thành một võ phái mạnh

Thời gian tôi học Tinh võ đạo đến nay đã được 22 năm và tôi đã mở một võ đường tại Western (Anh) - nơi tôi đang học cao học kinh tế. Hiện võ đường của tôi đang có 67 võ sinh theo học. Tôi dự định sẽ mời một số võ sư Việt Nam để hợp tác mở một trường Tinh võ đạo tại nước Anh và một võ đường tại Bình Định. Đến với LH lần này, ngoài việc góp mặt để giao lưu và biểu diễn những bài quyền tinh hoa của Tinh võ đạo, tôi còn mong muốn đề đạt ý kiến của mình đến các võ phái Tinh võ đạo trên toàn thế giới để có được sự thống nhất về các nội dung của môn võ này, hướng đến việc đưa Tinh võ đạo trở thành một võ phái mạnh.

 

TRẦN GIA LINH (VÕ SINH TINH VÕ ĐẠO - ĐỨC):

Con người Bình Định rất chất phác, hiền lành

Tôi đã về Việt Nam từ mấy tháng nay để tham gia đóng bộ phim Đất và lửa, nhưng mới đến Bình Định hôm 3-8 để tham gia LH. Tôi rất hạnh phúc khi về Bình Định. Mẹ tôi (võ sư Hồ Hoa Huệ) vốn theo học võ Tây Sơn từ nhỏ. Mẹ hay kể cho anh em chúng tôi nghe về vùng đất thượng võ này. Mới đến Bình Định nên tôi chưa đi được nhiều, nhưng những nơi tôi đã đến, đã nhìn thấy quả là đẹp. Còn con người Bình Định thì rất chất phác, hiền lành.

  • Nhóm phóng viên VH-TT
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hội ngộ trên miền đất võ  (03/08/2006)
Võ Bình Định góp mặt trong ngày hội võ  (02/08/2006)
Nước xuôi ra bể lại "mong" về nguồn  (02/08/2006)
Sông Kôn mùa võ  (31/07/2006)
Thơ Võ Tây Sơn  (27/07/2006)
Nơi trao truyền niềm say mê và tinh thần thượng võ  (26/07/2006)
Gặp chưởng môn nhân của phái võ An Thái  (31/07/2006)
Bảo tồn tinh hoa võ cổ truyền Bình Định: Một nỗ lực âm thầm  (30/05/2006)
Thể hiện tinh thần thượng võ của đất và người Bình Định   (19/05/2006)
“Chàng trai vàng” đất võ  (19/05/2006)
Võ sư Nguyễn Phi Khanh và bài thuốc võ độc đáo  (27/04/2006)
Võ sư Nguyễn Kiều: Bất bại trên sàn đài  (27/04/2006)
Đặng Hiếu Hiền: Một thời oanh liệt  (27/04/2006)
Cơ sở lý luận của võ cổ truyền Bình Định (tiếp theo)  (28/02/2006)
Cơ sở lý luận của võ cổ truyền Bình Định (tiếp theo)  (21/02/2006)