Hội thảo Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ I:
Đề xuất lộ trình nâng tầm võ Việt
7:55', 8/8/ 2006 (GMT+7)

Trong khuôn khổ các hoạt động của Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ I, chiều qua (7-8), tại Khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn, lần đầu tiên một hội thảo (HT) về võ cổ truyền Việt Nam được tổ chức, với sự tham dự của các nhà nghiên cứu, các võ sư đại diện cho nhiều võ phái đến từ nhiều nước trên thế giới. HT đã mở ra nhiều vấn đề cần suy nghĩ nhằm tiếp tục phát triển võ cổ truyền Việt Nam.    

 

Quang cảnh Hội thảo Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ I. Ảnh: C.T

 

* Một di sản văn hóa độc đáo

“Có thể xem HT này như một “Hội nghị Diên Hồng” nhằm tập hợp những tâm tư, đưa ra những đề xuất, những ý kiến hay, nhằm xây dựng một lộ trình phát triển môn võ cổ truyền Việt Nam”- ông Nguyễn Văn Minh (Giám đốc Sở TDTT tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan), khẳng định vậy trong phát biểu mở đầu HT.

Nhìn chung, ý kiến các đại biểu tham gia HT đều thống nhất đánh giá võ cổ truyền là một nét đẹp của văn hóa dân tộc, từng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Các võ sư, nhà nghiên cứu đưa ra những dấu mốc đánh dấu sự hình thành, phát triển của võ cổ truyền Việt Nam trong lịch sử và đánh giá rằng, việc luyện võ cổ truyền dân tộc, ngoài việc tăng cường sức khỏe cho mọi lứa tuổi, phát triển thể lực, nâng cao sức đề kháng, kéo dài tuổi thọ; còn là để rèn luyện các phẩm chất đạo đức như nhân đạo, vị tha, trung nghĩa, hiếu thảo, lễ độ... Đồng thời, Liên hoan lần này cũng cho thấy, võ Việt Nam hiện đã phát triển rộng ra cả trong và ngoài nước. Điều này được thể hiện qua con số hơn 3.000 tiết mục biểu diễn đa dạng trong 4 ngày diễn ra Liên hoan. Những tiết mục cũng bộc lộ những biến thể phong phú, có nét riêng của các môn phái, khu vực. Một nhận xét khá thú vị của TS. Nguyễn Mạnh Hùng (Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Bàng, TP.Hồ Chí Minh), là một số bài võ của các đoàn quốc tế đã bảo lưu được giá trị văn hóa cổ qua nét trình diễn tồn tại từ một thế kỷ trước; trong khi đó, đường nét của võ bản địa có phần biến đổi để thích nghi trong từng hoàn cảnh lịch sử và môi trường. Ý kiến này phần nào được ông Phạm Đình Phong (nguyên Phó Giám đốc Sở TDTT Bình Định) chia sẻ khi cho rằng: các võ sư quốc tế biểu diễn những miếng võ, thế võ rất đặc trưng của võ cổ truyền như những đòn chân, phá chân, bộ liệng...; trong khi võ sinh trong nước không thấy biểu diễn. Tuy ý kiến này cần được tranh luận thêm, nhưng qua đó cho thấy việc nghiên cứu, tổng hợp để xây dựng một nền võ cổ truyền để vừa bảo tồn vốn cổ, vừa phát triển hài hòa đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện nay, là rất cần thiết.  

* Đưa võ cổ truyền vào trường học

Hướng đi đầu tiên được nhiều đại biểu đề cập nhằm phát triển võ cổ truyền Việt Nam là đưa võ vào trường học. Có đại biểu nói: một dân tộc từng tổ chức thi hương, thi hội, thi đình, vậy mà võ hiện nay lại chưa được đưa vào môn giáo dục thể chất trong nhà trường. Còn theo võ sư Trần Tiến (Chưởng môn Nội gia Quốc tế Võ đạo Việt Nam): “Ngày nay, việc phát triển phong trào võ cổ truyền là rất cần thiết trong chiến lược xây dựng con người mới, phát triển toàn diện”. Bởi vậy cả võ sư Trần Tiến, TS. Nguyễn Mạnh Hùng và Th.S. Nguyễn Văn Long (Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) đều đề nghị đưa võ cổ truyền Việt Nam vào học đường và xem nó như một môn học nhằm rèn luyện phẩm chất đạo đức, thể chất, tinh thần cho các em học sinh. Trên thực tế, Đại học Hồng Bàng hiện đã có ngành đào tạo cử nhân võ thuật; còn Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã thực hiện đề tài nghiên cứu, ứng dụng võ cổ truyền cho học sinh - sinh viên và được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thực nghiệm vào môn giáo dục thể chất. Đây chỉ là những bước đi đầu tiên và sắp tới cần có những bước tiến mạnh hơn theo hướng này.

 

Một tiết mục biểu diễn của võ Thiếu Lâm - Kungfu (Mỹ). Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

* Ấp ủ những dự định dài hơi

Chia sẻ những trăn trở giữa những người có chung tình yêu với nền võ học Việt Nam, các đại biểu mong muốn: đã đến lúc phải bước tiếp, bước mạnh hơn nữa để cùng nhau chia sẻ hợp tác và phát triển võ cổ truyền Việt Nam. Và theo GS. Tăng Kim Tây (cố vấn Đại học Hồng Bàng) thì việc làm đơn giản mà hiệu quả trước mắt là lập website về võ cổ truyền để sự giao lưu, trao đổi giữa các võ phái thuận tiện hơn. Điều này cũng nằm trong mong muốn của ông Kozman Csongor (Tổng đoàn Thế giới Quán khí đạo): “Liên hoan sẽ là tiền đề để xây dựng mạng lưới liên lạc, làm cho chúng ta gần nhau hơn, nhằm đạt mục đích chung là đưa võ cổ truyền Việt Nam ngày càng đến với thanh niên nhiều nước trên thế giới”. 

Một dự định dài hơi hơn là nâng tầm võ cổ truyền trở thành quốc võ, thành một môn võ thi đấu trên trường quốc tế. Đây cũng là điều trăn trở và mong muốn của hàng triệu người hâm mộ. Để làm được điều này, theo Th.S. Nguyễn Văn Long, trước hết, cần tổ chức HT khoa học về võ cổ truyền với sự tham gia không chỉ của các võ sư, mà cả giới trí thức nói chung. TS. Nguyễn Mạnh Hùng thì đề nghị thành lập một Ban Nghiên cứu Võ thuật Quốc gia, nhằm xác lập lại các đòn cước một cách khoa học, để xây dựng bộ môn võ thuật Việt Nam tham gia vào nội dung thi đấu Olympic hoặc SEA Games. Đồng thời, lựa chọn một địa điểm thuận lợi làm nơi quy tụ, thống nhất các võ phái trong và ngoài nước, hoặc ít ra cũng là một địa chỉ văn hóa để các võ phái trong và ngoài nước về giao lưu. Còn ông Phạm Đình Phong thì hy vọng, sẽ có sự hợp lực chung để một thời gian không xa, đề nghị UNESCO công nhận võ Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như Trung Quốc đang làm đối với võ Thiếu lâm.

  • Viết Thọ - Công Tâm
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bế mạc Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ I- 2006   (07/08/2006)
Náo nức những ngày hội võ  (07/08/2006)
Khai mạc Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ I- 2006  (06/08/2006)
Lễ dâng hương trọng thể trên đất Tây Sơn  (05/08/2006)
Gặp những người học võ ta đến từ... trời Tây  (04/08/2006)
Hội ngộ trên miền đất võ  (03/08/2006)
Võ Bình Định góp mặt trong ngày hội võ  (02/08/2006)
Nước xuôi ra bể lại "mong" về nguồn  (02/08/2006)
Sông Kôn mùa võ  (31/07/2006)
Thơ Võ Tây Sơn  (27/07/2006)
Nơi trao truyền niềm say mê và tinh thần thượng võ  (26/07/2006)
Gặp chưởng môn nhân của phái võ An Thái  (31/07/2006)
Bảo tồn tinh hoa võ cổ truyền Bình Định: Một nỗ lực âm thầm  (30/05/2006)
Thể hiện tinh thần thượng võ của đất và người Bình Định   (19/05/2006)
“Chàng trai vàng” đất võ  (19/05/2006)