Anh Lê Đình Danh, tác giả Tây Sơn bi hùng truyện:
"Tôi viết bằng niềm say mê"
10:1', 17/8/ 2006 (GMT+7)

Tây Sơn bi hùng truyện (NXB Văn hóa - Thông tin), bộ tiểu thuyết lịch sử dày dặn, hấp dẫn, viết về phong trào Tây Sơn vừa mới ra mắt bạn đọc. Lê Đình Danh, tác giả bộ tiểu thuyết này, là một cái tên... lạ hoắc. Tìm mãi, chúng tôi mới gặp được tác giả, một nhân viên phân phối hàng ở Quy Nhơn.

 

                                   Tác giả Lê Đình Danh

 

* Có thể xem đây như tác phẩm đầu tay của anh. Vì sao 44 tuổi rồi anh mới "bập" vào nghề văn, lại bằng một bộ tiểu thuyết lịch sử theo lối chương hồi ?

- Tôi là người Bình Định. Và như bao người Bình Định khác, bản thân tôi và gia đình tôi rất ngưỡng mộ, thậm chí sùng bái Quang Trung. Ngay từ nhỏ, còn đi học, tôi đã mê đọc sách viết về phong trào Tây Sơn. Có cuốn gì trong tay là tôi đọc hết. Cả sau này, khi gia đình đã lên Canh Vinh làm kinh tế mới, tôi cũng đọc. Chỉ gần 20 năm nay, do lăn lộn kiếm sống, lại hầu như không được tiếp xúc với giới văn chương chữ nghĩa, nên tôi ít đọc. Tôi vẫn nhận thấy một điều rằng người Việt mình hiểu sử Việt còn thua sử Tàu. Cũng không thể trách người dân được, vì chúng ta có viết sách, có làm phim lịch sử, có quảng bá đâu. Bởi vậy, năm 1999, tôi có ý định viết bộ tiểu thuyết này. Cặm cụi đến năm 2003 thì hoàn thành.

Còn vì sao tôi viết tiểu thuyết chương hồi ư? Tam Quốc diễn nghĩa ra đời mấy trăm năm mà nay ta đọc vẫn thích. Hơn nữa, viết truyện xưa, theo tôi, phải viết với cách hành văn, đối thoại thế nào để bạn đọc có cảm giác như được sống lại không khí thời đó. Sách tôi viết với "thể động" nên dùng lối chương hồi kể cũng là phù hợp.

* Không viết văn chuyên nghiệp, lại vất vả chuyện sinh kế, vậy anh viết lúc nào để ra đời được bộ tiểu thuyết hơn nghìn trang sách như vậy?

- Tôi phải làm việc để mưu sinh. Bởi vậy, suốt 4 năm ấy, tôi chỉ viết trong những giờ nghỉ. Bỏ ngủ trưa, rồi nửa đêm choàng tỉnh lúc nào là dậy viết lúc ấy. Nhưng để việc viết lách thuận tiện và đỡ mất thời gian, ngoài một cái cốt định sẵn từ đầu, tôi vừa đi làm, vừa nghĩ về mạch chuyện, về những tình tiết. Đó là 4 năm tôi không còn thời gian để xem tivi hay đọc báo. Cũng may là tôi viết hầu như không cần nháp nên khá nhanh. Hơn nữa, đây là việc mình thích nên làm với cả niềm say mê.

* Viết về phong trào Tây Sơn từ những ngày đầu dựng nghiệp đến khi gặp thất bại, hẳn khi viết, anh phải dựa nhiều vào nhiều tư liệu lịch sử ?

- Nói thật là khi viết, tôi chỉ có trong tay ba cuốn sách: Việt Nam sử lược, Hoàng Lê nhất thống chí và Nước non Bình Định. Còn lại những tư liệu khác, tôi đọc từ trước và khi viết không có trong tay nữa nhưng vẫn nhớ.

* Đọc Tây Sơn bi hùng truyện, người đọc ngạc nhiên, không chỉ bởi cách sắp xếp mạch truyện rất logic, mạch văn sáng sủa, cách viết mạch lạc, lôi cuốn; mà cả việc tác giả của nó tỏ ra rất am tường: địa hình núi sông, chuyện nắng mưa, thủy triều, y lý, kiến thức quân sự...?

Tác giả Lê Đình Danh sinh năm 1963 tại TP Quy Nhơn. Năm 1977: theo gia đình đi kinh tế mới ở thôn Tân Vinh, xã Canh Vinh (huyện Vân Canh), sống bằng nghề nông. Năm 1983 vào Nam, cư trú tại xã Suối Nghệ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai; làm đủ nghề để kiếm sống: làm nông, đánh cá, đốt than... Năm 1993 quay về lại Quy Nhơn và cư trú tại tổ 38, khu vực 7, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn. Hiện là nhân viên phân phối hàng cho một DNTN tại TP Quy Nhơn.

- Tôi mới học hết lớp 9 thì phải nghỉ để đi làm và làm đủ nghề: làm nông này, rồi lên núi đốn củi đốt than, làm biển... Ngư tiều canh mục đủ cả. Nhờ vậy, tôi biết được nhiều thứ. Rồi gần chục năm, tôi làm nghề đánh cá ở miền Nam, có học thêm về đông y, nên kiến thức mảng này cũng khá. Còn những kiến thức quân sự, triết lý phương Đông... chủ yếu là đọc trong sách và nghiền ngẫm ra cuộc đời.

* Ở cuốn tiểu thuyết này, người đọc sẽ thấy có những chi tiết khác với chính sử. Như chuyện Tôn Sĩ Nghị được Quang Trung tha mạng chứ không trốn mà thoát được, Hoàng Tôn Dương và Lý Tài trốn nhà Tây Sơn vào Gia Định cũng do Nguyễn Huệ "bố trí"... Viết khác lịch sử, hẳn anh có dụng ý ? 

- Theo tôi chính sử do nhà Nguyễn viết nhiều khi có phần sai lệch về phong trào Tây Sơn. Có thể do họ không được chứng kiến, phần khác có thể do chưa thực sự khách quan trong nhìn nhận. Do vậy, khi viết, tôi tuân theo lôgíc phát triển câu chuyện, tâm lý và tính cách nhân vật mà phát triển. Do vậy, tôi không bóp méo lịch sử nhưng có chi tiết viết khác lịch sử. Chẳng hạn, có nhà sử học ở Hà Nội chất vấn tôi về chuyện Tôn Sĩ Nghị. Tôi phân tích: Xưa, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng chạy về nước. Tôn Sĩ Nghị chỉ còn đám tàn quân, đường Yên Thế lại là đường độc đạo. Bởi vậy, Quang Trung không chủ ý tha, dễ gì Tôn Sĩ Nghị thoát thân về nước. Lý do khác, Tôn Sĩ Nghị thua mà không biết mình thua do đâu, Quang Trung đánh cách nào? Ngay như chúng ta bây giờ cũng chẳng biết Quang Trung di quân như thế nào cơ mà. Vậy thì Quang Trung chủ ý thả Tôn Sĩ Nghị về nước để Càn Long thêm hoang mang ấy cũng là có lý chứ ?

* Dự định của anh sau Tây Sơn bi hùng truyện?

- Tôi đang chờ nghe ý kiến phản hồi của bạn đọc về bộ tiểu thuyết. Đồng thời, dự định viết bộ tiểu thuyết về thời nhà Trần. Hiện tôi đang kiếm tư liệu và đang suy nghĩ cách thể hiện.

* Xin cảm ơn anh !

  • Lê Viết Thọ (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người truyền bá võ cổ truyền Việt Nam ra nước ngoài  (08/08/2006)
Đề xuất lộ trình nâng tầm võ Việt  (08/08/2006)
Bế mạc Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ I- 2006   (07/08/2006)
Náo nức những ngày hội võ  (07/08/2006)
Khai mạc Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ I- 2006  (06/08/2006)
Lễ dâng hương trọng thể trên đất Tây Sơn  (05/08/2006)
Gặp những người học võ ta đến từ... trời Tây  (04/08/2006)
Hội ngộ trên miền đất võ  (03/08/2006)
Võ Bình Định góp mặt trong ngày hội võ  (02/08/2006)
Nước xuôi ra bể lại "mong" về nguồn  (02/08/2006)
Sông Kôn mùa võ  (31/07/2006)
Thơ Võ Tây Sơn  (27/07/2006)
Nơi trao truyền niềm say mê và tinh thần thượng võ  (26/07/2006)
Gặp chưởng môn nhân của phái võ An Thái  (31/07/2006)
Bảo tồn tinh hoa võ cổ truyền Bình Định: Một nỗ lực âm thầm  (30/05/2006)