Ngũ Linh Dương là biệt danh người Bình Định thời trước vẫn gọi Võ Duy Dương, bởi thuở thiếu thời, một lần thi võ dưới triều Nguyễn, ông đã nâng một lúc năm quả chuông, mỗi quả nặng tới 60 cân.
Võ Duy Dương sinh ra ở thôn Cù Lâm Nam, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn. Năm 1857, hưởng ứng lời kêu gọi vào Nam khai hoang lập ấp, ông đã đưa gia đình vào đất Ba Giồng (Đồng Tháp) chiêu dân lập đồn điền, trở nên giàu có. Năm 1859, Pháp đánh chiếm Gia Định rồi lấn dần đất Nam Bộ. Không thể làm ngơ trước cảnh nước mất nhà tan, ông cùng Trương Định, Nguyễn Hữu Huân phất cờ chống Pháp và đem hết tài sản ra tổ chức đánh Pháp. Ông vận động được hàng ngàn người theo dấy nghĩa; trong đó, có cả lính đánh thuê của Pháp và một người Pháp là Liguet. Lúc đầu, triều đình phong ông chức Thiên Hộ Dương rồi Lãnh binh nhằm ghi nhớ sự cống hiến của ông cho công cuộc cứu nước, còn đồng bào Nam Bộ thì gọi nghĩa quân của ông là quân Thiên Hộ Dương.
Giương cao khẩu hiệu "Cần Vương", nghĩa quân lấy Đồng Tháp Mười làm căn cứ. Khu căn cứ có thành lũy vững chắc, ở sâu trong vùng rừng đầm lầy, hiểm trở vào bậc nhất ở Nam Bộ thời bấy giờ. Ngoài đồn trung tâm ở rừng sâu, còn có đồn tiền, đồn tả, đồn hữu và các tiểu đồn vùng ngoài, với hàng nghìn quân trấn giữ. Các đồn đều có súng đại bác, súng bắn đá, súng trường và ghe xuồng để vận chuyển trong đầm, rạch. Từ đây, nghĩa quân dùng chiến thuật du kích đánh Pháp trên cả một vùng rộng lớn từ Hà Tiên, Rạch Giá đến Đồng Tháp, gây cho địch nhiều tổn thất. Giữa lúc lực lượng nghĩa quân đang quyết hy sinh vì nước thì cuối năm 1862, chính sách hàng phục của triều đình Huế đã buộc các tổ chức nghĩa quân phải hạ khí giới. Không tuân lệnh, ông bị triều đình tước binh quyền và truy lùng gắt gao. Nguyễn Hữu Huân rồi Trương Định lần lượt hy sinh trong công cuộc kháng Pháp, ông vẫn không nản lòng, càng tổ chức đánh Pháp quyết liệt hơn.
Tháng 4 năm 1866, Pháp huy động một lực lượng gồm thủy quân và bộ binh quyết đánh chiếm sở chỉ huy của nghĩa quân. Nhiều trận đánh ác liệt đã xảy ra. Nghĩa quân đã tiêu diệt hàng trăm quân địch, làm nổ tung tàu chiến khi chúng định rút lui. Tuy nhiên, trước sức công phá của súng đạn giặc, Võ Duy Dương đành ra lệnh cho quân tản vào vùng đầm lầy để bảo toàn lực lượng. Nhưng rồi quân Pháp lùng sục gắt gao, thế lực nghĩa quân suy yếu dần. Võ Duy Dương lâm bệnh qua đời ở tuổi 39, khi hãy còn sung sức.
Để tưởng nhớ công lao người anh hùng, hiện nay ở xã Nhơn Tân có nhà tưởng niệm ông, còn nhân dân Đồng Tháp xây dựng đền thờ ông ở Gò Tháp, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười - nơi căn cứ chống Pháp của ông.
|