Dưỡng nuôi hy vọng về một nền "quốc võ"
9:47', 5/9/ 2006 (GMT+7)

Võ cổ truyền Việt Nam có truyền thống dài lâu, phát triển đồng hành cùng lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc và nay đang ngày càng được nhiều người Việt cũng như người nước ngoài yêu thích, học tập. Vậy cơ hội nào để võ cổ truyền Việt Nam vươn lên trở thành quốc võ và được đưa vào thi đấu ở các giải đấu quốc tế ?

 

Bao giờ võ cổ truyền Việt Nam sẽ được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của các giải quốc tế ? Ảnh: Đ.T.Đ

 

* Phát triển rộng nhưng tản mác

Võ Việt Nam ra đời và phát triển song trùng với lịch sử đấu tranh giữ nước của cả dân tộc nên đi vào chiều sâu của văn hóa làng Việt - một hằng số của văn hóa Việt, từ đó, hình thành nên các làng vật (phía Bắc) và làng võ như ở Bình Định. Bởi vậy, võ cổ truyền Việt có phạm vi hoạt động rộng và chỉ được hội tụ thông qua các lễ hội truyền thống có nội dung thi đấu võ vật ở nhiều địa phương. Võ sư Hồ Bửu (Giám đốc Võ đường Tây Sơn Bình Định tại Virginia - Mỹ) nói: "Khác với các môn phái võ thuật Trung Hoa như Thiếu Lâm, Võ Đương... có tổ chức có chưởng môn, có một vùng quản hạt, có hệ thống truyền bá, Võ Việt cổ truyền, Võ Tây Sơn - Bình Định lại hoàn toàn ngược lại. Trong thôn, làng, xã đâu đâu cũng có thầy dạy võ".

Đến thời hiện đại, một số môn phái mới hình thành và phân hóa chưa thật sâu sắc, có lẽ bởi ít nhiều chịu ảnh hưởng của võ Tàu. Sự phân chia môn phái ấy thay vì tạo thành những võ phái mạnh về tổ chức cũng như về tầm ảnh hưởng; thì ngược lại, do xu hướng phân bố rộng trong không gian xã hội, nên võ cổ truyền Việt ngày càng thêm tản mác. Cũng có cội nguồn từ một dòng võ, nhưng đến ông thầy này thì sẽ cải biến đi ít nhiều, rồi tiếp thụ thêm chút ít tinh hoa của dòng võ khác, sáng tạo nên võ phái mới, với một ông chưởng môn mới.

Theo số liệu được ông Trương Quang Trung (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam) đưa ra trong một bài phát biểu của mình, đến nay đã có đến 50 môn phái võ thuật cổ truyền khác nhau đang tồn tại và phát triển ở 64 địa phương trong cả nước. Ngoài ra, còn có gần 100 võ phái thuộc võ cổ truyền Việt Nam ở nước ngoài. Số lượng tuy đông đảo nhưng do tản mác nên chưa tạo thành những võ phái mạnh như Taekwondo (Hàn Quốc), Karate (Nhật Bản)... Đây là một điểm yếu của võ cổ truyền Việt Nam.

* Trên hành trình đi tới

Dấu mốc quan trọng cho sự phát triển võ cổ truyền Việt Nam là cho đến nay, đã từng bước xác định được diện mạo, xây dựng được luật đấu, thống nhất bài bản, có mục tiêu, phương hướng rõ ràng. PGS.TS. Mai Văn Muôn từng nhận xét: "15 năm trước nói đến võ cổ truyền chưa ai biết ra sao, còn bây giờ có thể nhận diện được rõ ràng". Từ các võ phái khác nhau, võ cổ truyền Việt Nam đã hệ thống được 10 bài quyền Lão hổ thượng sơn, Lão mai, Ngọc trản quyền, Hùng kê quyền, Tứ linh đao, Thái sơn côn, Bát quái côn, Huỳnh long độc kiếm, Siêu xung thiên, Độc lư thương mà những ai theo học võ cổ truyền đều phải luyện để biểu diễn tại các giải võ cổ truyền và để thăng cấp. Trong nội dung thi đấu đối kháng, đã có quy định về thi đấu theo các hạng cân tương đối chặt chẽ.

Tuy nhiên, những việc làm đó vẫn chưa hội đủ lực đưa võ cổ truyền thành quốc võ. Theo võ sư Nguyễn Vĩnh Hảo (Liên đoàn Võ thuật Bình Định): "Võ cổ truyền hiện nay mới chỉ là sự tổng hợp, tập trung chứ chưa thể gọi là đã thống nhất. Việc truyền dạy vẫn dựa vào những bài thảo xưa mà chưa có một hệ thống mang tính sư phạm hiện đại". Còn võ sư Nguyễn Lâm (Chưởng môn Kiến An Kungfu - Mỹ), thì cho rằng: "Các võ khác như Karate, Taekwondo đang phát triển rộng theo một hệ thống và lan tỏa trên thế giới, chẳng lẽ võ cổ truyền Việt Nam lại chỉ đóng khung ở Việt Nam và một bộ phận người Việt ở nước ngoài. Do vậy, chúng tôi muốn đem võ cổ truyền Việt Nam truyền bá ra với người nước ngoài và võ cổ truyền Việt Nam đã thu hút khá đông môn sinh người nước ngoài. Nhưng điều đó chưa đủ. Muốn võ cổ truyền Việt Nam tiến tới trở thành quốc võ, phải làm sao hệ thống hóa, rồi quốc tế hóa nó".

Liên hoan (LH) Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ nhất - năm 2006 tổ chức tại Bình Định cũng có thể xem là một dấu mốc. LH sẽ giúp cho những người có trách nhiệm, tâm huyết với võ cổ truyền nhìn nhận, đánh giá lại phong trào tập luyện võ cổ truyền Việt Nam trong và ngoài nước thời gian qua; trên cơ sở đó, hoạch định chiến lược bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa đặc biệt này của dân tộc. LH cũng tạo cơ hội thiết lập sợi dây liên lạc giữa các võ phái võ cổ truyền Việt Nam cả trong và ngoài nước - cơ sở căn bản đầu tiên trong lộ trình tiến tới một nền quốc võ.

* Cơ hội nào cho một nền quốc võ

Ước mơ đưa võ cổ truyền Việt Nam trở thành quốc võ là tâm niệm chung của các võ sư tại LH Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ I. Võ sư Hồ Hoa Huệ (Chưởng môn Tinh võ đạo Việt Nam), tâm sự: "Có chung một nguồn gốc võ cổ truyền Việt Nam nên tất cả võ sư dù thuộc các môn phái khác nhau, nhưng ai cũng mong tới sự thống nhất, nhằm đưa võ cổ truyền Việt Nam thành quốc võ".

Cũng cần phải nhận thức rằng, để đưa võ cổ truyền Việt Nam thành quốc võ, ngoài việc phải dựa vào di sản võ cổ truyền, trên cơ sở kiến thức hiện đại mà tổng hợp lại, để tiến tới sự thống nhất thành một hệ thống, điều quan trọng là phải hình thành hệ thống sư phạm mới trong đào tạo võ cổ truyền. Người xưa học võ để tự vệ và võ truyền dạy trong các lò võ hay trong cộng đồng làng. Nay người ta học võ như học một môn thể thao hiện đại để rèn luyện sức khỏe. Điều kiện mới phải có hình thức sư phạm mới, hợp thời hơn.

Để tiến tới một nền quốc võ, trước hết các võ phái phải dẹp cái tôi của mình để ngồi lại với nhau. Ngoài ra cần quy tụ các nhà giáo dục học, các nhà xã hội học, các nhà sử học để tập trung trí tuệ, trong nỗ lực chung đưa võ cổ truyền thành một môn thể thao hiện đại. Võ sư, NGƯT Thu Vân cho rằng: "Tổ chức hội thảo nghiên cứu võ thuật dân tộc là một vấn đề lớn, cần có sự góp ý của nhiều độc giả, trí thức, nhà báo, các võ sư lão thành, các nhà quân sự, các nhà nghiên cứu xã hội và các tổ chức võ thuật để rút ra những nét đặc trưng tiêu biểu của võ thuật Việt Nam". TS. Nguyễn Mạnh Hùng (Đại học Hồng Bàng - TP. Hồ Chí Minh) thì đề nghị thành lập một Ban Nghiên cứu Võ thuật Quốc gia, nhằm xác lập lại các đòn cước một cách khoa học, xây dựng bộ môn võ thuật Việt Nam tham gia vào nội dung thi đấu Olympic hoặc SEA Games. Đồng thời, lựa chọn một địa điểm thuận lợi làm nơi quy tụ, thống nhất các võ phái trong và ngoài nước.

Nói như võ sư Hồ Hoa Huệ thì: "Việc có thống nhất được hay không, ngày nào võ cổ truyền Việt Nam thành quốc võ...? Trả lời câu hỏi đó trước hết phải từ những người lãnh đạo ngành thể dục thể thao".

  • Lê Viết Thọ

Để trở thành một môn thể thao thi đấu chính thức tại Olympic, cần hội đủ các điều kiện:

- Về tổ chức: phải hình thành Liên đoàn Thể thao Quốc tế của môn thể thao ấy và được Ủy ban Olympic Quốc tế công nhận.

- Luật hóa về cách chơi, thi đấu, cho điểm, xác định thắng thua.

- Tiêu chuẩn hóa sân bãi, dụng cụ thi đấu.

- Được phát triển rộng rãi ở nhiều nước và được tổ chức thi đấu nhiều lần ở cấp khu vực, châu lục và thế giới, nhất thiết phải được tổ chức thi đấu ngoài chương trình của Đại hội Olympic ba lần (trong 12 năm).

- Phải được Ủy ban Luật và Phát triển các môn thể thao mới xem xét và chấp thuận trong phiên họp quyết định về chương trình thi đấu thể thao, luật và nội dung thi đấu...

(Nguồn: Bước đầu tìm hiểu Võ học Việt Nam)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một võ sư Việt kiều ước mơ đem nhạc võ Tây Sơn "xuất ngoại"  (05/09/2006)
Ngũ Linh Dương  (18/08/2006)
"Tôi viết bằng niềm say mê"  (17/08/2006)
Người truyền bá võ cổ truyền Việt Nam ra nước ngoài  (08/08/2006)
Đề xuất lộ trình nâng tầm võ Việt  (08/08/2006)
Bế mạc Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ I- 2006   (07/08/2006)
Náo nức những ngày hội võ  (07/08/2006)
Khai mạc Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ I- 2006  (06/08/2006)
Lễ dâng hương trọng thể trên đất Tây Sơn  (05/08/2006)
Gặp những người học võ ta đến từ... trời Tây  (04/08/2006)
Hội ngộ trên miền đất võ  (03/08/2006)
Võ Bình Định góp mặt trong ngày hội võ  (02/08/2006)
Nước xuôi ra bể lại "mong" về nguồn  (02/08/2006)
Sông Kôn mùa võ  (31/07/2006)
Thơ Võ Tây Sơn  (27/07/2006)