Chuyện vùng đất võ
11:45', 12/1/ 2007 (GMT+7)

Lão võ sư Lâm Ngọc Phú ở An Thái

Vốn sinh ra và lớn lên trên vùng đất võ Bình Định, lòng tôi không khỏi không tự hào về truyền thống thượng võ của quê hương. Và càng thấy tự hào hơn khi mình là đứa con của vùng đất An Thái-nơi mà người ta còn lưu truyền câu nói dân gian: "roi Thuận Truyền, quyền An Thái".

Khi còn là một chú bé chín mười tuổi, tuy chưa hiểu gì về truyền thống tốt đẹp của quê hương, nhưng khi nghe người lớn nói chuyện với nhau về võ nghệ tôi cũng hình dung được rằng nơi mình sống có nhiều người tài giỏi. Rồi khi mười lăm, mười sáu tuổi, tôi theo bạn bè trong xóm tìm thầy học võ. Nói là tìm nhưng thực ra chẳng đâu xa, mà những  thầy dạy võ là ông Năm, ông Tám ở trong xóm thôi.

Tôi nhớ hồi đó là những năm đầu sau giải phóng, bom đạn đã lùi dần, nhường bước cho cuộc sống thanh bình. Nhờ thế các ông Năm, ông Tám mới nói đến chuyện thanh niên cần rèn luyện võ nghệ, chứ khi còn chiến tranh súng đạn rập rình thì các ông chẳng bao giờ nói. Vì xã hội nhiễu nhương, tổ chức tập hợp đông người là chính quyền (chế độ cũ) nhòm ngó, gây phiền phức. Nên dù giỏi võ nghệ các ông cũng không hé răng cho ai biết. Có lần trung đội lính Bảo An đến đóng quân trong xóm, chúng nghe nói ông Tám là thầy võ, một tên có lẽ cũng biết võ vẽ đôi ba thế võ tìm hỏi thăm ông. Nghe thế ông Tám đã không dám gặp, không phải vì ông sợ nhưng ông không muốn cho bọn này biết là mình có võ, hậu quả sẽ khôn lường. Thế nhưng ông cũng không tránh khỏi, đó là vào một đêm tối trời, vào khoảng chừng nửa đêm có một nhóm hai ba người đến gõ cửa nhà ông Tám. Dù biết tiếng gõ cửa không phải của "đằng mình", có thể là bọn trộm đạo, nhưng ông Tám cũng phải mở cửa vì nghe tiếng lên đạn lách cách ngoài sân. Của vừa hé mở, có một tên bịt mặt chỉa súng vào ông Tám và ra hiệu lấy tiền đưa bọn chúng. Biết sự chẳng lành, ông Tám và gia đình năn nỉ đến quỳ lạy nhưng bọn chúng cũng không tha. Họng súng chỉa thẳng vào ông Tám đằng đằng sát khí. Quả thực ông Tám cũng chẳng có tiền bạc đâu để đưa ra.

Thấy ông Tám van xin, tên cầm súng càng làm càn chỉa thẳng súng vào người và tống một cú đạp vào bụng ông. Chẳng hiểu thế nào, khẩu súng thì ông Tám cầm đẩy thẳng nòng lên nóc nhà nổ một loạt, còn tên kia thì ngã uỵch ra phía cửa. Cả nhà ông Tám hô hoán lên, bọn gian lủi mất. Mấy nhà xung quanh lo sợ chuyện chẳng lành, nhưng phải chờ đến sáng mới dám đến hỏi thăm (vì bước chân ra ngõ là gặp bom mìn). Mọi người hỏi thăm, ông tám chỉ ngồi hút thuốc mừng là mình và gia đình thoát chết.  

Sau này, ông Tám còn kể cho lũ thanh niên trong xóm nghe chuyện thời trai tráng của ông. Có lần ông dẫn đôi trâu ra ruộng cày, trong lúc chui vào giữa hai con trâu để mắc cái ách, không hiểu sao bỗng hai con trâu kẹp ông vào giữa. Giữa đồng vắng không có ai, mặc ông la lối thế nào hai con trâu cũng cứ kẹp chặt ông vào giữa, lui tới kẹt cứng như sắp gãy xương sườn đến nơi. Trong lúc bí thế, ông vận hết sức dộng mạnh hai cùi chỏ xuống lưng hai con trâu. Bị đánh đau bất ngờ hai con trâu nhích ra và ông chống hai tay vào lưng trâu nhảy vọt lên đứng trên lưng nó. Ông Tám bảo: "nếu tui không có chút võ thì hôm đó không có cách nào mà thoát ra được. Khi đó, tui còn khỏe lắm, lại có rèn luyện nên đôi cùi chỏ đánh xuống có lực rất mạnh". Kể chuyện xong, ông Tám còn phân giải cho chúng tôi thấy: "đó chỉ là một thế đánh trong Ngũ hành mà chúng mày đang tập đấy. Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, đơn giản "zậy" nhưng tập luyện nhuần nhuyễn thì hiệu quả  vô cùng". Ông khuyên chúng tôi, còn trẻ nên học võ để rèn luyện thân thể, tay chân nhanh nhẹn, lớn lên ra đời gặp "hữu sự" thì dùng đến để phòng thân. Ông bảo hồi nhỏ ông đi học võ đến gặp thầy, thầy phải xem tướng tá học trò rồi mới dạy. Biết được ai học võ nhằm mục đích để đánh người khác trả thù riêng thì ông thầy tìm cách thoái thác, hoặc chỉ dạy chiếu lệ những thế võ bình thường. Vì dạy các thế hiểm hóc cho học trò có nhân tâm không tốt thì thế nào cũng dẫn đến đánh chết người, gây họa, có khi là phản sư.

Ông Năm ở gần nhà tôi, nghe nói lúc nhỏ ông học võ nhiều thầy và thời trai trẻ cũng có nhiều "giai thoại". Năm nay, ông Năm trên chín mươi tuổi, là cụ già cao niên nhất xóm. Tuổi cao nhưng trông ông còn quắc thước lắm. Ông kể, khi tuổi 20 ông to con và có sức. Khi đánh nhau ông thường sử dụng chiếc khăn lông dày và dài chừng một thước. Dùng khăn ông có thể bắt được gậy của đối phương.

Có lần sau giải phóng, lúc ấy ông Năm đã gần tuổi 70, trong một đám giỗ ở xóm bên có một thanh niên trong lúc uống rượu bỗng hỏi ông: "nghe nói bác Năm có võ nhưng có thấy bác thể hiện bao giờ đâu, như vậy cũng chưa giỏi". Ông biết cậu thanh niên này có học võ, nên chỉ chậm rãi nói: "tôi già rồi làm sao bằng mấy cậu". Thế nhưng anh thanh niên kia vẫn khiêu khích: "chút nữa con với bác thử vài đường xem sao?". Ông Năm chỉ cười cười: "chú muốn thử thì ông già xin tiếp". Thế là hai người ra sân. Mọi người trong trong giỗ đứng quây quanh chờ xem. Ông năm chậm rãi bước ra và chỉ đứng bình thường như người không biết võ nghệ gì cả. Ông bảo: "tôi đứng vậy, mời chú cứ vào trước đi". Anh thanh niên xuống tấn và bỏ ngựa dạo quyền và bất ngờ xông vào hất ngựa ông Năm. Người xem cũng không kịp thấy ông năm hóa giải như thế nào cú tấn công của đối phương, chỉ thấy anh thanh niên "tuổi bẻ gãy sừng trâu" kia ngã uỵch trước mặt ông Năm. Mọi người cười ồ tán thưởng ông Năm, anh thanh niên xin bái phục. Khi vào bàn uống nước, ông năm nói với anh thanh niên: "cậu có sức khỏe, nhưng cách tấn công còn vụng lắm, cậu múa may tay chân nhiều nhưng tôi biết cậu đánh vào tôi bằng thế gì rồi. Mà tôi biết thì cậu phải thua...".

Chuyện Bác Tám, Bác Năm trên đây chỉ là vài ba câu chuyện trên vùng đất võ An Thái mà tôi nghe được. Trong thực tế nguồn chuyện này còn phong phú lắm. Vì bên cạnh các ông thầy võ dạy học trò nhiều hàng trăm, còn có những ông thầy tuy giỏi nhưng họ lo làm ăn, không muốn khoe khoang võ nghệ, chỉ dạy năm ba học trò trong thôn xóm. Họ có chung một nguồn gốc võ của vùng đất An Thái, và có lẽ cũng từ một vài ông thầy gốc nổi tiếng võ nghệ giỏi ở địa phương, mà theo tôi được biết là ông Tàu Sáu ở An Thái.

Lớp trẻ chúng tôi lớn lên nhiều ông thầy võ giỏi đã không còn, nhưng lớp trước truyền lớp sau tinh thần võ đạo của quê hương: học võ trước hết là để rèn luyện thân thể và giúp đời khi hữu sự, người học võ phải trung thực, khiêm tốn và tuyệt đối không dùng võ thuật sát hại người khác vô cớ, hạ người dưới tay. Vì suy cho cùng cái đạo của võ cũng là cái đạo của đời...và người học võ phải biết "Văn ôn Võ luyện".

  • Bình Sơn An
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định Gia trên đất Bắc  (28/11/2006)
Đấu võ đài   (14/11/2006)
MỘT SỐ LỄ TỤC TẬP QUÁN TẠI CÁC LÒ VÕ CỔ TRUYỀN   (10/11/2006)
ROI THUẬN TRUYỀN   (07/11/2006)
Quyền An Vinh  (04/11/2006)
Làng võ và địa danh văn hóa  (02/11/2006)
Bối cảnh xác lập ưu thế các bộ môn côn, quyền ở Bình Định   (26/10/2006)
Các bộ môn võ cổ truyền   (24/10/2006)
Tìm hướng nâng tầm cho võ Bình Định  (23/10/2006)
Những đặc trưng của võ cổ truyền   (22/10/2006)
Hành trình nguồn cội   (22/10/2006)
Võ cổ truyền Bình Định nhìn từ góc độ văn hóa   (18/10/2006)
LỜI THƯA:   (23/10/2006)
"Tiếp thị" võ Bình Định trên xứ sở kim chi  (16/10/2006)
Người mở võ đường bên dòng sông Võ  (11/10/2006)