Có một võ đường của sinh viên
9:34', 11/10/ 2007 (GMT+7)

Một buổi ôn luyện của lớp võ. Ảnh: H.H

Tôi đến lớp võ trong khuôn viên Trường Đại học Quy Nhơn vào một buổi tối đầu tuần. Chỉ là một khoảng sân nhỏ với khoảng hơn 60 võ sinh đang miệt mài tập luyện. Còn người thầy, trẻ măng, trông như một sinh viên, đang thị phạm cho các võ sinh một bài quyền mới.

* Sinh viên dạy võ

Hỏi ra, thầy võ ấy là một sinh viên thật. Đó là Lê Văn Bình, sinh viên năm thứ tư, Lớp Điền kinh K27, Khoa Giáo dục Thể chất. Vốn đam mê võ thuật từ bé, Bình từng là thành viên trong đội tuyển Karatedo của tỉnh Gia Lai. Bước chân vào đại học, người võ sinh đai đen này được thầy Bùi Văn Kiên, giảng viên trong khoa, cũng chính là người sáng lập lớp võ, hướng dẫn một thời gian ngắn, rồi giao cho đứng lớp.

Bình tâm sự rằng anh sinh ra trong một gia đình nghèo, có tới chín anh chị em, cánh cửa đại học tưởng mãi chỉ là một ước mơ. Nhưng rồi với tinh thần biết vượt qua mọi khó khăn rèn luyện được từ võ thuật, Bình đã vượt qua những khó khăn trong đời sống. Thời học phổ thông, mỗi ngày Bình đạp xe đạp 25 cây số tới trường; nhưng tối tối, vẫn đều đặn tập võ. Vào đại học, tuy giờ học chính khóa đã rất kín, phải tập thể lực khá vất vả, vậy nhưng, Bình vẫn đứng lớp đều đặn. Một bí mật khác, sau này tôi mới biết, không chỉ là sinh viên giỏi suốt ba năm học đại học, người thầy võ sinh viên này cũng rất năng nổ trong công tác Đoàn. Vừa tham gia Đội Thanh niên Xung kích của trường, Bình còn là Bí thư Chi đoàn lớp. Bình tâm sự: “Được hướng dẫn lại cho các bạn sinh viên mới những gì mình đã được học là một hạnh phúc. Dạy võ làm mình quên đi mệt mỏi và khỏe người hơn”. Còn thầy Kiên thì nhận xét: “Tôi tin tưởng ở Bình. Ngoài niềm đam mê võ thuật, Bình còn có kỹ năng sư phạm và sự nhiệt tình”. 

* Và sinh viên học võ

Lớp học võ cho sinh viên đã ra đời được gần 8 năm nay. Thầy Kiên cho biết: “Tôi mở lớp bởi cũng muốn tạo ra một sinh hoạt văn hóa - thể thao lành mạnh cho sinh viên. Do vậy, dù khó khăn, tôi vẫn cố gắng để duy trì”.

Năm nào cũng vậy, lớp được tổ chức vào đầu năm học và kết thúc trước kỳ nghỉ hè một tháng, để sinh viên có thời gian tập trung cho kỳ thi học phần. Hiện nay, có hai lớp đang theo học: một cho những sinh viên đã học từ mấy năm nay và một cho những sinh viên mới; mỗi lớp có khoảng 40 sinh viên tham gia. Ngoài những giờ học chính vào ba tối mỗi tuần, vào mỗi sáng chủ nhật, lớp tổ chức ôn luyện và nâng cao thể lực.

Nhiều bạn sinh viên năm thứ nhất đến với lớp võ này, ngoài việc rèn thể lực, còn mong muốn có thêm bạn và vơi đi nỗi nhớ nhà. Bạn Hân (Lớp Điện kỹ thuật K30) cho biết: “Mình vốn là người nhút nhát, không tự tin trước đám đông. Từ ngày tham gia lớp võ, được tiếp xúc với nhiều người, đã thấy tự tin và mạnh dạn hơn”. Còn Chỉnh (Lớp Sư phạm Hóa K28), học võ được hai năm nay, cho biết: “Học võ là ước mơ của tôi từ bé. Tuy nhiên, sau khi vào đại học, ước mơ này mới được thực hiện. Hiện tại, dù lịch học và thực hành rất kín, nhưng tôi vẫn cố gắng không bỏ tập võ buổi nào”. Nhiều bạn nữ hăng hái tham gia lớp võ này với mong muốn kiếm chút “vốn” để có thể tự bảo vệ mình. Có bạn tâm sự: “Học đại học trên đất võ thì cũng phải biết chút gì về võ chứ”.

* Không chỉ học võ

Điều đặc biệt ở lớp võ này là dường như nơi đây, không có khoảng cách giữa thầy và trò. Với lớp võ, Bình không chỉ là người thầy mà còn là người anh, người bạn. Còn những võ sinh, người biết dạy truyền lại cho người chưa biết, người biết nhiều dạy cho người biết ít và cùng chia sẻ với nhau những vui, buồn.

Bình cho biết: “Cuối tháng, tất cả các võ sinh đều dành ra 30 phút để sinh hoạt lớp. Lúc này, thầy sẽ nhận xét, nhắc nhở và lắng nghe ý kiến đóng góp của trò. Sau đó, cả thầy và trò cùng sinh hoạt văn nghệ”. Khi có thành viên trong lớp bị ốm, cả lớp sẽ có mặt; võ sinh nào mới nhận học bổng, lớp sẽ có một liên hoan “nho nhỏ”, cùng một “bữa tiệc” văn nghệ hoành tráng; rồi tổ chức sinh nhật cho các thành viên trong lớp… Vui vẻ, nhưng vào giờ tập, võ sinh nào chỉ cần đến trễ là lập tức bị… hít đất; nghỉ tập phải có lý do chính đáng...

Bình nói: “Học Karatedo là phải dùng chính sức lực của mình để giành chiến thắng. Chính tinh thần ấy sẽ giúp người học võ còn tự nỗ lực, vượt lên chính mình. Đó là điều quý giá nhất mà tôi học được từ khi tập võ. Và tôi cố gắng truyền thụ lại điều này cho các bạn võ sinh”.

  • Nguyễn Thị Hồng Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Võ Bình Định sẽ sang biểu diễn tại Rumani và Italia  (28/09/2007)
Tâm huyết một đời võ  (15/09/2007)
Bình Định bội thu vàng trong đêm chung kết  (03/09/2007)
Bình Định sẽ bội thu huy chương ?  (01/09/2007)
Tuyệt kỹ của cha con ông "Ốc" Bình Định Gia  (26/08/2007)
Bình Định quyết tâm đạt thành tích cao  (17/08/2007)
Thầy võ Miến Điện tìm hiểu võ Tây Sơn  (07/08/2007)
Nhiều bất ngờ thú vị  (06/08/2007)
Kỳ 1: Gặp gỡ giữa ông thầy võ Miến Điện và người học trò võ Tây Sơn  (02/08/2007)
Sẽ là một mùa giải hấp dẫn và chất lượng  (01/08/2007)
“Học võ cốt để khỏe người”  (20/06/2007)
“Tôi luôn chú trọng đến việc giáo dục nhân cách cho VĐV...”  (13/06/2007)
Trăm trận bất bại  (18/04/2007)
Đang cần một “cú hích”  (05/04/2007)
Rủ nhau đi Hội Đổ giàn  (02/04/2007)