Võ sư “vườn” và những học trò thành đạt
11:16', 13/2/ 2007 (GMT+7)

Người đàn ông đang lui cui sau nhà, giữa một đàn vịt dễ đến vài trăm con, dáng tất bật, bươn bả như một lão nông, nghe tôi hỏi võ sư Thanh Hoàng Thạnh, bèn ngước mắt lên dòm và từ tốn nói: “Là tui đây!”. Nghe ông nói, chúng tôi giật mình, vì đâu ngờ trước mặt mình chính là người thầy của những vận động viên từng đem về không ít những huy chương vàng, cả ở đấu trường quốc gia lẫn SEA Games.

 

Võ sư Thanh Hoàng Thạnh đang biểu diễn một thế thủ

 

Rèn ý chí cho con nhà võ

Cầm tinh con rắn, sinh năm 1952, xuân Đinh Hợi này ông Nguyễn Kim Thạnh (chính tên ông) vừa tròn 55 tuổi. Và cơ duyên với võ nghệ, ông đã bắt nhập từ ngày mười tám, mười chín tuổi, theo cha mẹ đến bái võ sư Thanh Hoàng (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) làm thầy.

Võ sư Thanh Hoàng dạy võ Tây Sơn, thiên về võ đối kháng, ông Thạnh lại tiếp thu nhanh nên chỉ mới học được ba năm, đã bắt đầu đi đấu võ đài.

Những sàn đài, từ khắp các tỉnh Nam Trung Bộ đều đã có dấu chân ông và cũng nhờ vậy, ông được rèn luyện thêm nhiều. Ngoài thầy Thanh Hoàng, mà ông vẫn coi như một người cha, ông còn học hỏi thêm những thầy khác. Đặc biệt, ông còn được thầy Kim Sang (Nha Trang) chỉ dạy thêm nhờ những lần ông đầu quân cho thầy thi đấu. Ông giải thích: “Chẳng là, thầy Thanh Hoàng và Kim Sang kết nghĩa với nhau. Vậy là tui vào Nha Trang thi đấu cho thầy Kim Sang, nhờ vậy mà được học hỏi thêm nhiều”. Vóc người ông roi roi, từ thời trai trẻ đến lúc về già lúc nào cũng chỉ xê xích 52-53 kg. Ấy thế nhưng khi thượng đài, ông lại toàn thách đấu với đối thủ cao to lừng lửng, hơn ông mười lăm, hai mươi kg. Ngay cả  học trò ông cũng vậy, tôi quan sát trên những tấm hình chụp được ông treo trên tường, toàn loại nhỏ con, vậy mà đấu với đối thủ hơn hẳn hạng cân, lại toàn thắng. Hỏi nguyên do, ông nói: “Con nhà võ quan trọng tinh thần chiến đấu, quyết thắng chứ không thua”.

Ông kể, thời của ông đấu không dựa vào cân hạng như bây giờ mà chỉ toàn thách đấu. Với ông trận đấu năm 1973 là đáng nhớ nhất khi ông thách đấu với Đỗ Tưởng Thạch, học trò thầy Ba Chăm. Ngày đó, ông mới học võ được ba năm, người lại nhỏ thó. Đối phương lại hơn ông gần hai mươi ký. Khi vào độ, đối phương tung lực mạnh, nhưng nhờ khôn khéo, lại có tinh thần tốt, nên ông thủ, rồi lợi dụng thời cơ chớp nhoáng mới công và hạ đối phương. “Sau này, học trò tui cũng vậy. Đã lên đài là không sợ mà phải quyết tâm bách chiến bách thắng. Có thua cũng không buồn, phải coi đó là bài học để mình học được những cái hay của đối phương” - ông kết luận. 

 

                  Ông Thạnh cùng với "nội tướng" của mình

 

Học võ trước nhất phải học "đạo"

Theo võ sư Thanh Hoàng Thạnh, điều quan trọng trước nhất của người học võ là phải biết đạo. Đó  là đạo làm người, thứ đến mới tập ý chí, chiến thuật thi đấu. Thâu nhận học trò, ông yêu cầu phải có mặt đại diện gia đình. Khi đã vào học võ, phải theo nội quy dòng võ, nghĩa là tóc tai phải hớt ngắn, đi đứng phải lễ phép, nói năng khiêm cung, nút áo bao giờ cũng cài từ trên xuống không được "hở bụng, phanh ngực". Đồng thời, ông không quên căn dặn: “Thầy dạy võ nhưng để thi đấu chứ không phải để đánh người”.

Về chuyện rèn luyện ý chí, ông giải thích: Người học võ đến một bực nào đó, thì mới được gọi là cao thủ. Điều đó có nghĩa là trước hết, phải thủ tốt, rồi mới công. Đã lên đài là phải có ý chí, có quyết tâm, nhưng nếu lỡ mà thua thì cũng do mình cáp độ chưa tốt, thì phải an ủi học trò, chỉ cho học trò thấy ra điểm yếu của mình mà khắc phục. Còn thắng? Đã thượng đài ai hổng muốn, nhưng thắng cũng làm sao cho đẹp. Lên võ đài, phải biết lựa chiến thuật mà đánh. Gặp đối thủ yếu hơn phải biết để giành sức nhưng đối thủ "nặng ký" phải 5 ăn 5 thua, quyết bách chiến bách thắng.

Thành tích lớn nhất trong cuộc đời tầm sư luyện võ của võ sư Thạnh, chính là những lứa học trò của mình. Năm 1978, chỉ 5 năm từ ngày bắt đầu học võ, ông bắt đầu "đứng lớp" truyền dạy cho lứa học trò sau.

Tính ra đến nay, “lò võ vườn, học sân đất" của ông Thạnh đã cung cấp hơn 20 học trò cho đội tuyển võ thuật của tỉnh. Điều thú vị là gần như tất cả những học trò ấy đều ít nhiều gặt hái được huy chương. Chỉ điểm qua vài gương mặt đã quen tên trong những người mộ võ: một Lê Ngọc Trai ba năm liền Huy chương vàng quốc gia, một Lê Công Bút huy chương vàng SEA Games, rồi Trần Học...

Học trò học ông, cao nhất là 3 tháng đã lên đài. Vừa đấu, vừa được ông chỉ dạy thêm. Hỏi ông, sao ông mát tay đào luyện nên những học trò toàn ẵm huy chương, ông cười: “Người ta nói tui có mạng, nhưng tui cho đó là nhờ có chiến thuật. Như đối phương công tốt thì phải thủ thế nào, đối phương thủ tốt thì công ra sao. Đánh giỏi hay dở, quan trong nhất là phải biết thay đổi chiến thuật phù hợp với từng đối thủ. Có như thế thì trận đấu mới hấp dẫn. Với từng đứa học trò, người cao thì dạy ra đòn kiểu khác, mà người thấp phải dạy kiểu khác”.

Như Lê Công Bút là một ví dụ. Bút quê ở Phước Thắng, gần nhà ông. Lúc còn nhỏ, Bút vẫn thường theo các anh trai trong xóm đến "lò võ" của ông để xem các anh tập. Xem riết đâm ghiền, Bút mê võ từ đấy. Vậy là Bút nhờ cha dẫn đến, xin ông thâu nhận làm đệ tử. Nhưng thể hình của Bút lại không cao to, hạng cân trên dưới 50kg, nên phần lớn các đòn đánh của Bút không "nặng ký". Được ông rèn giũa nhiều, nên cách ra đòn của Bút đã nhanh lại thông minh. Nhờ vậy, năm 1998, khi Lê Công Bút được gọi vào đội tuyển võ cổ truyền của tỉnh, sau đó, anh liên tục đạt kết quả cao tại các giải đấu trong khu vực và toàn quốc. Bút là võ sĩ duy nhất của Bình Định đoạt HCV tại SEA Games 22.

và cùng với một người học trò nay đang huấn luyện võ tại Trung tâm Thể dục thể thao ở xã Phước Sơn

  

"Không có bà ấy, tôi khó mà nên…"

Vợ chồng ông có hai người con nay đã lập gia đình, một người ở Cát Tiến, một ở Quy Nhơn. Vợ chồng già thành hai vợ chồng son, hàng ngày chỉ lui cui cùng đàn vịt 500 con và chăm 6 sào ruộng. "Đời tôi mà không có bà ấy thì cũng không nên như bây giờ đâu. Lúc nào bà ấy cũng động viên khích lệ tôi. Đưa học trò đi đấu, bà ấy cũng đi theo, canh chừng không cho tui quá ham vui với các chiến hữu khác mà bỏ bê học trò”- ông nói. 

"Bà ấy" là nội tướng của ông. "Thời mới "quen", không ít người bàn ra tán vào lấy người theo nghiệp võ khổ cả đời. Chưa kể, lúc nổi xung… biết đường nào mà đỡ. Thương rồi thì cứ ưng chứ biết sao"- bà  Thúy- vợ ông điềm đạm nói. Những lần chồng dẫn trò đi đấu ở các huyện, thậm chí ở các tỉnh bạn bà cũng đi theo, chăm sóc cho cả "thầy" lẫn "trò".

Hiện tại ông Thạnh vẫn có "chân" trong Hội Võ Thuật của huyện Tuy Phước. "Chức" thì có vậy nhưng đâu có phục cấp gì. Mỗi lần cưỡi chiếc xe 67 lên huyện, bà Thúy vẫn phải nhét cho ông vài chục ngàn dằn túi đi đường. Ông chắc lưỡi: "Giờ tui chỉ còn dạy mấy cháu học sinh vào những ngày hè và luyện thêm cho những học trò chuẩn bị lên đài đi đấu thôi. Còn nghề võ, tui đã nghỉ từ hai năm nay rồi, ở nhà chăn vịt. Vậy mà tết này là tết thứ hai tui ăn Tết ở nhà mới. Chớ còn hồi xưa, cả đời theo võ nghiệp chỉ có mái nhà xập xệ".

Vậy nhưng, sao trong giọng nói của ông vẫn không khỏi có chút bùi ngùi, khi nhớ nghĩ về ngày xưa: “Xưa một tháng thì đã mất nửa tháng đi đấu. Anh em gặp nhau, đàn hát cả đêm. Đi đấu, thầy trò đạp xe đạp lên Vân Canh, mệt mà vẫn thấy vui. Nay thì chỉ từ đây đi xe máy lên thị trấn Tuy Phước đã thấy mệt. Không phải mệt vì sức khỏe yếu đâu, mà vì thấy phong trào võ thuật của huyện nhà đang ở giai đoạn trầm lắng. Nghĩ là thấy buồn!”.

  • Viết Thọ - Thu Hà

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Võ sư “mèo”…  (02/02/2007)
Đi tìm triết lý của bài thiệu quyền Ngọc Trản  (30/01/2007)
Tuyệt đỉnh bí kíp  (14/01/2007)
Chuyện vùng đất võ  (12/01/2007)
Bình Định Gia trên đất Bắc  (28/11/2006)
Đấu võ đài   (14/11/2006)
MỘT SỐ LỄ TỤC TẬP QUÁN TẠI CÁC LÒ VÕ CỔ TRUYỀN   (10/11/2006)
ROI THUẬN TRUYỀN   (07/11/2006)
Quyền An Vinh  (04/11/2006)
Làng võ và địa danh văn hóa  (02/11/2006)
Bối cảnh xác lập ưu thế các bộ môn côn, quyền ở Bình Định   (26/10/2006)
Các bộ môn võ cổ truyền   (24/10/2006)
Tìm hướng nâng tầm cho võ Bình Định  (23/10/2006)
Những đặc trưng của võ cổ truyền   (22/10/2006)
Hành trình nguồn cội   (22/10/2006)