* Võ thuật: vẫn cuốn hút giới trẻ
Theo thống kê của Liên đoàn Võ thuật Bình Định, ở tỉnh Bình Định, bộ môn võ cổ truyền hiện có 93 võ sư và huấn luyện viên, với 3.765 võ sinh đang tập luyện. Trong đó, nổi bật là Hoài Nhơn với hơn 1.330 võ sinh, Tuy Phước 717 võ sinh… Bên cạnh đó, các bộ môn như Vovinam, Karatedo, Taekwondo, Judo vẫn tiếp tục duy trì được các điểm tập, thu hút cả ngàn võ sinh thường xuyên tập luyện. Riêng môn Sanshou (tán thủ) và Boxing tuy đã có đội tuyển tỉnh, nhưng chưa được mở rộng đến các địa phương, môn quyền Anh sau một thời gian bị gián đoạn, đến nay vẫn chưa khôi phục được.
|
Luyện tập võ Taekwondo tại sân Nhà thiếu nhi Quy Nhơn. Ảnh: H.T
|
Theo các võ sư, chuẩn võ sư, huấn luyện viên đang dạy võ tại một số điểm tập, thì đa số võ sinh tới tập luyện là học sinh, sinh viên. Chuẩn võ sư Nguyễn Thanh Vũ, dạy võ cổ truyền tại điểm tập Sở Thể dục - Thể thao, thì cho biết: “Lượng học sinh, sinh viên theo học võ cổ truyền rất đông. Cao điểm nhất là vào mùa hè, tôi dạy mỗi lớp từ 150 đến 200 võ sinh, còn các tháng còn lại trung bình dao động từ 70 đến 100 võ sinh”. Võ sư Trương Quang Bính, dạy Vovinam tại điểm tập Nhà hát Tuồng Đào Tấn, cho biết: “Vài năm trở lại đây, số lượng học sinh tiểu học theo học võ ngày càng gia tăng, trong khi lượng học sinh cấp III lại giảm”. Còn chị Lê Thị Nga (nhà ở phường Quang Trung, TP. Quy Nhơn), thì tâm sự: “Con trai tôi vốn có thể trạng ốm yếu và tính tình nhút nhát, do vậy, tôi cho cháu theo học Vovinam từ năm lớp 2. Đến nay, sau gần 2 năm luyện tập, cháu không còn đau ốm thường xuyên như trước mà nhanh nhẹn và dạn dĩ hơn hẳn”.
* Phong trào: còn nhiều cái khó
Nhìn trên bề nổi, phong trào võ thuật ở TP. Quy Nhơn đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, đi vào thực chất, thì hoạt động của các môn phái lại đang gặp nhiều khó khăn. Hiện chỉ có các điểm tập tại Sân Thể dục - Thể thao là được miễn phí, các điểm tập còn lại phải trả phí sân bãi khá cao so với số tiền thu được từ việc dạy võ. Võ sư Trương Đình Hoàng, Trưởng bộ môn Taekondo của Liên đoàn Võ thuật Bình Định, cho biết: “Trừ những tháng mùa hè là đông người học, còn những tháng bình thường chỉ có khoảng trên dưới 20 võ sinh. Tiền học phí chỉ thu 20 ngàn một học viên, nhưng những em có hoàn cảnh khó khăn mà có năng khiếu, chúng tôi đều không thu tiền để khuyến khích sự phát triển của phong trào. Như vậy, số tiền dạy võ thu được một tháng khá thấp, nhưng phải trả phí sân bãi đến 300 ngàn/tháng. Vì vậy, không riêng gì môn Teakondo của tôi, mà các huấn luyện viên môn Vovinam và Karate đang dạy tại Nhà Thiếu nhi Quy Nhơn hiện cũng đang mắc nợ 3 tháng tiền sân bãi”.
Thời gian qua, sự hỗ trợ của Sở Thể dục - Thể thao và Liên đoàn Võ thuật Bình Định với các điểm tập võ chủ yếu mới dừng ở sự giúp đỡ về mặt thủ tục; còn việc đào tạo, bồi dưỡng và thậm chí là việc đưa vận động viên đi thi đấu ở các giải toàn quốc (trừ Đại hội Thể dục - Thể thao) thường do thầy trò ở các bộ môn này tự “thu vén” với nhau. Võ sư Trương Quang Bính tâm sự: “Mỗi lần đưa học trò đi tham dự các giải đấu Vovinam ở khu vực và toàn quốc, đoàn Bình Định thường rất tủi thân. Chúng tôi chỉ dám thuê một phòng 4 người, ở dồn 10 người, 2 võ sinh ăn một phần cơm và đem theo… xe đạp vào tận TP. Hồ Chí Minh để làm phương tiện di chuyển đến nơi thi đấu”.
|
Võ sư Trương Quang Bính đang hướng dẫn tập luyện Vovinam tại sân Nhà hát tuồng Đào Tấn. Ảnh: H.T
|
* Cần một “cú hích”
Điều bất hợp lí là các điểm tập phong trào mới chính là nơi phát hiện và bồi dưỡng rất nhiều hạt nhân võ thuật cho tỉnh Bình Định, nhưng lại không nhận được sự hỗ trợ cần thiết nào để duy trì và phát triển phong trào. Ngay với võ cổ truyền, vốn được xem là “mỏ vàng” của thể thao tỉnh Bình Định, việc đầu tư mới dừng lại ở việc đào tạo vận động viên năng khiếu, còn việc nhân rộng phong trào tập luyện, xem ra vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Chuẩn võ sư Nguyễn Thanh Vũ đề xuất: “Hiện nay nói về phong trào tập luyện võ cổ truyền thì ngoài điểm tập tại Sở Thể dục - Thể thao là đông võ sinh nhất, các điểm dạy còn lại ở Quy Nhơn đều tạm dừng hoạt động vì nhiều lý do khác nhau. Chúng tôi luôn mong muốn đưa võ cổ truyền vào luyện tập trong các trường học để phát triển phong trào, nhưng để làm được điều đó, cần sự định hướng và giúp đỡ của các ngành liên quan”.
|