Võ sư Nguyễn Lê Hương:
Trăm trận bất bại
10:8', 18/4/ 2007 (GMT+7)

Võ sư Nguyễn Lê Hương sinh năm 1961 tại xã Hoài Châu (huyện Hoài Nhơn), bắt đầu bước vào nghiệp võ từ năm 1977. Ông là học trò cưng của lão võ sư Nguyễn Lê Thanh (Mười Cặn). Tuy chỉ học võ từ một người thầy, nhưng Nguyễn Lê Hương đã biết chắt lọc những tinh túy mà thầy truyền dạy, siêng năng tập luyện, để thi triển đạt hiệu quả tối đa...

 

Võ sư Nguyễn Lê Hương (bìa trái) đang hướng dẫn cho các vệ sĩ.

 

Võ sư Nguyễn Lê Hương nhớ lại: “Nói ra thì không khéo nhiều người nghĩ là tôi bốc phét, nhưng dường như hồi ấy, “tổ đãi” tôi hay sao ấy, mà tôi đánh đâu thắng đấy, thậm chí có những trận tôi đánh đối thủ chỉ 15 giây là rớt đài. Tính ra, tôi thi đấu trên 100 trận, nhưng chưa một lần thất bại. Trận thắng thì tôi không nhớ hết, chỉ nhớ là có hòa hai trận”.

* Chuỗi trăm trận bất bại

Trận hòa đầu tiên của Nguyễn Lê Hương là trận ông thi đấu với võ sĩ Tấn Phi Diệu (Quảng Ngãi). Trận này, Nguyễn Lê Hương “chấp” Tấn Phi Diệu đến 5kg. “Ngày ấy, võ sĩ thượng đài chỉ mặc độc chiếc quần đùi và xỏ đôi găng tay. Cũng không nhất thiết là cùng hạng cân, nếu xét thấy đánh được là có thể chấp ký để lên đài. Những võ sỹ ưu tú nhất của từng võ đường được chọn lọc ra, vì màu cờ sắc áo của võ đường mà lên đài. Tấn Phi Diệu là một võ sĩ như thế. Anh ta không có “chạng cân” (không có người cùng cân nặng), nhưng vì tự ái, và cũng muốn chứng tỏ mình, nên dù anh ta nặng hơn, tôi cũng “bắt chạng” luôn. May mà trận đó hòa”.

Một lần khác, Nguyễn Lê Hương suýt thất bại. Đó là lần lên đài tại Phú Yên, ông “chấp” võ sĩ Thiều Quang Sanh (Phú Yên) đến 8 kg. Ông phải sử dụng tất cả những ngón sở trường của mình như gối bay, gối dật và bộ trữu (cùi chỏ) mới giành chiến thắng. “Khi trọng tài xướng tên tôi thắng trận, cũng là lúc tôi xỉu xuống vì kiệt sức. Anh em phải lên sàn đài dìu tôi xuống”- võ sư Hương nhớ lại.

Rồi giọng võ sư Hương chợt chùng xuống: “Lúc vào trận thì chỉ với một tâm niệm là phải thắng đối thủ. Nhưng thắng rồi, nhìn đối thủ gục ngã, tôi lại xót xa. Hồi tôi thượng đài với võ sĩ Đức Hiên, con trai của võ sư Đức Hiến (Phú Yên), tôi đánh một đòn chỏ lật, khiến mí mắt của võ sĩ này rách toác ra, khiến cậu ta phải vào viện cấp cứu. Đến giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn ân hận”.

* Dụng võ học vào đời

“Võ học không chỉ giúp tôi trưởng thành hơn, mà đó còn là cuộc sống của tôi”- Nguyễn Lê Hương khẳng định vậy. Khi đã gặt hái được nhiều thành công từ sàn đấu, năm 1992, Nguyễn Lê Hương được Sở Thể dục - Thể thao Bình Định tín nhiệm giao cho làm Huấn luyện viên trưởng bộ môn Võ cổ truyền của tỉnh. Đến năm 2000, khi được phân cấp chuẩn võ sư, ông chuyển về công tác ở Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao TP. Quy Nhơn. Đến năm 2004, võ sư Hương chuyển vào TP Hồ Chí Minh, huấn luyện võ sĩ cho Công ty Vệ sĩ Nam Thiên Long.

Nhưng rồi cuộc sống bôn ba nơi đất khách quê người trong khi tuổi đời đã bước qua bên kia sườn dốc cuộc đời, cùng những trăn trở cho một thế hệ tương lai của võ thuật Bình Định, đã khiến ông quay về lại Quy Nhơn. Hiện nay, ông đang đảm nhận việc đào tạo vệ sĩ cho Công ty TNHH Dịch vụ - Cung ứng và Đào tạo Bảo vệ - Vệ sĩ Hoàng Nam (TP Quy Nhơn). Võ sư Hương tâm sự: “Tôi đào tạo vệ sĩ cũng vì muốn ứng dụng võ học vào cuộc sống, giúp các bạn thanh niên có bản lĩnh đối đầu với hiểm nguy, bảo vệ sự chân chính”. Ngoài ra, ông còn mở lớp dạy võ cho thanh - thiếu niên tại nhà. Không ít học trò của ông đã đạt được những thành tích cao tại các giải đấu cấp tỉnh, khu vực, cung cấp một lực lượng VĐV đáng kể cho nội dung biểu diễn của đội tuyển võ cổ truyền của tỉnh.

Ngoài đào tạo, võ sư Nguyễn Lê Hương hiện còn khá bận rộn với việc điều hành các giải đấu, vì ông cũng là một trong ba trọng tài quốc gia của Bình Định hiện nay.

  • Công Tâm
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đang cần một “cú hích”  (05/04/2007)
Rủ nhau đi Hội Đổ giàn  (02/04/2007)
Vài nét về Bình Thái Đạo  (11/03/2007)
Võ sư “vườn” và những học trò thành đạt   (13/02/2007)
Võ sư “mèo”…  (02/02/2007)
Đi tìm triết lý của bài thiệu quyền Ngọc Trản  (30/01/2007)
Tuyệt đỉnh bí kíp  (14/01/2007)
Chuyện vùng đất võ  (12/01/2007)
Bình Định Gia trên đất Bắc  (28/11/2006)
Đấu võ đài   (14/11/2006)
MỘT SỐ LỄ TỤC TẬP QUÁN TẠI CÁC LÒ VÕ CỔ TRUYỀN   (10/11/2006)
ROI THUẬN TRUYỀN   (07/11/2006)
Quyền An Vinh  (04/11/2006)
Làng võ và địa danh văn hóa  (02/11/2006)
Bối cảnh xác lập ưu thế các bộ môn côn, quyền ở Bình Định   (26/10/2006)