HLV Bùi Trung Hiếu:
“Tôi luôn chú trọng đến việc giáo dục nhân cách cho VĐV...”
20:9', 13/6/ 2007 (GMT+7)

Có lẽ vì cầm tinh tuổi Cọp (1974), nên nhìn bề ngoài, chuẩn võ sư Bùi Trung Hiếu (HLV trưởng nội dung đối kháng bộ môn võ cổ truyền Bình Định) khá “bậm trợn”. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với Bùi Trung Hiếu, tôi nhận thấy ở anh một tính cách trầm lắng và dễ mến. Không chỉ thành đạt trong sự nghiệp thi đấu, trong vai trò là HLV, Bùi Trung Hiếu còn là người chịu khó học hỏi, có ý thức vươn lên không ngừng...

 

HLV Bùi Trung Hiếu (bìa phải) đang chăm sóc cho VĐV thi đấu. Ảnh: An Nguyên

 

* “Hoa vàng nở muộn”

Bước vào tuổi 14, cậu bé Bùi Trung Hiếu được cha dắt đến gửi cho một thầy võ cùng quê là Hồng Kim Chỉnh (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) để học “vài miếng võ phòng thân”. Thấy trò có tố chất tốt, thầy Hồng Kim Chỉnh đã chỉ bảo tận tình. Đến cuối năm đó, Hiếu bắt đầu “thượng đài” trong những trận đấu giao hữu ở xã, ở huyện. Đến năm 1991, Bùi Trung Hiếu đoạt ngôi vị vô địch toàn huyện Tuy Phước ở hạng cân 60kg. Cũng trong năm này, anh đoạt luôn chiếc Huy chương Vàng, cũng ở hạng cân 60kg, Giải Võ cổ truyền toàn tỉnh.

Chiếc Huy chương Vàng cấp tỉnh này đã đưa Bùi Trung Hiếu bước sang một ngã rẽ mới, khi anh được gọi vào Đội tuyển Võ cổ truyền của tỉnh. Năm 1993, Bùi Trung Hiếu tham gia giải đấu cấp quốc gia và đoạt Huy chương Đồng. Cũng trong năm này, anh đoạt Huy chương Vàng giải đấu khu vực miền Trung. Những thành tích ấy, khiến Bùi Trung Hiếu ngày càng hăng say tập luyện, ước mơ chinh phục những ngôi vị cao hơn. Vậy nhưng, trớ trêu thay, năm 1994, Hiếu phải giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, để về quê chăm sóc cho cha khi cha anh bị bệnh nặng.

Đến năm 1995, sức khỏe của người cha bình phục, Bùi Trung Hiếu quay lại đội tuyển. Và cũng trong năm đó, anh được cử đi học ở Thanh Hóa, bộ môn võ vật tự do. Năm 1997, Bùi Trung Hiếu được gọi vào Đội tuyển Quốc gia (thi đấu đối kháng ở môn võ Wushu) và dự SEA Games 19. Dù không đạt thành tích gì, nhưng việc được tham gia thi đấu ở một giải quốc tế, đã giúp Bùi Trung Hiếu có thêm nhiều kinh nghiệm. Năm 1997, Bùi Trung Hiếu đã đoạt chức vô địch tại Giải Vô địch Võ cổ truyền Toàn quốc, hạng cân 68kg. Và liên tục 5 năm liền (từ 1997 đến 2001), Bùi Trung Hiếu đã bảo vệ thành công chức vô địch.

Nhìn nhận về chặng đường chói sáng nhất trong sự nghiệp thi đấu này, Bùi Trung Hiếu nói: “Thầy và các đồng đội vẫn nói tôi là “hoa vàng nở muộn”, bởi chiếc Huy chương Vàng đầu tiên ở giải đấu cấp quốc gia, tôi đạt được lúc đã bước sang tuổi 24. Cũng may là dù “nở” muộn, nhưng tôi đã giữ được thành tích ấy trong 5 năm liền”.

Năm 2002, trong lúc tham gia giải đấu môn võ ở Đại hội TDTT Toàn quốc, Bùi Trung Hiếu bị chấn thương giãn dây chằng. Vậy là anh phải giã từ sự nghiệp thi đấu, về quê... cưới vợ. Vừa cưới vợ xong, anh lại được Sở TDTT tỉnh tín nhiệm trao quyền dẫn dắt Đội tuyển Võ cổ truyền Bình Định, ở nội dung đối kháng, thay cho võ sư Kim Đình.

* “Trọng thầy mới được làm thầy”

Chỉ sau một năm Bùi Trung Hiếu dẫn dắt đội tuyển, năm 2003, Đội tuyển Võ cổ truyền Bình Định đã đạt 3 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc tại Giải Vô địch Võ cổ truyền Toàn quốc. Năm 2004, các học trò của Bùi Trung Hiếu lại mang về cho võ Bình Định 3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng. Đến năm 2005, khi Giải Vô địch Võ cổ truyền Toàn quốc được tổ chức tại Bình Định, HLV Bùi Trung Hiếu và các học trò lập nên một thành tích đáng nể: đạt được 10 Huy chương Vàng. Nhưng năm 2006 mới thực sự là mốc son tuyệt vời, khi võ Bình Định đạt được 5 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng tại Đại hội TDTT toàn quốc.

Hỏi Bùi Trung Hiếu về việc, có người cho rằng, anh đã gặp may vì được “thừa kế” một lứa học trò do võ sư Kim Đình đã dày công huấn luyện, Hiếu nói: “Trong thành công của tôi, luôn có bóng dáng của thầy Kim Đình. Đó là người thầy mà tôi hết sức kính trọng. Trong công việc, tôi luôn hỏi ý kiến thầy và nhờ thầy góp ý. Tôi học được ở thầy rất nhiều ở cung cách huấn luyện, cả trong cách giao tiếp”.

Nói vậy không có nghĩa Bùi Trung Hiếu chỉ là “bản sao” của võ sư Kim Đình. Bùi Trung Hiếu có những cách rất riêng để việc huấn luyện đạt hiệu quả cao. Đó là thái độ tôn trọng, gần gũi học trò, xem họ như những người thân trong gia đình. Còn nhớ, khi Võ Đông Sơ bắt đầu có những dấu hiệu “xuống dốc”, Bùi Trung Hiếu đã gặp riêng Võ Đông Sơ để khuyên nhủ, uốn nắn. Khi Võ Đông Sơ giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, cũng chính Bùi Trung Hiếu đã giới thiệu để VĐV này vào làm cho một công ty vệ sĩ. Hay như trường hợp VĐV Lê Minh Tùng, sau khi đoạt Huy chương Bạc ở đấu trường SEA Games, đã “mắc bệnh ngôi sao”, sinh hoạt vô kỷ luật và bị Đội tuyển Quốc gia trả về địa phương vào cuối năm 2006. Khi đó, Bùi Trung Hiếu đã ân cần bảo ban Tùng và dùng chiêu “khích tướng” để Tùng tập luyện. Đầu năm 2007, Lê Minh Tùng đạt được Huy chương Vàng toàn quốc môn Wushu. Điều đặc biệt là trong suốt một năm, Lê Minh Tùng chỉ nghỉ một buổi tập và đến trễ một lần duy nhất.

Bùi Trung Hiếu cho rằng: “Thành tích cao là điều quan trọng, nhưng nó không quan trọng bằng nhân cách một con người. Trong tập luyện, tôi luôn chú trọng đến việc rèn luyện nhân cách cho các em, như ngày xưa thầy Kim Đình đã từng dạy dỗ tôi vậy”. Và với những thành tích đó, Bùi Trung Hiếu đã được phong là chuẩn võ sư vào năm 2006.

  • Công Tâm
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trăm trận bất bại  (18/04/2007)
Đang cần một “cú hích”  (05/04/2007)
Rủ nhau đi Hội Đổ giàn  (02/04/2007)
Vài nét về Bình Thái Đạo  (11/03/2007)
Võ sư “vườn” và những học trò thành đạt   (13/02/2007)
Võ sư “mèo”…  (02/02/2007)
Đi tìm triết lý của bài thiệu quyền Ngọc Trản  (30/01/2007)
Tuyệt đỉnh bí kíp  (14/01/2007)
Chuyện vùng đất võ  (12/01/2007)
Bình Định Gia trên đất Bắc  (28/11/2006)
Đấu võ đài   (14/11/2006)
MỘT SỐ LỄ TỤC TẬP QUÁN TẠI CÁC LÒ VÕ CỔ TRUYỀN   (10/11/2006)
ROI THUẬN TRUYỀN   (07/11/2006)
Quyền An Vinh  (04/11/2006)
Làng võ và địa danh văn hóa  (02/11/2006)