|
Võ sư Mười Mực trong thế đánh của bài “Đao xung thiên”. Ảnh: C.T |
Từ cầu Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), tôi men theo con đường rợp bóng dừa đi về phía Thanh Lương chừng vài trăm mét, tìm đến nhà võ sư Nguyễn Văn Đấy, người vẫn thường được gọi bằng cái tên rất đỗi chân chất: “Mười Mực”.
* Trẻ bôn ba
Lý giải về biệt danh của mình, võ sư Mười Mực cười nói: “Tên tôi là Nguyễn Văn Đấy, nhưng lúc nhỏ đi học, tôi thường đeo cái hũ mực trên cổ, lê la chơi với chúng bạn, mực đổ ra khắp người. Tôi lại thứ 10, nên bạn bè gọi là Mười Mực. Gọi lâu thành quen, giờ ít người biết được tên thật của tôi”.
Võ sư Mười Mực sinh năm 1939. Vừa tròn 20 tuổi, ông mới bắt đầu theo học võ thầy Tuần Ký. Học được sáu năm, năm 1967, ông lại chuyển sang học quyền Anh do thầy Trịnh Thiếu Anh dạy. Nhưng con đường “tầm sư học võ” vẫn chưa dừng ở đó. Sau hai năm học quyền Anh với không ít lần thượng đài giành chiến thắng, ông lại vào Phù Cát, theo thầy Đào Duy Kiệt học các môn binh khí. “Nghĩ lại thấy buồn cười, lúc tôi thi đấu quyền Anh, được người ta cấp cho cái giấy khen có ghi là vô địch hạng ruồi. Tôi giận vì nghĩ họ coi thường mình, cho mình chỉ là loại ruồi, nên tôi cất cái giấy khen mà hổng thèm treo. Sau này, tôi mới hiểu, đó là cách gọi trong quyền Anh”- võ sư kể.
Đã theo học nhiều môn võ, dân tộc có, Tây có, nhưng với võ sư Mười Mực, ông vẫn thích nhất là võ cổ truyền, bởi tính hữu dụng của nó. Vả lại, theo ông, cái thể trạng nhỏ con của ông có lẽ chỉ thích hợp với cổ truyền. “Thế đã bao giờ ông phải dùng cái vốn võ học của mình để làm chuyện chẳng đặng đừng chưa?”- tôi hỏi. Võ sư cười sảng khoái: “Được cái, tính tôi vốn lành, chẳng gây thù chuốc oán với ai. Nhưng cũng có một lần, hôm ấy, tôi đang lững thững đi bộ xuống Bồng Sơn chơi. Tới Bồng Sơn, tôi gặp Xê, một thanh niên cùng xã, đang ngồi nhậu với mấy tên lính thiết giáp. Thoáng thấy tôi, Xê nhảy ra chặn đường và hỏi: Mày là học trò ông Tuần Ký? Tôi đáp: Có gì không Xê? Tôi chưa dứt câu, Xê đã chồm tới, vung một cú đấm thẳng nhắm vào mặt tôi. Tôi lách người sang một bên, đồng thời, tung đòn “Bàng long cước”. Dính đòn bất ngờ, Xê rút con dao nhỏ đeo bên mình, toan lao tới để đâm tôi. Cùng lúc đó, mấy tên lính thiết giáp cũng nhào ra. Tôi tung một đòn móc, đá văng con dao trên tay Xê, rồi bỏ chạy”.
Nhưng ấn tượng nhất với võ sư Mười Mực trong cuộc đời học võ vẫn là trận ông thượng đài ở Sơn Trà (Đà Nẵng) năm 1963. Năm ấy, ông ra Đà Nẵng thăm bà con. Gặp mấy người bạn, biết ông là người Bình Định, có học chút võ nghệ, nên rủ ông tối đó sang Sơn Trà đăng ký đấu võ đài. Tính háo thắng thời trai trẻ, cùng với ý nghĩ thi đấu để học hỏi, nên ông đã nhận lời không chút đắn đo. Ông bắt chạng trúng võ sĩ Võ Thành Vương (học trò võ sư Hồ Cập), một người vốn nổi tiếng là giang hồ, ngang ngược trong vùng. Những người bạn đi theo ông có vẻ ái ngại, ông bèn cười trấn an: Cứ thi đấu thử, có thua cũng là để rút kinh nghiệm. Suốt hai hiệp đấu đầu tiên, ông luôn dùng những thế né tránh để thăm dò đối thủ. Đến hiệp thứ ba, ông áp sát vào người Thành Vương; đồng thời dùng tay trái đánh đòn chỏ lật. Thành Vương đưa tay lên đỡ, để lộ sơ hở ở phần dưới. Ông lập tức tung cú chỏ rút, đánh trúng ngay phần dưới chấn thủy. Thành Vương ngã ngửa ra sàn và nôn ói ra máu. Mãn cuộc, những người bạn vội gấp rút đưa ông đi đường tắt, tránh sự truy sát của đám đàn em Thành Vương.
* Già dạy võ
Ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Mười Mực mở lớp võ, lấy hiệu “Thanh Long” (tên người con trai của ông). Võ đường của ông nằm bên sông Lại, quanh năm rợp mát bóng dừa. Vốn tính hiền lành, lại nổi tiếng mực thước, nên lớp võ của ông thu hút khá đông thanh - thiếu niên đến theo học. Người từ Tam Quan, Hoài Châu, An Lão... người lại tận Quảng Ninh, Thanh Hóa... cũng tìm vào học võ.
Võ sư Mười Mực có hẳn 5 cuốn sổ to và dày, để ghi tên những võ sinh đã đến học tại võ đường của ông. Nhiều võ sinh xuất thân từ võ đường này nay đã thành danh như: Thanh Long Quang (Huy chương Đồng môn quyền Anh toàn tỉnh); Thanh Long Quý, Thanh Long Gương (Huy chương Đồng môn võ cổ truyền toàn tỉnh).
Trong quá trình dạy võ cho học trò, võ sư Mười Mực luôn chú trọng đến việc giáo dục tư cách con nhà võ cho võ sinh. Ông luôn khuyên học trò: “Học võ là để cho khỏe người, phòng khi hữu sự thì dùng để giúp người, giúp đời và phải luôn làm việc đúng. Nếu các trò dùng võ của thầy dạy đi làm chuyện bậy bạ thì đừng về đây gặp tôi nữa”.
|