|
Biểu diễn võ Tây Sơn trước Nhà Bảo tàng Quang Trung. Ảnh TL |
Trong nền võ thuật truyền thống của Việt Nam, Bình Định được xem là vùng đất Võ còn lưu giữ lại nhiều giá trị về võ học. Trong đó, vùng đất Tây Sơn (huyện Tây Sơn ngày nay) thời ba anh em nhà Tây Sơn tụ nghĩa còn có tên gọi là Tây Sơn hạ đạo (Tây Sơn hạ), còn Tây Sơn thượng thuộc huyện An Khê (Gia Lai). Trước kia cả hai địa phương này thuộc quận Bình Khê. Ngày nay, nói về Tây Sơn là nói đến những tinh hoa võ học và là niềm tự hào của vùng đất võ Bình Định. Sau đây là câu chuyện về võ Tây Sơn cách đây gần 40 năm (*).
1- Trong những năm đầu của thập niên 1970, sinh viên Việt Nam (VN) qua du học tại Hoa Kỳ thường vào đại học Ohio University ở Athens. Trường này có một giáo sư dạy môn kinh tế học, tên là Aung Gyi (người Mỹ gốc Miến Ðiện). Ngoài công việc dạy học, giáo sư Aung Gyi còn mở võ đường dạy võ Miến Ðiện cho sinh viên, do ông làm chưởng môn. Ngoài quyền cước, giáo sư Aung Gyi còn dạy thêm cho môn sinh sử dụng một số binh khí như kiếm, côn, song đao Miến Ðiện, đoản đao.... Sinh viên VN ghi tên vào học võ đường này khá đông vì thấy ông Aung Gyi đoạt được nhiều giải vô địch võ thuật quốc tế. Môn sinh theo học ông Aung Gyi thuộc nhiều quốc tịch. Cứ mỗi tháng chưởng môn chia từng cặp môn sinh tùy theo trình độ cho họ đấu với nhau để biết trình độ tiến bộ của từng người một. Trong hàng ngũ môn sinh VN có anh ÐVH, người cao khoảng 1m70, đô con, thích học về cách sử dụng các binh khí, nhất là song đao Miến Ðiện.
2- Có một lần, gần nghỉ hè, giáo sư Aung Gyi cho triệu tập toàn thể môn sinh về võ đường để làm lễ bế mạc khóa học. Tất cả môn sinh đều tưởng rằng sẽ có tiệc trà bế mạc năm học, không ngờ giáo sư Aung Gyi ra lệnh sẽ có cuộc đấu thử sức giữa từng cặp một và chỉ đấu quyền thôi chứ không đấu binh khí. Thế rồi từng cặp một bắt đầu giao đấu để chưởng môn cho điểm. Lúc các môn sinh tề tựu đông đủ, giáo sư Aung Gyi vẫy một anh sinh viên da đen - đệ tử "gạo cội" của ông ra đứng giữa võ đường - đoạn ông ta đảo mắt nhìn quanh một vòng và gọi anh ÐVH ra song đấu với anh sinh viên da đen. Trong hàng ngũ môn sinh Việt Nam có tiếng xầm xì với nhau chuyến này anh bạn H chắc sẽ mềm xương với ông bạn Mỹ kia, có anh bảo là giáo sư Aung Gyi thấy anh H hay vắng mặt trong các buổi luyện quyền, nên ông muốn mượn tay anh sinh viên da đen này để cảnh cáo anh H đấy thôi.
Thế rồi cuộc song đấu giữa anh sinh viên da đen và anh H. bắt đầu. Toàn võ đường im phăng phắc, mọi người chăm chú theo dõi cuộc đấu. Anh sinh viên da đen tấn công tới tấp, còn anh H thì không chịu trả đòn mà chỉ đỡ đòn hoặc tránh né rất tài tình. Cuộc đấu kéo dài đã hơn mười lăm phút mà anh sinh viên da đen vẫn không chiếm được thế thượng phong. Giáo sư Aung Gyi nổi cáu, gọi to tên anh sinh viên và bảo anh ấy là cứ đánh thực sự chứ đừng nể nang gì cả. Nghe ông Aung Gyi nhắc cho "gà nòi" của ông ta như vậy, anh H đâm ra nổi cáu, bèn nói với anh sinh viên da đen: "Anh hãy cẩn thận, tôi sắp tấn công đây". Thế rồi anh H múa quyền xáp lại gần anh sinh viên da đen và đánh cận chiến (nhập nội). Cuộc đấu trở nên sôi nổi, anh sinh viên da đen la oai oái liên hồi. Thì ra anh H đã đánh tấn công sáp sát, còn anh ta thì vô phương chống đỡ. Toàn võ đường ai cũng ngạc nhiên vô cùng vì anh H không dùng các thế võ Miến Ðiện do ông Aung Gyi dạy, mà lại sử dụng một loại võ công riêng biệt của anh ta.
Thấy tình trạng anh sinh viên da đen bí quá, giáo sư Aung Gyi bèn quát to lệnh ngưng đấu. Anh H nhẹ nhàng nhảy ra giữa đấu trường, cung tay bái tổ, rồi trở về chỗ cũ, nét mặt rất thản nhiên như không có gì mệt nhọc cả. Giáo sư Aung Gyi cởi áo choàng ngoài, bước ra giữa đấu trường, đưa tay vẫy anh H và bảo anh hãy dượt với ông vài hiệp.
3- Tuy chưởng môn bảo vậy, nhưng khi giao đấu anh H vẫn cứ thủ lễ, tránh né. Giáo sư Aung Gyi quát to là cho phép anh H đừng nể nang gì cả. Khi nghe chưởng môn nhắc, anh H mới bắt đầu đấu thực sự. Lần này anh không nhập nội, xáp lại gần và đánh cận chiến như khi anh đấu với anh sinh viên ban nãy, mà dùng chân đá vào người giáo sư Aung Gyi nhiều hơn là dùng tay. Ðấu được một chốc thì anh H đổi thế đánh, xáp lại gần ông Aung Gyi và dùng các đòn tay hết sức nhanh, khiến ông này muốn tránh đòn đành phải lui dần. Khi ông thầy bị dồn gần tới chân tường thì anh H bổng nhảy ra khỏi cuộc đấu, vung tay bái tổ, cúi đầu chào sư phụ. Toàn thể môn sinh có mặt tại võ đường hôm ấy, đều nhận thấy nếu anh H đấu thật sự, thì ông thầy cũng chung số phận như anh chàng sinh viên.
4- Sau khi khoát chiếc áo choàng, chưởng môn Aung Gyi tiến về phía đám môn sinh Việt Nam, đoạn đến trước mặt anh H và tươi cười hỏi là anh đã sử dụng môn võ gì để đấu với ông. Ông thú thật là mình không nhận ra được nguồn gốc của môn võ đó, môn võ tinh diệu quá cỡ. Ông yêu cầu anh H cho ông ta biết xuất xứ của môn võ ấy. Anh H cung kính trả lời rằng đó là môn võ Tây Sơn của Việt Nam, do vua Quang Trung - Nguyễn Huệ dùng để huấn luyện quân đội Tây Sơn chống lại quân Thanh dưới triều đại Mãn Thanh (Trung Quốc). Giáo sư Aung Gyi hỏi anh H tại sao anh đã biết võ rồi mà còn ghi tên vào võ đường của ông. Anh H cho biết là vì anh chưa bao giờ thấy được con dao Miến Ðiện nên anh mới ghi tên vào học để biết vì con dao Miến Ðiện không có sống dao mà có hai lưỡi, chắc sẽ vô cùng nguy hiểm cho đối thủ khi lâm trận. Giáo sư Aung Gyi không nói gì, nhưng nét mặt của ông có vẻ đăm chiêu...
(*) Tóm tắt theo bài viết của Cửu Long đăng trên vo-thuat.net)
(Còn nữa) |