Võ Tây Sơn gặp võ Miến Điện:
Thầy võ Miến Điện tìm hiểu võ Tây Sơn
15:21', 7/8/ 2007 (GMT+7)

(Kỳ 2)

1- Sau kỳ nghỉ hè năm ấy, vào ngày tựu trường giáo sư Aung Gyi cho biết là ông vừa du hành qua VN trong ba tháng hè qua, và chuyến đi vô cùng lý thú, nhất là ông đã có dịp tìm hiểu và học hỏi một môn võ học mà ông cho là một trong những môn võ thuật hay nhất hoàn cầu, nhưng rất đáng tiếc là đã bị thất truyền.

 

Biểu diễn võ Tây Sơn (đối kháng) tại Giải võ cổ truyền Bình Định 2007. Ảnh: CT

 

Ông Aung Gyi cho biết ông đã đi tham quan tỉnh Bình Ðịnh với mục đích tìm hiểu nguồn gốc môn võ Tây Sơn. Ông đã đến quận đường Bình Khê và được chính quyền sở tại đưa đến nhà của một cụ già khoảng 80 tuổi mà theo giới thiệu là một trong những vị võ sư giỏi võ Tây Sơn nhất trong vùng. Ông cụ tuy đã 80 tuổi nhưng trông còn khang kiện và quắc thước lắm, ông tiếp đãi ông Aung Gyi rất là niềm nở và và hứa sẽ giúp sưu tầm và học hỏi về võ Tây Sơn trong phạm vi hiểu biết của ông. Ông cụ nói với ông Aung Gyi vào tối ngày rằm tại sân nhà của ông sẽ tổ chức một buổi biểu diễn võ Tây Sơn của những võ sinh trong vùng, để đánh dấu sự có mặt của một người khách quý từ phương xa đến viếng thăm linh địa Bình Khê, nơi sinh trưởng của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ.

2- Đêm rằm đã đến. Trời vừa sẩm tối, vừng trăng vừa ló dạng ở chân trời, tại sân nhà ông cụ các môn sinh của một số võ sư trong vùng tề tựu đông đủ. Mọi người muốn nhìn thất một người Mỹ gốc Miến Ðiện đến tận Bình Khê - quê hương của vua Quang Trung để tìm tòi học hỏi môn võ thuật do vua Quang Trung truyền cho binh sĩ đã đánh tan mấy chục vạn quân Thanh trong trận Ðống Ða. Khi trăng lên tới đầu ngọn cây thì cụ già ra lệnh tập hợp và các võ sinh đứng bao quanh cái sân dùng để phơi lúa của nhà cụ. Võ sinh nào cũng có mang theo binh khí sở trường của họ, phần lớn là loại võ khí dùng trong trận mạc như: gươm, giáo, đao, côn, kiếm, thương. Rồi ông cụ gọi từng người một ra giữa sân biểu diễn, hoặc quyền cước hoặc binh khí mà họ mang theo. Thỉnh thoảng cụ lại chỉ định từng cặp một ra song đấu.

Có hai thứ binh khí mà ông Aung Gyi lưu ý nhất và cũng được ông cụ giảng giải tường tận trong khi biểu diễn là "Tề mi côn" và "Song đao". Theo ông cụ, đó là hai loại khí giới được quân Tây Sơn dùng để phá tan kỵ binh của quân Nhà Thanh. "Tề mi côn" là một cái gậy tròn, dài ngắn tùy theo tầm vóc người sử dụng, và khi chống xuống đất, đầu côn phải ngang chân mày của người xử dụng côn. Khi lâm trận mà gặp kỵ binh địch xung phong thì người bộ binh dùng côn của mình để đánh và gạt quân địch ngồi trên mình ngựa rớt xuống đất, đồng thời bảo vệ luôn cho đội quân cầm song đao - đang nằm lăn dưới đất để chặt đứt chân ngựa. Phải thấy được các võ sinh Bình Khê biểu diễn song đao trong khi họ nằm lăn dưới đất để chặt chân ngựa của địch, mới hiểu được tại sao quân Tây Sơn đại thắng quân Thanh trong trận Ðống Ða, vì họ đã triệt hạ được tiềm lực xung kích mạnh bạo  của đoàn kỵ binh nhà Thanh. Và sau khi đánh tan lực lượng kỵ binh địch rồi, thì đội binh cầm song đao đứng lên và dùng võ khí của mình đánh cận chiến như vũ bão để tiêu diệt địch quân.

Khi trời đã về khuya và vừng trăng đã lên quá đỉnh đầu, thì ông cụ bước thủng thẳng ra giữa sân và dõng dạc bảo các võ sinh cầm võ khí, hãy cùng đồng loạt xông vào tấn công cụ. Lúc này ông cụ gỡ chiếc khăn đầu rìu mà cụ thường hay quấn trên đầu xuống làm binh khí. Các võ sinh nhất tề xông vào tấn công. Riêng cụ thì như con bươm bướm thoăn thoắt lượn qua lượn lại trong rừng binh khí, dùng chiếc khăn đầu rìu thâu tóm ráo trọi võ khí của các võ sinh trong chốc lát. Thật là kỳ diệu...

3- Giáo sư Aung Gyi lưu lại quận lỵ Bình Khê gần một tháng và có lần ngỏ ý với ông cụ xin được đấu thử quyền thuật với một vài võ sư thuộc môn phái Tây Sơn. Ông cụ chỉ mỉm cười rồi bảo: "Xin ông chớ vội nôn nóng, để rồi tôi sẽ thu xếp sau". Nhưng hình như ông cụ không muốn cho ông Aung Gyi đấu quyền với bất cứ võ sư nào trong quận Bình Khê vì sợ lỡ có chuyện gì thì xảy ra phiền phức. Tuy nhiên, cũng có lần trên đường du ngoạn xe theo quốc lộ 19 ông Aung Gyi dừng xe gần bên cái lô cốt của đòn lính, tình cờ ông gặp một anh lính địa phương có tham dự buổi họp mặt tại nhà cụ già đêm rằm vừa qua. Anh này giới thiệu ông Aung Gyi với hai người khác: một người trẻ khoảng 30 tuổi và một người lớn tuổi hơn (khoảng năm mươi). Qua câu chuyện ông Aung Gyi cho họ biết mong ước của mình trước khi rời Việt Nam trở lại Hoa Kỳ là muốn được giao đấu quyền thuật với một vài võ sư thuộc môn phái Tây Sơn, để có dịp so sánh trình độ võ thuật Miến Ðiện đối với võ thuật Tây Sơn. Mục đích của ông Aung Gyi là muốn tìm hiểu môn võ Tây Sơn độc đáo mà ông chỉ mới nhìn thấy các võ sinh biểu diễn. Nghe yêu cầu của ông Aung Gyi (qua người thông ngôn) anh thanh niên bèn hướng mặt về phía người đàn ông lớn tuổi hơn và nói: "nếu ông muốn tìm một người biết võ Tây Sơn để ấn chứng võ thuật Miến Ðiện thì ông người đang ngồi trước mặt chúng ta đây". Ông Aung Gyi đã đưa cho mọi người xem giấy cam kết bảo đảm cho người tỷ đấu với ông ta khỏi gặp khó khăn khi ông ta không may bị thương.

Sau khi hai bên đã thống nhất cuộc tỉ thí, người đàn ông lớn tuổi hơn cùng với ông Aung Gyi và người thông ngôn xuống thung lũng dưới chân lô cốt để tỉ võ. Thung lũng này có một con rạch chảy lượn theo sườn núi và có một cây cầu gỗ bắc ngang qua, dài độ hơn mười thước. Ông Aung Gyi chọn cây cầu này làm nơi giao đấu và người đàn ông đồng ý.

Cuộc tỷ võ bắt đầu. Trong cuộc đấu gần nửa tiếng đồng hồ mới đầu hai bên chỉ thăm dò, cho đến khi người đàn ông ra tay thực sự thì chỉ bằng một cú đá đã "đưa" ông Aung Gyi xuống dưới rạch. May mà mùa hè, nước cạn nên ông Aung Gyi chỉ bị ướt sũng quần áo. Giáo sư Aung Gyi cho biết: "Trong cuộc đời võ nghiệp của tôi, đây là lần đầu tiên tôi bị hạ một cách nặng nề như vậy, nhưng tôi không lấy đó làm buồn vì võ Miến Ðiện của tôi làm sao có thể so sánh được với võ thuật Tây Sơn! Cũng may là đi đâu tôi cũng mang theo cái túi đựng quần áo, nhờ vậy mới có áo quần khô để thay trước khi trở về quận đường Bình Khê". Sau vụ tỉ võ này, ngày ngày ông Aung Gyi thường hay đến nhà cụ già để nhờ cụ chỉ vẽ thêm về võ công và nghe kể chuyện về võ thuật Tây Sơn.

4- Trước khi rời Việt Nam để trở lại Hoa Kỳ, ông Aung Gyi yêu cầu ông cụ giới thiệu cho ông được tỉ đấu với một môn sinh của cụ để ông biết được trình độ võ thuật của mình tới mức nào. Ông cụ vì nể giáo sư và giới thiệu một võ sư có tiếng tăm trong quận Bình Khê. Cuộc tỉ thí diễn ra trong một đêm trăng tròn tại sau vườn nhà của ông cụ. Trước khi vào trận, ông cụ dặn riêng ông Aung Gyi là ông bạn sắp tỉ võ với một người rất lợi hại về cú đá liên hoàn, nên ông phải cẩn thận lưu tâm. Khi vừng trăng vừa lên khỏi đỉnh đầu thì vị võ sư được chỉ định đến và cuộc giao đấu bắt đầu ngay sau đó. Hai chúng người đều đi chân đất và cao bằng nhau, nhưng ông Aung Gyi có vẻ đô con hơn vị võ sư kia. Sau khi quần thảo một lúc, bỗng nhiên vị võ sư thay đổi lối đánh, loan quyền thật nhanh làm cho ông Aung Gyi hoa mắt, rồi phóng cước đá qua đầu ông. Ông Aung Gyi tránh được cước đầu thì cước thứ hai đến ngay giữa trán, ngọn cước tuy nhẹ nhưng cũng làm cho ông bị thương. Ngay trong lúc đó cụ già nhảy ngay vào giữa hai đối thủ và hô dừng đấu. Ông bạn võ sư chạy đến ôm ông Aung Gyi xin lỗi rối rít, còn ông Aung Gyi thì khen võ sư có cú đá tuyệt vời, ít người sánh kịp. Sau đó, ông cụ lật đật đi lấy thuốc gia truyền để rịt vết thương trên trán ông Aung Gyi. 

Nói chuyện với môn sinh tại Mỹ, giáo sư Aung Gyi lấy tay chỉ cho các môn sinh thấy vết thương nơi trán của ông như để nói rằng ông đã đến nơi "chôn nhau cắt rốn" của Vua Quang Trung, học hỏi được nhiều cái hay cái lạ của võ thuật Tây Sơn, được dịp tỉ võ hai lần với môn sinh võ này và đều bị thua cả hai, nhưng ông vẫn hãnh diện vì võ Tây Sơn là một môn võ thuật huyền diệu nhất thời nay.

  • Thanh Trúc

(*) Tóm tắt theo bài viết của Cửu Long đăng trên vo-thuat.net)

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhiều bất ngờ thú vị  (06/08/2007)
Kỳ 1: Gặp gỡ giữa ông thầy võ Miến Điện và người học trò võ Tây Sơn  (02/08/2007)
Sẽ là một mùa giải hấp dẫn và chất lượng  (01/08/2007)
“Học võ cốt để khỏe người”  (20/06/2007)
“Tôi luôn chú trọng đến việc giáo dục nhân cách cho VĐV...”  (13/06/2007)
Trăm trận bất bại  (18/04/2007)
Đang cần một “cú hích”  (05/04/2007)
Rủ nhau đi Hội Đổ giàn  (02/04/2007)
Vài nét về Bình Thái Đạo  (11/03/2007)
Võ sư “vườn” và những học trò thành đạt   (13/02/2007)
Võ sư “mèo”…  (02/02/2007)
Đi tìm triết lý của bài thiệu quyền Ngọc Trản  (30/01/2007)
Tuyệt đỉnh bí kíp  (14/01/2007)
Chuyện vùng đất võ  (12/01/2007)
Bình Định Gia trên đất Bắc  (28/11/2006)