Nói đến miền đất Võ Bình Định người ta nhắc đến những võ sư “vườn”, những thầy võ ẩn danh sau những làng quê bình dị. Ở đó, võ đã lan tỏa và thấm sâu vào từng cộng đồng làng và hình thành nên những làng võ rất đặc trưng.
|
Biểu diễn võ trong ngày giỗ tổ võ ở võ đường võ sư Phan Thọ. Ảnh: V.T
|
* Nơi lưu giữ nét đặc trưng đất Võ
Long rong qua những làng quê Bình Định, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi vẫn là những võ đường thôn dã. Chỉ một mảnh vườn đất bằng trước hay sau nhà, treo vài chiếc bao cát, vậy là thành võ đường. Mà hầu như, huyện nào cũng có những võ đường như vậy.
Lò võ của võ sư Phan Thọ (Tây Sơn) chỉ là mảnh vườn mé trước nhà. Khoanh đất chỉ vừa đủ rộng để các võ sinh tập các bài quyền thuật, binh khí hay luyện đấu đối kháng. Vậy nhưng, đây đã là nơi tụ hội của võ sinh từ nhiều địa phương trong nước, thậm chí nước ngoài, về tầm sư học đạo. Lò võ của võ sư Hồ Sừng cũng vậy, có khác hơn là ông đã dựng lên được mái tôn, làm nơi cho các môn sinh luyện võ. Còn lò võ võ sư Lâm Ngọc Phú thì cũng chỉ là mảnh sân sát nhà… Vậy mà lò võ nào, ngày thường thì thỉnh thoảng lại có người mộ võ đến học; còn mùa hè thì luôn sáng đêm với những cô cậu học trò tranh thủ kiếm chút võ để phòng thân.
Bản thân các võ sư danh tiếng đất Võ cũng được trao truyền từ những mảnh vườn như vậy. Thường thường, họ học võ trong nhà, từ cha, ông nội, rồi học thêm các ân sư khác, cho đến khi thành mới thôi. Võ sư Hồ Nhu là một ví dụ. Chuyện rằng, năm võ sư mười hai tuổi, mẹ ông đã nhờ một võ sư trong vùng dạy võ; tối về, bà uốn nắn cho con những chỗ sai. Những đêm trăng sáng, bà dẫn ông ra vườn, chỉ dẫn cho từng chiêu thức. Còn võ sư Phan Thọ là đệ tử chân truyền của rất nhiều cao thủ thời bây giờ như: Cai Bảy, Sáu Hà, Tàu Sáu, Hồ Nhu... Đã có lúc, để có tiền học võ, ông đã phải dắt bò nhà đi bán, dẫu khi ấy, con bò là cả “đầu cơ nghiệp” với nhà nông. Còn võ sư Trần Quang Diễn thì vẫn nhớ như in những ngày theo cha tập võ; 8 tuổi, ông đã múa võ lấy tiền và sau đó, theo học tổng cộng 14 ân sư khác.
* Trao truyền một truyền thống
Từ mảnh vườn quê ấy, thế hệ võ sư này sang thế hệ võ sư khác, được âm thầm trao truyền truyền thống thượng võ của người Bình Định. Võ sư Hồ Bửu từng nhận xét: “Khác với các môn phái võ thuật Trung Hoa có tổ chức, có chưởng môn, có một vùng quản hạt, một hệ thống truyền bá. Võ Việt cổ truyền, võ Tây Sơn lại hoàn toàn ngược lại. Trong làng, trong thôn, trong xã, đâu đâu cũng có người dạy võ. Người biết nhiều, kẻ biết ít, cha dạy con, vợ dạy chồng”. Và chính tính lan tỏa của võ trong cộng đồng làng, đã kết tinh thành một hiện tượng đặc sắc của võ Bình Định là làng võ. Và cũng do vậy, võ Bình Định ít có bí truyền. Ngay võ sư Phi Long Vịnh, với ngón võ Phi Long rất nổi tiếng của dòng họ, cũng từng nói vậy. Ông khẳng định: “Nói là bí truyền thì thật ra chẳng có đâu. Nhiều võ đường khác cũng biết đòn ấy cả, chỉ có điều họ không chuyên. Còn người họ Trương thì đã luyện đòn này từ hồi còn để chỏm. Tuyệt kỹ hay không cũng là nhờ tập luyện “bã” cả người ra mà nên”.
Cho nên, ở Bình Định, một võ sư có thể theo học nhiều ông thầy, nhiều phái võ khác nhau. Võ sư Lâm Ngọc Phú (An Thái) cho biết, ông thân của ông vừa học võ gia đình từ cha, vừa học thêm ở cụ Tàu Sáu và kết hợp hai nguồn võ Tàu, võ ta để lập nên phái Bình Sơn. Còn võ sư Hồ Bửu thì may mắn là học trò của hai danh sư Hồ Nhu và Diệp Bảo Sanh. Hồ Bửu kể: “Ngày tôi học võ thầy Hồ Nhu, tôi hỏi ý kiến thầy Diệp Bảo Sanh. Thầy bảo: không sao, con cứ học để biết cái sở trường, sở đoản của mình và các môn võ khác “.
* Khôi phục những làng võ, tại sao không?
Bình Định hiện có 93 võ sư và huấn luyện viên võ cổ truyền, với gần 4.000 võ sinh đang tập luyện. Trong đó, nhiều nhất là Hoài Nhơn, Tuy Phước. Tuy nhiên, điều đáng buồn là ngay tại các làng võ, số lò võ còn lại rất ít. Trong định hướng chung của ngành văn hóa và thể thao Bình Định, việc phục hồi các làng võ vẫn chưa được chú tâm nhiều.
Viết đến đây lại nhớ đến nhận xét của một nghệ sĩ, vốn đã tham dự nhiều Festival lớn trong nước. Theo anh, ở Bình Định, một hiện tượng không đâu có là các làng võ. Vậy mà, trong chương trình Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, cả Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tổ chức năm rồi, các làng võ vẫn chưa trở thành điểm đến. “Hồi sinh được các làng võ, quảng bá về nó, sẽ tạo sức hút lớn với du khách, nhất là du khách nước ngoài mà không địa phương nào có”- nghệ sĩ này nhận xét. Bên cạnh đó, những trận đấu võ đài giữa các lò võ, luôn có sức thu hút rất lớn với du khách, cũng cần được tổ chức như một điểm nhấn trong Festival.
|