|
Võ sư Lý Thành Nhân đang biểu diễn một thế võ. Ảnh: H.T |
Năm nay, võ sư Lý Thành Nhân (thôn Tây Phương Danh, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn) đã 62 tuổi; trong đó, có hơn 50 năm gắn bó với võ cổ truyền. Vậy nhưng lần đầu gặp mặt, tôi thấy rất bất ngờ trước vẻ ngoài trẻ trung của ông: một võ sư thân hình dong dỏng cao, chắc nịch, đôi mắt lanh lợi và nhất là giọng nói thật hào sảng khi nói về võ…
* Thất bại đáng... nhớ
Là con trai của võ sư nổi tiếng Lý Xuân Tạo, nên ngay từ nhỏ, Lý Thành Nhân đã được cha truyền dạy võ thuật. Khi trưởng thành, Lý Thành Nhân bắt đầu thử sức mình trên khắp các võ đài trong và ngoài tỉnh. Có thể hình tốt, cộng với lối đánh thông minh, nên lần nào thượng đài, Lý Thành Nhân cũng là người tận hưởng hương vị chiến thắng.
Tuy sở trường là đánh tự do nhưng danh hiệu chính thức mà võ sư Lý Thành Nhân có được lại là nhờ thi đấu... quyền Anh tại Giải Vô địch Võ cổ truyền toàn tỉnh do Hội Võ thuật Bình Định tổ chức trước vài năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Lúc đó, môn sinh của võ đường Lý Xuân Tạo không có ai tham gia thi đấu nội dung này, nên Lý Thành Nhân đã mạnh dạn đăng ký thi đấu để thử sức mình. Những trận đấu vòng loại ở An Nhơn, rồi bán kết ở Tuy Phước, ông đều giành chiến thắng giòn giã. Tuy nhiên, vào đến vòng chung kết tổ chức tại Quy Nhơn, ông đã đụng phải một đối thủ nặng ký là Kim Dũng. “Kẻ tám lạng, người nửa cân”, nên cặp đấu Lý Thành Nhân - Kim Dũng bất phân thắng bại. Vì vậy, cả hai đều được trao danh hiệu Vô địch tại giải đấu này.
Võ sư Lý Thành Nhân thẳng thắn: “Hồi đó không như bây giờ, điều kiện tổ chức đấu võ đài còn tương đối khó khăn. Bởi vậy, thường trong một năm không có mấy giải đấu được tổ chức. Chính vì vậy, tôi thượng đài cũng nhiều năm, nhưng cũng chỉ thi đấu được vài chục trận là cùng. Trong đó, có một lần tôi bại trận”. Đó là vào năm 1970, khi Lý Thành Nhân và một số võ sĩ Bình Định lên thi đấu tại Gia Lai, họ đã đụng độ những võ sĩ đến từ võ đường Lê Đại Quang nổi tiếng ở Sài Gòn thời đó. Tại giải này, tất cả các võ sĩ cấp tỉnh của Bình Định đành bại trận trước các đối thủ. Võ sư Lý Thành Nhân cho biết: “Lúc đó, võ sĩ Bình Định vẫn đánh theo kỹ thuật truyền thống của võ cổ truyền là “túc bất ly địa”, nghĩa là đánh xà thấp với chân không rời đất. Trong khi đó, các võ sĩ Sài Gòn tuy cũng là võ cổ truyền nhưng đã tiếp thu được cách đánh box, nên bộ chân linh động hơn, ra đòn cũng nhanh hơn nên họ chiến thắng”.
|
Cha con võ sư Lý Xuân Tạo - Lý Thành Nhân (người đứng và người thủ thế ở giữa) năm 1968. Ảnh: T.X
|
* Nặng lòng nghiệp võ
Sau năm 1975, võ sư Lý Thành Nhân quyết định không thượng đài nữa mà dành thời gian cho đào tạo võ sinh. Trong công tác huấn luyện, Lý Thành Nhân luôn nhắc nhở học trò đề cao việc “biết người biết ta” như là tiêu chí hàng đầu.
Ông lý giải: “Khi thi đấu, bên cạnh việc không được chủ quan, người võ sĩ còn phải biết nắm bắt được sở trường của đối thủ, để từ đó, có biện pháp thích hợp để tấn công hay hóa giải nó. Đồng thời, cũng phải biết gạn lọc, học hỏi điểm mạnh người khác để hoàn thiện kỹ thuật thi đấu của mình”. Do vậy, sau trận thua trước các võ sĩ Sài Gòn, Lý Thành Nhân đã nghiên cứu và cải tiến lối đánh hiệu quả hơn, từ đó, truyền dạy lại cho các học trò của mình. Có lẽ, trong các võ sư làm công tác huấn luyện cùng thời, chưa ai “chuyên nghiệp hóa” trong việc nắm rõ thông tin về đối thủ như võ sư Lý Thành Nhân. Mỗi lần dẫn học trò thi đấu, ông đều ghi lại những thông tin về tất cả các võ sĩ của giải đấu đó, như tên tuổi, hình thể, sở trường, sở đoản… Nếu giải nào không đi được, thì ông giao cho đệ tử đi thi đấu ghi chép thông tin đem về. Do vậy, mỗi khi võ sinh của mình gặp đối thủ có trong “bộ nhớ”, Lý Thành Nhân luôn đưa ra những đấu sách thích hợp để giúp đệ tử chiến thắng.
Nhờ vậy, vài chục năm qua, võ đường Lý Thành Nhân đã trở thành một “thương hiệu” được nhiều người kiêng nể, không chỉ trong các giải đấu trong và ngoài tỉnh, với các võ sĩ nổi tiếng như Lý Thành Ảnh (vô địch tỉnh), Lý Xuân Hảo và Lý Xuân Hiệp (vô địch quốc gia), Lý Xuân Khả (vô địch tỉnh)…
Cống hiến của võ sư Lý Thành Nhân đối với võ cổ truyền không chỉ có thế. Từ năm 1995, ông đã là trọng tài võ cổ truyền cấp quốc gia, đóng góp năng lực của mình trong việc cầm cân nảy mực ở các giải vô địch võ cổ truyền quốc gia. Nhiều năm qua, ông còn lặn lội đến nhiều tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, thậm chí ra tận Phú Quốc chỉ với mục đích truyền bá võ cổ truyền Bình Định.
Giờ đây, tuy đã lớn tuổi nhưng võ sư Lý Thành Nhân vẫn còn rất tâm huyết với nghiệp võ. Ông tâm sự: “Tôi luôn cố gắng hết mình để gìn giữ và phát triển di sản võ thuật mà cha ông đã để lại. Tôi chỉ trăn trở một nỗi, lớp võ sư chúng tôi ngày một già yếu. Nếu không có định hướng giúp đỡ cho phong trào võ cổ truyền, mai này, không biết còn mấy ai theo nghiệp võ”.
|