Lần gặp đầu tiên, lão võ sư Hà Trọng Sơn hẹn: “Tui có nhiều điều cần nói lắm về đời võ nghệ của mình. Nhưng độ này không khỏe. Hôm nào cậu trở lại, biết đâu tôi sẽ nói được nhiều chuyện hơn…”. Y lời hẹn, sau vài năm, chúng tôi trở lại. “Hùm xám miền Trung” một thuở đã yếu nay càng yếu lắm. Vóc dáng cao lớn, nhưng bước đi của ông đã chậm chạp, câu chuyện của ông thì cứ lúc nhớ lúc quên…
|
Lão võ sư Hà Trọng Sơn.
|
1.
Lão võ sư bây giờ đã xuống sức lắm. Lần gặp trước, ông vẫn mạnh, tuy nói năng thều thào nhưng vẫn rành mạch trong từng câu chuyện. Ông còn mặc thêm áo cho tôi chụp hình nữa. Vậy mà nay… Nhưng phải chăng, đó cũng là quy luật. Bởi ông sinh năm 1924, tức là năm nay tuổi đã quá 84 rồi. Hay là ảnh hưởng của những trận đấu đài thời trẻ, mà nay, chỉ nghe kể lại thôi, tôi cũng thấy kinh hồn. Vóc người vạm vỡ của ông, cao đến thước tám, tương phản dữ dội với cái chậm chạp, yếu ớt của một người không còn điều khiển được những cử chỉ và đôi khi, cả đầu óc của mình. Vẻ rắn chắc của một thời ngang dọc nay chỉ còn hằn trên những nếp cơ bắp. Trông ông vậy, tôi chỉ dám đến chào mà mất hết ý định phỏng vấn.
“Hồi trước, ba còn mạnh lắm, vẫn đi xe máy kia. Nhưng từ dạo bị tông xe, gãy tay phải, rạn xương bả vai, sức khỏe của ba xuống luôn từ đó. Khi bình thường thì không sao, nhưng thời tiết thay đổi, trở trời là ba lại vô cớ nổi giận”- chị Hà Phi Phi, con gái ông, nói như phân trần. Chị Hà Phi Phi ngày trẻ cũng từng theo cha học võ. Lúc đầu, ông không cho, chị núp sau hàng hiên xem các môn sinh tập luyện mà học lỏm. Sau dần, ông chấp nhận và còn cho chị luyện cho môn sinh mới. “Tính ba hồi xưa rất nghiêm, nên môn sinh ai cũng sợ”- chị Phi nhớ lại.
Cái không gian một thời dọc ngang thượng đài khắp miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam nay với ông, chỉ gói trong gian phòng nhỏ dưới mái một ngôi nhà hãy còn có chút mang dáng vẻ của ngôi nhà Bình Định thời trước. “Hằng ngày, ổng chỉ hết ngồi lại nằm trên cái võng đó thôi. Chẳng đi đâu”- bà Trương Thị Khuê, vợ lão võ sư, nói. Bà gặp ông một bận ông còn ra Cảnh Hàng dạy võ rồi nên nghĩa từ đấy. “Cậu đừng hỏi tui mà chi mất công. Có bao giờ tui đi xem ổng đấu đâu”- bà nói.
2.
Học võ từ năm lên 8 tuổi, 16 tuổi đã thượng đài, trong con người lão võ sư thẩm thấu đủ cả võ Việt - Tàu - Tây. Hồi nhỏ, lão võ sư được người anh con ông bác, vốn học võ từ vùng An Vinh, An Thái (những làng võ có tiếng của đất Tây Sơn, An Nhơn) truyền cho. Sau ông theo học ông Beo, người Tàu, sống ở vùng An Khê. “Ông Beo có bàn tay luyện như móng cọp, nom dữ lắm. Luyện võ với ổng phải tập cào đất, lở hết cả mấy móng tay. Tuy tôi không đủ sức để tập đến ngọn nhưng cũng được những chiêu thức cơ bản chứ. Bài Mai hoa kiếm là của ông thầy Tàu này dạy đấy”- lần gặp trước đó võ sư Hà Trọng Sơn từng kể với tôi vậy.
Chưa tròn 17 tuổi, lão võ sư đã thượng đài ở các giải đấu lớn. Bấy giờ, một viên quan ba người Pháp là đồn trưởng đồn Mang Cá ở Huế một lần xem, thấy ông có khả năng nên đem về Huế để dạy đấu quyền Anh cho đúng cách. Và rồi lại chính ông đã đánh bại người Pháp. Tại hội thi võ thuật Đông Dương tổ chức ngày 12 tháng 10 năm 1944 ở Tourane (Đà Nẵng), ông đấu với một võ sĩ người Pháp là Esperpaire và đạt giải vô địch (Champions demie Finalisme Indochine). Sau đó, tại Hội chợ Bình Định và Hội chợ Đà Nẵng, ông đoạt tiếp chức vô địch miền Trung. Ông còn đánh ngang hàng cùng cao thủ vô địch Đông Dương là Kid Demsey và được báo chí lúc ấy đặt biệt danh “Hùm xám miền Trung”. “Ông thuần thẩm chiêu thức võ cổ truyền cũng như sở học về võ Trung Quốc, các nước Tây phương; bàn tay ông luyện sắc như móng cọp, thủ pháp vững như bàn thạch...”- võ sư Hàm Hữu Nghĩa, cùng ở Tuy Phước với ông, cho biết vậy.
Cho mãi đến giờ, câu chuyện về “hùm xám miền Trung” hạ đo ván “cáo già miền Nam” là Huỳnh Tuyền năm 1950 vẫn còn được truyền tụng ở miền đất Võ. Chẳng là Huỳnh Tuyền được mệnh danh “cáo già miền Nam” vốn mê tín, nên ngậm lá bùa trong miệng. Vậy mà Hà Trọng Sơn đã hạ võ sư Huỳnh Tiền chỉ sau khoảng hơn 10 phút.
Một trận đấu cũng được truyền tụng trong giới võ thuật miền Trung là trận ông đấu với võ sĩ Ku Xam Thum (người Việt, gốc Thái Lan) vào đêm 17.8.1960 tại Bồng Sơn. Theo lời kể của võ sư Võ Kiểu (Quảng Nam), đêm chung kết năm ấy, Ku Xam Thum tỷ đấu với võ sĩ Đỗ Thanh Trì, khiến võ sư Trì “đo ván”. Thắng thua xưa nay trên võ đài là chuyện thường tình, nhưng việc Ku Xam Thum giành chiến thắng khiến các võ sư địa phương ấm ức. Các võ sư kỳ cựu của làng võ miền Trung kiến nghị xin mở thêm một đêm đài đột xuất, giữa Ku Xam Thum và Hà Trọng Sơn. Trận đấu bắt đầu, Ku Xam Thum đã xuất chiêu tấn công như vũ bão, thi triển đòn thế cực kỳ mau lẹ và linh hoạt. Hà Trọng Sơn cũng chẳng thua kém, liên tục tiến thoái hợp lý, phóng cước, hồi quyền mạnh như búa bổ, đòn nào cũng quyết liệt, hiểm hóc. Cân sức ngang tài khiến hai võ sĩ sử dụng gần như hết những tuyệt chiêu mà mình có được nhưng đã qua năm hiệp đấu mà vẫn bất phân thắng bại. Khi trận đấu bước vào hiệp thứ sáu, hiệp quyết định, Ku Xam Thum vừa tung thế “Lưỡng phụng triêu dương” thì Hà Trọng Sơn liền đáp thế “Song long hí nguyệt”, Ku Xam Thum chuyển sang “Bạch hạc tầm giang” thì Hà Trọng Sơn dùng “Thanh xà cản lộ” để chế ngự. Liền đó, nhanh như chớp, Hà Trọng Sơn tấn công bằng thế “Mãnh hổ du sơn”, Ku Xam Thum đáp trả bằng thế “Hùng sư vượt suối”. Thời gian trôi dần đến thời khắc quyết định, Ku Xam Thum lao người nội nhập với quyết tâm hạ nhanh đối thủ bằng thế “Niết chốt quai cằm, xả thây thạch trụ”. Hà Trọng Sơn liền sử dụng chiêu “Đề khí thiết công phục lôi hổ giáng” (gióng trảo bấu vai, lật đầu tháo khớp), một thế đánh chu toàn, mạnh và chuẩn xác phi thường. Một tiếng thét thất thanh vang lên sàn đài, võ sĩ Ku Xam Thum nhũn người ngã quỵ.
3.
Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Lê Thì, chính Hà Trọng Sơn cùng với một số võ sư Bình Định soạn ra bài kiếm Mười hai, nghĩa là mười hai võ sư, mười hai động tác, mười hai phút cho bộ đội và cán bộ tỉnh nhà sử dụng khi đi tập kết ra Bắc năm 1954. Tuy nhiên, theo võ sư Hàm Hữu Nghĩa thì bài kiếm này Hà Trọng Sơn cũng được một người khác dạy làm. Còn theo con gái ông là Hà Phi Phi thì bài kiếm này Hà Trọng Sơn vẫn gọi là Mai hoa kiếm, có điều đánh khác với các bài Mai hoa kiếm vẫn thường được biểu diễn. Vậy rốt lại, câu chuyện về bài kiếm Mười hai là thế nào. Tiếc là khi chúng tôi gặp, võ sư Hà Trọng Sơn đã không thể trò chuyện được, nên việc kiểm chứng lại vẫn còn bất khả.
Điều chắc chắn Hà Trọng Sơn là người có công bảo vệ bản sắc dân tộc võ cổ truyền Bình Định. Năm 1972, ông là một trong 12 vị đã sáng lập nên Hội Võ thuật Bình Định nhằm khơi dậy truyền thống thượng võ, củng cố và phát triển võ cổ truyền Bình Định mà ông cha đã dày công tạo dựng.
4.
Từ nhiều năm về trước, ngay khi còn khỏe, “Hùm xám miền Trung” đã tuyên bố “rửa tay chậu vàng”. Sau đó, cũng có nhiều võ sinh từ khắp trong Nam, ngoài Bắc đến, muốn được ông truyền thụ cho vài chiêu, nhưng đều chỉ nhận từ ông những cái lắc đầu. Cung kiếm trên tường, ông giữ lại để ghi dấu những kỷ niệm một đời võ nghệ; bao nhiêu huy chương, giải thưởng này nọ, ông cho hết vào tủ. Ngay chiếc roi đã theo ông luyện bài Thái sơn thời trẻ, vợ ông mấy lần định đem giấu, nhưng sợ rồi ông lại hỏi tới…
“Hùm xám miền Trung” bây giờ nom như một cánh đại bàng lúc về già - cái hình ảnh làm ta thấy xót xa. Chẳng dám nhìn lâu, tôi quay mắt lại, những cung, những kiếm và đao phủ bụi trên tường…
|