Xem đấu võ trên đất Võ
9:5', 15/2/ 2008 (GMT+7)

Mãi đến 20 giờ mùng 4 Tết (10.2), Giải Võ cổ truyền Liên tỉnh huyện Tây Sơn mới khai đài, nhưng từ sẩm tối, khán giả đã đến chật ních các khu vực quanh võ đài vừa được dựng trong khuôn viên Sân vận động Tây Sơn.

 

Đấu võ đài tại Tây Sơn.

 

* Mùa xuân thượng đài

Tiếng gọi nhau í ới trên khán đài, tiếng “ồ”, tiếng “à” trong đám đông mỗi khi Ban Tổ chức thông báo danh tính các võ sĩ tên tuổi qua loa phóng thanh… khiến không khí đêm thi đấu thêm náo nhiệt. Khán giả háo hức cũng phải, vì giải năm nay vẫn quy tụ đầy đủ các võ sĩ giỏi từ các huyện Hoài Ân, An Nhơn, Tây Sơn, Phú Yên, Gia Lai, Quảng Ngãi…

Võ đài được dựng trước khán đài A của sân vận động, trông đơn sơ và mộc mạc. Đúng 20 giờ, Ban Tổ chức gõ vào chiếc kiểng được làm từ… lưỡi cuốc sắt. “Beng” một tiếng, lập tức mấy ngàn cái đầu thôi không còn nhộn nhạo. Cùng những dòng giới thiệu vắn tắt về tên, tuổi, quê quán, lò võ xuất thân… là sự xuất hiện từ tốn và trang trọng của các võ sĩ.

Trận đấu đầu tiên là cuộc so tài giữa võ sĩ Hồ Nhựt (Võ đường Hồ Cương) và võ sĩ Nguyễn Xuân Huỳnh (Chi hội Võ thuật An Khê). Những miếng hay được thi triển, tiếng cổ vũ, tiếng vỗ tay rộ lên, kèm theo đó là lời bình luận xuýt xoa. Tình cảm và lòng say mê tính đối kháng có lúc cao trào đến cực điểm quyện làm một, khiến người ta la hét: “Cố lên! Đấu võ phải hăng mới hay chứ!”. Sau mỗi đòn đánh trúng đánh “chách” một cái của hai võ sĩ trên sàn đài, khán giả lại ồ lên một tiếng rõ to, cùng hàng tràng tiếng vỗ tay như pháo nổ.

Ông Đặng Trường Phát, một người con đất Võ xa quê nhiều năm, nay có dịp về quê ăn Tết, đắm mình trong không khí đặc quánh của võ thuật, không khỏi bồi hồi: “Chỉ Bình Định quê mình mới có được vẻ hoang sơ, mộc mạc của hội võ thế này thôi. Ở nơi khác, mọi sự thi đấu đều đã có tính toán, cân đo đong đếm hết, nên không khí thế hừng hực thế này”.

Võ sĩ Hồ Nhựt tung “cơn mưa đòn” liên hoàn về phía đối thủ, khiến Nguyễn Xuân Huỳnh không kịp đỡ. Tận dụng pha ra đòn quá lộ của đối thủ, Hồ Nhựt nghiêng mình lách sang một bên, hạ bộ, rồi xoay một vòng ngang qua mặt đối thủ quật thẳng một cú rờ ve đánh “bụp” cực mạnh, khiến võ sĩ này dù đã đeo nón bảo hộ khá kỹ cũng phải ngã vật ra sàn đài.

Hồ Nhựt hạ knock out đối thủ ở hiệp II của trận đấu. Ngồi cạnh tôi, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH Bảo vệ và Vệ sĩ Tây Sơn (TP. Hồ Chí Minh), từng là một võ sĩ đấu đài, nay về thăm quê, cứ như bị lên đồng, xuýt xoa: “Đấy! Đấy! Đánh vậy mới đã, mới là đánh chứ!”, rồi quay sang phát vào vai tôi rõ mạnh, như vừa nhớ lại một đòn thế tâm đắc. Khoái chí quá, ông rút thẳng 1 triệu đồng thưởng cho Hồ Nhựt.

Quá khoái trá với chiến thắng giòn giã của sư đệ, võ sĩ Nguyễn Văn Trực, vốn cũng là một võ sĩ danh tiếng, nay đã giải nghệ, làm huấn luyện tại TP. Hồ Chí Minh đã hăng hái chạy đến bàn Ban Tổ chức xin đăng ký thi đấu đêm hôm sau. Trực nói trong cơn phấn khích: “Tôi về quê ăn Tết, định thôi không đăng đài nữa. Buổi sáng, thấy tôi lảng vảng trước Sân vận động, thầy Hồ Bé đã động viên vào bo chạng để thi đấu, nhưng tôi từ chối. Bây giờ thấy Hồ Nhựt đánh sướng quá, khán giả cổ vũ nhiệt tình quá, nên tôi cũng thấy râm ran trong người, hổng lên đài hổng chịu nổi”.

Trận đấu thứ tư là pha lên đài của hai nữ võ sĩ Kim Hoàng (Công ty Bảo vệ và Vệ sĩ Tây Sơn) và Hồ Thị Kim Thảo (Võ đường Hồ Cương). Quả không hổ danh con gái Bình Định, hai nữ võ sĩ tung những cú đòn thật lỳ lợm về phía đối thủ. Có cú ra đòn mạnh quá, dây rin của võ đài bật ra, khiến cho người của Ban Tổ chức phải toát mồ hôi mới khắc phục được trong sự chờ đợi của khán giả.

Liên tiếp bảy trận đấu như thế đã diễn ra trong sự hò reo, cổ vũ của hơn 3.000 khán giả đến sân. Trên sàn đài, các võ sĩ thi thố tài năng, bên dưới các khán giả hò reo như sấm dậy. Cào cào, châu chấu kinh động búng tanh tách như ngơ ngác không hiểu điều gì đang xảy ra. Có võ sĩ thi đấu, bên dưới, cả gia đình từ cô, dì, anh, em, chú, bác đến bạn bè chòm xóm, non trăm người tháp tùng cổ vũ. Lại có em bé mới 3 tuổi, được mẹ ẵm lên cao, ngơ ngác bi bô: “Sao anh hai lại đánh người ta?”, thật trong sáng và thuần khiết.

 

Con gái cũng lên đài.

 

* Một nét truyền thống đất Võ

Võ đài đầu xuân của huyện Tây Sơn được tổ chức trong ba đêm mùng 4, 5 và 6 Tết nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng lãm của người dân đất Võ. Xong hội Võ ở Tây Sơn, võ đài lại được dựng ở các xã Bình Thuận, Bình An - những xã có nhiều lò võ cổ truyền nhất huyện Tây Sơn. Ngoài ra, trong những ngày đầu xuân, những người yêu mến võ thuật cũng có cơ hội được dự khán những trận đấu kịch tính tại các sàn đài Hoài Ân, Phù Mỹ.

Theo các bậc cao niên kể lại, các trận đấu võ được tổ chức vào các hội xuân đầu năm trên đất Võ từ xưa. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, các trận đấu chỉ đánh “liếp”, tức các đấu thủ khi thượng đài chỉ dùng tay không, khi đăng đài sẽ thi triển mọi đòn thế có thể để hạ gục đối phương. Tính đối kháng cao như vậy, nên mỗi khi mở võ đài, Ban Tổ chức đều để sẵn ít nhất ba… chiếc hòm ở bên dưới. Theo võ sư Phan Thọ, trong suốt nghiệp võ của mình, ông đã thấy có trường hợp võ sĩ bị đánh chết trên sàn đài.

Mãi sau này, các trận đấu võ đầu xuân mới được tổ chức giống như thi đấu quyền Anh và các võ sĩ mới đeo găng, mặc áo và đội nón bảo hộ theo luật thi đấu đối kháng võ cổ truyền như ngày nay. Tuy tính sát thương không còn như trước, nhưng mỗi đòn thế tung ra trên sàn đài là một sự dày công tập luyện của từng võ sĩ và mang hơi hướng trực chiến, tốc chiến của võ Bình Định. Vì thế mà các trận đấu võ đài trên đất Võ luôn kịch tính và hấp dẫn.

  • Khánh Vinh

Võ đường Thành Xô đoạt giải Nhất chung kết Võ đài liên tỉnh huyện Phù Mỹ

Tối 13.2 (mùng 7 Tết), diễn ra đêm chung kết Thi đấu Võ đài Liên tỉnh, do huyện Phù Mỹ tổ chức. 7 cặp đấu lọt vào chung kết là những võ sĩ đã thắng vòng loại và bán kết ở nhiều hạng cân, với hai bộ môn thi đấu quyền Anh và võ tự do. Kết quả, giải Nhất toàn đoàn thuộc về Võ đường Thành Xô (Phù Mỹ). Võ đường Phi Long Phi (Tuy Phước) và Võ đường Hồng Kha (Trường Năng khiếu TDTT Bình Định) đoạt giải Nhì toàn đoàn.

  • Xuân Lộc

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những bước tiến hanh thông  (16/01/2008)
Trọn đời với nghiệp võ  (09/01/2008)
Bí quyết diệt “chúa sơn lâm” đêm giao thừa  (03/01/2008)
Võ sư vườn và vấn đề khôi phục làng võ Bình Định  (02/01/2008)
Ngọc Trản: Bài quyền tiêu biểu của võ Bình Định  (05/12/2007)
Võ Bình Định “chinh phục” châu Âu  (10/11/2007)
Đoạn cuối một đời võ  (03/11/2007)
Võ Bình Định sẽ quảng bá ở trời Tây  (25/10/2007)
Có một võ đường của sinh viên  (11/10/2007)
Võ Bình Định sẽ sang biểu diễn tại Rumani và Italia  (28/09/2007)
Tâm huyết một đời võ  (15/09/2007)
Bình Định bội thu vàng trong đêm chung kết  (03/09/2007)
Bình Định sẽ bội thu huy chương ?  (01/09/2007)
Tuyệt kỹ của cha con ông "Ốc" Bình Định Gia  (26/08/2007)
Bình Định quyết tâm đạt thành tích cao  (17/08/2007)