Võ đường Lê Xuân Cảnh:
Bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định
17:49', 11/7/ 2008 (GMT+7)

Được thành lập và hoạt động hơn 30 năm qua, võ đường Lê Xuân Cảnh (thôn Cẩm Văn, xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn) là một trong những lò võ cổ truyền nổi tiếng ở Bình Định, đã đào tạo được hàng nghìn võ sinh, cung cấp nhiều vận động viên cho Đội tuyển Võ cổ truyền tỉnh…

 

Võ sư Lê Xuân Cảnh (mặc áo dài, khăn đóng) và các học trò trong ngày giỗ tổ. (Ảnh: HT)

 

Chủ nhân võ đường Lê Xuân Cảnh chính là võ sư Lê Xuân Cảnh (70 tuổi), hiện là Phó Chủ tịch Chi hội Võ thuật An Nhơn. Ông học võ từ năm 15 tuổi, với người thầy đầu tiên là Lý Tường (cha của võ sư Lý Xuân Hỷ), một trong những truyền nhân của môn phái dòng họ Lý lừng danh ở Đập Đá - An Nhơn.

Sau ba năm thọ giáo võ công nhà họ Lý, Lê Xuân Cảnh quyết định giã biệt thầy để rong ruổi “tầm sư học võ” liên tục đến…12 năm trời với các vị danh sư khác như ông Phạm Thế Giáo (xã Nhơn An, huyện An Nhơn), thầy Bửu Thắng (Tuy Phước).

 

Các môn sinh của võ đường. (Ảnh: HT).

 

Sau 1975, ông quyết định trở về mở võ đường mang tên mình tại quê nhà (xã Nhơn Hưng). Từ những gì đã hấp thụ được trong 15 năm lặn lội học võ, Lê Xuân Cảnh chắt lọc lại những điểm tinh túy nhất của từng môn phái để hình thành "bí quyết" của mình và truyền dạy cho đệ tử của võ đường. Về biểu diễn, võ đường đã rèn dạy những võ sinh có khả năng biểu diễn các bài võ binh khí như Song đao, Song phủ, Độc kiếm, Song kích…và đặc biệt là sở trường về roi với các bài roi Thái Sơn, Trực chỉ, Bát quái… Ngay trong lứa học trò đầu tiên, Bảo Thương, cô học trò cưng của võ đường, khi được cử đi tham gia Liên hoan Võ thuật Quốc tế tại Liên Xô (cũ), đã xuất sắc giành Huy chương Vàng với bài roi Bát quái. Kể từ khi Giải Võ cổ truyền Toàn tỉnh ra đời, năm nào, võ đường Lê Xuân Cảnh cũng tích cực tham gia và đều có võ sinh đạt huy chương, nhất là ở nội dung biểu diễn. Không những thế, võ đường Lê Xuân Cảnh còn khởi xướng và đào tạo đội võ sinh để thi đấu “cờ võ” rất độc đáo ở Nhơn Hưng, rồi đào tạo các đội múa lân quy mô để thường xuyên đi biểu diễn khắp trong và ngoài huyện.

 

Biểu diễn nội công (dùng búa tạ đập vỡ ngói trên đầu. (ảnh: HT).

Một trong những truyền thống tốt đẹp của võ đường Lê Xuân Cảnh là tổ chức giỗ tổ vào ngày 5.7 hằng năm. Đây là dịp họp mặt đồng môn qua các thế hệ, cùng nhau tưởng nhớ tổ sư và các bậc sư tổ từ hiền đã có nhiều công lao trong việc xây dựng võ cổ truyền Bình Định, đồng thời giáo dục môn sinh ra sức gìn giữ và bồi đắp truyền thống võ đạo tốt đẹp. Đặc biệt, năm nay, lễ giỗ tổ của võ đường vừa được tổ chức trang trọng hơn hẳn, để đón võ sư Diệp Lệ Bích, chưởng môn phái Bình Thái Đạo ở nước Anh về tham dự, đồng thời tuyên bố võ đường Lê Xuân Cảnh chính thức trực thuộc môn phái Bình Thái Đạo.

Vì sao võ đường Lê Xuân Cảnh lại thuộc Bình Thái Đạo-một võ phái có nguồn gốc từ địa danh đất võ An Thái (xã Nhơn Phúc)?. Võ sư Lê Xuân Cảnh tâm sự: “Sư phụ Lý Tường của tôi vốn là học trò của cụ Tàu Sáu (Diệp Trường Phát), người sáng lập ra môn phái Bình Thái Đạo, nên tôi cũng là đệ tử của Bình Thái Đạo. Vì vậy, võ đường của tôi luôn sẵn sàng tham gia đóng góp hết mình vào việc phát triển môn phái nói riêng và sự nghiệp phát triển võ cổ truyền Bình Định nói chung. Sắp tới, võ đường sẽ tổ chức tập luyện hai bộ môn mới là diễn võ theo điệu trống và múa rồng…”.

  • H.T
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chủ nhà hưng phấn  (09/07/2008)
Gặp một huyền thoại đất Võ  (04/07/2008)
Sẽ khôi phục các làng võ đặc trưng của Bình Định  (09/05/2008)
Trận đài một độ một đêm  (21/03/2008)
Người giữ gìn những đường roi tuyệt kỹ  (20/03/2008)
Xem đấu võ trên đất Võ  (15/02/2008)
Những bước tiến hanh thông  (16/01/2008)
Trọn đời với nghiệp võ  (09/01/2008)
Bí quyết diệt “chúa sơn lâm” đêm giao thừa  (03/01/2008)
Võ sư vườn và vấn đề khôi phục làng võ Bình Định  (02/01/2008)
Ngọc Trản: Bài quyền tiêu biểu của võ Bình Định  (05/12/2007)
Võ Bình Định “chinh phục” châu Âu  (10/11/2007)
Đoạn cuối một đời võ  (03/11/2007)
Võ Bình Định sẽ quảng bá ở trời Tây  (25/10/2007)
Có một võ đường của sinh viên  (11/10/2007)