Thế hệ mới ở các làng võ
15:29', 25/7/ 2008 (GMT+7)

Không chỉ nổi danh với tên tuổi của các võ sư cao thủ cùng những câu chuyện truyền về họ, mà hiện tại, ở các làng võ Bình Định, đã bắt đầu hình thành một thế hệ mới, tiếp nối truyền thống miền đất Võ…

 

Võ sinh võ đường Lê Xuân Cảnh (An Nhơn) biểu diễn võ. Ảnh: H.Thu

 

* Làng võ “mùa” hội

Một đêm hè, chúng tôi về lò võ Hồ Sừng thuộc làng võ Thuận Truyền (xưa là tổng Thuận Truyền, nay là thôn Hòa Mỹ, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn). Các võ sinh, trong đồng phục màu đỏ, chia thành nhiều lớp, đang hăng say tập luyện ở ba sân tập. Đa phần trong số này, là học sinh THPT trong xã và một ít từ các xã lân cận. Võ sư Hồ Sừng, 70 tuổi, giao hẳn việc đứng lớp cho mấy người con trai và những học trò lâu năm, nay chủ yếu chỉ coi sóc võ đường và tổ chức tập luyện, cho biết: “Cứ vào hè, làng võ lại sôi động như vào hội. Năm nay, võ đường của tôi dạy cho hơn 100 em; trong đó, có khoảng 20 em thuộc hai đội đối kháng và biểu diễn đã học từ hai, ba năm trước, nay tiếp tục tập luyện để chuẩn bị tham gia Giải Võ thuật Cổ truyền các CLB trong tỉnh”.

Cuối mùa hè, võ đường lại tuyển ra một số võ sinh có khả năng, tiếp tục huấn luyện để tham gia các giải của tỉnh. Sau đó, số võ sinh đoạt giải lại được rút về bổ sung cho đội tuyển của tỉnh. Cứ vậy, ngay võ sư Hồ Sừng cũng không thể nhớ được võ đường của ông đã “chi viện” bao nhiêu em cho tỉnh, số huy chương mà họ đạt được để tiếp tục khẳng định vị trí của miền đất Võ tại các giải toàn quốc. Ngoài ra, 2/3 thành viên của đội võ thuộc Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn) cũng từng là môn sinh của võ đường này.

Tại làng võ An Vinh (xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn), vừa ướm lời hỏi đường, chúng tôi đã được hỏi lại: “Mấy chú muốn tập võ à? Lò nào, Sáu Dần hay Xuân Ngọc?”. Chẳng là, ở làng võ này, mùa hè năm nay, có hai võ đường đang dạy võ là võ đường của võ sư Trần Dần và võ đường của võ sư Văn Xuân Ngọc. Mỗi võ đường chỉ dạy trên dưới hai chục võ sinh, chủ yếu là học sinh THPT trong xã.

Còn tại nhà võ sư Lâm Ngọc Phú (làng võ An Thái), chúng tôi gặp cả những võ sinh từ tỉnh Bình Thuận hay Gò Bồi (Tuy Phước) cũng lặn lội tìm về, trọ nhà người quen và hàng ngày, đến võ đường Bình Sơn học võ. “Họ nói đọc báo, nghe đài biết tiếng thì về theo học. Mà với ai, dù trong hay ngoài tỉnh, tôi đều chỉ dạy tận tình, cũng là để đáp lại cái công lặn lội của họ”- võ sư Lâm Ngọc Phú cho biết.

* Giữ cho một truyền thống

Em Trần Ngọc Hân (làng võ An Thái) biểu diễn quyền thuật. Ảnh: Tư liệu võ đường Bình Sơn

Những lớp học võ nói trên chỉ rộ lên trong những ngày hè. Tuy nhiên, không khí ấy ít nhiều cũng cho thấy: hiện tại, giới trẻ đã bắt đầu quan tâm trở lại vốn võ thuật cổ truyền của ông cha, chỉ có điều, họ không có thời gian hay điều kiện để theo học lâu dài.

Võ sư Lâm Ngọc Phú cho biết: “Bây giờ, học võ chủ yếu là để tự vệ thôi, không ai học để lấy cái nghề như xưa. Ngay trong nhà tôi cũng vậy, tôi xác định: võ là đam mê, văn là đời sống, nên 6 đứa con tôi cả trai lẫn gái, rồi cháu ngoại, cháu nội 13 đứa, trừ ba đứa cháu còn quá nhỏ, còn lại đều biết võ. Nhưng biết là để tự vệ, để rèn thể lực, còn phải lo học nghề khác kiếm sống. Thời thế vậy, thì mình chấp nhận, nhưng thấy các cháu yêu vốn võ thuật của cha ông là mừng rồi. Mà nói là dạy trong ba tháng hè, ngắn ngủi vậy, nhưng nhờ thế mà cánh thanh niên trong làng, 10 người thì 7 người biết võ, dẫu nay chẳng ai theo nghề võ”.    

Cũng với tâm sự ấy, võ sư Trần Dần cho biết: “Thấy học trò tìm về theo học, tôi rất vui. Dẫu học trong ba tháng thì chỉ kịp truyền thụ những cái căn bản nhất. Chẳng như, trong 10 ngày đầu, tôi tập đánh cho thật nhuyễn “Ngũ hành”, rồi sau đó, tùy khả năng và sở thích của học trò mà dạy tiếp sang các bài quyền, roi khác. Mà “Ngũ hành” đã nhuyễn, thì thế thần đều trong đó cả, vấn đề còn lại là tập luyện”.

Và cứ vậy, sau ba tháng hè, những võ sinh “vỡ lòng” này dù tiếp tục vùi đầu vào sách vở, nhưng với vốn võ học nhất định đã được truyền thụ, họ có thể tự luyện ở nhà hoặc tiếp tục tìm đến thầy vào buổi tối để lĩnh hội thêm, hay chờ hè năm sau học tiếp. Với những em có khả năng, thầy còn chỉ dạy thêm, để bồi dưỡng thành những hạt giống để có thể, tuy không theo nghề, nhưng vẫn giữ lại một vốn võ học truyền thống cho miền đất Võ.

  • Lê Viết Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định  (11/07/2008)
Chủ nhà hưng phấn  (09/07/2008)
Gặp một huyền thoại đất Võ  (04/07/2008)
Sẽ khôi phục các làng võ đặc trưng của Bình Định  (09/05/2008)
Trận đài một độ một đêm  (21/03/2008)
Người giữ gìn những đường roi tuyệt kỹ  (20/03/2008)
Xem đấu võ trên đất Võ  (15/02/2008)
Những bước tiến hanh thông  (16/01/2008)
Trọn đời với nghiệp võ  (09/01/2008)
Bí quyết diệt “chúa sơn lâm” đêm giao thừa  (03/01/2008)
Võ sư vườn và vấn đề khôi phục làng võ Bình Định  (02/01/2008)
Ngọc Trản: Bài quyền tiêu biểu của võ Bình Định  (05/12/2007)
Võ Bình Định “chinh phục” châu Âu  (10/11/2007)
Đoạn cuối một đời võ  (03/11/2007)
Võ Bình Định sẽ quảng bá ở trời Tây  (25/10/2007)