Nơi sông trở về
11:33', 2/8/ 2008 (GMT+7)

Những màn biểu diễn đặc sắc đã được các võ sư, võ sinh Việt Nam và nước ngoài biểu diễn trong khuôn khổ Liên hoan (LH) Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ II. LH thực sự trở thành ngày hội võ, với tất cả những náo nức, mong chờ…

* Niềm vui ngày hội võ

Không đơn thuần chỉ là một cuộc “thịnh hội võ luận”, với nhiều võ sinh, nhất là các võ sinh nước ngoài đang theo học võ cổ truyền Việt Nam, tham gia LH lần này là dịp để họ hành hương trở về một trong những vùng đất tổ của võ cổ truyền Việt Nam.

 

Màn biểu diễn của một võ sinh nước ngoài tại LH Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ II.  Ảnh: Văn Lưu
 

Với không ít võ sinh nước ngoài, đây là lần thứ hai họ về tham gia LH. Võ sinh Bastien Sudan (Thụy Sĩ) là một trong số này. Đến Bình Định lần thứ hai, anh rất vui khi được hội ngộ những bạn cũ, đồng thời, cũng nhanh chóng làm quen với những bạn mới. Hỏi cảm giác của anh khi trở lại Bình Định, anh trả lời nhanh và gọn: “Rất ấm áp”.

Lại có những võ sư Việt kiều xa quê đã lâu, nay trở về Việt Nam, được hội ngộ cùng bạn bè trong giới học võ, nên chuyến về nguồn thêm phần ý nghĩa. Đối với võ sư Hồ Bửu (Mỹ), mỗi lần trở về Việt Nam là một cơ hội quý giá. Tham gia LH lần này, ông được gặp lại những đồng môn ở Tây Sơn, sư muội Diệp Lệ Bích và những người bạn nước ngoài ông đã quen từ LH lần thứ I.

Đoàn An Giang tham gia LH lần này gồm 14 võ sinh trẻ (tuổi từ 10 đến 20). Đây là lứa võ sinh đầy triển vọng. Về tham dự LH, đối với các võ sinh nhí không chỉ để biểu diễn võ thuật mà còn là dịp giao lưu, kết bạn. Nhìn những võ sinh lần đầu gặp mặt, hồn nhiên quây quần bên nhau, tíu tít trò chuyện về những bài võ, mới thấy hết ý nghĩa LH mang lại. Dường như, võ thuật đã làm cho con người xích lại gần nhau hơn. Với võ sư Phan Thị Lan, HLV trưởng Đoàn Tinh võ đạo TP. Hồ Chí Minh, thì về dự LH cũng là dịp để gặp gỡ bạn bè, những đồng môn trên khắp thế giới. Đặc biệt, bà đã có phút giây gặp gỡ thật cảm động với các bạn cũ là võ sinh Tinh võ đạo ở Italia.

 

* Sắc màu võ Việt

Các buổi biểu diễn của các đoàn tại các điểm như Nhà thi đấu huyện An Nhơn, Nhà thi đấu Hà Thanh (Tuy Phước), Nhà thi đấu huyện Tây Sơn… đều chật kín người. Không ít khán giả đến muộn đã phải đứng để xem. Đáp lại sự mong đợi của người hâm mộ, các đoàn đều đem hết “vốn liếng” của mình ra biểu diễn.

Đoàn An Giang biểu diễn với 5 tiết mục độc đáo: “Tứ linh đao”, “Lão hổ thượng sơn”, “Hùng kê quyền”, “Đồng nhi quyền” và “Siêu xung thiên”. Khán giả đặc biệt chú ý đến bài “Hùng kê quyền” được võ sinh Đoàn Thị Thu Thảo thể hiện rất có thần. Được cổ vũ rất nhiệt tình là cô bé Lưu Thị Thu Thảo. Một mình Thảo đã biểu diễn cả hai bài “Tứ linh đao” và “Đồng nhi quyền”. Tuy mới 12 tuổi, nhưng Thảo đã học võ cổ truyền được 6 năm. “Đây là lần đầu tiên em đến Bình Định, cũng là lần đi xa nhất. Không khí ở đây thật nhộn nhịp. Tuy mới đến nhưng em cũng đã đi được nhiều nơi, vui lắm!” - Thảo vừa kể vừa lau mồ hôi.

Võ sư Xuân Liễu, Chưởng môn phái Tây Sơn - Bình Định ở An Giang, cho biết thêm: Ở An Giang, phái Tây Sơn - Bình Định đã có mặt ở khắp 11 huyện, thị của tỉnh và không dừng lại ở tầm phong trào mà đi vào chiều sâu. Điều này được kiểm chứng qua việc những bài quyền truyền thống đã được các võ sinh An Giang biểu diễn một cách thuần thục, thần khí bộc lộ trong từng thế đánh. Đoàn Hà Nội với 8 võ sinh, góp thêm màu sắc bằng hai bài võ đặc trưng là “Kim ngưu” và “Thần đồng”. Trong khi đó, Tinh võ đạo TP. Hồ Chí Minh lại chọn “Quạt võ đạo” để biểu diễn. Màn biểu diễn đồng đều, đẹp mắt này của 15 võ sinh trong độ tuổi U…70 đã thể hiện sự nhuần nhuyễn, dẻo dai.

 

* Tinh hoa hội tụ

Không khí các khán đài càng nóng hơn với màn biểu diễn của các võ sinh nước ngoài. Tổng đoàn Quốc tế Việt võ đạo với những bài quyền truyền thống như “Hầu quyền”, “Xà quyền”, “Túy quyền”... được khán giả rất tán thưởng. Nhìn những võ sinh nước ngoài thi triển từng thế võ, mới thấy hết sức hấp dẫn của võ cổ truyền Việt Nam. Ở phần diễn đối kháng, các võ sinh nước ngoài này đã pha trộn yếu tố hài hước vào các thế võ, khiến không khí thêm sôi động.

Yếu tố hài hòa, ăn ý trong biểu diễn được thể hiện rõ nhất ở bài “Phượng hoàng giao long” do Đinh Kim Ấn và Bastien Sudan biểu diễn. Cả hai VĐV này đều thuộc Việt Võ Đạo Nghĩa Long đến từ Thụy Sĩ. Người hâm mộ cũng ngạc nhiên bởi phần biểu diễn uyển chuyển như “múa” của phái Nội gia Quốc tế Võ đạo Việt Nam. Còn phần biểu diễn của môn phái Thu Vân Quốc tế võ đạo Việt Nam lại khiến người xem như nghẹt thở với tốc độ nhanh, mạnh và dứt khoát trong những tình huống đối kháng.

Để lại ấn tượng sâu đậm nhất là Liên đoàn Võ thuật Bình Thái đạo với nhiều tiết mục được chuẩn bị công phu. Mở đầu là màn đồng diễn “Long hổ hội” thể hiện tính tập thể rất cao, với những động tác mạnh mẽ, dứt khoát. Bài đối kháng một chọi ba với miếng đánh “Tung không chặt cổ” gọn ghẽ, đẹp mắt. Trong các tiết mục của Bình Thái đạo, hai bài được đánh giá cao là “Xuyên vân nhuyễn tiên kiếm” và “Đại thánh loạn thiên cung”.

Nhìn chung, các đoàn về tham gia biểu diễn ở LH lần II đều đã có sự chuẩn bị chu đáo, công phu. Các tiết mục được chọn biểu diễn mang đậm tính truyền thống. Võ sư Lâm Ngọc Phú (Võ đường Bình Sơn - làng võ An Thái) nhận xét: các đoàn như An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Bình Thái đạo… đều có những tiết mục xuất sắc. Đối với Bình Thái đạo, điều đáng quý nhất là họ đã gìn giữ rất tốt bản sắc của võ cổ truyền An Nhơn. Còn ông Nguyễn Minh Tùng (thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) thì cho biết: “Có lẽ, sự hấp dẫn của LH lần trước đã khiến tôi lần này lại tạm gác công việc để tiếp tục đi xem Tây đánh võ ta. Tôi thấy người nước ngoài biểu diễn võ ta tuy có vẻ hơi lóng ngóng, bởi họ cao, to, nhưng lại mạnh và chuẩn xác trong từng đòn đánh”.

  • Văn Trang - Công Tâm
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thế hệ mới ở các làng võ  (25/07/2008)
Bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định  (11/07/2008)
Chủ nhà hưng phấn  (09/07/2008)
Gặp một huyền thoại đất Võ  (04/07/2008)
Sẽ khôi phục các làng võ đặc trưng của Bình Định  (09/05/2008)
Trận đài một độ một đêm  (21/03/2008)
Người giữ gìn những đường roi tuyệt kỹ  (20/03/2008)
Xem đấu võ trên đất Võ  (15/02/2008)
Những bước tiến hanh thông  (16/01/2008)
Trọn đời với nghiệp võ  (09/01/2008)
Bí quyết diệt “chúa sơn lâm” đêm giao thừa  (03/01/2008)
Võ sư vườn và vấn đề khôi phục làng võ Bình Định  (02/01/2008)
Ngọc Trản: Bài quyền tiêu biểu của võ Bình Định  (05/12/2007)
Võ Bình Định “chinh phục” châu Âu  (10/11/2007)
Đoạn cuối một đời võ  (03/11/2007)