Tây Sơn luận kiếm
16:24', 3/8/ 2008 (GMT+7)

Không phải không gian ảo diệu trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, mà giữa cái nắng gắt miền đất thượng võ Tây Sơn - Bình Định những ngày cuối tháng 7 này, rất đời thực, một đại hội võ lâm quốc tế đang được náo nức đón chờ.

 

Võ sinh Nguyễn Linh Chi

 

Đệ tử của các danh môn khắp nơi trên thế giới lại hành hương về miền đất Võ, và những mỹ nhân mang trong mình dòng máu thượng võ vừa so tài, vừa khoe sắc...

Ai sẽ trở thành “minh chủ võ lâm”?

Liên hoan võ thuật cổ truyền quốc tế hè 2008 cũng là kỳ “luận kiếm Tây Sơn” lần thứ 2, một trong những chương trình chủ đạo của Festival.

Hè năm 2007, cũng giữa mùa nắng đổ lửa, nữ chưởng môn Hồ Hoa Huệ và những đệ tử của Tinh Võ Đạo đã khiến “giang hồ” phải ngả mũ bái phục với những đường quyền uyển chuyển, thần thái.

Danh tiếng của Tinh Võ Đạo thời bấy giờ đã vang dội khắp năm châu, là nơi tìm đến của hàng nghìn đệ tử say mê võ cổ truyền Việt Nam. Để bây giờ, cũng là những ngày hè, miền đất thượng võ Tây Sơn lại đón hơn 1.500 cao thủ của 70 đoàn thuộc 23 võ phái quốc tế lừng danh. Vẫn là những Tinh Võ Đạo, Việt Võ Đạo, Quán Khí Đạo, Tổng hội phát triển võ thuật thế giới, Sa Long Cương, Sơn Long quyền thuật..., những môn phái từng đưa võ cổ truyền Việt Nam phát triển trên khắp năm châu.

Lang thang tìm hỏi mất 2 ngày trời, tôi mới “chộp” được 3 võ sư Việt Võ Đạo người Nga đang “ém quân” ở Quy Nhơn, ngày đêm âm thầm tìm hiểu về võ cổ truyền Bình Định.

Popov Iuri - Chủ tịch liên đoàn võ thuật Nga, cười ý nhị: “Chúng tôi vừa mới từ TPHCM ra đây. Lần này là một cơ hội hiếm có để chúng tôi tìm hiểu võ cổ truyền Bình Định”.

Võ sư Talamin Jenhia vừa mới đoạt HCV trong cuộc thi võ cổ truyền ở TPHCM, tỏ ra rất hào hứng trước cơ hội thượng đài trong những ngày sắp tới.

 

Võ sinh Nguyễn Thị Thanh Huyền

 

Đi đâu, Jenhia cũng kè kè máy ảnh và cuốn sổ tay ghi chép. Thì ra, võ sư 42 tuổi, cấp 18 (cấp cao nhất trong Việt Võ Đạo quốc tế) này vốn là một nhà báo tự do. Anh là phóng viên chuyên viết bài về võ thuật cho 6 tờ báo, gồm: Con đường tới Việt Nam, Việt Võ Đạo Việt Nam, Khí công...

Jenhia học Việt Võ Đạo từ năm 20 tuổi, giờ đây đã là một cao thủ trong làng quyền thuật tại Nga.

“Việt Võ đạo giờ như máu thịt của tôi, nó giúp tôi từ một cậu bé yếu ớt trở thành võ sư tinh thạo quyền cước. Và cái quan trọng nhất, Việt Võ Đạo giúp tinh thần con người thư thái, điềm tĩnh, chan hòa và biết tha thứ...” - Jenhia tâm sự.

Đến kỳ luận kiếm lần này, Jenhia và bạn anh - võ sư Galyamin Evgeny dự định hoàn thành một cuốn phim về võ cổ truyền Việt Nam để quảng bá ở trời Âu.

Võ đường Việt Võ Đạo ở Azovskaya - 24 Kimberly Land trung tâm Moscow của Jenhia luôn có hàng trăm võ sinh là thanh thiếu niên đến thụ giáo. Chưa biết phân định thế nào, nhưng làng võ lâm đồng đạo đất Tây Sơn chắc chắn có thêm một vị khách cao thủ mới...

Evgeny mơ màng: “Được diễn Tứ linh đao và bài Ngọc Trản thần công ngay trên đất tổ võ thuật là khát khao lớn nhất đời tôi, giờ đã thành hiện thực rồi”. Evgeny cho hay, anh chắc chắn sẽ không nhún nhường trước đại danh sư Phi Long Vịnh - người hiện nay đang là đệ nhất võ công Tây Sơn

Buổi sáng tinh sương, tiền sảnh khách sạn Quy Nhơn đã nườm nượp người qua lại, bóng dáng người đàn ông gầy, nhỏ thó nhưng khoan thai quắc thước gây cho tôi sự thiện cảm nhất thời.

Thì ra, ông chính là võ sư Lý Hoàng Tùng - Chủ tịch Tổng hội phát triển võ thuật thế giới, người đã đưa quốc võ Việt Nam du nhập và phát triển mạnh trên đất Mỹ.

Trong số gần 100 thành viên của Tổng hội sang Việt Nam lần này, có 2 võ sư người Mỹ say mê võ cổ truyền Việt Nam, đó là James Michael Rockwell và vợ anh Shellee Reanae Rockwell.

Đôi vợ chồng võ sư này cũng được Tổng hội trưởng Lý Hoàng Tùng tin tưởng cho “xuất tướng” ngay trận đầu với 4 bài biểu diễn tinh nhuệ: Trấn gia Thái cực, Bát quái chưởng, Tôn gia Thái cực và Thái cực kiếm.

 

Võ sinh Nguyễn Thị Thanh Thủy

 

Michael Rockwell có vẻ hồi hộp: “Biễu diễn quyền thuật Việt ngay trên đất võ thực ngại. Không khéo trở thành “trò cười” cho anh em đồng đạo. Nhưng đã sang đây, tôi sẽ cố gắng hết sức mình”.

Đôi mắt võ sư Lý Hoàng Tùng mơ màng: “Mơ ước của đời tôi là một ngày được thấy võ Việt quảng bá khắp năm châu. Tôi cũng là người con của đất võ Bình Định, cũng luôn đau đáu một nỗi niềm như đại lão võ sư Trương Cẩn, Phan Thọ.

Họ là những đại huynh của võ cổ truyền Tây Sơn nhưng không có điều kiện phát triển võ Việt ra thế giới, còn chúng tôi may mắn được mang võ Việt ra nước ngoài. Nhiệm vụ không hề đơn giản”.

Thì ra, trong những năm tháng ở Mỹ, võ sư Lý Hoàng Tùng luôn tìm hiểu thông tin Việt Nam qua Tiền phong online, khi biết tôi là tác giả của loạt ký sự “Việt võ anh hào” đăng trên Tiền phong, ông Tổng hội trưởng như muốn gửi gắm một nỗi niềm.

Ánh mắt ấy của ông, tôi đã từng thấy ở Phi Long Vịnh, ở Phan Thọ hay Trần Duy Linh... ánh mắt của những thế hệ luôn đau đáu vì 2 chữ “Thượng võ” của người Việt Nam.

Võ đường Phi Long Vịnh dù nhỏ nhoi, cô độc bên tịnh xá Tịnh Quang (Tuy Phước - Bình Định) nhưng luôn tấp nập khách ra vào trong mùa lễ hội. Đại danh sư vẫn vậy, hào hứng, sôi nổi với những người khách lạ.

Dường như, khái niệm tuổi già chưa bao giờ tồn tại trong ông. Với danh tiếng là vị đệ nhất võ công Tây Sơn, có vẻ như, kỳ “luận kiếm” lần này sẽ là cơ hội để đại danh sư nói lời chuyển giao thế hệ.

Dẫu vậy, Phi Long Vịnh vẫn tần ngần: “Mong được một ngày, ai đó sẽ thọ giáo được 70% thần khí Ngọc Trản thần công thôi, nhưng sao thấy khó quá”. Tôi hiểu, nỗi lòng mong ngóng đệ tử thực thụ của ông cũng là khao khát chung của võ Việt.

Sáng 1.8, gần 1.500 cao thủ sẽ lại so tài trong hồi thứ 2 của “Tây Sơn luận kiếm” - một trong những sự kiện hiếm có của làng võ Việt.

Cùng chờ xem, từ Tinh Võ Đạo, Việt Võ Đạo, Cửu Long Võ Đạo, Song Long Khiên Đường, Ngọc Long Võ Đạo, Sơn Long Quyền Thuật, Bình Định Sa Long Cương, Kwuan Ki Do (Quán Khí Đạo)..., ai sẽ là Võ LÂM MINH CHỦ ?

 

Hai vợ chồng Michael Rockwell đang biểu diễn

 

Đi tìm “giai nhân hiệp khách”  

Hồi thứ 2 của “Tây Sơn luận kiếm” đón chào các “tráng sĩ” để tìm ra “minh chủ võ lâm” thì trong những ngày này, miền đất võ Tây Sơn như bừng lên bởi 20 mỹ nhân chuẩn bị bước vào đêm chung kết trong cuộc thi Hoa hậu Những miền đất võ lần đầu tiên diễn ra tại TP Quy Nhơn (từ ngày 26.7 - 3.8). Đêm chung kết sẽ diễn ra vào lúc 21 giờ ngày 3.8.

Cuộc thi do Lê Quý Dương - người vừa được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập là “Đạo diễn dàn dựng chương trình Lễ hội Văn hóa Nghệ thuật có quy mô lớn nhất Việt Nam” làm tác giả kịch bản kiêm tổng đạo diễn

Khác với các cuộc thi hoa hậu trước đó, lần đầu tiên vẻ đẹp mạnh khỏe của người thiếu nữ được đặt lên hàng đầu bao gồm điểm thần sắc, tài sắc và hình sắc.

Cuộc thi được chia ra 3 phần: Phần duyên dáng, phần biểu diễn võ thuật tự chọn và phần thi ứng xử (bài biểu diễn tự chọn là quyền thuật hoặc binh khí, mở rộng cho mọi môn phái và trường phái). Và cuộc thi sẽ không có phần áo tắm.

Được chấm điểm cao nhất ở vòng sơ tuyển cho đến kết thúc phần thi bán kết là Nguyễn Linh Chi, 20 tuổi đến từ Hà Nội, hiện đang là sinh viên năm thứ 2, khoa Kinh tế của trường Đại học Quy Nhơn.

Linh Chi có gương mặt sáng, với vẻ đẹp đặc trưng của con gái Hà Nội và hình thể tương đối chuẩn không những thể hiện qua phần duyên dáng mà Linh Chi đã đem đến cho hàng ngàn khán giả đêm bán kết một sự bất ngờ qua 2 phần thi còn lại.

Đặc biệt là bài “Thái cực quyền” Linh Chi chọn để biểu diễn nhằm phô diễn vẻ đẹp dẻo dai và nữ tính của người phụ nữ hiện đại.

Với câu trả lời ứng xử thông minh, Linh Chi được đánh giá là một trong những thí sinh triển vọng nhất. Ngoài đời, cô sinh viên toát lên vẻ đẹp giản dị mà thân thiện từ cái nền của một gia đình trí thức. 

Linh Chi chia sẻ: “Nỗi buồn lớn nhất mà em sợ là phải xa gia đình, nhưng giờ đây sau 2 năm làm một cô sinh viên tự lập tại đất biển Quy Nhơn, em đã tự tin hơn rất nhiều”.

 

Đại lão võ sư Phan Thọ múa đao

 

Về võ thuật, cô tâm sự: “Hồi nhỏ Chi rất thích học võ và cũng từng theo học, nhưng sau bố mẹ, ông bà bảo là con gái phải dịu dàng, mềm mại và muốn Chi học múa, nên một mặt vẫn chiều ý gia đình nhưng mặt khác Chi vẫn âm thầm học võ.Ở bộ môn múa có cái đẹp của nghệ thuật, còn giờ đây Chi mới hiểu hết cái đẹp của Võ thuật, tiếc là Linh Chi đã để gián đoạn mất một thời gian.

Được lọt vào chung kết cuộc thi Hoa hậu những miền đất Võ lần này Linh Chi nghĩ là cơ hội cho các bạn nữ Việt Nam và các nước khác yêu thể thao, yêu võ thuật cũng dịu dàng, dẻo dai và hiền thục chứ không võ biền như suy nghĩ của một số người…”.

Một trong số gương mặt triển vọng của các thí sinh ngoại tỉnh, “đa năng” nhất có lẽ là Nguyễn Thị Thanh Huyền (tỉnh Hà Tây). Huyền đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Truyền hình và lớp diễn viên truyền hình do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Thanh Huyền đã từng tham gia đóng trong một số phim truyền hình như “Chạy án”, “Những cánh hoa bay” (đang chiếu trên chương trình phim Văn nghệ Chủ nhật - VTV3), “Những người độc thân vui vẻ”.

Thanh Huyền tâm sự: “Em rất thích làm báo và cũng thường xuyên cộng tác với một số báo. Đến với cuộc thi này, với thâm niên 5 năm luyện võ trong môn phái Lâm Sơn Động ở Hà Tây, em sẽ mang bài võ “Lão hổ thượng sơn” của quê mình đến “tỷ thí” với các môn phái khác”.

Một thí sinh gây ấn tượng không kém là Nguyễn Thị Quỳnh Ny, 21 tuổi, sinh viên. Cô là một trong những gương mặt sáng giá trong 15 thí sinh dự thi vòng chung kết của đơn vị chủ nhà Bình Định.

Ngoài hình thể đẹp, Quỳnh Ny còn nổi bật với khả năng biểu diễn võ thuật rất có “thần” với bài “Thái Sơn côn”. Một gương mặt khác được kỳ vọng là Nguyễn Thị Thanh Thúy (sinh viên, 19 tuổi).

Thanh Thúy có gương mặt dễ thương, khả năng ứng xử hoạt bát và thông minh. Thanh Thúy cũng phần nào khẳng định được cá tính của mình khi quyết định chọn biểu diễn đại đao với bài “Hỏa kim đao” - thứ binh khí mà có lẽ ít thí sinh nữ “dám” chọn.

Các thí sinh còn lại lọt vào vòng chung kết đều có những điểm mạnh riêng. Trong đó, Lâm Thị Hồng (sinh viên, 21 tuổi) từng là vận động viên võ thuật, nên biểu diễn quyền thuật rất tốt.

 

Võ sư Trần Duy Linh với bài Lôi Long đao

 

Còn Phạm Thị Thanh Loan (chuyên viên trang điểm, 22 tuổi) thì không chỉ có hình thể đẹp mà còn có phong cách dự thi chuyên nghiệp, từng lọt vào vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2006 và Hoa hậu Thế giới người Việt 2007.

Bất ngờ trước khả năng võ thuật của các thí sinh, đạo diễn Lê Quý Dương tiết lộ: “Đây là cuộc thi trước hết nhằm khẳng định thương hiệu cho đất võ Bình Định, để tiến đến 2 năm tổ chức một lần.

Cái mới lạ ở cuộc thi này ở chỗ chưa có cuộc thi hoa hậu nào tôn vinh vẻ đẹp trí lực, nhất là chú trọng vào thần khí và tố chất người thiếu nữ Việt Nam.

Hơn nữa, Bình Định là đất của Tây Sơn Tam kiệt, xứ sở của võ thuật. Chính vì thế tôi chọn hình tượng nữ tướng Bùi Thị Xuân vừa đẹp vừa giỏi võ và nổi tiếng can trường làm nền ý tưởng chủ đạo”.

Anh cho biết thêm: “Tôi muốn sau khi kết thúc cuộc thi sẽ tạo một hiệu ứng xã hội lan tỏa rộng rãi, đặc biệt là trong giới  nữ. Với cuộc thi này tôi mong muốn những thiếu nữ dù tham gia hay không tham gia sẽ có được cảm nhận từ chính mình cần phải mạnh hơn, tự chủ hơn, năng động hơn, hiểu biết hơn để sống và làm việc bình đẳng giữa một thế giới phát triển đến chóng mặt, và cũng đang còn nhiều bất công...”.

. Theo TPO

Hứa hẹn bất ngờ

Bàn về “cái đặc biệt” của cuộc thi Hoa hậu Những miền đất võ lần này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ nhân trắc học Thẩm Hoàng Điệp, thành viên BGK cuộc thi lần này:

Đã từng tham gia nhiều cuộc thi về người đẹp, TS thấy cuộc thi lần này có điểm gì nổi bật nhất so với các cuộc thi khác?

Điểm khác biệt nhất là các thí sinh ở đây đều yêu thích môn võ và đã được luyện võ. Bên cạnh đó cái tên gọi cũng đủ khẳng định cái khác biệt so với các cuộc thi về người đẹp khác.

Các em phải là thí sinh có võ và để tìm người đẹp ở cuộc thi này có 3 tiêu chí “thần lực, thể lực và trí lực”. Bởi người ta quan niệm, người đánh võ phải có cái thần bên trong và phải toát ra cho được trên gương mặt, nó không chỉ đẹp mà còn thể hiện được cái sức mạnh trên chính gương mặt người phụ nữ đó.

Theo TS, tiêu chuẩn hình thể trong cuộc thi này có gì khác so với các cuộc thi khác?

Nói về hình thể là người ta nói đến sự cân đối giữa cân nặng với chiều cao. Vì vậy để đánh giá về cân nặng thì Tiểu ban BMI về dinh dưỡng thế giới đã dùng chỉ số từ 18-24 là bình thường.

Còn chiều cao thì đương nhiên là có khác bởi ở cuộc thi này chỉ chọn người đẹp, khỏe mạnh và tiêu biểu riêng cho phụ nữ Việt Nam, nên chiều cao chỉ yêu cầu ở mức cao trong thang phân loại của Việt Nam (từ 1,60m-1,65m).

Một điều rất rõ ở cuộc thi này thường những em có chiều cao vừa phải và cân đối với cân nặng sẽ thể hiện bài võ linh hoạt hơn, nhanh nhẹn hơn và đẹp mắt hơn so với những em có vóc dáng cao và mảnh mai.

TS Thẩm Hoàng Điệp nhận xét thêm: “Bước đầu cuộc thi này cho thấy có nhiều gương mặt sáng giá và chắc chắn sẽ tìm ra được người đẹp đạt được cả 3 tiêu chí của cuộc thi đề ra để tôn vinh vẻ đẹp khỏe mạnh, dẻo dai, thông minh tiêu biểu cho vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam”.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dấu ấn Bình Định   (02/08/2008)
Nơi sông trở về   (02/08/2008)
Thế hệ mới ở các làng võ  (25/07/2008)
Bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định  (11/07/2008)
Chủ nhà hưng phấn  (09/07/2008)
Gặp một huyền thoại đất Võ  (04/07/2008)
Sẽ khôi phục các làng võ đặc trưng của Bình Định  (09/05/2008)
Trận đài một độ một đêm  (21/03/2008)
Người giữ gìn những đường roi tuyệt kỹ  (20/03/2008)
Xem đấu võ trên đất Võ  (15/02/2008)
Những bước tiến hanh thông  (16/01/2008)
Trọn đời với nghiệp võ  (09/01/2008)
Bí quyết diệt “chúa sơn lâm” đêm giao thừa  (03/01/2008)
Võ sư vườn và vấn đề khôi phục làng võ Bình Định  (02/01/2008)
Ngọc Trản: Bài quyền tiêu biểu của võ Bình Định  (05/12/2007)