Người truyền bá võ Bình Định ở xứ Trầm Hương
19:59', 3/9/ 2008 (GMT+7)
 

Võ sư Hoàng Giang

Tình cờ đọc được giới thiệu về võ sư Hoàng Giang trong tập “Văn thơ giữa đời thường” (Nguyễn Lang Quân tuyển chọn và giới thiệu - NXB Lao Động), tôi không khỏi tò mò. Theo đó, võ sư Hoàng Giang là một võ sư Bình Định “mai danh ẩn tích” trên đất Cam Ranh. Thế là, tôi nảy ra ý định gặp mặt ông cho bằng được.

* Truyền bá võ Bình Định

Gặp võ sư Hoàng Giang lần đầu, có lẽ không ai tin rằng ông đã ngoài 75 tuổi. Nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt tươi trẻ, ông nói say sưa với tôi, người đồng hương mà ông mới chỉ gặp được vài phút, về cuộc đời học võ của mình.

Võ sư Hoàng Giang tên thật là Võ Sĩ Tài, sinh năm 1931 ở thôn Trường An, xã Hoài Thanh, Hoài Nhơn, Bình Định. Hiện ông đang sống ở xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm (trước thuộc thị xã Cam Ranh), Khánh Hòa. Bắt đầu học võ từ năm 14 tuổi, 20 tuổi ông chính thức thượng đài. Đến bây giờ, trong làng võ thuật cổ truyền còn nhớ đến ba bài tuyệt kỹ  “Song long đao”, “Bảo quốc kiếm” và “Siêu ông” do ông thể hiện.

Đầu năm 1972, trước tình hình phát triển của phong trào võ thuật trong nước và thể theo nguyện vọng của võ sư trong tỉnh, võ sư Hoàng Giang và võ sư Xuân Sơn Quảng (Nguyễn Liên) làm đơn xin thành lập Phân cuộc Quyền thuật tỉnh Bình Định.

Tháng 3 năm 1972 các võ sư tên tuổi trong tỉnh tập trung về tiệm trồng răng Ánh Hồng (32 Trần Cao Vân, Quy Nhơn) để bầu Ban Chấp hành. Khi ấy, võ sư Hoàng Giang được bầu làm Tổng Thư ký Ban Chấp hành. Năm 1973, Phân cuộc Quyền thuật Bình Định tổ chức giải Võ sĩ Vô địch tỉnh Bình Định. Tại giải này, võ sư Hoàng Giang biểu diễn bài “Song long đao” được đông đảo khán giả tán thưởng.

Từ năm 1973 đến 1975, ông mở võ đường Hoàng Giang ở Quy Nhơn. Sau đó không lâu, tháng 6. 1975, ông vào định cư ở Cam Ranh. Tại đây, ông không chỉ góp công vào việc phát triển phong trào võ thuật cổ truyền của địa phương này, mà còn góp phần quảng bá võ Bình Định tại đây. Năm 1977, Võ đường Hoàng Giang hoạt động trở lại ở Cam Ranh và võ sư Hoàng Giang được bầu làm Trưởng ban Võ thuật Cam Ranh.

Võ sư Hoàng Giang trình diễn bài “Lưỡng long đao” còn gọi là “Song long đao” trên võ đài “Đại hội liên tỉnh” tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng vào xuân 1987.

Võ sư Hoàng Giang từng đưa các học trò đi thi đấu ở khắp các địa phương trong cả nước và gặt hái nhiều thắng lợi. Như muốn chứng minh cho lời kể của mình, ông xắn quần, bảo tôi gõ vào ống chân. Tôi làm theo lời ông, gõ nhẹ rồi mạnh dần, tiếng kêu “boong boong” như kim loại. Ông bảo tôi để tay vào bụng ông rồi đẩy mạnh tay. Cơ bụng ông quả cứng và khỏe. Ông cười: “Đó là thành quả của bao năm khổ luyện”.

* “Gác kiếm cung, chuyển thành hoa bút”

Giờ đây võ sư Hoàng Giang đã “rửa tay gác kiếm”. Niềm vui của ông lúc về già là nghiên cứu Đông y, chữa bệnh cho người dân trong vùng. Những lúc rảnh rỗi, ông làm thơ.

Nhìn gia tài thơ của ông, tôi không khỏi thán phục. Ông đã góp mặt trên 32 tuyển tập thơ trong và ngoài nước, trong đó, có nhiều tuyển tập quy tụ nhiều tên tuổi lớn (Trời một phương - NXB Hội Nhà văn, 2005; Một miền trăng - NXB Đà Nẵng, 2002; Hương nguồn - NXB Đà Nẵng 2004; Dòng thơ dòng đời - NXB Thanh Niên, 2005). Trước 1975, ông đã in hai tập thơ riêng: “Tình nhà trong thảm cảnh” (1970) và “Tình sầu trong dĩ vãng” (1972), nhưng do chiến tranh nay đã thất lạc.

Khi tôi ngỏ ý muốn xin mấy bài thơ, ông liền vào trong lấy ra một… túi thơ. Quả thật, tôi chưa thấy ai kỳ công như ông: đánh máy tất cả những bài thơ, bỏ vào hai túi khác nhau. Một đựng những bài đã in, túi kia đựng những bài chưa in. Trong mỗi túi, ông còn phân ra từng loại một.

Võ sư Hoàng Giang xa quê hương đã lâu, nhưng thơ ông luôn chất chứa nỗi niềm khắc khoải về chốn cũ người xưa. Với ông, ký ức về quê hương làø niềm nhớ cồn cào “Nhìn non thăm thẳm non cao/ Chim bay về tổ người nao nao lòng” (Nhớ làng mạc cũ). Thơ ông tràn đầy niềm lạc quan: “Trung vận liệt oanh đầy nhựa sống/ Văn chương nặng nghiệp bút đơm hoa…” (Tự bạch). Trước lúc chia tay, võ sư Hoàng Giang tâm sự: “Hy vọng một ngày thật gần, tôi được trở về thăm quê…”.

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những người truyền bá võ Bình Định ở trời Tây  (06/08/2008)
Tây Sơn luận kiếm  (03/08/2008)
Dấu ấn Bình Định   (02/08/2008)
Nơi sông trở về   (02/08/2008)
Thế hệ mới ở các làng võ  (25/07/2008)
Bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định  (11/07/2008)
Chủ nhà hưng phấn  (09/07/2008)
Gặp một huyền thoại đất Võ  (04/07/2008)
Sẽ khôi phục các làng võ đặc trưng của Bình Định  (09/05/2008)
Trận đài một độ một đêm  (21/03/2008)
Người giữ gìn những đường roi tuyệt kỹ  (20/03/2008)
Xem đấu võ trên đất Võ  (15/02/2008)
Những bước tiến hanh thông  (16/01/2008)
Trọn đời với nghiệp võ  (09/01/2008)
Bí quyết diệt “chúa sơn lâm” đêm giao thừa  (03/01/2008)