Đất võ An Nhơn
16:2', 3/1/ 2009 (GMT+7)

An Nhơn không chỉ tự hào bởi trầm tích văn hóa thẳm sâu với những bóng dáng kinh thành và cổ tháp trầm mặc. Đây còn là một trong những trung tâm võ học của miền đất võ Bình Định. Nơi đây đã sản sinh, nuôi dưỡng và quy tụ bao anh hùng hào kiệt và võ sư nổi tiếng. Nơi đào tạo và dưỡng nuôi bao VĐV, võ sĩ trứ danh, từng đem vinh quang về cho miền đất võ.

 

Biểu diễn võ thuật tại Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ II-2008 tại huyện An Nhơn.

 

Đối diện với làng võ An Vinh bên kia sông, nằm bên bờ nam sông Kôn là làng võ An Thái - Yên Thái. Cái tên An Thái có từ thời lớp người Việt từ phương Bắc xa xôi vào Nam mở đất, lập làng hơn 300 năm trước. Nơi ấy từng là quê hương thứ hai của bậc hiền tài, văn võ song toàn Trương Văn Hiến, từ xứ Nghệ vào đây mai danh ẩn tích, mở trường dạy võ, dạy văn để chọn nhân tài giúp nước. Cơ duyên đến với ba anh em Tây Sơn tam kiệt khi gặp thầy giáo Hiến để thọ giáo, nuôi chí lớn làm nên nghiệp cả. Từ đây, từ thời Tây Sơn, võ cổ truyền Bình Định được vận dụng tài tình đưa vào nghệ thuật quân sự, nâng lên thành sức mạnh của đội quân bách chiến, bách thắng đánh Nam dẹp Bắc, thắng giặc ngoài, dẹp thù trong. Thời Tây Sơn đã quy tụ nhiều võ tướng tài danh khắp nơi. Riêng đất An Nhơn có Đại đô đốc Đặng Văn Long (Nhơn Mỹ), Trương Văn Đa (Nhơn Phúc, là con trai Trương Văn Hiến và con rể Nguyễn Nhạc), Nguyễn Văn Tuyết (Nhơn An)…

Chính từ đây, nền tảng võ Tây Sơn - Bình Định hình thành, phát triển và nâng lên thành võ lý, võ đạo, võ thuật. An Nhơn cũng như nhiều nơi khác trong tỉnh đã là nơi quy tụ, tập hợp nhiều dòng võ từ “Đàng Ngoài” lẫn “Đàng Trong” và tiếp thu, chọn lọc các dòng võ nước ngoài du nhập vào.

Ở An Thái ngày nay vẫn còn lưu truyền môn phái võ họ Lâm, từ ông tổ 4 đời là Lâm Hữu Phong (sinh năm 1855) lần lượt truyền lại cho con trai là Lâm Đình Thọ (tức Hương Kiểm Lài), đến cháu nội là Lâm Ngọc Lài và Lâm Ngọc Phú, rồi đến con của võ sư Lâm Ngọc Phú. Võ sư Lâm Ngọc Phú nối nghiệp cha ông làm Chưởng môn võ đường Bình Sơn, một trong số các võ đường tồn tại lâu nhất ở An Nhơn.

Tôi được nghe một bậc cao niên trong làng võ kể lại, một trong số ít võ sư lừng danh An Thái là Diệp Trường Phát (Tàu Sáu) sinh năm 1896. Ông quả thực là một cao thủ võ lâm, cha là người Hoa gốc Phúc Kiến, mẹ người Việt. Năm 13 tuổi, ông về Tàu để tiếp tục học võ. Sau 15 năm ông trở lại An Thái mở trường dạy võ, là người có công làm phong phú võ Bình Định qua nghiên cứu rút tỉa, pha trộn nhuần nhuyễn giữa võ cổ truyền Việt Nam với võ Tàu, và hòa hợp, bổ sung cho nhau giữa các phái võ trong tỉnh. Ngày nay, dân gian vẫn truyền tụng: “Roi Thuận Truyền, Quyền An Thái” là xuất phát từ câu chuyện võ sư Hồ Ngạnh ở Thuận Truyền tìm đến An Thái diện kiến với võ sư Tàu Sáu. Để trao đổi nghệ thuật, so tài cao thấp, hai cao thủ đứng đầu phái ở Thuận Truyền và An Thái đã nhận lời đấu giao hữu. Quả là danh bất hư truyền, cả hai đều nể phục nhau và Tàu Sáu tặng Hồ Ngạnh câu: “Đoản côn Thuận Truyền duy hữu nhất” (Roi Thuận Truyền chỉ có một), Hồ Ngạnh đáp lại: “Thủ quyền An Thái ngã vô song” (Tay quyền An Thái cũng không hai). Môn phái Bình Thái Đạo của võ sư Tàu Sáu đã đào tạo nhiều môn sinh trở thành những võ sư nổi tiếng ở đây như Chín Kỳ, Năm Tường, Tuần Chấn, Ba Phùng cùng thời với các võ sư Kim Nghĩa, Đoàn Phong (Nhơn Mỹ), Mười Đậu (Nhơn Hậu)… Hai người con trai của ông là Diệp Bảo Sanh, Diệp Bảo Sơn và cháu nội ông hiện sống ở nước ngoài vẫn nối nghiệp võ chân truyền của cha ông. Võ sư Tàu Sáu cũng là người giỏi võ y, nghiên cứu bào chế nhiều loại thuốc để cứu người. Ông cùng nhiều môn sinh đã tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám ở tổng Nhơn Nghĩa và được Việt Minh cử làm Ủy viên quân sự của Ủy ban Cách mạng Lâm thời tổng Võ Duy Dương khi ấy.

Theo sách “Võ cổ truyền Bình Định” của tác giả Lê Thì, thì võ Trung Hoa đã theo chân một số võ sư sang Việt Nam. Cũng như họ Diệp, họ Lâm ở An Thái, đến đầu thế kỷ 19, dòng võ họ Lý, đứng đầu là tổ sư Lý Hùng, từ tỉnh Phúc Kiến du nhập đến Bình Định, buôn bán làm ăn và mở trường dạy võ ở Tuy Phước một thời gian, rồi dời lên lập nghiệp tại Phương Danh (Đập Đá). Sau khi ông qua đời, các thế hệ con, cháu như Lý Xuân Mưu, Lý Xuân Hải, Lý Xuân Kinh, Lý Xuân Tạo, rồi Lý Thành Nhân, Lý Xuân Hỷ đều nối nghiệp cha ông, trở thành võ sư nổi danh trong làng võ cổ truyền Bình Định. Dưới thời võ sư Lý Xuân Tạo (tức Biện Quyền), môn sinh tứ phương tụ hội về đây học võ và phát triển ở nhiều nơi.

Nếu An Thái có thầy giáo Hiến, người có công từ thuở manh nha, khai mở và gắn bó với phong trào nông dân Tây Sơn ngay từ đầu; thì ở Đập Đá có Đinh Văn Nhưng, con của vị thủy tổ Đinh Văn Hòe, gốc Ninh Bình vào lập nghiệp tại làng Thanh Liêm (Nhơn An), sau dời qua Bằng Châu (Đập Đá), đã từng bảo bọc giúp đỡ ông nội ba anh em Nguyễn Nhạc ngày mới từ xứ Nghệ vào lập nghiệp. Đinh Văn Nhưng là người võ nghệ cao cường, tận tâm rèn dạy ba anh em nhà Tây Sơn và ông đã dốc sức ủng hộ lương thảo, ngựa chiến, binh khí cho nghĩa quân Tây Sơn. Khi Nguyễn Nhạc lên ngôi vua đã phong tước cho thầy Nhưng là: “Sanh Sơn Bá”. Vốn là người trọng nghĩa, khinh tài, tính khí ngang tàng nên nhân dân trong vùng gọi ông là “Ông Chảng ngang thiên”.

Khi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta, ở làng Cù Lâm, tổng Nhơn Nghĩa (nay thuộc xã Nhơn Tân) có ba anh em họ Võ (Võ Duy Tân, Võ Duy Dương, Võ Duy Luân) đều yêu nước và võ nghệ siêu cường, đã sớm tham gia chống Pháp. Riêng Võ Duy Dương hưởng ứng chính sách khai hoang, lập ấp ở Đồng Tháp Mười của Vua Tự Đức, đã cùng hàng trăm trai tráng võ sĩ vào Nam, cùng với một số nhà yêu nước chiêu mộ dân binh chống Pháp, chiến đấu bảo vệ thành Gia Định; sau đó, đánh địch ở Đồng Tháp Mười. Võ Duy Dương được phong chức chánh quản đạo, rồi Thiên Hộ, là người có công lãnh đạo trong buổi đầu kháng Pháp ở Nam bộ và hy sinh ở tuổi 39.

Đến phong trào Cần Vương chống Pháp, rồi phong trào Duy Tân chống sưu thuế diễn ra quyết liệt ngay  trên đất thành Bình Định, đã có biết bao võ sư, võ sĩ, trai tráng trong phủ xả thân vì nghĩa. Hàng trăm người con của quê hương đã hy sinh, trong đó có Võ Duy Tân (anh ruột Võ Duy Dương) bị địch bắt và xử chém trước cửa Tiền, thành Bình Định.

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ, võ cổ truyền An Nhơn - Bình Định đã góp phần tạo nên sức mạnh của lực lượng kháng chiến nổi dậy giành chính quyền mùa Thu năm 1945. Khi ấy, cách mạng chỉ mới có vũ khí thô sơ nên võ thuật đã thành thế mạnh trong đánh cận chiến, giáp lá cà, nắm thắt lưng địch mà đánh. Đến nay khi lực lượng vũ trang cách mạng đã từng bước xây dựng chính quy, hiện đại song võ thuật vẫn là một trong những nội dung quan trọng trong huấn luyện kỹ, chiến thuật quân sự.

Không phải ngẫu nhiên mà đất An Nhơn được triều đình Nhà Nguyễn, thời vua Tự Đức chọn mở Trường thi Bình Định tại làng Hòa Nghi - Nhơn Hòa (1852 - 1915), rồi Trường thi võ ở làng An Thành - Nhơn Lộc (1867 - 1884), để thành một trong những trung tâm tuyển chọn nhân tài văn thần, võ tướng cho cả nước. Càng không phải ngẫu nhiên, gần một thế kỷ trước, làng An Thái là nơi tổ chức Lễ hội Đổ Giàn vào dịp Vu Lan, theo chu kỳ tam hạp: Tý - Dậu - Sửu (4 năm một lần). Đây là lễ hội văn hóa - thể thao lớn trong khu vực, được cả nước biết đến, tụ hội hàng ngàn khách thập phương đến dự tế lễ, xem hát bội và chứng kiến cuộc tranh tài giữa các môn phái võ trong tỉnh. Điều này hẳn đã minh chứng vị thế của làng võ An Thái trong nền võ thuật Bình Định. Và, ngày nay, thật có ý nghĩa khi miền đất võ Bình Định được thay mặt cả nước hai lần tổ chức Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam.

Liên hoan là một “cú hích”, khơi dậy, làm bừng lên nghĩa khí đất thượng võ, để võ cổ truyền được khôi phục, chấn hưng. Diệp Lệ Bích, một cô gái 40 tuổi đang ở tận trời Âu, đã ấp ủ tâm nguyện khôi phục cho bằng được môn phái võ Bình Thái Đạo của ông nội - tổ sư Tàu Sáu. Hằng trăm môn phái của Bình Thái Đạo ở trong và ngoài nước được Chưởng môn Diệp Lệ Bích truyền dạy chủ yếu bằng phương pháp thông qua mạng Internet. Cô Bích đã về quê hương An Thái xin chính quyền và bàn với họ tộc xây dựng lại nhà từ đường họ Diệp và khôi phục môn phái võ Bình Thái Đạo ngay trên chính nơi võ sư Tàu Sáu lúc sinh thời sinh sống và dạy võ.

Dù phải tự bươn chải, nhưng nhiều võ đường nghiệp dư ở An Nhơn vẫn không để bị mai một, duy trì đào tạo bao thế hệ môn sinh như các võ đường: Bình Sơn (An Thái), Lý Xuân Hỷ (Đập Đá), Lý Xuân Cảnh, Đặng Đức Bình, Lê Đình Minh (Nhơn Hưng), Nguyễn Đức Thọ (Nhơn Hậu), Huỳnh Văn Hòa (Nhơn Thọ), Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Duy Phương (Nhơn Hòa) và ba võ đường của ba anh em Đỗ Đức Tuấn, Đỗ Văn Út, Đỗ Văn Tám (thị trấn Bình Định)… Tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, vẫn duy trì thường xuyên CLB Võ Thuật Võ Vovinam, hàng năm đào tạo hàng trăm võ sinh, nhiều năm nay đã trở thành vệ tinh, tuyển chọn võ sinh cung cấp cho Trường Năng khiếu TDTT  của tỉnh.

Những người tâm huyết với nghiệp võ vẫn hằng mong muốn tỉnh ta thành lập được một trường võ hẳn hoi, quy định cấp học, bậc học cụ thể; cấp bằng hoặc giấy chứng nhận đàng hoàng, quy tụ các võ sư nổi tiếng đã từng đóng góp cho sự nghiệp võ đạo, võ học, võ thuật để biên soạn giáo trình và tham gia giảng dạy; nguồn võ sinh được chiêu sinh rộng rãi theo lứa tuổi và rút tỉa, tuyển chọn từ các CLB, võ đường ở cơ sở… Đồng thời, có chính sách, chế độ, quy chế hoạt động, quy chế đấu đài, quy chế cấp bằng võ sư… dựa trên tiêu chí về định lượng, chất lượng đào tạo của các võ đường nghiệp dư để nuôi dưỡng họ tồn tại và phát triển. Ngoài ra, nên đưa chương trình giảng dạy võ cổ truyền vào trường học phổ thông, và tiếp tục thực hiện xã hội hóa võ cổ truyền; thường xuyên phát động, khơi dậy phong trào học võ trong nhân dân, nhất là lớp trẻ. Làm được như vậy, quả là “góp gió thành bão”, nhằm làm cho võ cổ truyền trên quê hương thượng võ Bình Định sớm được khôi phục, phát triển vì mục đích: “Dân cường, nước thịnh” trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

  • Trần Duy Đức
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một nhà võ “tứ đại đồng đường”  (21/11/2008)
Gặp lại “Hùm xám miền Trung”  (09/11/2008)
Vươn lên từ khó khăn  (10/09/2008)
Người truyền bá võ Bình Định ở xứ Trầm Hương  (03/09/2008)
Những người truyền bá võ Bình Định ở trời Tây  (06/08/2008)
Tây Sơn luận kiếm  (03/08/2008)
Dấu ấn Bình Định   (02/08/2008)
Nơi sông trở về   (02/08/2008)
Thế hệ mới ở các làng võ  (25/07/2008)
Bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định  (11/07/2008)
Chủ nhà hưng phấn  (09/07/2008)
Gặp một huyền thoại đất Võ  (04/07/2008)
Sẽ khôi phục các làng võ đặc trưng của Bình Định  (09/05/2008)
Trận đài một độ một đêm  (21/03/2008)
Người giữ gìn những đường roi tuyệt kỹ  (20/03/2008)