Ở Bình Định, câu ca “Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền” không chỉ là ký ức. Đến với những võ đường tại gia, những CLB võ thuật ở Quy Nhơn, ta vẫn có thể bắt gặp hình ảnh những cô gái say mê với từng đường thương, thế quyền.
|
Một nữ võ sinh đang biểu diễn võ tại võ đường Lý Xuân Cảnh (An Nhơn).
|
* Khi con gái “bỏ roi đi quyền”
Theo chân anh Hồ Sỹ (con trai võ sư Hồ Sừng, thôn Hòa Mỹ, xã Bình Thuận, Tây Sơn) chúng tôi tìm đến nhà nữ võ sinh Phạm Thị Nhượng ở cùng thôn. Nhượng đang học lớp 12, Trường THPT Tây Sơn, là “đệ tử ruột” của thầy Hồ Sỹ, cũng là thành viên đội tuyển võ thuật của huyện. Nhượng bắt đầu học võ từ hè năm 1994. Lúc ấy, không hiểu sao, Nhượng lại bỗng thấy thích thú lạ kỳ với những cú đánh, đường roi... Mỗi ngày học lỏm một nét, đến khi Nhượng nhớ trọn một bài quyền, bèn lẻn ra góc vườn đánh thử. Mải mê, Nhượng đâu biết phía sau lưng, ba anh em Hồ Cương, Hồ Bé, Hồ Sỹ đứng khoanh tay trước ngực, nhìn con bé nhỏ choắt huơ tay múa chân. Họ nhìn nhau gật gù. Từ đó, Nhượng chính thức trở thành đồ đệ bé của võ đường họ Hồ.
Điều thú vị là, trong ngôi nhà của gia đình Nhượng, không chỉ mình Nhượng biết võ. Bà nội của Nhượng là Nguyễn Thị Thùy, vốn là người làng An Vinh, cũng từng học võ. Bà cụ đã hơn 80 tuổi, lưng còng, tóc bạc, đi phải dò dẫm từng bước. Cây thương Nhượng dựng nơi góc nhà, với bà nay cũng quá sức. Nhưng những chiều tắt nắng, dưới tán xoài, bà lại bắc cái ghế đẩu, ngồi xem cháu múa võ, rồi dò dẫm bước lại, cầm tay chỉ bảo, rằng tay giương thế nào, chân tấn ra sao cho đẹp, mắt phải nhìn như thế nào mới toát hết cái thần thái đường thương, thế võ...
Chúng tôi lại đến nhà bé Phan Thị Ngọc Cầm, một nữ võ sinh nhí trong thôn. Tiếp chúng tôi, anh Phan Văn Lập, cha của Cầm, cho biết: Ba thế hệ trong gia đình anh đều là võ sinh võ đường Hồ Sừng. Năm Cầm 5 tuổi, anh gởi con sang nhà chú Sỹ, nhờ dạy võ. Ban đầu, anh cũng chỉ nghĩ là cho con theo học vài tháng cho biết để có chút võ phòng thân; sau thấy con có năng khiếu, anh tiếp tục cho con theo học. Đến giờ, Cầm học võ đã 5 năm. Cô bé cao khoảng 1,2m, trong khi cây thương lại dài 1,4m, vượt quá đầu. Thế nhưng, trước sự chứng kiến của thầy Hồ Sỹ, em biểu diễn bài “Độc long thương” rất thuần thục và có thần thái. Tôi hỏi Cầm vì sao thích võ, cô bé thật thà: “Con thấy các chú, các anh chị múa võ đẹp quá nên xin ba má cho đi học. Con thấy thích, muốn được học hoài chứ cũng hổng biết tại sao mình lại thích nữa!”.
|
Võ sinh nhí Phan Thị Ngọc Cầm biểu diễn “Độc long thương”.
|
* Mạch nguồn vẫn chảy
Người dân làng võ An Vinh vẫn tương truyền giai thoại về cô Tám Cảng, con gái của võ sư Hương mục Ngạc. Vóc dáng mảnh mai, vậy mà cô từng hạ hàng chục võ sĩ. Còn thế hệ nữ võ sinh hôm nay, khi chúng tôi tìm đến, có em đang nấu cơm, có em đang mải chơi nhảy dây hay trốn tìm. Nét hồn nhiên đời thường khác hẳn khi các em thượng đài trên sàn đài mỗi mùa xuân: mắt sáng quắc cương nghị, tay vung mạnh mẽ.
Người dân Hòa Mỹ vẫn kể nhau nghe chuyện chị Đ.T.Y. Thời con gái, chị Y. cùng mẹ xuôi ngược đi buôn liên tỉnh. Những lần buôn xa, mẹ con chị đều bị các bạn buôn khác cậy thế bắt nạt. Ức quá, chị đến lò võ Hồ Sừng xin học vài thế hộ thân. Mang cái vốn ấy, chị tiếp tục hành trình mưu sinh. Đến các chợ Sài Gòn, bạn trong nghề quen thói bắt nạt. Biết mình là người phương xa, chị lấy dĩ hòa vi quý làm thân. Tuy nhiên, họ càng hung hăng, đạp bể bánh tráng, vứt hàng họ của mẹ con chị. Vậy là giữa chợ, chị rút đòn gánh, tả đột hữu xông, thân hình xoay chuyển nhanh như cắt. Các bạn buôn ỷ thế đông xông vào, chị tung các đòn thế khiến họ lăn kềnh. Người trong chợ ai nấy chỉ trỏ thán phục. Từ đó, dân buôn bán với nhau mỗi khi nhắc đến tên chị đều không quên “đính” theo thương hiệu “gái Bình Định”. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối chị vận dụng các thế võ trong cuộc mưu sinh.
Võ sư Hồ Sừng (làng võ Thuận Truyền, thôn Hòa Mỹ, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn) cho biết: không có sự khác biệt giữa võ dành cho con trai hay con gái. Tùy vào sự tiếp thu của võ sinh, người thầy có cách dạy cho phù hợp. Con gái thường thua con trai về thể lực, nhưng bù lại, rất mềm dẻo, quan sát tốt, lại hiền ngoan. |
Theo anh Hồ Sỹ, phong trào nữ học võ những năm gần đây sôi động hơn, chủ yếu là do sự thay đổi quan niệm ở các bậc phụ huynh. Lối suy nghĩ “con gái mà suốt ngày võ nghệ, có khi… ế” phần nào đã thay đổi trước sức sống của tinh thần thượng võ. “Khoảng mươi năm trước, tìm một đồ đệ nữ để truyền võ và thuyết phục cha mẹ cho đi thi đấu, khó như... mò kim đáy bể. Giờ thì vui rồi, tụi nó xắn quần bó gối, hăng say kiên trì tập không thua gì con trai, không xấu hổ chi hết”- anh Hồ Sỹ phấn khởi.
Mà phong trào nữ nhi theo võ học cũng không chỉ phát triển mạnh ở các làng võ thuộc các huyện Tây Sơn, Tuy Phước, An Nhơn; đến các CLB võ thuật ở Quy Nhơn, chúng tôi cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh các cô bé tuổi lên 7, lên 10 trong trang phục võ cổ truyền quen thuộc, đang tập những bài cơ bản trong thập nhị yếu pháp. Ở những lớp này, số nữ võ sinh thường chiếm đến một phần ba. Những nữ võ sinh mà tôi gặp, hết thảy đều rất dịu dàng, hồn nhiên, có phần bẽn lẽn khi “bị” người lạ phát hiện là mình biết võ.
Bé Trương Thị Mỹ Thơ (nhà số 140, đường Bạch Đằng, Quy Nhơn) đang học võ cổ truyền do thầy Nguyễn Thành Viện phụ trách tại Sân vận động Quy Nhơn, hớn hở khoe: “Sau 5 tháng học, em biết được các bài như đinh tấn, ngựa kim kê, ngựa chảo mã, bài lão hổ, thần đồng, tứ linh đao. Thấy em học được, ba mẹ vui lắm. Mấy tháng nay, ngày nào ba bận thì mẹ đưa đón em đến lớp võ”.
|