Đi tìm nguồn gốc võ cổ truyền dân tộc
1:22', 26/1/ 2009 (GMT+7)

Trước xu thế hội nhập, nhiều môn võ quốc tế đã và đang phát triển như vũ bão trên đất nước ta, khiến cho nhiều người lầm tưởng võ cổ truyền Việt Nam (VCTVN) cũng chỉ là “phiên bản” của các môn võ có nguồn gốc từ Phương Đông, nhất là dòng võ Thiếu Lâm của Trung Hoa. Vậy đâu là sự thật?. Ở đây chúng tôi muốn nêu một vài cứ liệu cơ bản để khẳng định nguồn gốc của VCTVN, sự giống nhau và khác nhau của nó.

Biểu diễn Hùng kê quyền.  

Theo sách “Các triều đại Việt Nam”, “Đại Nam nhất thống chí” và các tư liệu, hiện vật cổ, sưu tầm ở một số nơi trong cả nước. Đặc biệt, những cứ liệu có liên quan đến VCT dân tộc vừa phát hiện ở vùng đất võ Bình Định, cố đô Huế, bước đầu cho thấy: VCTVN được hình thành từ các thao tác lao động sinh tồn hàng ngày, như: săn bắt, hái lượm, chài lưới, ném đẩy, chạy nhảy, bơi lặn …và sử dụng các công cụ lao động thông thường hàng ngày, như: gậy gộc, mỏ gảy, cào cỏ, cuốc chỉa, phãng, giáo, mác, cung, kiếm, dao, rựa, rìu, búa …, được con người lặp đi, lặp lại từ đời này sang đời khác. Đồng thời mô phỏng theo từng tính năng di động đặc thù, các tư thế tự vệ, tấn công giản đơn, mang tính bản năng của một số loài động vật mà người xưa thường xuyên tiếp cận, như: gà, mèo, chim, rắn, khỉ, hổ (cọp), heo rừng, sư tử, voi, tê giác, cá sấu…nhằm chế ngự và bảo tồn tính mạng cho bản thân và gia đình (qua nghiên cứu, hiện nay hầu hết các bài quyền, các bài binh khí đều có nguồn gốc xuất phát từ đây). Song, mãi đến thời kỳ chiếm hữu nô lệ, xã hội bắt đầu bước vào giai đoạn phân chia giai cấp, kẻ mạnh luôn tìm cách đàn áp, chiếm đoạt thành quả của những người thế cô sức yếu, buộc họ phải tự trang bị cho mình những thế võ giản đơn cùng những công cụ hỗ trợ được hình thành trong quá trình lao động, săn bắt, để tự vệ lập thân, giữ nhà, giữ của. Tuy nhiên cũng chỉ dưới dạng đơn lẻ, tự phát theo cảm tính riêng của mỗi người là chủ yếu.

Thực chất nó chỉ được gắn kết giữa các động tác đơn lẻ, giản đơn thành những bài võ căn bản và trở thành vũ khí cực kỳ lợi hại, không chỉ chống lại thú dữ, cướp bóc, chống chọi với bệnh tật, thiên nhiên khắc nghiệt mà còn góp sức đánh đuổi ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, kể từ khi các Nhà nước phong kiến ở nước ta ra đời và phát triển. Từ đây, thuyết Âm - Dương ngũ hành của Phương Đông cũng được các nhà nghiên cứu võ học vận dụng vào quá trình xây dựng các chuẩn mực, qui phạm hành xử, luật lệ chuyên môn, hệ thống lý luận, vận hành từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, phối kết hợp giữa nhu với cương, giữa nội công với ngoại công, giữa tâm pháp với thần pháp, thân pháp, khí pháp, nhãn pháp và các thuật điểm huyệt, giải huyệt, chữa bệnh bằng các phương pháp y võ…với những bí quyết đầy biến ảo và hiệu nghiệm, tạo giềng móng vững chãi để các triều đại sau này áp dụng một cách toàn diện vào các qui trình, thể lệ, tiêu chí thi cử, khảo hạch, mở trường đào luyện và trọng dụng những người uyên thâm võ nghệ, cất nhắc vào các phẩm bậc, chức vụ quan trọng, nhất là trong nghệ thuật quân sự và các phép luyện binh, dụng binh, nghi binh, hành binh. Đặc biệt từ năm Bảo Thái thứ 2 (1721), nhà vua đã chính thức thành lập Sở Võ học (sau đổi thành Trường Võ học), để thâu nhận con em các quan lại và thần dân giỏi võ, đào tạo theo một chương trình bắt buộc với những qui tắc, thể lệ, chu kỳ thi cử, phân định trình độ, hàm chức hết sức nghiêm ngặt. Càng về sau, việc thi cử càng nâng cao hơn, thí sinh  phải trải qua 3 kỳ sát hạch về năng khiếu, sức chịu đựng, lòng quả cảm, trước khi bước vào phần thi tài thao lược võ nghệ, phương cách bài binh bố trận (lập trận đồ). Người trúng tuyển phải tiếp tục thi phần trắc nghiệm và thụ giáo thêm 4 năm ở trường, trước khi được nhà vua ban tước hiệu Tạo sĩ (tương đương Tiến sĩ võ ở các triều đại sau đó). Lúc bấy giờ cả nước có 9 trường thi: Tuyên Quang, An Bang, Sơn Nam, Tam Giang, Kinh Bắc, Hải Dương, Thanh Hoá, Nghệ An, Thuận Hoá. Đây được coi là mốc son quan trọng đánh dấu bước ngoặc lịch sử của VCT dân tộc bắt đầu chuyển sang giai đoạn phát triển về chất của nền võ học nước nhà. Tiêu biểu, dưới thời Tây Sơn (1778 – 1802), tuy chỉ tồn tại chưa đầy 1/4 thế kỷ, nhưng đã đem lại thịnh trị cho muôn dân. Một trong những kỳ công vĩ đại của Hoàng đế Quang Trung (Nguyễn Huệ) là đã dày công nghiên cứu, kế thừa và sáng tạo những giá trị đích thực, tinh hoa truyền thống của nền võ học dân tộc, để xây dựng thành hệ thống liên hoàn, phù hợp với điều kiện địa lý, khả năng tác chiến và đặc điểm hình thể của người VN, bao gồm: võ lý, võ đạo, võ lễ, võ thuật, võ y, võ nhạc…trong một chỉnh thể thống nhất, hỗ tương lẫn nhau, tạo nên sức mạnh vô địch, được nhàTây Sơn nâng lên hàng “Quốc võ”. Trong đó võ lý cùng hệ thống các bài Thiệu cổ (viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, dưới dạng thơ, văn xuôi ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ) được ví như ngọn đuốc soi đường, vạch lối và là những chuẩn mực, định lượng, tiêu thức mang tính bắt buộc để người dạy và người học tuân thủ. Đây cũng chính là áng hùng văn bất hủ của nền võ học chân truyền VN, để khẳng định tính “pháp lý”, tránh sự ngộ nhận và lẫn lộn với các dòng võ nước ngoài (cho đến nay vẫn chưa thấy các môn võ nước ngoài có sử dụng bài Thiệu cổ giống như các bài võ của nước ta). Nhờ vậy nên cho dù đất nước ta tuy liên tục bị ngoại xâm và triền miên chiến sự cùng với những biến thiên của thời cuộc, nhưng vẫn giữ được những tinh hoa văn hoá độc đáo, những bài võ chân truyền và các nguyên lý cơ bản của nền võ học dân tộc, không hề bị lai căng, đồng hoá.

Có thể nói, với nền võ học đồ sộ, uyên thâm, bí truyền và cực kỳ phong phú của dân tộc đã cùng đất nước đi suốt cuộc trường chinh đánh giặc giữ nước, đã thấm sâu vào máu thịt và trở thành niềm tự hào của bao thế hệ người dân đất Việt, góp phần tạo nên truyền thống thượng võ và sức mạnh VN. Trong đó Bình Định vẫn luôn xứng đáng là “người lính” tiên phong trên bước đường gìn giữ, tôn tạo các giá trị đích thực, góp phần bồi đắp và làm rạng rỡ nền võ học nước nhà. Cụ thể là qua 2 lần tổ chức thành công Liên hoan quốc tế VCTVN đã thu hút hàng ngàn lượt môn đồ trung thành với VCT dân tộc từ khắp mọi miền đất nước và trên 60 môn phái ở khắp năm châu cùng phát nguyện hành hương về miền đất võ oai hùng, với thành tâm vun đắp vì một ngày mai tươi sáng.

Mong thay, toàn bộ những tinh hoa của nó sẽ được đúc kết và sớm được đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, như dòng võ Thiếu Lâm của Trung Quốc, để mãi trường tồn và sánh vai với các nước trên thế giới.

  • Phạm Đình Phong

(Phó chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khi võ Bình Định lên phim  (11/01/2009)
Con gái Bình Định thời nay đi quyền  (05/01/2009)
Đất võ An Nhơn  (03/01/2009)
Một nhà võ “tứ đại đồng đường”  (21/11/2008)
Gặp lại “Hùm xám miền Trung”  (09/11/2008)
Vươn lên từ khó khăn  (10/09/2008)
Người truyền bá võ Bình Định ở xứ Trầm Hương  (03/09/2008)
Những người truyền bá võ Bình Định ở trời Tây  (06/08/2008)
Tây Sơn luận kiếm  (03/08/2008)
Dấu ấn Bình Định   (02/08/2008)
Nơi sông trở về   (02/08/2008)
Thế hệ mới ở các làng võ  (25/07/2008)
Bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định  (11/07/2008)
Chủ nhà hưng phấn  (09/07/2008)
Gặp một huyền thoại đất Võ  (04/07/2008)