Dấu xưa con gái An Vinh
14:24', 26/3/ 2009 (GMT+7)

Ở tuổi 78 nhưng bà Sự trông trẻ khỏe, minh mẫn lắm. Có lẽ nhờ căn cốt rèn luyện tốt nên đến giờ động tác vẫn còn linh hoạt. Ảnh: Sao Ly

Thành ngữ “Trai An Thái, Gái An Vinh”, “Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh”… vẫn còn nhiều người biết. Nhưng khi tìm gặp những người con gái An Vinh (Tây Vinh-Tây Sơn) giỏi võ, chúng tôi chỉ gặp được những… lão bà.

* “Của tin còn lại chút này”

Nghe tôi hỏi, đôi mắt già nua của ông cụ Hồ Diêu (87 tuổi) hiện rõ sự ngạc nhiên pha lẫn thích thú: “Tìm đàn bà, con gái xứ An Vinh biết võ à? Lớp trẻ tôi không rành, còn muốn tìm bà già biết võ thì cứ đến nhà bà Cúc ở đội 1 và bà Hoàng Sự đội 4, chắc chắn không uổng công”.

Tuổi 80 và căn bệnh thấp khớp làm bà Nguyễn Thị Cúc khòm lưng, đi lại chậm chạp, nặng nề. Nhìn bà bước chậm, tôi không khỏi hồ nghi. Nỗi e ngại xóa tan khi bà trả lời câu hỏi của tôi “Ngày xưa bà từng học võ và biết đánh võ?” bằng cử chỉ gật đầu cái rụp: “Biết, biết chớ”. Nói về võ, thần sắc, dáng vẻ của bà khác hẳn.

Năm 15 tuổi, bà Cúc bắt đầu được cha là ông Nguyễn Giao, người cùng thời với Hương Kiểm Mỹ, Cai Bảy nổi tiếng, dạy võ. Nhà ông Giao xưa vốn thuộc xóm An Khánh, mặt trước nhìn ra sông Côn. Những đêm trăng sáng, lớp lớp võ sinh của các lò võ Hương Kiểm Mỹ, Cai Bảy, Nguyễn Giao… xếp hàng tập võ kín cả mé sông. Thế hệ bà Nguyễn Thị Cúc, Trần Thị Dùa (bạn tập võ cùng thời với bà Cúc, nay đã mất), Nguyễn Thị Tùng (con gái Hương Kiểm Mỹ) cũng say mê tập. Bà kể: “Cha tôi hay bảo, thời buổi loạn lạc, con gái biết chút ít võ nghệ để hộ thân, chứ giỏi võ quá như bà Tám Cảng lại khó lấy chồng. Bởi vậy, ông chỉ dạy tôi mấy bài cơ bản”.

Trong ký ức bà, hình ảnh những đêm võ đài, vừa biểu diễn cho bà con xem, vừa để cấp trên đánh giá tình hình tập luyện nhân kết thúc khóa huấn luyện dân quân còn tươi nguyên. Võ đài được dựng dưới những tán cây rậm rạp để tránh máy bay. Bà đại diện cho đơn vị An Vinh, tóc bới cao, mặc bộ đồ vải ta may kiểu bà ba, quần rút ống, thượng đài múa bài kiếm 12, đạt giải Nhất, được thưởng tới 250 đồng.

Bà Hoàng Sự tên thật là Phan Thị Bốn. So với bà Cúc, ở tuổi 78, nhưng bà Sự trông trẻ khỏe, minh mẫn hơn. Vốn là nữ dân quân “vàng mười”, không chỉ biết võ, bà Sự còn am tường ca dao, tục ngữ, ngâm thơ, hô bài chòi rất hay. Tài võ của bà Sự thể hiện rõ nhất ở bài kiếm 12. Trong những lần dự họp Hội Người cao tuổi ở thôn, xã, huyện, phần văn nghệ ít khi thiếu mặt bà Sự, và sau hô bài chòi vẫn là màn múa võ. Có lẽ, nhờ căn cốt rèn luyện tốt nên đến giờ động tác của bà còn linh hoạt lắm.

* Sẽ không còn “gái An Vinh”?

Trong một góc sân mát, bà Cúc biểu diễn bài “Thảo tay”. Bàn tay gầy gò của bà vẫn còn đủ sức tung cú đấm nhanh, gọn ghẽ. “Lên đài”, đôi mắt bà thôi không mờ đục trong một lúc mà sáng bừng, cương nghị. Người con gái đứng sau lưng luôn miệng nhắc: “Nhẹ nhẹ thôi nghe mẹ”. Vài động tác đầu bà còn ngượng nghịu, liếc nhìn khách, nhìn con gái, phút sau bà dường như quên sự hiện diện của hai chúng tôi. Trước sự can thiệp dứt khoát của con gái, và cũng thấm mệt, bà đành nhượng bộ. Bà Hoàng Sự sức khỏe khá hơn, múa trọn vẹn bài kiếm 12, xem chừng còn “thòm thèm”, bà di di đôi gót chân, ứ ự ừ ư một hơi hát bộ.

Tôi tìm đến nhà võ sư Trần Dần cách nhà bà Cúc không xa, mong được chứng kiến thế hệ “gái An Vinh” hôm nay đi quyền. Võ sư trầm ngâm: “Chính tôi cũng thấy lạ, từ sau huyền thoại bà Tám Cảng, con gái An Vinh không còn mấy ai mặn mà chuyện võ nghệ. Trong số vận động viên võ của địa phương, không thấy cái tên nào nổi trội. Thế hệ nữ dân quân trong chiến tranh biết võ phần nhiều đã mất, trong làng vỏn vẹn bà Cúc và bà Sự còn nhớ chút ít. Lớp phụ nữ trung niên cũng không ai biết, phụ nữ trẻ lo làm kinh tế, lớp nhỏ lo chuyện học hành. Phong trào học võ chỉ còn ở lớp học sinh, chủ yếu biết đến mức chỉ để tăng cường sức khỏe thôi. Tôi e dần dà, cái tiếng “gái An Vinh” có lẽ rồi cũng mất”.

  • Sao Ly
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gặp một thầy võ trẻ  (18/03/2009)
Đi tìm nguồn gốc võ cổ truyền dân tộc   (26/01/2009)
Khi võ Bình Định lên phim  (11/01/2009)
Con gái Bình Định thời nay đi quyền  (05/01/2009)
Đất võ An Nhơn  (03/01/2009)
Một nhà võ “tứ đại đồng đường”  (21/11/2008)
Gặp lại “Hùm xám miền Trung”  (09/11/2008)
Vươn lên từ khó khăn  (10/09/2008)
Người truyền bá võ Bình Định ở xứ Trầm Hương  (03/09/2008)
Những người truyền bá võ Bình Định ở trời Tây  (06/08/2008)
Tây Sơn luận kiếm  (03/08/2008)
Dấu ấn Bình Định   (02/08/2008)
Nơi sông trở về   (02/08/2008)
Thế hệ mới ở các làng võ  (25/07/2008)
Bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định  (11/07/2008)